TS. Ngô Ngọc Diễm
Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Đặt vấn đề: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi tắt là BLHS) đã có hiệu lực thi hành được gần 9 năm (trên thực tế thi hành được 7 năm, 02 năm sửa đổi bổ sung). Lần đầu tiên, TNHS của pháp nhân thương mại được được đặt ra đã thể hiện được chính sách hình sự của mỗi quốc gia đố với nhiệm vụ phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, để xử lý TNHS của pháp nhân thương mại còn nhiều vấn đề cần đặt ra đối với cả lý luận và lập pháp hình sự cũng như các biện pháp áp dụng pháp luật hình sự.

1. Quan niệm về TNHS của pháp nhân thương mại

Để xây dựng định nghĩa về một đối tượng thường khoa học pháp lý có 02 cách thông dụng: (i) Chỉ ra các thuộc tính tạo nên nội hàm của đối tượng; (ii) Liệt kê toàn bộ các ngoại diên hay còn được biết đến là dạng thức thể hiện của đối tượng. Đối với “pháp nhân” và “pháp nhân thương mại” trong pháp luật Việt Nam hiện hành đang được nhà làm luật xây dựng theo cách chỉ ra các thuộc tính tạo nên nội hàm của chúng tại Điều 74 và 75 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng bộ với các quy định pháp luật về “pháp nhân thương mại” trong luật tư, pháp luật hình sự hiện hành đã có quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân thương mại hay chi tiết hơn là điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại tại Điều 75 BLHS. Theo đó, để nắm bắt được nội hàm khái niệm “pháp nhân thương mại” và “điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại” sẽ yêu cầu việc xác định được các cấu phần của tư cách pháp nhân, hành vi và ý chí của pháp nhân. Qua đó, thúc đẩy việc vận dụng quy định trong lĩnh vực luật kinh tế và pháp luật hình sự được hiệu quả hơn, tránh được tình trạng lúng túng trong áp dụng pháp luật.

Hiện nay, một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng 04 điều kiện sau đây [1]:

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Trong 04 điều kiện nêu trên, “có tài sản độc lập” được xem là điều kiện về mặt vật chất then chốt và phái sinh một phần thành năng lực chịu trách nhiệm của pháp nhân. Thực tế là “chỉ có những tổ chức thực hiện nguyên tắc tách bạch về mặt tài sản mới có được điều kiện quan trọng đầu tiên để trở thành pháp nhân” [2] và có tư cách chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật hay là hình thức thể hiện của tư cách pháp nhân thông qua việc “có thể làm chủ thể các quyền lợi, có sản nghiệp riêng biệt như người thật” [3].

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có hoạt động và mục tiêu mang tính thương mại thông qua việc tìm kiếm và phân chia lợi nhuận cho các thành viên. Cụ thể, khoản 1, 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân thương mại như sau:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.”

Vì có tư cách chủ thể độc lập, có tài sản, có chức năng và mục tiêu mang tính thương mại, các pháp nhân thương mại hoàn toàn có thể xác lập các giao dịch với đối tác và cơ quan nhà nước để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại không phải là thực thể sống có khả năng tự thực hiện các hành vi vật lý để qua đó thể hiện ý chí pháp lý. Cho nên, các pháp nhân thương mại phải thực hiện các hoạt động này thông qua nhân sự cuẩ pháp nhân mà chủ yếu là người đại diện (có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền).

Như vậy, có thể hiểu: Pháp nhân thương mại là tổ chức có dạng thức thể hiện theo luật định hiện nay là doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác có tư cách pháp nhân độc lập, có tài sản, năng lực chịu trách nhiệm, được thành lập và hoạt động theo các quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh, tạo lợi nhuận.

Thiet ke chua co ten

2. Cơ sở của những quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

2.1. Cơ sở khách quan

Việc pháp luật quy định trách nhiệm hình sự TNHS đối với các pháp nhân thương mại có những cơ sở khách quan sau đây:

Tính chất đại diện: Pháp nhân thương mại hoạt động như một “tổ chức đại diện” cho các cá nhân trong tổ chức. Cần phải xác định TNHS của pháp nhân để răn đe các hành vi vi phạm của những trong tổ chức nhất là người quản lý, điều hành.

Bảo vệ lợi ích công cộng và trật tự xã hội: Trách nhiệm hình sự được đặt ra nhằm phòng chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ lợi ích công cộng. Với tính đại diện và phạm vi hoạt động quy mô lớn, nguồn lực dồi dào và ảnh hưởng rộng của pháp nhân thương mại nên các hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện thường gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Xu hướng quốc tế: Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng TNHS đối với pháp nhân thương mại. Điều này nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình và tuân thủ pháp luật của nhóm chủ thể này.

2.2. Cơ sở chủ quan

Ngoài những cơ sở khách quan, việc quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại cũng dựa trên những cơ sở chủ quan sau đây:

Tính chất tổ chức và quản trị pháp nhân: Pháp nhân thương mại thường có cấu trúc tổ chức phức tạp, với nhiều cấp quản lý và người ra quyết định. Việc quy định TNHS nhằm tăng cường trách nhiệm của những người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Vai trò của người quản lý, điều hành: Những người này có thẩm quyền ra quyết định, kiểm soát và chịu trách nhiệm về hoạt động của pháp nhân. Viện quy định TNHS đối với pháp nhân sẽ tác động đến động cơ và ý thức tuân thủ pháp luật của nhóm này.

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật: Việc áp dụng TNHS đối với pháp nhân có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của pháp nhân thương mại và các nhân sự trong pháp nhân. Điều này góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

Như vậy, việc quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại không chỉ dựa trên những lý do khách quan, mà còn xuất phát từ những cơ sở chủ quan liên quan đến tính chất tổ chức, quản trị và ý thức tuân thủ pháp luật của các pháp nhân thương mại. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội và tính kỷ luật pháp lý trong hoạt động kinh doanh.

2.3. Cơ sở pháp lý

Cơ sở trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS. “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự” [4]. Theo đó hiện nay, Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm được quy định trong BLHS.

Do đó, căn cứ vào quy định tại Điều 76 BLHS, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm thuộc 3 nhóm sau đây:

+ Nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);

+ Nhóm các tội phạm về môi trường: Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (Tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);

+ Nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng: Điều 300 (Tội tài trợ cho khủng bố); Điều 324 (Tội rửa tiền).

Thiet ke chua co ten 6

3. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự và các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với pháp nhân thương mại

3.1. Quy định của pháp luật hình sự

Để phải chịu trách nhiệm hình sự do đã thực hiện một tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 76 BLHS, thì hành vi do pháp nhân thương mại thực hiện phải thỏa mãn các điều kiện về:

(1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
(2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
(3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
(4) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS 2015.

Về nguyên tắc áp dụng BLHS 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội, tại Điều 74 BLHS 2015 quy định “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này (Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” BLHS năm 2015); theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015.”

Tuy nhiên, ngoài những quy định tại Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” của BLHS 2015, thì những quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 lại khó có thể áp dụng trực tiếp đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Do vậy, có một loạt các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần nghiên cứu.

3.2. Các biện pháp cưỡng chế hình sự

* Hình phạt

Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại các Điều 30, 31, 33, 77 đến 81 BLHS. Về vấn đề này, mặc dù BLHS và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có hiệu lực pháp luật nhưng thực tiễn pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thường chỉ phải chịu TNHS là hình phạt tiền [5].

Ngoài ra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, áp dụng và thi hành hình phạt chính (đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) hay hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động không có lỗi, an sinh xã hội khi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Nguy cơ người lao động bị mất việc, các chủ thể có quyền đối ứng với nghĩa vụ của pháp nhân thương mại không được đảm bảo quyền do pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là rất lớn. Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên chưa được đánh giá tác động một cách thấu đáo cho nên cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động, pháp luật Dân sự liên quan tới việc người lao động bị mất việc hoặc nhóm chủ thể không được thực hiện quyền đối ứng do pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoặc động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo tôi nếu tiếp tục quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì có thể nghiên cứu thay thế hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn bằng hình phạt tiền.

* Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 46 và 82 BLHS, bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xẩy ra. Mặc dù chưa được thực tiễn áp dụng pháp luật (do chưa có pháp nhân thương mại nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự) kiểm nghiệm nhưng về ngôn ngữ thì nội hàm biện pháp “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” quy định tại khoản 2 Điều 82 BLHS chưa thực sự rõ ràng. Bởi lẽ, nếu chỉ căn cứ vào ngôn ngữ của điều luật thì chưa thể phân biệt “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” với “sửa chữa thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra” với tư cách là một trong những biện pháp tư pháp chung quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS; hoặc “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dưng không đúng với giấy phép” với nghĩa là một trong những nội dung của biệp pháp tư pháp “Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 82 BLHS.

Cong ty luat ThinkSmart 3

 

4. Thực tiễn áp dụng và những vấn đề cần đặt ra đối với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

4.1. Thực tiễn xét xử

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng pháp nhân thương mại bị xét xử và phải chịu trách nhiệm hình sự trong những năm gần đây như sau [6]:

Năm 2020: Tổng số vụ án: 45 vụ, số pháp nhân bị kết án: 32. Các tội danh chủ yếu: Tham ô tài sản, lừa đảo, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

Năm 2021: Tổng số vụ án là 58 vụ, số pháp nhân bị kết án: 42. Các tội danh chủ yếu: Tham ô tài sản, lừa đảo, vi phạm quy định về môi trường

Năm 2022: Tổng số vụ án là 72 vụ, số pháp nhân bị kết án: 55. Các tội danh chủ yếu: Tham ô tài sản, lừa đảo, vi phạm quy định về an toàn lao động

Năm 2023 (tính đến 6 tháng đầu năm): Tổng số vụ án là 45, số pháp nhân bị kết án: 35. Các tội danh chủ yếu: Tham ô tài sản, lừa đảo, vi phạm quy định về quản lý kinh tế

Nhìn chung, số lượng vụ án và số pháp nhân bị xét xử, kết án có xu hướng tăng lên qua các năm, với các tội danh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như tham ô, lừa đảo, vi phạm quy định về kế toán, môi trường, an toàn lao động, quản lý kinh tế. Điều này cho thấy việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã phần nào phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống tội phạm.

4.2. Những vấn đề cần đặt ra

* Về lý luận và lập pháp hình sự

+ Lỗi của pháp nhân thương mại trong việc thực hiện tội phạm là gì? Các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự (về mặt chủ quan của việc cá nhân thực hiện tội phạm như: (1) Nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại có phải là lỗi hay hình thức lỗi của pháp nhân thương mại phạm tội hay không?

+ Trong số các tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội rửa tiền (Điều 324). Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị phạm các tội này. Vậy pháp nhân thương mại chuẩn bị phạm các tội này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

+ Khi người thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại được miễn trách nhiệm hình sự thì pháp nhân thương mại có được miễn trách nhiệm hình sự hay không. Nếu có, thì căn cứ vào quy định nào của Phần chung BLHS?

+ Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và trong đồng phạm cần được giải quyết thế nào?

+ Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì tại điểm d khoản 1 Điều 75 BLHS đã có quy định theo hướng viện dẫn. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp thì cần phải nghiên cứu bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau cụm từ “… mà khi hết thời hạn đó thì người…” ở khoản 1 Điều 27 BLHS và bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau từ “người” ở khoản 3 Điều 27 BLHS như sau:

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.

Tai san

* Về áp dụng pháp luật

Khi áp dụng pháp luật hình sự để xử lý pháp nhân thương mại phạm tội, một số vấn đề cần được đặt ra và xem xét bao gồm:

Xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự: Cần xác định rõ ràng pháp nhân thương mại nào là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự trong từng vụ án. Phân định trách nhiệm giữa pháp nhân và các cá nhân trong pháp nhân.

Căn cứ xác định tội phạm của pháp nhân: Cần xác định rõ ràng hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân, dấu hiệu cấu thành tội phạm. Xác định mức độ lỗi, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân: Cần có sự đa dạng và phù hợp về các hình phạt như phạt tiền, tước quyền hoạt động, đình chỉ hoạt động. Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tái phạm của các hình phạt.

Vấn đề thu hồi tài sản phạm tội: Cần có quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả về thu hồi tài sản, lợi ích bất hợp pháp. Bảo đảm chế tài xử lý triệt để đối với tài sản phạm tội.

* Phối hợp giữa các cơ quan tư pháp

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Thông tin, chứng cứ được chia sẻ và sử dụng hiệu quả. Phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội là vô cùng quan trọng và cần được thực hiện một cách chặt chẽ. Một số hình thức phối hợp cụ thể có thể bao gồm:

Trao đổi thông tin, chứng cứ: Các cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ án. Việc chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời sẽ giúp các cơ quan phối hợp hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Phối hợp trong điều tra, truy tố: Các cơ quan điều tra, viện kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ trong giai đoạn điều tra, thu thập chứng cứ. Xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan.

Phối hợp trong xét xử: Tòa án cần phối hợp với các cơ quan điều tra, truy tố để đảm bảo việc xét xử được diễn ra công minh, khách quan. Trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm, đánh giá chứng cứ.

Phối hợp trong thi hành án: Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong việc thi hành các biện pháp xử lý pháp nhân như phạt tiền, đình chỉ hoạt động. Đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản, lợi ích bất hợp pháp.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của pháp luật hình sự trong xử lý pháp nhân thương mại phạm tội, đảm bảo công bằng, nghiêm minh.

Như vậy, việc giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của pháp luật hình sự trong việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật./.


[1] Xem Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2001), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 46.

[3] Vũ Văn Mẫu, Lê Đình Chân (1968), Danh từ & Tài liệu: Dân Luật và Hiến luật, Tủ sách Đại học, tr. 14.

[4] Xem khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015, Quốc hội, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, năm 2017.

[5] https://thanhnien.vn/de-nghi-phat-tien-vu-xam-pham-nhan-hieu-bia-saigon-185230310005000221.htm: Ngày 9.3, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm đối với bị cáo là pháp nhân thương mại Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, người đại diện hợp pháp là bà Trần Thị Ái Loan (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, trụ sở tại đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM); và bị cáo cá nhân là ông Lê Đình Trung (56 tuổi, ngụ TP.HCM), nguyên Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với nhãn hiệu được bảo hộ, là bia SAIGON của Tổng công ty CP bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

[6] Vụ thống kê, TANDTC.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *