Giảng viên: TS. Ngô Ngọc Diễm
Khoa Luật – Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội
Giảng viên: ThS. Nguyễn Ngọc Nam
Khoa Thông tin Thư viện – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Đặt vấn đề: Đi cùng với xu hướng số hóa, việc xây dựng thư viện số – bộ sưu tập số ngày càng được quan tâm nhiều hơn bởi khả năng lưu trữ thông tin lớn và sự thuận tiện cho cả công tác quản lý lẫn người sử dụng. Tuy nhiên, sự ràng buộc về bản quyền tác giả là một rào cản không hề nhỏ trong quá trình xây dựng và vận hành thư viện số. Mở rộng các ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả nhằm đảm bảo tự do, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khai thác dữ liệu lớn. Trong bài viết này, tác giả phân tích pháp luật nước ngoài về ngoại lệ đối với quyền tác giả trong hoạt động thư viện và đưa ra một số thách thức mới trong việc bảo vệ quyền tác giả trong hoạt động thư viện ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Pháp luật, ngoại lệ, quyền tác giả, thư viện, thách thức mới.

1. Những vấn đề lý luận về quyền tác giả dành cho thư viện

1.1. Khái niệm về thư viện số và bộ sưu tập số

Thư viện đã được coi là thuật ngữ cơ bản, pháp luật mỗi quốc gia lại có những cách diễn đạt khác nhau để giải thích thuật ngữ này. Chẳng hạn như Luật thư viện của Nhật Bản định nghĩa rằng “thư viện là các cơ sở thu thập, chỉnh lý, bảo quản, cung cấp cho công chúng nói chung sách, hồ sơ và các tài liệu cần thiết khác nhằm phục vụ mục đích giáo dục, điều tra, nghiên cứu, giải trí” [1]. Bên cạnh đó, Luật thư viện Hàn Quốc định nghĩa “thuật ngữ thư viện đề cập đến một thiết chế góp phần sử dụng thông tin, khảo sát, nghiên cứu, học tập, văn hóa, giáo dục suốt đời,… bằng cách cung cấp tài liệu thư viện cho công chúng sau khi thu thập, tổ chức, xử lý và bảo quản” [2].

Nhìn chung, có thể hiểu thư viện là cơ quan thu thập, lưu trữ, bảo quản các tài liệu nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau của người sử dụng. Luật Thư viện Việt Nam năm 2019 định nghĩa “thư viện” tại khoản 1 Điều 3 là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý, lưu trữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, chuyển đổi số được thực hiện trên mọi lĩnh vực trong đời sống và ngành thư viện cũng không phải ngoại lệ. Việc phát triển thư viện số ngày càng được quan tâm và chú trọng.

Thư viện số theo định nghĩa của pháp luật Việt Nam tại khoản 2 Điều 3 Luật Thư viện 2019 là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu trữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Trên phạm vi quốc tế, Tuyên ngôn của IFLA/UNESCO về Thư viện số định nghĩa rằng: “Thư viện số là một bộ sưu tập trực tuyến các đối tượng số, có chất lượng đảm bảo, được tạo ra hoặc thu thập và quản lý theo các nguyên tắc được quốc tế chấp nhận để phát triển bộ sưu tập và có thể truy cập được một cách nhất quán và bền vững, được hỗ trợ bởi các dịch vụ cần thiết để cho phép người dùng truy xuất và khai thác tài nguyên” [3].

Phap luat ve . 7

1.2. Khái niệm về quyền tác giả

Bản quyền, hay còn được gọi là quyền tác giả là quyền của tác giả, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc hoặc người sáng tạo khác đối với tác phẩm của mình. Cụ thể, họ sẽ kiểm soát việc người khác sử dụng tác phẩm gốc của họ [4]. Quyền này bảo vệ các quyền lợi của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm bao gồm quyền lợi cá nhân và quyền lợi kinh tế. Theo Đạo luật bản quyền Hoa Kỳ, ngay sau khi người sáng tạo đặt tác phẩm xuống một phương tiện hữu hình (như vẽ trên giấy, ghi âm trên băng, video hoặc từ ngữ trên trang web), người sáng tạo có quyền sao chép và tạo các bản sao, chuẩn bị tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm, phân phối bản sao của tác phẩm tới công chúng… Bản quyền chỉ bảo vệ hình thức thể hiện ý tưởng chứ không bảo vệ bản thân ý tưởng. Thông thường người sáng tạo sẽ là người có quyền tác giả, tuy nhiên nếu người sáng tạo ra tác phẩm trong quá trình làm việc hoặc lý kết hợp đòng để tạo ra tác phẩm thì đó là “tác phẩm được thuê làm” và người sử dụng lao động hoặc bên ký kết hợp đồng sẽ sở hữu tác phẩm đó [5]. Nếu hai hoặc nhiều người sáng tạo cùng hợp tác để tạo ra tác phẩm thì họ có thể là đồng tác giả và cùng sở hữu tác phẩm. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 chỉ định nghĩa đơn giản tại khoản 2 Điều 4 rằng “quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.

