Nhóm nghiên cứu
Công ty Luật ThinkSmart

Đặt vấn đề: Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác được quy định trong Bộ luật hình sự do người ở trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định được thực hiện một cách cố ý xâm hại quyền sở hữu tài sản được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Thực tiễn áp dụng các quy định về các tội xâm phạm sở hữu, còn có những vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung.

1. Quan niệm về sở hữu

1.1. Khái niệm hình thức sở hữu

Hình thức sở hữu là cách thức chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản trong một chế độ sở hữu.

Trong chế độ sở hữu có thể có nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Tương ứng với mỗi hình thức sở hữu có những chủ sở hữu nhất định. Mỗi hình thức sở hữu có những đặc trưng riêng, nên pháp luật cũng có những quy định riêng thích hợp với mỗi loại hình thức sở hữu cụ thể.

Pháp luật dân sự Việt Nam quy định mỗi hình thức sở hữu, chủ sở hữu có những cách thức thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản trong những giới hạn và phạm vi khác nhau.

1.2. Phân loại hình thức sở hữu

Trong chế độ sở hữu có thể có nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Theo quy định của Điều 179 Bộ luật dân sự Việt Nam năm trước kia, trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; sở hữu hỗn hợp; sở hữu chung. Tuy nhiên, với sự ra đời của Bộ luật dân sự sau này, trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự cũ về các hình thức sở hữu, tiếp tục khẳng định các chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, theo đó, khẳng định các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Với quy định này, Bộ luật dân sự 2015, ngoài việc tiếp tục quy định các hình thức sở hữu khác đã được Bộ luật dân sự cũ quy định, thì đã có những điểm mới khi quy định về các hình thức sở hữu, đó là không tiếp tục quy định hình thức sở hữu hỗn hợp là một hình thức sở hữu độc lập, quy định hình thức sở hữu nhà nước với Nhà nước là chủ sở hữu thay thế hình thức sở hữu toàn dân với Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Tương ứng với mỗi hình thức sở hữu có những chủ sở hữu nhất định. Mỗi hình thức sở hữu có những đặc trưng riêng, nên pháp luật cũng có những quy định riêng thích hợp với mỗi loại hình thức sở hữu cụ thể.

Ngoài ra, pháp luật dân sự Việt Nam quy định mỗi hình thức sở hữu, chủ sở hữu có những cách thức thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản trong những giới hạn và phạm ví khác nhau.

So huu tai san

1.3. Tài sản

Tài sản là những gì được làm ra từ bàn tay và khối óc của con người. Tài sản trước hết là điều kiện vật chất để duy trì sự sống của con người và là điều kiện vật chất để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ… Tài sản còn là các vật chất khác do con người tạo ra, chiếm hữu được và sử dụng được nhằm để duy trì, bảo vệ cuộc sống và phát triển (nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và các vật phẩm khác…).

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản có những thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng. Tài sản do ai sở hữu và quản lý.

2. Quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu

2.1. Quy định các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật hình sự năm 2015

Các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), gồm 13 tội được quy định từ Điều 168 đến Điều 180 BLHS.

Căn cứ vào tính chất và mục đích phạm tội có thể phân chia các tội xâm phạm sở hữu thành hai nhóm tội: Nhóm tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt và nhóm tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt.

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt được quy định tại 08 điều luật về tội phạm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).

Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt được quy định tại 05 điều luật về tội phạm: Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

Bên cạnh đó nhóm tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt cũng có thể được phân thành hai nhóm nhỏ căn cứ vào động cơ phạm tội, đó là: i) Nhóm tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt nhưng có động cơ tư lợi (Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); ii) Nhóm tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt và cũng không có động cơ tư lợi (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

Ngoài ra, dựa vào hậu quả của tội phạm có thể phân loại các tội xâm phạm sở hữu thành các tội có cấu thành tội phạm hình thức và các tội có cấu thành phạm vật chất hoặc căn cứ vào dấu hiệu lỗi có thể phân thành các tội xâm phạm sở hữu do lỗi cố ý và các tội xâm phạm sở hữu do lỗi vô ý…

2.2. Dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm sở hữu

a. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định từ Điều 168 đến Điều 175 BLHS do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa trực tiếp xâm hại đến quan hệ sở hữu.

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng sau:

* Khách thể của tội phạm

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt xâm phạm đến quan hệ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. Ngoài ra, một số tội phạm trong nhóm này còn xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe hoặc tự do của con người.

Đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt là tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác và đang do người khác chiếm hữu hay quản lý.

* Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản của người chủ sở hữu sang tay người phạm tội. Đây là quá trình làm cho chủ sở hữu mất tài sản, tức là mất khả năng thực hiện các quyền cụ thể của chủ sở hữu, đó là quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng tài sản, đồng thời tạo cho người phạm tội có thể thực hiện được các quyền nêu trên.

Hành vi chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt được thực hiện dưới các hình thức và thủ đoạn khác nhau. Đó có thể là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản, lén lút chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Trong số các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt, các tội phạm được quy định từ Điều 168 đến 170 BLHS có CTTP hình thức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc; còn các tội phạm khác đều là tội phạm có CTTP vật chất, tội phạm hoàn thành từ thời điểm hậu quả xảy ra. Trong đó có những tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt, trong mặt khách quan của tội phạm, đòi hỏi người phạm tội phải chiếm đoạt được tài sản có giá trị nhất định mới CTTP, nếu không có sự hiện diện của các tình tiết khác được quy định trong CTTP đó.

* Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội thực hiện các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt luôn luôn là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội thấy rõ hành vi của mình thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, biết rõ tài sản có ý định chiếm đoạt là tài sản mà người khác là chủ sở hữu hoặc đang quản lý nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đó để thỏa mãn động cơ vụ lợi.

Mục đích phạm tội trong mặt chủ quan của các tội phạm này có thể là nhằm chiếm đoạt tài sản (các tội quy định từ Điều 168 đến điều 170 BLHS) hoặc là chiếm đoạt được tài sản, đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác.

* Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt là bất kỳ ai có năng lực TNHS và đạt đủ tuổi chịu TNHS theo quy định tại Điều 12 BLHS.

b. Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định từ Điều 176 đến Điều 180 BLHS do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm hại trực tiếp xâm hại đến quan hệ sở hữu.

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng sau:

* Khách thể của tội phạm

Các tội phạm này xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu khác nhau.

Đối tượng tác động của tội phạm có thể là tài sản thuộc sở hữu của người khác hoặc đang chưa có người quản lý.

* Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của các tội phạm trong nhóm này (từ Điều 176 đến Điều 180 BLHS) là đa dạng và có thể được thực hiện dưới hình thức hành động hoặc không hành động, như hành vi sử dụng trái phép tài sản; chiếm giữ trái phép tài sản; hủy hoại tài sản; làm hư hỏng tài sản; thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản hoặc hành vi vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong xã hội liên quan đến việc bảo vệ tài sản.

Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt đều là các tội có cấu thành vật chất, tức là hậu quả theo điều luật về tội phạm quy định phải xảy ra thì tội phạm mới được coi là hoàn thành. Trong đó, có những tội phạm đòi hỏi hậu quả thiệt hại về tài sản xảy ra phải có trị giá nhất định mới CTTP, tức là hậu quả trong mặt khách quan của tội phạm đó là dấu hiệu bắt buộc, ví dụ như: Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179 BLHS) hoặc Tội vô ý gây thiệt hại nghiểm trọng đến tài sản (Điều 180 BLHS).

* Mặt chủ quan của tội phạm

Các tội phạm xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt có thể được thực hiện bằng lỗi cố ý (các tội quy định tại Điều 176, 177, 178 BLHS), có tội được thực hiện bằng lỗi vô ý (các tội quy định tại Điều 179, 180 BLHS).

Động cơ tư lợi là dấu hiệu bắt buộc của các tội phạm quy định tại Điều 176 và 177 BLHS, còn các tội phạm khác, dấu hiệu động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc thuộc về mặt chủ quan của tội phạm.

* Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179 BLHS) là chủ thể đặc biệt, đó là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; còn đối với các tội phạm khác, chủ thể là chủ thể thường, tức là chỉ cần họ là người có năng lực TNHS và đạt từ đủ 16 tuổi trở lên.

Theo khoản 2 Điều 12 BLHS, riêng đối với Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS, người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS theo khoản 3 và 4 của Điều này.

Tai san

3. Những vướng mắc, bất cập

Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt được pháp luật quy định từ rất sớm, tuy nhiên pháp luật bao giờ cũng lạc hậu hơn so với sự phát triển không ngừng của các quan hệ xã hội. Điều đó phản ánh các quy định của pháp luật về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt chỉ mang tính hoàn thiện tương đối trong một khoảng thời gian nhất định. Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử cùng với sự đối chiếu, so sánh với quy định của pháp luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt, tác giả nhận thấy có những hạn chế, vướng mắc về quy định của pháp luật như sau:

Thứ nhất, có 3 tội phạm trong 8 tội danh xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt chỉ nêu tội danh, không quy định cụ thể cấu thành tội phạm, đặc biệt là không mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm nên đã dẫn đến nhiều trường hợp hiểu và thực hiện không thống nhất, có nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn trong việc định tội danh. Cụ thể là các tội: Tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS), tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS).

Thứ hai, hành vi thuộc mặt khách quan của một số tội phạm chưa được phân biệt rõ ràng, ví dụ như hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS với hành vi đe dọa dùng vũ lực của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 BLHS. Với cách quy định này nhiều trường hợp nhầm lẫn, khó phân biệt trong việc định tội, giải quyết vụ án. Hoặc quy định về dấu hiệu “hành vi khác”, “thủ đoạn khác” tại các Điều 168 (tội cướp tài sản), Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản) là chưa rõ ràng dẫn đến thiếu thống nhất trong nhận thức và thực hiện pháp luật.

Thứ ba, tại các khoản 2, 3, 4 Điều 171 BLHS đều quy định tình tiết: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ. Nhưng trong thực tế nếu trường hợp thương tích được xác định theo tỷ lệ thương tật cơ thể từ 30% đến dưới 31% hoặc từ 60% đến dưới 61% thì việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khung, khoản để định tội danh, quyết định hình phạt sẽ khó xác định, dễ gây ra sự tùy nghi. Hoặc quy định tại điểm b, khoản 4: “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên nhưng nếu trường hợp “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 31%” thì áp dụng khoản nào của Điều 171 BLHS thì nhà làm luật lại chưa tính đến.

Ví dụ: A có hành vi cướp giật tài sản của B, gây thương tích cho B tỷ lệ thương tật cơ thể qua giám định là 30,5%. Ở đây có 2 cách hiểu khác nhau để Tòa án có thể áp để định tội danh, quyết định hình phạt đối với A: Có thể áp dụng khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 171 BLHS.

Thứ tư, đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS), việc quy định hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” (điểm a khoản 1) là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dường như không chính xác, vì đây có thể là một cách thức lừa đảo cụ thể trong trường hợp có thủ đoạn gian dối. Việc “bỏ trốn” theo quy định nêu trên có thể là hệ quả của các hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản trước đó và cũng có thể là sự vắng mặt hợp pháp để đi nơi khác làm ăn, kiếm tiền trả nợ hoặc nhiều lý do cá nhân khác của người đã vay hoặc mượn tài sản nhưng chưa thể hiện rõ mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, nếu khởi tố người nhận được tài sản theo Điều 175 BLHS năm 2015 là đã hình sự hóa quan hệ dân sự, vì hành vi này chỉ là vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế mà thôi. Tương tự như vậy, quy định hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” (điểm b khoản 1) là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không rõ ràng. Trong trường hợp này, nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có trước thì hành vi phải xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có sau, dường như đây không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản, bởi không có sự cố ý chiếm đoạt mà chỉ cố ý sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản. Mặt khác, hiện nay có trường hợp vay mượn tiền tài sản với số lượng hoặc giá trị lớn sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không có khả năng trả nợ lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc ăn chơi tiêu xài như vậy không được coi là hành vi bất hợp pháp.

Thứ năm, trong một số điều luật của các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt có quy định về tình tiết định tội “đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm”, còn tồn tại một số vướng mắc. Cụ thể: Về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính”, một nguyên tắc của pháp luật được thừa nhận là một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Như vậy, nếu thừa nhận tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” làm cơ sở định tội sẽ lấy yếu tố thuộc nhân thân người phạm tội để xử lý người vi phạm pháp luật và như vậy một hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý 2 lần (vừa bị xử lý hành chính, vừa bị cộng dồn để xử lý hình sự).

Đối với tình tiết “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản”, đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt cũng nảy sinh bất hợp lý, chưa mang tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Theo quy định: Hành vi chiếm đoạt tài sản nếu có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu (2 triệu đồng đối với các tội quy định tại Điều 172, 173, 174 và 4 triệu đồng đối với tội quy định tại Điều 175), thì phải có thêm dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích, mà còn vi phạm” mới cấu thành tội phạm, nên trong thực tế có người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu, tuy chưa có lần nào bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng lại có nhiều tiền án về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, như: giết người, hiếp dâm trẻ em… lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, người có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu và chỉ có một tiền án về tội chiếm đoạt tài sản (mặc dù thuộc loại ít nghiêm trọng) vẫn bị coi là tội phạm.

Thứ sáu, đối với một số tội danh có quy định về định lượng tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)… Việc quy ra tiền để xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự có thật sự hợp lý khi tiền tệ của nước ta thường không ổn định (đồng tiền nước ta bị trượt giá liên tục). Mặt khác, việc định lượng bằng tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự thường không dựa vào chuẩn mực khoa học, khách quan vì khi “tiền mất giá” thì ta lại phải sửa đổi luật.

Bên cạnh đó còn có một số điểm bất hợp lý như: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS) nếu giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng (thuộc trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản) thì không bị xử lý hình sự. Trong khi đó, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì từ 4 triệu trở lên (không thuộc các trường hợp đặc biệt) mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS) lại không có quy định về định lượng tài sản, nên người nào tiêu thụ tài sản trộm cắp dù chỉ vài trăm ngàn đồng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phap luat ve . 6

4. Một số vấn đề cần đặt ra

Thực tiễn áp dụng BLHS cho thấy còn những bất cập vướng mắc đó là có những cấu thành cơ bản, tăng nặng của các tội xâm phạm sở hữu khi xác định rất khó khăn. Vì vậy, tác giả kiến nghị cần hoàn thiện cấu thành cơ bản, tăng nặng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt ở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Theo quan điểm truyền thống thì đây là tội có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội có hành vi “dùng vũ lực” hoặc đe dọa “dùng vũ lực” làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là phạm tội cướp, không cần xét đến hành vi đó thực tế có xâm phạm sức khỏe người khác hay không. Trên thực tế, có những trường hợp người phạm tội chỉ có hành vi tát hay dùng dép đánh vào người để chiếm đoạt tài sản đều bị coi là cướp tài sản. Những trường hợp này nếu áp dụng tội cướp tài sản đối với họ là quá nặng và hình phạt được tuyên không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Vì thế theo tác giả chỉ nên coi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác nhằm chiếm đoạt tài sản mới cấu thành tội cướp. Còn hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Có như vậy, việc phân biệt hai tội danh này sẽ dễ hơn trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, về mặt ngôn ngữ diễn đạt cần bỏ từ “dùng” thay bằng cụm từ “sử dụng” sẽ phù hợp hơn vì sử dụng là phát huy chức năng, công dụng của vũ khí, phương tiện còn dùng có thể chỉ mới cầm vũ khí đe dọa. Vì vậy, cụm từ “sử dụng” có ý nghĩa phù hợp hơn.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy cần quy định cấu thành cơ bản của các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản như sau:

“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì…”

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 168 của Bộ luật này hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác, thì…”

Thứ hai, tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 BLHS nhưng điều luật lại không miêu tả cụ thể hành vi thuộc dấu hiệu khách quan của tội phạm dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc định tội danh. Trong khoa học pháp lý, hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản có hai đặc điểm: Một là, tính công khai của hành vi chiếm đoạt, vì người phạm tội không che dấu hành vi của mình cũng như không che dấu tính trái pháp luật của hành vi; hai là, tính nhanh chóng của hành vi chiếm đoạt tài sản để loại trừ sự cản trở của chủ sở hữu tài sản khi bị phát hiện. Vì vậy, theo tác giả sửa đổi Điều 171 BLHS theo hướng như sau:

“Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng tẩu thoát thì…”

Để tránh sự tùy nghi nên sửa đổi điểm b, khoản 3 Điều 171 BLHS thành “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ trên 30% đến 60%”; Sửa đổi điểm b, khoản 4 Điều 171 thành “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ trên 60% trở lên”. Mặt khác cần quy định làm rõ “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 31%”.

Thứ ba, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS, điều luật cũng không quy định cụ thể hành vi khách quan. Sở dĩ như vậy là do nhà làm luật cho rằng khái niệm trộm cắp tài sản từ xưa đến nay vẫn được hiểu thống nhất về mặt lý luận và thực tiễn là hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản người khác. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót trong việc định tội danh đối với tội này. Vì vậy, để thống nhất về kỹ thuật lập pháp cũng như tính minh bạch của pháp luật, tác giả cho rằng cần sửa đổi Điều 173 BLHS theo hướng:

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản:
1. Người nào lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…thì…”

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *