Lời mở đầu
Đại dịch Covid diễn biến phức tạp đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tính trạng “báo động đỏ’’, có nguy cơ phá sản khi không thể duy trì hoạt động kinh doanh. Vì vậy việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch là vô cùng cấp thiết. Mới đây Ngân hàng Nhà nước có ban hành các quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp.
Bài viết dưới đây của Luật ThinkSmart sẽ tư vấn cho Quý khách về điều kiện và thủ tục để được cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất trong thời kỳ Covid.
Giải thích thuật ngữ
Cơ cấu lại nợ là gì?
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ vay của khách hàng theo các quy định theo Khoản 10 Điều 2 và Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Miễn giảm lãi suất
Miễn giảm lãi suất là việc tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức đáp ứng đủ điều kiện cụ thể.
Giữ nguyên nhóm nợ
Là việc các tổ chức tín dụng sẽ giữ nguyên các khoản vay của khách hàng theo 5 nhóm dựa trên mức độ rủi ro bao gồm: Nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) theo thông tư 02/2013/TT-NHNN.
Điều kiện để được cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ
Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ căn cứ theo Điều 4 Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Phát sinh trước ngày 01/08/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.
- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản này;
- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020;
- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021;
- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid -19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
- Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.
Về việc miễn giảm lãi suất căn cứ theo Điều 5 Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022.
Về việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 14/2021/TT-TT-NHNN
Thời gian thực hiện miễn, giảm lãi, phí thực hiện đến ngày 30/6/2022. Điều kiện để được miễn giảm lãi suất được quy định như sau:
- Tồn tại số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022;
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Về việc giữ nguyên nhóm nợ căn cứ theo Điều 6 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và sửa đổi bổ sung Thông tư số 14/2021/TT-NHNN quy định:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021 như sau:
- Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định Điều 4 Thông tư này;
- Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại Điều 4 Thông tư này;
- Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Trình tự, thủ tục để được cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất
Hiện nay việc xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,…thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN), tổ chức tín dụng có trách nhiệm ban hành quy định nội bộ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ.
Do đó, các doanh nghiệp cần làm việc với các tổ chức tín dụng để biết được các quy định về trình tự thủ tục, hồ sơ để xin cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất. Một số các giấy tờ các doanh nghiệp có thể sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để được xem xét cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất:
- Giấy đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ kiêm phương án trả nợ
- Biên bản xác định ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giữa Ngân hàng và khách hàng
- Các tài liệu chứng minh khách hàng sụt giảm doanh thu/thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19.
- Các tài liệu khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật ThinkSmart về trình tự, thủ tục xin cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trân trọng cảm ơn Quý khách đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của ThinkSmart./