Quyền tác giả là một đối tượng quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, bắt đầu từ Hiến pháp 1980, quyền tác giả mới được công nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh các quy định về bảo vệ quyền tác giả quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, Việt Nam còn tham gia tổng cộng 8 điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan [6], trong đó có: 5 công ước và hiệp ước quốc tế gồm Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học – nghệ thuật (2004), Công ước Genever về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm (2005), Công ước Brussel liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (2006), Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng (2007), Hiệp định TRIPs về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (2007) đã lần lượt có hiệu lực tại Việt Nam. Cùng với đó là 3 điều ước quốc tế song phương gồm Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả, Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và Hiệp định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với Liên bang Thụy Sĩ đã lần lượt có hiệu lực tại các quốc gia ký kết.

1.3. Xu hướng phát triển thư viện số trên thế giới

Không chỉ riêng Việt Nam nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, đây là xu hướng chung của quốc tế. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã thực hiện việc xây dựng thư viện số, bộ sưu tập số, rất nhiều dự án đã được triển khai thành công chẳng hạn như một số dự án sau đây:

Đầu tiên phải kể đến dự án thư viện “Ký ức Hoa Kỳ – American Memory”. Ký ức Hoa Kỳ được coi là cửa ngõ dẫn đến nguồn tư liệu lịch sử Hoa Kỳ được số hóa bởi Thư viện Quốc hội, bao gồm hơn 9 triệu mục ghi lại lịch sử và văn hóa Hoa Kỳ, sắp xếp thành hơn 100 bộ sưu tập [7]. Từ những năm 1990 đến năm 1994, Mỹ đã thực hiện dự án thử nghiệm, số hóa một số bộ tài liệu lịch sử, hình ảnh chuyển động, bản ghi âm và một số bản in của Thư viện Quốc hội. Dù nhận được nhiều ủng hộ và phản ứng tích cực từ phía các thư viện trường học thực hiện thí điểm, dự án vẫn còn những hạn chế nhất định do giới hạn công nghệ lúc bấy giờ. Đi cùng với dự phát triển của công nghệ số, dự án ngày càng được mở rộng vượt quá mục tiêu của mình là cung cấp 5 triệu tài liệu trực tuyến vào năm 2000. Từ số tiền ban đầu là 13 triệu USD quyên góp được, sau đó được Quốc hội cấp 15 triệu USD, đồng thời nhận được tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mà kinh phí dành cho dự án này đã tăng lên 45 triệu USD. Từ năm 1996, Thư viện Quốc hội tài trợ cho cuộc thi kéo dài trong 3 năm, với giải thưởng trị giá 2 triệu USD nhằm khuyến khích cộng đồng, nhà nghiên cứu, thư viện đại học, bảo tàng, tổ chức lịch sử – xã hội và các cơ quan lưu trữ (trừ các tổ chức liên bang) số hoá bộ sưu tập lịch sử liên quan đến Hoa Kỳ và đưa lên trang web Ký ức Hoa Kỳ của Thư viện Quốc hội. Dự án Ký ức Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển như một phần không thể thiếu trong cam kết của Thư viện Quốc hội với sứ mệnh “duy trì và bảo tồn một bộ sưu tập kiến thức và sự sáng tạo phổ quát cho các thế hệ tương lai” [8].

Phap luat ve . 2

Tiếp theo là dự án thư viện khu vực châu Âu – Europeana Library. Dự án này được hình thành từ năm 2008, tập trung vào lĩnh vực di sản văn hóa, được coi là trung tâm của không gian dữ liệu chung Châu Âu về di sản văn hóa. Europeana tập hợp các chuyên gia về di sản văn hóa, tạo điều kiện cho mọi người có thể truy cập nguồn tài nguyên số được lưu trữ tại các thư viện, bảo tàng để khám phá di sản văn hóa và khoa học của Châu Âu từ thời tiền sử cho đến hiện đại. Vào tháng 5 năm 2015, Europeana đã trở thành một trong những Cơ sở Hạ tầng Dịch vụ Kỹ thuật số (DSI) của Ủy ban Châu Âu. Mục tiêu của Europeana là giúp các tổ chức dễ dàng chia sẻ các bộ sưu tập của họ trực tuyến một cách hiệu quả, cải thiện chất lượng dữ liệu và nội dung được chia sẻ, đồng thời trao quyền cho các tổ chức di sản văn hóa xây dựng năng lực chuyển đổi kỹ thuật số của họ. Tất cả những điều này đã giúp đảm bảo rằng người dân, các tổ chức và doanh nghiệp của Châu Âu được hưởng đầy đủ lợi ích của cuộc cách mạng công nghệ trong các dịch vụ kỹ thuật số cho văn hóa. Kể từ năm 2022, Europeana là trung tâm của không gian dữ liệu châu Âu chung về di sản văn hóa của Ủy ban châu Âu , được tài trợ theo chương trình Digital Europe như một phần của Thập kỷ kỹ thuật số châu Âu. Kể từ đầu năm 2023, trang web Europeana cung cấp quyền truy cập vào hơn 55 triệu đối tượng kỹ thuật số – sách, nhạc, tác phẩm nghệ thuật, v.v. – với các công cụ lọc và tìm kiếm tinh vi, cùng nhiều bộ sưu tập, triển lãm, phòng trưng bày và blog theo chủ đề [9]. Dự án sẽ tạo ra một nguồn tài nguyên quý giá cho các học giả và xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ các thư viện quốc gia, đại học và nghiên cứu, được hỗ trợ bởi các tổ chức thư viện nghiên cứu lớn của châu Âu [10].

Cuối cùng là dự án thư viện số thế giới, đây là một kho lưu trữ trực tuyến miễn phí với hơn 19.000 tài liệu gốc có ý nghĩa văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Đây là sự hợp tác quốc tế giữa Thư viện Quốc hội, UNESCO và 158 thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ và các đối tác khác trên 60 quốc gia [11]. Tháng 6 năm 2005, James Billington – Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ đề xuất thành lập World Digital Library (WDL), đến tháng 4 năm 2009, WDL mới chính thức giới thiệu ra toàn thế giới. Dự án này nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, quốc gia trên thế giới, đặc biệt của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO). Dự án xây dựng Thư viện số thế giới sẽ số hoá những tài liệu quý hiếm và độc nhất từ những thư viện và những viện hàn lâm trên thế giới nhằm tạo cho chúng có thể được truy cập miễn phí trên Internet. Hiện Dự án đã nhận được sự hợp tác của các cá nhân và thư viện trên hơn 40 quốc gia. Các công cụ định vị trên trang web và mô tả nội dung được cung cấp bằng các ngôn ngữ Arập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga và Tây Ban Nha [12]. Mục tiêu của trang web là “thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế và liên văn hóa, mở rộng khối lượng và sự đa dạng của nội dung văn hóa trực tuyến, cung cấp tài nguyên cho các nhà giáo dục và học giả, đồng thời xây dựng năng lực trong các tổ chức đối tác để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong và giữa các quốc gia”.

2. Quy định của pháp luật các nước về ngoại lệ về quyền tác giả trong hoạt động thư viện

2.1. Quy định của pháp luật Mỹ

Pháp luật Mỹ có quy định khá cụ thể về ngoại lệ của quyền tác giả nhằm các mục đích tái bản, lưu trữ và dùng trong thư viện tại Điều 108 Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Theo đó, vệc tái bản nhiều hơn một bản sao hoặc bản ghi của các phẩm sẽ không bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả nếu việc tái bản đó nhằm phục vụ cho mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện hoặc do bất kỳ một người làm công nào của các cơ quan này thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ của người đó, hoặc đối với việc phân phối các bản sao hoặc bản ghi đó. Các điều kiện được đưa ra như sau: (1) Việc tái bản hoặc phân phối đó được thực hiện không nhằm mục đích thu lợi nhuận dù trực tiếp hay gián tiếp; (2) Sưu tập của thư viện và lưu trữ để phục vụ công chúng hoặc không chỉ sẵn sàng phục vụ những người nghiên cứu là hội viên của tổ chức thư viện và lưu trữ hoặc các Viện là bộ phận của các tổ chức đó mà còn phục vụ cả những người khác đang làm công tác nghiên cứu trong các lĩnh vực cụ thể; (3) Tái bản và phân phối tác phẩm kèm theo một thông báo về vấn đề quyền tác giả.

Thư viện chỉ có quyền tái bản, phân phối bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm chưa công bố được sao chép thành hai bản sao chuẩn chỉ nhằm mục đích lưu giữ và bảo quản hoặc để nộp cho việc sử dụng để nghiên cứu tại các tổ chức thư viện và lưu trữ khác theo các hình thức quy định nếu bản sao hoặc bản ghi được tái bản là trong bộ sưu tập hiện tại của tổ chức thư viện và lưu trữ đó. Với những bản sao đã đươc công bố, việc tái bản chỉ được thực hiện để nhằm mục đích thay thế bản sao hoặc bản ghi đã bị hư hỏng, mất mát hoặc mất cắp, nếu tổ chức thư viện hoặc lưu trữ này sau nỗ lực thích đáng, đã xác định là việc chưa thực hiện sự thay thế này do không thể đạt được tại một giá hợp lý. Với những bản sao được tạo ra từ bộ sưu tập của tổ chức thư viện hoặc lưu trữ hoặc từ các tổ chức thư viện và lưu trữ khác, thư viện chỉ có quyền tái bản hoặc phân phối bản sao theo yêu cầu của người sử dụng trong trường hợp (1) bản sao hoặc bản ghi trở thành tài sản riêng của người sử dụng, và tổ chức thư viện và lưu trữ đã không có thông báo là bản sao hoặc bản ghi đó có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích nghiên cứu, giảng dạy, học tập cá nhân; (2) tổ chức thư viện hoặc lưu trữ trình bày nổi bật khuyến cáo về quyền tác giả tại vị trí và thứ tự sắp xếp đã được chấp nhận, và nằm trong hình thức bố trí của nó theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký bản quyền được quy định trong bản quy chế.

Những ngoại lệ về quyền tác giả trong hoạt động thư viện cũng được hạn chế, đây không được coi là căn cứ miễn trừ đối với hành vi vi phạm quyền tác giả của tổ chức thư viện hoặc lưu trữ hoặc những người làm công của các tổ chức đó đối với việc không kiểm soát thiết bị sao chụp đặt tại trụ sở của tổ chức, miễn là tại nơi để các thiết bị này đặt một thông báo là việc làm bản sao là đối tượng bảo hộ của Luật quyền tác giả. Đồng thời, các quyền tái bản hoặc phân phối của thư viện không áp dụng đối với tác phẩm âm nhạc, tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc, hoặc tác phẩm điện ảnh hoặc nghe nhìn khác mà không phải là các tác phẩm nghe nhìn được sử dụng trong việc đưa tin.

Tương tự như ở Hoa Kỳ, Luật Bản quyền của Úc cho phép các thư viện các kho lưu trữ sao chép và chia sẻ tài nguyên từ các nguồn quyên góp tới khách hàng cho mục đích nghiên cứu và học tập và tới các thư viện khác với mục đích bổ sung vốn tài liệu, chấp nhận cho các thư viện và các kho lưu trữ mà không tạo ra lợi nhuận [13]. Về việc bổ sung các tài liệu bị hư hỏng hay thất lạc, nhân viên chính quyền phải công bố lý do bản thay thế này được làm để thay thế cho bản đã bị hư hỏng, phá hoại, mất hay bị đánh cắp. Luật sở hữu trí tuệ của Úc cho phép sao chép và truyền tải hơn 15 trang từ một tập văn thơ xuất bản dưới dạng điện tử.

Cong ty luat ThinkSmart

2.2. Quy định của pháp luật Châu Âu

Tại Châu Âu, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã thông qua chỉ chị 2019/790 ngày 17/04/2019 về bản quyền và quyền liên quan trong Thị trường chung kỹ thuật số (EU-DSM). Trong đó, Điều 3 và 4 đã đưa ra hai ngoại lệ đối với bản quyền về khai thác văn bản và dữ liệu. Điều 3 quy định về khai thác văn bản và dữ liệu cho mục đích nghiên cứu khoa học, cụ thể là về vấn đề sao chép, khai thác từ cơ sở dữ liệu do các tổ chức nghiên cứu và cơ quan di sản văn hóa thực hiện nhưng chỉ nhằm nghiên cứu khoa học; lưu trữ các bản sao với cùng mục đích, bao gồm cả việc xác minh các kết quả nghiên cứu… Chỉ thị này cho phép một tổ chức di sản văn hóa gồm thư viện hoặc bảo tàng có thể truy cập kho lưu trữ, bản ghi âm, ghi hình. Người nắm giữ bản quyền có thể áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền tác giả của mình nhưng không được ngăn cản việc áp dụng ngoại lệ. Các bản sao do khai thác văn bản và dữ liệu tạo ra phải được lưu trữ an toàn. Các quốc gia thành viên có thể điều chỉnh cả hai khía cạnh sau khi đàm phán với các bên liên quan (do đó bao gồm cả các thư viện) [14]. Điều 4 cho phép các hành vi sao chép và trích xuất các tác phẩm, các chủ đề khác một cách hợp pháp vì mục đích khai thác văn bản dữ liệu, người dùng, tổ chức hoặc cá nhân có quyền truy cập hợp pháp – nghĩa là các bộ sưu tập của tổ chức cũng như trang web đều mở [15]. Những ngoại lệ này cho phép các thư viện được truy cập và khai thác hợp pháp các tác phẩm, cho phép họ hỗ trợ các nhà nghiên cứu và những người dùng thực hiện khai thác dữ liệu, bao gồm việc cung cấp cho họ quyền truy cập vào các tài liệu được truy cập hợp pháp, tại chỗ và từ xa, đồng thời có quyền giữ các bản sao an toàn.

2.3. Tuyên bố của IFLA/UNESCO về thư viện số

Với mục đích kết nối thông qua kỹ thuật số, giúp cho di sản văn hóa và khoa học của thế giới có thể tiếp cận được với tất cả mợi người, Liên đoàn Quốc tế các Hội và Cơ quan thư viện (IFLA) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã cùng đưa ra tuyên bố về Thư viện số. Tuyên bố này đã khẳng định tầm quan trọng của pháp luật quốc gia và khuyến khích pháp luật về quyền tác giả của các nước có những kẽ hở thông thoáng hơn, tạo điều kiện phát triển cho hoạt động thư viện nói chung và thư viện số nói riêng. Những năm gần đây, IFLA đang tạo ra một hành động quốc tế để các tổ chức về quyền tác giả, đặc biệt là WIPO, đảm bảo những chức năng cơ bản của thư viện và các cơ quan lưu trữ tiếp tục được giữ lại trong các luật về bản quyền. Năm 2010, Uỷ ban Thường trực của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới – WIPO (IFLA, 2013) đã đồng ý với những ngoại lệ dành cho các thư viện và trung tâm lưu trữ về vấn đề cung cấp bản sao tài liệu cho bạn đọc trong chia sẻ tại liệu. Đó là, các thư viện được quyền tạo ra và cung cấp một bản sao của tài liệu có bản quyền hoặc tài liệu được bảo hộ bởi các quyền liên quan cho bạn đọc của thư viện hoặc thư viện khác theo yêu cầu của bạn đọc cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, sử dụng cá nhân theo quy định sử dụng hợp lý của luật mỗi quốc gia [16].

Làm tròn nhiệm vụ của mình, IFLA đã hết sức khuyến khích quốc gia có những ngoại lệ về quyền tác giả, thúc đẩy hoạt động thư viện bởi, có thể hiểu rằng việc mở rộng quyền tác giả trong những trường hợp này tạo ra giá trị rất lớn cho cộng đông mà không chỉ dừng ở việc bảo hộ quyền tác giả của cá nhân.

3. Quy định của pháp luật Việt Nam về sao chép tác phẩm cho nhu cầu của thư viện và một số nhận xét, khuyến nghị

Nói tới quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại lệ của quyền tác giả, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định tại các Điều 25, Điều 26 nhưng vẫn còn rất hạn chế. Đối tượng được sử dụng phải là các tác phẩm đã công bố, hành vi sử dụng tác phẩm phải thuộc một trong các trường hợp quy định. Tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định một trong các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả có bao gồm việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số. Như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về cơ bản đã có nhận thức về việc cần có những ngoại lệ về quyền tác giả để đảm bảo sự thuận lợi nhất định cho hoạt động thư viện. Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện vẫn đang hạn chế quyền sao chép của thư viện. Cụ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.” Quy định nêu trên sẽ là một rào cản lớn cho việc phát triển hoạt động thư viện tại Việt Nam.

Qua các quy định trên, ta có thể nhận định rằng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã phần nào nhận thức được việc trong một số trường hợp nhất định, để đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng thì cần có những ngoại lệ trong quyền tác giả. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam vẫn có sự cứng nhắc khi đưa ra một danh sách các trường hợp ngoại lệ. Điều này có lẽ chưa phù hợp với thời đại, khi mà việc khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong khi bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền tác giả với lợi ích cộng đồng được đẩy mạnh. pháp luật Việt Nam chỉ cho phép sao chép một bản tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại. Về số lượng, ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm chỉ được áp dụng trong phạm vi một bản duy nhất. Do đó, trường hợp sao chép với số lượng lớn hơn một bản sao tác phẩm vẫn phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Quy định như vậy có thể khó thực thi trên thực tế bởi rất khó quản lý, kiểm soát, đồng thời lại tạo khó khăn cho công tác xây dựng thư viện. Đặc biệt là khi không cho phép thư viện được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kĩ thuật số. Vấn đề đặt ra là đối với tác phẩm in được thư viện mua một cách hợp pháp, sau đó số hóa và lưu trữ trên kho dữ liệu của thư viện thì thư viện có quyền sử dụng, khai thác ở mức độ nào, thư viện có quyền thu phí từ việc cấp phép truy cập cho bạn đọc hay không? Rõ ràng trên tương quan so sánh với quy định của một số quốc gia, Việt Nam vẫn chưa có quy định rộng mở cho hoạt động thư viện. Đây cũng là một trong những rào cản khiến cho hoạt động Thư viện Việt Nam vẫn còn nhiều mặt kém hiệu quả.

4. Bài học kinh nghiệm và một số thách thức trong việc mở rộng các ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả nhằm đảm bảo tự do nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khai thác dữ liệu lớn từ thư viện

4.1. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Đi cùng với xu hướng phát triển của thế giới đồng thời thúc đẩy hoạt động thư viện của quốc gia, rõ ràng Việt Nam cần phải thay đổi cách quy định về ngoại lệ đối với quyền tác giả, đặc biệt là các ngoại lệ dành cho hoạt động thư viện dựa trên:

i) Nhu cầu phát triển tri thức, phát triển kinh tế và xây dựng khả năng con người;

ii) Đề cao lợi ích xã hội, sự hạn chế về quyền tác giả trong pháp luật [17]. Pháp luật Việt Nam nên có cái nhìn rộng mở hơn về quyền tác giả dành cho hoạt động thư viện, tránh hạn chế quá nhiều các quyền sao chụp nhằm phục vụ cho lợi ích cộng đồng, khuyến khích tự do trí tuệ, sáng tạo đổi mới.

Việc ngăn cấm thư viện sao chép và phân phối bản sao tới người dùng thể hiện cách tư duy an toàn. Việc nới lỏng các quy định về quyền tác giả cho hoạt động thư viện có thể sẽ tạo ra một vài lỗ hổng trong việc bảo vệ quyền tác giả nhưng có thể khắc phục bằng cách quy định chặt chẽ về các ngoại lệ này. Ngoại lệ nhưng có giới hạn, trong khuôn khổ. Việt Nam có thể tham khảo quy định pháp luật Mỹ hay Châu Âu đã nêu ở các phần trên. Luật thư viện hiện vẫn còn thiếu vắng những quy định liên quan đến hoạt động sao chụp, phân phối bản sao do đó việc đặt ra nhũng ngoại lễ sẽ dễ tạo lỗ hổng. Pháp luật Việt Nam nên bổ sung thêm những quy định điều chỉnh hoạt động này.

Phap luat ve . 1

4.2. Một số thách thức trong việc mở rộng các ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả nhằm đảm bảo tự do nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khai thác dữ liệu lớn từ thư viện

Các quy định về áp dụng ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm có thể được quy định theo hướng xác định từng hoạt động một cách rõ ràng, cụ thể. Các nhà làm luật cần phải cân nhắc những ngoại lệ trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và lợi ích của công chúng. Hoạt động sao chép của thư viện nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản cần được tách biệt với hoạt động phân phối đến người dùng. Theo đó, đối với hành vi sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản thì cần loại bỏ quy định về giới hạn số lượng chỉ một bản sao tác phẩm để phù hợp với hoạt động nghiệp vụ thực tiễn của thư viện và đặt ra giới hạn về việc sao chép không nhằm mục đích thương mại [18]. Đồng thời, trong bối cảnh số hóa, nên cho phép thư viện sao chép và lưu trữ đồng thời cung cấp bản sao điện tử trực tuyến cho người dùng không nhằm mục đích thương mại. Các quy định này nếu được cân nhắc và bổ sung sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triện của thư viện số – bộ sưu tập số, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu phát triển số hóa đang tăng cao như hiện nay.

i) Thách thức về quyền tác giả liên quan đến thư viện số hóa

Trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ số hiện nay, nhiều hoạt động của con người như hoạt động cung cấp thông tin, tham gia diễn đàn thảo luận công cộng, đến hoạt động giải trí, nghệ thuật đều được chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, do vậy khả năng các hoạt động này ảnh hưởng bởi quyền tác giả ngày càng gia tăng, trong đó có hoạt động số hóa thư viện. Với chức năng vốn có của mình, thư viện dễ dàng khởi tạo và chia sẻ thông tin do họ tạo ra, và nội dung này thường dựa trên những tác phẩm đã có, vì vậy nguy cơ xâm phạm quyền tác giả là rất cao. Để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận trong kỷ nguyên số cần bổ sung một số ngoại lệ của quyền tác giả trong hoạt động thư viện khởi tạo trên cơ sở tái sử dụng tư liệu có bản quyền của người khác. Để áp dụng được ngoại lệ này, hoạt động thư viện cần phải thỏa mãn các điều kiện sau đây [19]: i) Việc sử dụng tác mới hoặc cho phép đọc giả sử dụng, phổ biến tác phẩm mới phải hoàn toàn nhằm mục đích phi thương mại; ii) Thư viện phải nêu rõ xuất xứ tác phẩm mà mình số hóa, hoặc dựa vào tác phẩm đó xây dựng tác phẩm mới nếu có thể; iii) Người khởi tạo có căn cứ hợp lý để tin rằng tác phẩm mà mình dựa vào đó để sáng tạo không xâm phạm bản quyền của người khác; iv) Hoạt động cho phép, sử dụng, phổ biến tác phẩm mới không gây tác động tiêu cực đáng kể về tài chính đối với việc khai thác tác phẩm gốc.

