Nhãn hiệu là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc đặt ra các quy định về bảo hộ các quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng có tác dụng bảo hộ quyền lợi của các chủ sở hữu, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trên thực tế. Theo đó, nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức cấp văn bằng bảo hộ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký của Luật sở hữu trí tuệ.

Nhãn hiệu là gì?

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Ngoài các loại nhãn hiệu thông thường, Luật Sở hữu trí tuệ còn quy định thêm về 4 loại nhãn hiệu khác, bao gồm:

  • Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
  • Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu liên kết: là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
  • Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Về đặc điểm chung của nhãn hiệu

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng được các yêu cầu sau đây căn cứ vào Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Theo đó, nhãn hiệu muốn được cấp văn bằng bảo hộ thì phải đồng thời đáp ứng được hai tiêu chí sau:

Thứ nhất, nhãn hiệu phải là các dấu hiệu có thể nhìn thấy (có thể quan sát bằng bắt) và là các dấu hiệu cụ thể tồn tại dưới dạng chữ cái, từ, ngữ, hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.

Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định các dấu hiệu bị loại trừ khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc, huy của các nước; biểu tượng; cờ; huy hiệu; tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép, ví dụ: Tên viết tắt của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hay Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu; tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ như dấu hiệu chứng nhận ISO 9000 cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hay dấu hiệu CE chứng nhận cho chất lượng của các sản phẩm hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường các nước EU; dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất, lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Thứ hai, nhãn hiệu có khả năng phân biệt: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ…” (Khoản 1 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ). Nhãn hiệu dễ nhận biết là nhãn hiệu bao gồm các yếu tố đủ để tác động vào nhận thức, tạo nên ấn tượng có khả năng lưu giữ  trong trí nhớ hay tiềm thức của con người. Bất kì ai khi tiếp xúc với chúng đều dễ dàng tri giác và dễ ghi nhớ nhận biết về chúng khi đặt bên cạnh các loại nhãn hiệu khác. Có thể có nhiều yếu tố độc đáo không giống những cái đã có nhưng lại quá nhiều chi tiết phức tạp hoặc quá nhiều hình vẽ rắc rối khiến cho người tiếp cận khó nắm bắt và không thể ghi nhớ được nội dung hoặc cấu trúc của nó.

Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu
  • không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật ThinkSmart đối với những quy định chung về nhãn hiệu dưới góc độ pháp lý của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành. Cảm ơn Quý vị đã quan tâm và đón đọc. Để nhận tư vấn pháp luật, mời Quý vị kết nối với Luật sư ThinkSmart qua số điện thoại 1900 636391. Trân trọng./

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *