Câu lạc bộ Luật học Themis
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Bài viết này gồm ba phần, trong phần (1) sẽ nêu lên tổng quan về những nghề nghiệp mà một cử nhân Luật có thể làm sau khi tốt nghiệp. Phần (2) là một số kinh nghiệm của bản thân trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Cuối cùng, trong phần (3) sẽ là một số những lời khuyên để việc học Luật trở nên hiệu quả hơn mà Câu lạc bộ Luật học Themis muốn gửi tới độc giả.
1. Tổng quan ngành luật và thị trường nghề luật tại Việt Nam
1.1. Ngành Luật và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai
Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển trên toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ, …Chính nhu cầu phát triển khách quan của xã hội đã đẩy mạnh quá trình chuyên môn hóa, sự phân công lao động xã hội cực kỳ rõ nét, mỗi nhóm ngành nghề đều đóng một vai trò nhất định, thể hiện vị trí của riêng mình. Và ngành Luật cũng không nằm ngoài quy luật, xu thế khách quan này.
Ngành Luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để mô tả nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, được đào tạo tại các cơ sở đào tạo luật. Nội dung chương trình đào tạo cử nhân luật phải đảm bảo người học phải có được những kiến thức lý luận vững chắc về nhà nước và pháp luật, về hệ thống pháp luật, về kỹ năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật dân sự, lao động, kinh doanh – thương mại, hôn nhân – gia đình, hình sự, …
1.2. Tầm quan trọng của ngành Luật trong thời kỳ hội nhập kinh tế và cơ hội nghề nghiệp
Nền kinh tế của nước ta đang vươn mình phát triển để hội nhập được với nền kinh tế của thế giới. Các công ty, doanh nghiệp trong nước hoặc những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài cũng không ngừng mở rộng và phát triển. Quá trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế đang diễn ra với những bước phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế, hành lang pháp lý và những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được quan tâm và đảm bảo chặt chẽ ở tất cả các khâu. Theo đó, ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng đang và sẽ trở thành công cụ bảo hộ ưu việt nhất góp phần bảo vệ sự an toàn, duy trì sự ổn định và mang đến hiệu quả cao nhất có thể trong quá trình hoạt động của các đơn vị kinh doanh. Việc nắm bắt và trang bị tất cả những kiến thức cần thiết về luật pháp trong và ngoài nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào liên quan đến các hoạt động kinh tế. Vì lẽ đó, ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng được xem là một ngành quan trọng, không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ngày nay, cử nhân luật ra trường có cơ hội việc làm rất đa dạng và hấp dẫn, không chỉ còn bó hẹp trong các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp,… Họ có thể làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong một vài năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần tới khoảng 18.000 nhân sự ngành luật, trong đó có 3000 chấp hành viên, 2000 công chứng viên, 300 thẩm tra viên và chuyên viên thừa phát lại. Luật kinh tế là một trong những lĩnh vực thiếu nhân lực trầm trọng nhất trong ngành này. Nhu cầu tuyển dụng dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới bởi nhu cầu của con người ngày càng cao và bởi vì chính vai trò vô cùng quan trọng của Luật kinh tế trong xã hội hiện đại.
2. Thị trường nghề luật ở Việt Nam
2.1. Phân loại nghề luật tại Việt Nam
a. Phân loại theo môi trường làm việc
Khối nhà nước:
• Tòa án.
• Viện kiểm sát.
• Công an, quân đội.
• Bộ phận pháp chế của các cơ quan nhà nước ….
Ưu điểm: Tính ổn định cao.
Nhược điểm: Có sự gò bó nhất định vì công việc chịu sự chi phối của các nguyên tắc trong cơ quan nhà nước. Ngoài ra, mức thu nhập của khối nhà nước thường không cao bằng khối tư nhân và trên thực tế cũng khá ít cơ hội tuyển dụng.
Khối tư nhân:
• Công ty luật, công ty tư vấn, văn phòng luật sư (tư vấn, tranh tụng).
• Bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp.
• Văn phòng công chứng…
Ưu điểm: Không bị gò bó, được tự do, sáng tạo trong công việc, miễn là kết quả cuối cùng tốt; mức thu nhập nhìn chung cao hơn; cơ hội nghề nghiệp tương đối nhiều.
Nhược điểm: Tính ổn định không cao; áp lực công việc lớn, chuyện làm thêm ngoài giờ là khá phổ biến.
b. Phân loại theo định hướng
Định hướng nghiên cứu, học thuật (Academic)
• Giảng viên
• Nghiên cứu viên tại các Viện
• …
Định hướng thực tiễn:
• Luật sư tư vấn, tranh tụng
• Pháp chế
• Công chứng viên
• Tòa án, viện kiểm sát
• …
2.2. Một số kinh nghiệm lựa chọn nghề nghiệp
a. Nên có định hướng nghề nghiệp càng sớm càng tốt
Có thể nói, việc một sinh viên Luật có định hướng nghề nghiệp từ sớm sẽ có rất nhiều lợi thế so với các bạn đồng trang lứa. Việc định hướng sớm giúp sinh viên chuẩn bị hành trang cho công việc từ sớm, tăng cơ hội cạnh tranh, tìm được việc làm ưng ý sau khi tốt nghiệp.
b. Hãy chọn nghề phù hợp với các tố chất của bản thân
Thấu hiểu bản thân là một điều quan trọng để tìm được công việc phù hợp. Một công việc phù hợp là một công việc phát huy được những thế mạnh, những tố chất nghề nghiệp của bản thân.
Vậy làm sao để biết được thế mạnh và tố chất cá nhân của bản thân? Câu trả lời là hãy trải nghiệm bằng cách tham gia các hoạt động của nghề nghiệp như tư vấn, nghiên cứu, thực tập tại doanh nghiệp, tham gia các buổi xét xử tại Tòa án, … Nếu không có cơ hội trực tiếp trải nghiệm thì việc tham gia các tọa đàm trao đổi, các buổi giao lưu, hướng nghiệp được hợp tác tổ chức giữa trường Luật và các đơn vị (doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ,…) cũng rất hữu ích. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho những người trong nghề, sẽ không ai từ chối một sinh viên có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi.
3. Những điều cần biết trước khi học Luật
3.1. Sử dụng thành thạo tiếng Anh và học thêm một ngoại ngữ khác nếu có thể
Điều đầu đó chính là đã không rèn luyện cho mình một vốn tiếng Anh thật tốt khi còn học đại học. Không có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng để thành công trong nghề Luật thì bạn bắt buộc phải có ngoại ngữ, nhưng nếu có ngoại ngữ thì bạn sẽ có thêm rất nhiều cơ hội để thành công.
Trong ngành luật, ngoại ngữ là điều kiện cần để tiếp cận được các cơ hội nghề nghiệp tốt với mức thu nhập cao. Các công ty luật lớn đều yêu cầu nhân viên phải sử dụng thành thạo tiếng Anh. Ngoài ra, nếu tiếng Anh của bạn tốt thì bạn cũng có thể tự nâng cao trình độ bản thân bằng cách tìm đọc tài liệu nước ngoài, tham gia các khóa học miễn phí trên internet. Đối với những bạn có định hướng đi du học thì việc thành thạo tiếng Anh là điều bắt buộc.
Khuyến nghị: Bạn nên thành thạo tiếng Anh và nếu có thể thì hãy học thêm 1 ngoại ngữ khác (Hàn, Nhật, Trung là những lựa chọn tốt trong thời điểm hiện tại). Dưới đây là một số tips bạn có thể áp dụng để học ngoại ngữ:
- Dành thời gian cho ngoại ngữ. Muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do. Nếu bạn thật sự muốn học thì bạn sẽ có cách để học. Bạn có thể học trên xe bus, học trong lúc đợi nhân viên phục vụ mang đồ uống, luyện nghe trong lúc nấu ăn, tắm,…
- Học đều đặn. Bạn không nhất thiết phải dành vài tiếng một ngày để học tiếng Anh nhưng hãy dành thời gian đều đặn mỗi ngày 15 – 20 phút,…để học. Hãy cố gắng đừng bỏ ngày nào cả.
- Kỷ luật bản thân là rất quan trọng. Hãy duy trì thói quen học tiếng Anh hàng ngày. Đừng lười, đừng lười, đừng lười!!!
- Đăng ký một kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để có mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
3.2. Định hướng tương lai từ sớm là một lợi thế
Nghề luật là một nghề có nhiều nhánh cho bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Bạn có thể trở thành luật sư làm tại các công ty luật, làm pháp chế doanh nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy hay làm việc ở cơ quan nhà nước,… Mỗi hướng đi lại có đặc thù khá khác nhau, bởi vậy, để thành công với con đường của mình thì bạn phải tìm hiểu và biết rõ về con đường đó càng sớm càng tốt.
Ví dụ: Điểm trung bình trên lớp (GPA) không hẳn là quá quan trọng với một bạn muốn theo định hướng làm pháp chế doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ quan tâm tới kinh nghiệm và khả năng làm việc thực tế của bạn hơn, nói nôm na thì bạn “cứ làm được việc là được”. Nhưng ngược lại, nếu bạn có ý định theo hướng nghiên cứu và đi du học thì GPA sẽ là một phần rất quan trọng trong hồ sơ du học.
Tương tự, với “hướng đi” luật sư cũng vậy. Các công ty luật lớn thường ít khi đăng tuyển thực tập sinh/ nhân viên một cách rộng rãi. Thay vào đó, các hãng luật lớn sẽ “ngắm” trước ứng viên từ khi các bạn ấy còn là sinh viên. Các công ty này thường có những suất thực tập cho các bạn được giải cao trong các cuộc thi học thuật. Một số công ty lớn (YKVN, Baker McKenzie,…) còn có quỹ học bổng dành riêng cho các bạn sinh viên xuất sắc và sẽ tuyển chọn thực tập sinh cho công ty trong số những bạn đạt được học bổng này luôn. Các học bổng này không chỉ bao gồm cơ hội tài chính mà còn mang lại cơ hội được đào tạo cho các bạn sinh viên, rất xứng đáng để các bạn phấn đấu.
3.3. Tham gia các cuộc thi học thuật, nghiên cứu khoa học
Nếu bạn không thể sớm lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp thì sao? Rất đơn giản, hãy trở thành một sinh viên xuất sắc ở trường luật. Nếu làm được điều này thì bạn có thể tự do lựa chọn bất cứ hướng đi nào, có thể nắm bắt ngay khi cơ hội “ập” đến. Nhiều khi cơ hội đến một cách rất bất ngờ. Nếu lúc đó, nền tảng của bạn đủ tốt, hồ sơ của bạn đủ đẹp thì bạn có thể nắm bắt được cơ hội đó luôn. Bạn có thể xây dựng cho mình một hồ sơ đẹp bằng cách tham gia các cuộc thi, nghiên cứu khoa học trong trường Luật.
Một số lợi ích của việc tham gia các cuộc thi học thuật:
- Nâng cao kiến thức chuyên môn, phát triển tư duy pháp lý.
- Nâng cao kỹ năng (nói trước đám đông, giao tiếp, làm việc nhóm,…)
- Tiếp cận với các cơ hội đào tạo, cơ hội nghề nghiệp.
Một số lợi ích của việc tham gia nghiên cứu khoa học: - Phát triển kỹ năng nghiên cứu.
- Xây dựng mối quan hệ tốt với giảng viên – những người gạo cội trong ngành.
- Làm đẹp CV, là một điểm cộng nếu muốn du học sau này.
Nếu bạn chọn hướng nghiên cứu, học thuật thì việc học tiếp lên cao (thạc sĩ, tiến sĩ) gần như là một lựa chọn bắt buộc. Tuy nhiên, để du học/ giành được học bổng du học thì bạn phải có sự chuẩn bị từ sớm vì các học bổng du học thường đòi hỏi ứng viên có khả năng/ tiềm năng nghiên cứu trong khi đây không phải là điều có thể có được trong ngày một ngày hai. Nghiên cứu là một kỹ năng được rèn giũa, phát triển trong thời gian dài. Bởi vậy, nếu như thời sinh viên bạn có tham gia nghiên cứu khoa học, có bài đăng tạp chí,…thì bạn sẽ có điểm cộng rất lớn cho hồ sơ du học.
3.4. Nếu muốn có thu nhập ổn ngay khi ra trường thì hãy đi thực tập càng sớm càng tốt
Để nhận được mức lương cao thì bạn cần mang lại giá trị cho công ty. Để mang lại giá trị cho công ty thì bạn cần phải có kinh nghiệm làm việc, khi công ty tuyển bạn vào thì bạn phải làm được việc luôn, không cần phải đào tạo lại từ đầu.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để có kinh nghiệm làm việc khi mà bạn mới chỉ tốt nghiệp đại học? Câu trả lời là hãy đi thực tập càng sớm càng tốt. Thời điểm thích hợp để đi thực tập là từ năm 2 đại học trở đi.
Để thực tập trong khi vẫn phải học ngoại ngữ, tham gia hoạt động ngoại khóa và duy trì kết quả học tập (GPA cao) tốt trên lớp thì bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ hè hoặc đi thực tập part-time. Ngoài ra, bạn cũng cần biết cách quản lý thời gian một cách khoa học để có thể đi làm mà không ảnh hưởng tới việc học. Về vấn đề quản lý thời gian đối với sinh viên Luật mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác.
3.5. Rèn luyện kỷ luật bản thân
Ai cũng biết nên học ngoại ngữ, ai cũng biết nên chăm chỉ học hành, nên đọc sách,… nhưng không phải ai cũng thực hiện được những điều trên một cách đều đặn, kiên trì, biến nó thành thói quen. Kỷ luật bản thân tốt chính là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn thành công ở trường luật, trong nghề luật hay bất cứ lĩnh vực nào khác.
Cách để rèn luyện kỷ luật bản thân thật ra rất đơn giản, bạn hãy học cách làm điều mình không thích. Để làm được điều đó thì bạn phải biết tự tạo ra động lực cho bản thân, hãy nghĩ rằng mình làm điều này để làm gì, nghĩ về giá trị của điều bạn làm, thậm chí nghĩ về những điều tồi tệ nếu bạn không làm điều đó.
Khả năng tự tạo ra động lực là một kỹ năng. Bạn hoàn toàn có thể học hỏi, rèn luyện để có được kỹ năng này.
Trên đây là 5 điều mà các thành viên của Câu lạc bộ Luật học Themis muốn gửi đến những bạn học sinh học trường Luật. Hi vọng bài viết này sẽ có ích cho những bạn sinh viên luật và đặc biệt là những bạn học sinh đã và sắp lựa chọn ngành luật để học đại học. Chúc các bạn sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời ở trường mà các bạn theo học!