ii) Thách thức trong việc giới hạn quyền tác giả do AI sáng tạo

Trong lĩnh vực AI cũng cần được bổ sung những ngoại lệ mới của quyền tác giả. Chẳng hạn như phần mềm ChatGPT được khởi tạo từ trí tuệ nhân tạo, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do khởi tạo ChatGPT tạo ra, các nhà lập pháp cần phải có cái nhìn rộng thoáng hơn. Tính tất yếu của sự phát triển như vũ bão của công nghệ thì nhiều tác phẩm, sáng chế mà chính tác giả là trí tuệ nhân đạo (AI) chứ không phải là con người. Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quốc gia cần đề ra những quy định nhằm giải quyết được vấn đề bảo hộ đối với tác phẩm do AI sáng tạo, bảo đảm động lực, thúc đẩy tự do đổi mới sáng tạo [20].

iii) Thách thức trong việc xác định chủ thể bảo hộ quyền tác giả

Phần mềm ChatGPT có được coi là tác giả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không? Bởi vì phần mềm ChatGPT với khả năng tự mình tạo ra những tác phẩm, sản phẩm trí tuệ nhưng phần mềm này chỉ được coi là một công cụ hỗ trợ con người trong quá trình tạo ra tác phẩm thì việc xác định hành vi xâm hại hay chủ sở hữu quyền tác giả càng trở lên khó khăn hơn. Chính vì vậy, cần xác định mở rộng các ngoại lệ về hành vi, chủ thể đối với quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, tác phẩm do AI khởi tạo, bởi AI ngày càng đóng vai trò quan trọng và phát triển trong đời sống tương lai.

Năm 2019, WIPO đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với hệ thống sở hữu trí tuệ. Càng ngày, lượng đơn sáng chế liên quan đến AI tăng nhanh chóng. Một loạt các vấn đề pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được đặt ra như loại công nghệ AI nào được bảo hộ sáng chế, sửa đổi, bổ sung pháp luật về sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt về AI và không thể không kể đến bảo hộ cho sáng chế do AI tạo ra. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyển sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản do con người sáng tạo ra. Vậy những sáng chế không phải do con người tạo ra mà do AI có được cấp bảo hộ quyền sáng chế hay không?

5. Kết luận

Đánh giá trên tương quan so sánh với quy định của thế giới cũng như thực tế nhu cầu phát triển thư viện số của Việt Nam hiện nay, rõ ràng các quy định về bảo vệ quyền tác giả đang còn quá cứng nhắc. Đó là một trong những rào cản rất lớn trong quá trình phá triển thư viện số. Pháp luật Việt Nam nên có những hướng pháp luật phù hợp, cần có góc nhìn rộng mở hơn sao cho vừa có thể đảm bảo được quyền tác giả đồng thời cũng thúc đẩy tự do tri thức, nhu cầu xây dựng khả năng con người, phát triển quốc gia.


[1] Luật Thư viện Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương dịch, https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/50497 , truy cập ngày 23/06/2023. 

[2] Luật Thư viện Hàn Quốc, https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/50456, truy cập ngày 23/06/2023.

[3] “Tuyên ngôn của IFLA/UNESCO về Thư viện số”, https://www.ifla.org/publications/ifla-unesco-manifesto-for-digital-libraries/, truy cập ngày 23/06/2023.

[4] “Copyright and Fair Use: A Guide for the Harvard Community”, Harvard University Office of the General Counsel (16/02/2023), tr.1. 

[5] “Copyright and Fair Use: A Guide for the Harvard Community”, Harvard University Office of the General Counsel (16/02/2023), tr.2. 

[6] Nguyễn Thanh Thủy – Nguyễn Thị Hòa (01/2023), “Chuyển đổi số thư viện đại học với vấn đề quyền tác giả”, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, http://vanhoanghethuat.vn/chuyen-doi-so-thu-vien-dai-hoc-voi-van-de-quyen-tac-gia.htm, truy cập ngày 27/06/2023.

[7] “About the collections” – The Library of Congress, https://memory.loc.gov/ammem/about/about.html, truy cập ngày 27/06 /2023.

[8] “Mission and History of American Memory” – The Library of Congress, https://memory.loc.gov/ammem/about/index.html, truy cập ngày 27/06/2023. 

[9] “About Eropeana”, https://pro.europeana.eu/about-us/mission, truy cập ngày 27/06/2023. 

[10] “Europeana Libraries: Aggregating digital content from Europe’s libraries”, https://cordis.europa.eu/project/id/270933, truy cập ngày 27/06/2023.

[11] “World Digital Library Library of Congress, UNESCO” https://worldhistorycommons.org/world-digital-library, truy cập ngày 27/06/2023.

[12] Lê Văn Viết (2014) “Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện”, Tạp chí thư viện Việt Nam, https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html, truy cập ngày 27/06/2023.

[13] TS. Vũ Dương Thúy Ngà (06/11/2019) “Quy định về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thư viện trên thế giới và tại dự thảo Luật Thư viện”, https://bvhttdl.gov.vn/quy-dinh-ve-so-huu-tri-tue-trong-hoat-dong-thu-vien-tren-the-gioi-va-tai-du-thao-luat-thu-vien-20191106151051.htm, truy cập ngày 29/06/2023). 

[14] “Text and Data Mining: (Articles 3 and 4 of the EU-DSM) by REBIUN’s Copyright working group” Library Policy and Advocacy Blog, Inernational Federation of Library Association and Instituation, https://blogs.ifla.org/lpa/2020/06/10/text-and-data-mining-articles-3-and-4-of-the-eu-dsm/, truy cập ngày 27/06/2023.

[15] “Text and Data Mining: (Articles 3 and 4 of the EU-DSM) by REBIUN’s Copyright working group” Library Policy and Advocacy Blog, Inernational Federation of Library Association and Instituation, https://blogs.ifla.org/lpa/2020/06/10/text-and-data-mining-articles-3-and-4-of-the-eu-dsm/, truy cập ngày 27/06/2023.

[16] Lê Văn Viết (2014) “Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện”, Thư viện quốc gia Việt Nam, https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html, truy cập ngày 27/06/2023.

[17] Phạm Minh Huyền (29/04/2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt nam về ngoại lệ quyền tác giả trong cách mạng công nghiệp 4.0), Tạp chí khoa học Trường đại học mở Hà Nội, số 90. 

[18] Phạm Minh Huyền (29/04/2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt nam về ngoại lệ quyền tác giả trong cách mạng công nghiệp 4.0), Tạp chí khoa học Trường đại học mở Hà Nội, số 90.

[19] Xem Điều 29.21. Nội dung do người dùng khởi tạo không mang tính thương mại, Luật bản quyền của Canada.

[20] TS. Ngô Ngọc Diễm & Chu Huyền My: Cơ sở pháp lý điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phần mềm ChatGPT, tạp chí Luật sư số 3/2023,tr.30


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Thư viện Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương dịch, https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/50497.
  2. Luật Thư viện Hàn Quốc, https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/50456.
  3. Đạo luật quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
  4. Chỉ chị 2019/790 ngày 17/04/2019 về bản quyền và quyền liên quan trong Thị trường chung kỹ thuật số (EU-DSM).
  5. Tuyên ngôn của IFLA/UNESCO về Thư viện số https://www.ifla.org/publications/ifla-unesco-manifesto-for-digital-libraries/.
  6. “Copyright and Fair Use: A Guide for the Harvard Community”, Harvard University Office of the General Counsel (16/02/2023), tr.1.
  7. Nguyễn Thanh Thủy – Nguyễn Thị Hòa (01/2023), “Chuyển đổi số thư viện đại học với vấn đề quyền tác giả”, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, http://vanhoanghethuat.vn/chuyen-doi-so-thu-vien-dai-hoc-voi-van-de-quyen-tac-gia.htm.
  8. “About the collections” – The Library of Congress, https://memory.loc.gov/ammem/about/about.html.
  9.  “Mission and History of American Memory” – The Library of Congress, https://memory.loc.gov/ammem/about/index.html.
  10. “About Eropeana”, https://pro.europeana.eu/about-us/mission.
  11. “Europeana Libraries: Aggregating digital content from Europe’s libraries”, https://cordis.europa.eu/project/id/270933.
  12. “World Digital Library Library of Congress, UNESCO” https://worldhistorycommons.org/world-digital-library.
  13. Lê Văn Viết (2014) “Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện”, Tạp chí thư viện Việt Nam, https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html.
  14. TS. Vũ Dương Thúy Ngà (06/11/2019) “Quy định về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thư viện trên thế giới và tại dự thảo Luật Thư viện”, https://bvhttdl.gov.vn/quy-dinh-ve-so-huu-tri-tue-trong-hoat-dong-thu-vien-tren-the-gioi-va-tai-du-thao-luat-thu-vien-20191106151051.htm.
  15. “Text and Data Mining: (Articles 3 and 4 of the EU-DSM) by REBIUN’s Copyright working group” Library Policy and Advocacy Blog, Inernational Federation of Library Association and Instituation, https://blogs.ifla.org/lpa/2020/06/10/text-and-data-mining-articles-3-and-4-of-the-eu-dsm/.
  16. Phạm Minh Huyền (29/04/2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt nam về ngoại lệ quyền tác giả trong cách mạng công nghiệp 4.0), Tạp chí khoa học Trường đại học mở Hà Nội, số 90.
  17. Điều 29.21. Nội dung do người dùng khởi tạo không mang tính thương mại, Luật bản quyền của Canada.
  18. TS. Ngô Ngọc Diễm & Chu Huyền My: Cơ sở pháp lý điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phần mềm ChatGPT, tạp chí Luật sư số 3/2023,tr.30
5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *