Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tài chính, như: miễn, giảm lãi vay; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính; cho doanh nghiệp vay vốn trả lương;…. Nhằm làm rõ hơn nguyên nhân, những bất cập cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ, định hướng cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính trong bối cảnh COVID-19, Công ty luật ThinkSmart đã phối hợp với Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19”.

Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư và các doanh nghiệp:

  1. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế Học viện Tài chính;
  2. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;
  3. TS.LS. Ngô Ngọc Diễm – Giám đốc Công ty Luật ThinkSmart; 
  4. Bà Hoàng Thám Hoa – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Địa hóa Ô tô 1/5.

61c00bb92d525

Thực tế khó khăn và những chính sách hỗ trợ

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành phố đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Theo bà Hoàng Thám Hoa – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Địa hóa Ô tô 1-5, không lĩnh vực nào của doanh nghiệp là không bị ảnh hưởng, đặc biệt là lĩnh vực vận tải ô tô. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ và một số địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị về giãn cách xã hội, điều này làm gián đoạn giao thương, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với doanh nghiệp của mình, bà Hoa cho biết đã phải gán nợ cho ngân hàng, vay bán nhiều tài sản để trả nợ và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại Địa hóa Ô tô 1-5 cho biết, ngân hàng cũng đã thực hiện một số chính sách hoãn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; các loại phí và lệ phí cũng đã được giảm song còn ở mức thấp.

61c00bb915773 1

Bà Hoàng Thám Hoa – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Địa hóa Ô tô 1-5 chia sẻ tại Tọa đàm.

Bên cạnh đó, bà Hoa cho biết doanh nghiệp của bà cũng chưa tiếp cập được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ bởi các điều kiện cứng nhắc và không linh hoạt. Vì vậy, bà đề xuất điều chỉnh các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo hướng thông thoáng, linh hoạt, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Toạ đàm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đánh giá: Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông Thịnh, đến thời điểm hiện tại chưa có một đánh giá cụ thể nào về thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, trên 90% doanh nghiệp gặp khó khăn (số liệu thống kê, khảo sát tại 500 doanh nghiệp lớn). Tuy nhiên, một số ngành nghề vẫn có chỉ số tăng trưởng dương như: Bán lẻ, tài chính ngân hàng, điện,… Hầu hết các lĩnh vực còn lại đều có chỉ số tăng trưởng âm,… Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải, logistic, khoáng sản, cơ khí, thực phẩm, đồ uống,…

61c00bb9cbb77 1

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính.

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty luật ThinkSmart đã đưa ra các quan điểm nhằm làm rõ hơn tính cấp thiết, tính phù hợp của các chính sách này trong điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – xã hội trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Luật sư cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời, như ngoại giao vắc xin, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Các chủ trương, chính sách này rất tốt, kịp thời, nhưng vấn đề “thiết kế” chính sách còn chưa sát với thực tế, việc thực hiện còn có nhiều rào cản, vướng mắc, chưa được “suôn sẻ”, Luật sư nhận định.

Để khắc phục những hạn chế đó, Chính phủ đã kịp thời tiếp thu ý kiến phản hồi, đóng góp của doanh nghiệp để đưa vào Thông tư, Nghị định hướng dẫn. Luật sư Diễm nhận định, trong tương lai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sẽ khả thi và tác động tích cực hơn so với hiện tại.

Luật sư Diễm cho biết, tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ cần luôn đồng hành với doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp.

61c00bb91058b 1

Tiến sĩ. Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty Luật ThinkSmart.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch vì đây cũng là những doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như việc hoãn, giãn nợ. Phân tích sâu hơn về các chính sách hỗ trợ mà Nhà nước đưa ra, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, cần nghiên cứu, điều chỉnh các gói chính sách cho phù hợp, phải “trúng”, “đúng”. Đồng thời, chính doanh nghiệp cũng phải tự mình cố gắng khắc phục.

Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, Luật sư đã đưa ra những ý kiến, những phân tích không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ, mà còn đóng góp để Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách nhằm tăng tính khả thi của các chính sách này đối với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng, những chính sách hỗ trợ của ngân hàng là kịp thời, cần thiết, nhưng chưa thực sự “trúng” và “đúng”, chưa đi vào thực tiễn. Luật sư dẫn chứng về khả năng tiếp cận các gói tài chính hỗ trợ còn một số bất cập, rào cản, như những doanh nghiệp nợ xấu khó tiếp cận hỗ trợ; doanh nghiệp có doanh thu mới được hỗ trợ… Chính vì vậy, Luật sư đề xuất giải pháp cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tham khảo chính sách của một số quốc gia như: Bỉ, Đức, Hàn Quốc, Nhận Bản,…

“Chính sách, chủ trương còn nhiều vấn đề bất cập, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp. Vì vậy, nên ưu tiên hỗ trợ chính sách tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; chính sách hỗ trợ phải đủ, đúng và phù hợp. Cần phải có cơ quan độc lập đánh giá lại các chính sách cho doanh nghiệp đã phù hợp hay chưa, tăng cường sự hợp tác, đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp”, Luật sư nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần phải có một cơ chế đặc thù trong xây dựng văn bản pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách. Thực tế cho thấy, ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện một cách rộng rãi.

61c00bb9cbb77 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thời gian tới Chính phủ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trước mắt là triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”; thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Những ý kiến phân tích, đánh giá tại buổi Tọa đàm hi vọng sẽ đóng góp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch Covid-19: Hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế thực thi

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *