Luật sư Việt Nam » Pháp luật – Đời sống
(LSVN) – Thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc áp dụng xét xử theo thủ tục rút gọn không chỉ phát huy được ưu điểm là tính kịp thời, cấp bách mà còn giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tạo điều kiện để có thể huy động nhân lực và vật lực vào mặt trận chống dịch.
Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều vụ án hình sự, liên quan đến vi phạm phòng, chống dịch Covid-19 đã được điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian “siêu tốc”, thậm chí là quá nhanh, có vụ chỉ mất khoảng thời gian trong vòng 05 ngày đã được đưa ra xét xử.
Cụ thể, từ những vụ việc xảy ra đầu tiên như vụ án Đào Xuân Doanh (30 tuổi, Quảng Ninh) nhận án phạt 09 tháng tù vì tội “Chống người thi hành công vụ”. Kể từ thời điểm gây án đến thời điểm khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử chỉ mất vỏn vẹn 05 ngày.
Hay đến như vụ việc đối tượng Nguyễn Trung Thành (32 tuổi) tát vào mặt nhân viên chốt kiểm dịch khi bị nhắc đeo khẩu trang. Đối tượng đã phải nhận hình phạt 09 tháng tù cùng về tội “Chống người thi hành công vụ”. Từ thời điểm đối tượng bị bắt là ngày 23/4 đến ngày bị đưa ra xét xử là ngày 25/5.
Điển hình trong đó là vụ việc “Bệnh nhân 1342” bị khởi tố vì “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Được biết, anh này bị cáo buộc vi phạm quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục vi phạm quy định cách ly khi được cho về nhà. Khoảng thời gian kể từ thời điểm khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử tất cả chỉ trong vòng 01 tháng.
Mới đây nhất, là vụ việc đối tượng Nguyễn Hữu Tuyên (51 tuổi, trú xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc) đã bị Công an huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 02 tháng về tội “Chống người thi hành công vụ” tại chốt kiểm soát dịch. Đáng chú ý, thời gian từ lúc đối tượng này bị bắt cho đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can chỉ mất khoảng 02 ngày.
Đúng quy định
Vậy, việc các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật đối những vụ việc trên có đúng quy định?. Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật ThinkSmart cho biết, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên theo thủ tục rút gọn là đúng quy tắc, không vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng. Về cơ bản, xét xử theo thủ tục rút gọn không phải đến thời điểm hiện tại mới được áp dụng mà đây là một thủ tục đã có từ lâu và được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự qua các thời kỳ.
Cụ thể, thủ tục rút gọn đã được áp dụng bắt đầu từ những quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đây là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, nhân thân người phạm tội rõ ràng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua số lượng án hình sự được áp dụng theo thủ tục rút gọn là rất hạn chế bởi trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung để thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong tố tụng hình sự.
Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 456. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định 04 điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gồm: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng và người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
“Theo đó, đây là đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có dấu hiệu kéo dài, hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do đã quá thời hạn giải quyết”, Luật sư Diễm nhận định.
Đồng quan điểm cùng Luật sư Diễm, Luật sư Nguyễn Văn Cận, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc những người phạm tội liên quan đến việc phòng chống Covid-19 là việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; phạm tội ít nghiêm trọng; có lý lịch và nơi cư trú rõ ràng. Nên hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn theo Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
“Trong các quy định của thủ tục rút gọn chỉ giới hạn thời hạn tối đa chứ không có quy định thời hạn tối thiểu, chính vì phải răn đe phòng ngừa chung, nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết nhanh chóng để đưa vụ án ra xét xử là phù hợp với quy định”, Luật sư Cận cho hay.
Hết sức cần thiết
Các Luật sư cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều cá nhân tổ chức có hành vi cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống Covid-19. Vì vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn là điều hết sức cần thiết để góp phần răn đe và phòng ngừa chung.
Theo đó, để cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thủ tục rút gọn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Về cơ bản, hướng dẫn nêu trên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng rất lớn trong việc xác định tội danh cho các hành vi vi phạm, rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng, tạo điều kiện để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Việc thủ tục áp dụng xét xử rút gọn chỉ áp dụng cho những người phạm tội ít nghiêm trọng, có chứng cứ rõ ràng, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Hình thức xử phạt chỉ giới hạn trong khung hình phạt đối với phạm tội ít nghiêm trọng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (từ 03 năm tù trở xuống).
“Việc răn đe không phải là là phạt nặng hay nhẹ (tùy vào việc phạm tội của mỗi người) mà đây là việc giải quyết nhanh chóng để làm gương cho việc phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn cấp thiết hiện nay”, Luật sư Cận nêu rõ quan điểm.
Luật sư Ngô Ngọc Diễm trên quan điểm của mình cũng cho rằng trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc áp dụng xét xử theo thủ tục rút gọn không chỉ phát huy được ưu điểm là tính kịp thời, cấp bách mà còn giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tạo điều kiện để có thể huy động nhân lực và vật lực vào mặt trận chống dịch. Thêm vào đó, việc xét xử theo thủ tục rút gọn cũng đảm bảo được tính giáo dục và tính răn đe, làm gương cho các cá nhân, pháp nhân trong xã hội tuân thủ quy định phòng dịch, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xét xử kịp thời các vi phạm liên quan đến dịch Covid-19 còn giúp tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của mọi người dân vào chính sách của Đảng và nhà nước. Đây là biểu hiện sinh động nhất của hoạt động pháp lý luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với yêu cầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh chung của cả nước.
TRẦN MINH