Câu lạc bộ Luật học Themis
Khoa Luật – Trường Đại học Văn hóa sưu tầm [1]

Đặt vấn đề

Tư duy pháp lý có thể được hiểu theo nghĩa rộng: bao gồm tư duy mang tính phản biện của giới luật gia nói chung có thể sử dụng trong mọi hoạt động trên lĩnh vực pháp lý. Nhưng tư duy pháp lý thông thường được hiểu theo nghĩa cụ thể: tư duy trong áp dụng pháp luật đó là công việc gắn liền với giới luật sư, thẩm phán. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đề cập đến tư duy áp dụng pháp luật – công việc đặc thù của luật sư, thẩm phán, và cũng giới hạn trong việc nghiên cứu lại một vụ việc thực tiễn và nghiên cứu lại một bình luận về vụ việc đó.

“Vụ án dưới đây chỉ là một trong số hàng vạn tranh chấp về nhà đất ở Việt Nam. Năm 1995, ông Bùi Văn Thanh mua nhà đất của bà Nguyễn Thị Nương tại ấp 7, xã Thanh Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước; việc mua bán được làm bằng giấy viết tay. Năm 1996, bà Nương được UBND huyện Lộc Ninh cấp sổ đỏ cho lô đất kể trên. Dựa trên sổ đỏ đó, bà này khởi kiện, đòi ông Thanh phải trả lại nhà đất, với lí do việc mua bán đất là vô hiệu. Qua các cấp xét xử, TAND huyện Lộc Ninh (Bản án sơ thẩm số 40/DSST ngày 31/12/2002), TAND tỉnh Bình Phước (Bản án phúc thẩm số 38/DSPT ngày 15/04/2003) đều xác nhận việc mua nhà đất là có thực bán, song tuyên bố hợp đồng này vô hiệu, vì vào năm 1995 người bán chưa được cấp sổ đỏ nên chưa có quyền bán đất, sau khi bán hai bên lại không làm thủ tục đăng kí chuyển nhượng sổ đỏ. Tuyên hợp đồng mua bán nhà đất vô hiệu, tòa buộc ông Thanh phải trả lại đất cho bà Nương; ngược lại, bà Nương có nghĩa vụ trả lại cho ông Thanh số tiền bán nhà đất đã nhận.

Vụ tranh chấp kể trên không phải cá biệt, mà ngược lại, là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Từ vụ tranh chấp kể trên có nhiều vấn đề pháp lí cơ bản dưới đây cần được thảo luận: (i) nhà đất đang chờ sổ đỏ có thể mua bán được hay không, (ii) hợp đồng mua bán nhà đất viết tay có hiệu lực hay không, (iii) tòa án cần can thiệp như thế nào đối với những trường hợp tương tự.

Mua bán nhà đất đang chờ sổ đỏ

Pháp luật phải ghi nhận và bảo hộ quyền tài sản tư của người dẫn (gọi đó là quyền sử dụng đất hay quyền thuê đất), kể cả khi đất đó chưa được cấp sổ đỏ. Điều này dễ hiểu như một người vừa mua một chiếc xe máy từ cửa hàng mà chưa kịp đăng kí; xe chờ đăng kí cũng giống như nhà đất chờ cấp sổ đỏ. Nếu người ta có thể mua bán, tặng cho xe chưa đăng kí, thì nhà đất chờ cấp sổ đỏ cũng là một thứ tài sản không thể bị cấm lưu hành.

Thực ra sổ đỏ với đất, sổ hồng với nhà đều là sự ghi chép của nhà nước phục vụ minh bạch hóa quyền tài sản, chứ các ủy ban nhân dân không có cái quyền ban phát sở hữu, cũng như cái giấy khai sinh chỉ ghi nhận, chứ cái giấy đó không đẻ ra con người. Quyền tài sản, từ thủa hồng hoang cho tới nay, đều hình thành qua vài con đường, hoặc do cưỡng đoạt, hoặc do khẩn khai, tôn tạo, hoặc do thừa kế hay mua sắm mà có. Điều ấy cũng đúng với nhà đất, quyền tài sản đối với nhà đất đã được xác lập bởi nhiều phương cách khác nhau. Chước bạ thời xưa hay sổ đỏ thời nay chỉ là sự ghi chép, chứ không thể sinh ra quyền tài sản. Nếu xem xét như vậy, thì nhà đất chờ sổ đỏ tất phải là quyền tài sản của người dân và tất yếu phải được lưu hành.

Văn tự mua bán nhà đất viết tay có hiệu lực không? Tự thủa xa xưa, người nước ta vẫn mua bán nhà đất bằng văn tự viết tay. Các khế ước đoạn mãi thường rất ngắn gọn, theo một thể thức đơn giản, nhấn mạnh tới việc mua đứt bán đoạn, thế mới gọi là đoạn mãi. Đối với nhà đất đang chờ sổ đỏ, các bên chẳng còn cách nào khác là phải mua bán bằng giấy viết tay, bởi người bán mới hoàn tất kê khai, song chưa được cấp sổ đỏ, vì thế không thể công chứng hợp đồng và tiến hành đúng các thủ tục mà Bộ luật Dân sự nước ta quy định.

Tuyên vô hiệu một hợp đồng nghĩa là can thiệp vào quyền tự do định đoạt tài sản, tự do khế ước của các bên; một sự can thiệp như vậy rất nên được cân nhắc cẩn trọng. Nếu nhà đất chờ sổ đỏ không phải là hàng cấm, người bán người mua không bị nhầm lẫn và bày tỏ ý chí của mình một cách tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng bức thì khế ước đã bước đầu được xác lập một cách có hiệu lực. Kể cả khi khế ước không được xác lập đúng thể thức, thì khế ước đó không mặc nhiên vô hiệu, người ta phải chiều theo ý chí tự do khế ước mà hối thúc các bến hoàn tất những thể thức dở dang theo luật định.

Tòa án cần can thiệp ra sao?

Tôi rất hiểu nỗi phiền lòng của quan tòa nước ta, phải tuân thủ pháp luật chứ chưa có quyền sáng tạo ra án lệ hay đưa vào học lí mà giải thích luật. Song tôn chỉ của tòa án trước hết là hướng tới công lí, chứ không hướng tới sự phục tùng kiểu như mệnh lệnh hành chính. Bởi vậy, tìm cách hợp lí nhất bảo vệ quyền dân sự chính đáng của người dân có lẽ là hướng can thiệp đáng hoan nghênh nhất trong thời buổi hiện nay.

Cũng giống như mua xe chưa đăng kí, từ cái xe đó, người ta thủ đắc luôn quyền đem giấy tờ ra để đăng kí chước bạ với cảnh sát giao thông. Thì cũng vậy, người mua nhà đất đang chờ sổ đỏ cũng phải có cái quyền nại ra cơ quan chước bạ để ghi tên mình vào sổ và được cấp sổ đỏ cho vật quyền có được do khế ước. Nếu sổ đỏ, vì lí do nào đó đã được cấp cho chủ cũ sau khi việc mua bán nhà đất diễn ra, thì chủ mới vẫn có cái quyền nại ra cơ quan công lực để hoàn tất nốt những thể thức đăng kí thay đổi chước bạ. Mọi lí thuyết về quyền tài sản đang hình thành hay sự phân tách giữa nghĩa vụ và thể thức nghe ra có vẻ cao siêu, nhưng áp dụng vào trường hợp thực tế rất mạch lạc: qua khế ước người ta đã mua được quyền tài sản, tòa án chỉ hối thúc các bên hoàn tất mọi thể thức để quyền tài sản đó được xác lập một cách trọn vẹn mà thôi.

Quả là cuộc cải cách ở Việt Nam chỉ có thể được đẩy xa hơn nữa, nếu người nước ta yêu mến sở hữu tư nhân và hết lòng bảo hộ cái giá trị giản đơn, song thiêng liêng đó. Nó giản đơn, vì một chút của riêng tự làm người ai chẳng muốn; nó thiêng liêng vì quyền tài sản tư là động lực ganh đua của mọi giống người, ơn sự ganh đua khốc liệt đó mà mọi nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia được sử dụng có hiệu quả, xã hội được văn minh. Thay đổi cách nhìn nhận về sở hữu, gia tăng bảo hộ quyền tài sản tư nhân của người dân là một định hướng mà người nước ta nên quan tâm./.” [2]

Trong trích đoạn trên – có sự khác biệt trong tư duy pháp lý từ hai chủ thể khác nhau: i) từ tòa án – trên bình diện thực tiễn – với kết quả là phủ nhận việc mua bán nhà đất giữa hai bên đương sự; ii) từ một luật gia – trên bình diện nghiên cứu – với lập luận dẫn đến khi năng công nhận giá trị thỏa thuận mua bán nhà đất giữa hai bên.

Như vậy tư duy pháp lý của các chủ thể có thể rất khác biệt, và gợi lên rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra. Phương pháp tư duy pháp lý cũng dựa trên một quy trình chung, nhưng việc đưa ra các lập luận và từ đó, dẫn đến kết luận – có thể hoàn toàn khác biệt. Liệu tư duy trong áp dụng pháp luật chỉ là quá trình đánh giá pháp luật và sự kiện hay còn hơn thế nữa?

1. Tư duy áp dụng pháp luật: quá trình đánh giá pháp luật và sự kiện

Với một chủ thể áp dụng pháp luật, xử lý một vụ việc cần dựa trên pháp luật. Bởi lý do đó cho nên việc phân tích quy phạm pháp luật và đánh giá sự kiện là hoạt động không thể thiếu trong tư duy áp dụng pháp luật.

Trong vụ việc dẫn chứng trên, việc đưa ra kết luận dựa trên phân tích vụ việc (tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất) và phân tích pháp luật (pháp luật hợp đồng, pháp luật đất đai; và cụ thể hơn trong trường hợp này pháp luật về hợp đồng mua bán nhà đất). Cả phía tòa án hay cả phía luật gia – người bình luận đều dựa trên phân tích sự kiện thực tiễn và phân tích pháp luật.

Có thể minh họa việc phân tích của tòa án như sau:

– Sự kiện thực tiễn: tranh chấp việc mua bán nhà đất giữa ông Thanh và bà Nương. Sự kiện thực tế đã được tòa án công nhận (đều xác nhận việc mua nhà đất là có thực).

– Sự kiện pháp lý: tranh chấp quyền tài sản (quyền tài sản đối với nhà đất);

– Các quy định pháp luật liên quan: quy định về quyền chuyển nhượng nhà đất; giá trị của hợp đồng mua bán nhà đất viết tay; thỏa thuận mua bán nhà đất khi chưa có sổ đỏ. Cụ thể là:

Vào thời điểm năm 2002, áp dụng quy định tại Điều 707, Bộ luật Dân sự năm 1995, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được làm thủ tục và đăng ký tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật Đất đai 1993 quy định người sử dụng đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện: “a. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; b. Đất không có tranh chấp; c. Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d. Trong thời hạn sử dụng đất”.

Như vậy dựa trên đánh giá sự kiện và phân tích quy phạm pháp luật, về cơ bản có thể dẫn đến kết luận như bên tòa: Hợp đồng mua bán nhà đất vô hiệu; do người bán chưa được cấp sổ đỏ nên chưa có quyền bán đất, sau khi bán hai bên lại không làm thủ tục đăng kí chuyển nhượng sổ đỏ.

Đây cũng là cách đánh giá trong xử lý vụ việc của tòa.

Như vậy tư duy trong áp dụng pháp luật luôn bắt đầu từ những thao tác cơ bản: phân tích sự kiện; áp dụng vào các điều khoản luật pháp tương ứng. [3]

Các luật gia hay nói về sự khác biệt trong tư duy pháp lý ở hai dòng họ pháp luật lớn trên thế giới: dòng họ civil law và dòng họ common law.

Ở hệ thống civil law, tư duy áp dụng pháp luật được tóm tắt như sau: i) Tìm một điều luật thích hợp từ trong một đạo luật; ii) lập luận và giải thích để áp dụng điều luật kia vào sự kiện đang xem xét… Sau khi xem những giải thích đã có trước kia về một điều luật mà thấy có liên quan, thẩm phán ghép sự kiện vào điều luật ấy.

Ở hệ thống Common law, tư duy pháp lý theo quy trình như sau: i) đi tìm “luật” bằng cách phân tích những sự kiện của vụ việc đang xem xét với những thứ tương tự trong các vụ án đã có trước kia để rút ra một nguyên tắc tổng quát; ii) gói ghém nguyên tắc kia lại để đưa ra một điều luật khả dụng, với những ngôn từ giống như một điều khoản được ghi sẵn ở một bộ luật bên Civil law; iii) Áp dụng điều luật vừa khám phá vào nội dung xét xử. [4]

Khái niệm “pháp luật” trong Common law có vẻ trừu tượng hơn: đó không hẳn là các quy phạm được đặt ra trong các bộ luật cụ thể, mà đó là các “quy tắc” được tìm thấy trong các vụ án trước kia; hoặc thậm chí là các “nguyên tắc” được rút ra từ thực tiễn và suy luận của luật gia – nhưng về bản chất, đó vẫn là pháp luật. Sự khác biệt này có lẽ nằm ở tiến trình: thông thường bên common law – với tư duy pháp lý rất thực dụng – sẽ khởi nguồn bằng cách đánh giá sự kiện và lập luận chủ yếu dựa trên sự kiện, bất kể là sự kiện đang xem xét hay sự kiện trước kia; trong khi đó ở Civil law khởi nguồn thường là xem xét rà soát pháp luật, và điểm tựa của các lập luận hầu như cũng trên cơ sở các quy định pháp luật hiện có.

Tư duy trong áp dụng pháp luật là tư duy xử lý các vụ thể. Chính bởi vậy, nói tư duy trong áp dụng pháp luật, chúng tôi cho rằng nên tiếp cận gần với cách suy luận thực dụng ở common law – khi người ta xuất phát từ sự kiện và lấy nền tảng đánh giá dựa trên phân tích sự kiện.

Dù quy trình tư duy có khác nhau, nhưng điểm chung của tư duy pháp lý trong hai hệ thống: đều là quá trình tìm ra giải pháp thông qua phân tích sự việc và kết nối vào pháp luật. Đối với áp dụng pháp luật – giới luật sư có quy tắc IRAC (Issue; Rule; Analysis; Conclusion).

Việc phân tích sự việc (Issue of facts) nhằm mục tiêu: xác định được quyền/ nghĩa vụ của các bên. Nghiên cứu sự kiện càng kỹ sẽ dẫn đến việc áp dụng luật càng chuẩn xác. Quá trình đánh giá sự kiện là quá trình liên tục đặt ra và trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Như thế nào? Tại sao (đây là câu hỏi đặc biệt quan tâm)?

Cụ thể – hướng dẫn quy tắc đánh giá sự kiện thường được hiểu như sau:

1) Who: Ai là các bên trong vụ việc?
2) When: khi nào đã xảy ra sự kiện pháp lý?
3) Where: ở đâu đã xảy ra sự kiện?
4) What: cái gì đã được xử lý (bởi các hãng luật/ luật gia khác)?
5) What: Tài sản quyền nào có liên quan trong vụ việc (đặc biệt chú ý về bất động sản)?
6) How: vụ việc diễn ra thế nào?
7) How much: giá trị của vụ việc/ quan hệ tranh chấp?
8) What for/ Why: tại sao khách hàng mong muốn lợi ích đó. . .
9) Etc.

Các luật gia Anh Mỹ thường được dạy rằng: trong đánh giá sự kiện, cần có cái nhìn tổng quát để nắm toàn diện vấn đề; sau đó cần xác định đúng vấn đề pháp lý cơ bản nhất. Từ xác định vấn đề pháp lý cơ bản – sẽ đi đến câu trả lời chốt cho vụ việc. Và câu hỏi “tại sao” là quan trọng trong việc đánh giá vấn đề pháp lý cốt lõi của vụ việc.

Các luật gia Civil Law lại thường đánh giá sự kiện theo hướng i) xác định sự kiện đó có tồn tại trên thực tế hay không; ii) nếu có tổn tại, liệu sự kiện đó có thực sự được xếp loại (qualify) đúng như trong phần giả định – tình huống của quy phạm pháp luật hay không?

Khái niệm “Issue” cũng bao gồm cả hai phương diện: “issues of facts” và “issue of law”.

Với bình diện thứ hai này – Issue of law, bản chất là đánh giá pháp luật tương thích với vụ việc.

Nếu như đánh giá sự kiện – chưa thực sự là hoạt động đặc thủ của riêng nghề luật, thì đánh giá pháp luật sẽ là bước đặc trưng nổi bật của tư duy pháp lý.

Các kỹ năng sơ đẳng để phân tích quy phạm thường được dạy trong nhà trường, và hầu như bất kỳ sinh viên nào cũng có thể nắm rõ các kỹ năng đó. Thông thường các luật gia sẽ bắt đầu bằng việc xác định một khu vực pháp luật bao quát – có thể liên quan đến vụ việc và vì vậy có thể áp dụng được để giải quyết vụ việc. Tiếp sau đó là bước phân biệt – loại trừ để tìm ra quy phạm sát thực nhất áp dụng cho vụ việc.

Để tìm được quy phạm này, các luật gia sẽ khoanh vùng các quy tắc – thông qua việc luôn gắn kết chúng với sự kiện thực tiễn đã nhận diện. Các luật gia cũng luôn lưu ý đến một số nguyên tắc chung trong lựa chọn luật áp dụng: i) tính thứ bậc của các quy phạm pháp luật hiện hành; ii) mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành.

Ở Việt Nam, do đặc thù của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, ngoài những nguyên tắc chung trong lựa chọn pháp luật, có thể cần có một số lưu tâm riêng: đó là sự giải thích (chính thống hay không chính thống) của một số cơ quan nhà nước; thời điểm có hiệu lực, hiệu lực hồi tố của văn bản; giá trị của bản copy, bản chính thức và bản dịch văn bản pháp luật.vv… và cũng vậy, tùy từng lĩnh vực luật áp dụng, có thể có một số quy tắc đặc thù: ví dụ trong luật tư, trong kinh doanh, quy tắc “được làm tất cả những gì luật không cấm” được áp dụng để đánh giá hay xác định hành vi các chủ thể trong vụ việc liên quan. [5]

Các nguyên tắc đánh giá quy phạm pháp luật theo dòng luật Civil law – dường như gần gũi với cách tiếp cận của các nhà lập pháp Việt Nam. Ở Pháp, khi đánh giá văn bản pháp luật, các luật gia thường đi theo xu hướng : i) Đánh giá xem quy phạm có tồn tại hay không? ii) Quy phạm còn hiệu lực hay không? iii) Quy phạm có được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hình thức hay không? iv) Nội dung quy phạm có phù hợp với các văn bản có hiệu cao hơn nó hay không? v) Quy phạm có phù hợp với nguyên tắc pháp lý, với tinh thần pháp luật hay không? vv. [6]

Tư duy pháp lý Civil law phản ánh sự bài bản và triết lý đánh giá pháp luật thực định dựa trên phân tích hoàn chỉnh quy phạm pháp luật thực định. Cách tiếp cận này hoàn toàn được sử dụng trong tư duy đánh giá văn bản pháp luật ở Việt Nam, biểu hiện là Nghị định số 16/2013/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật – đã quy định gần như nguyên trình tự đó. [7]

Cách giải thích pháp luật thông thường – cho mọi trường hợp áp dụng pháp luật: bao gồm không chỉ là việc tìm ý nghĩa trong từng câu chữ luật, mà còn là việc nghiên cứu bối cảnh ra đời quy phạm luật (giải thích theo ý chí của nhà lập pháp). Ở những cấp độ áp dụng pháp luật nhất định của các chủ thể nhất định (thường ở tấm lợi ích xã hội chứ không chỉ vì lợi ích cá nhân, như tòa án..) sẽ còn đối chiếu và tìm cách giải thích quy phạm luật trong bối cảnh chung: quốc gia, khu vực hay toàn cầu – để đánh giá hiện trạng xã hội và chiều hướng tiến hóa – nhằm việc giải thích luật khách quan và công bằng nhất.

Về phần này, tác giả Anne-Marie Slaughter đã phát biểu: “Trước tiên, suy nghĩ như một luật sư là các bạn suy nghĩ với một sự lưu tâm và chính xác, các bạn đọc và nói với một sự chú ý đến các sắc thái và chi tiết. Có nghĩa là, chú ý đến ngôn ngữ, nhưng cũng hiểu rằng câu chữ có vô vàn ý nghĩa và thường xuyên có thể bị nhào nặn. Vì vậy, điều ấy cũng có nghĩa là phải lưu tâm đến bối cảnh hiện tại và tương lai của ngôn ngữ. Tất cả những cái đó đều là một phần trong các kỹ năng, hay là nghệ thuật của luật sư – vốn dĩ rất quan trọng, tự nó quan trọng, cũng như nó quan trọng với tư cách là phương tiện để đi đến một mục đích lớn hơn”. [8]

Phần kết nối giữa pháp luật và sự kiện thể hiện sự nhạy bén và chuẩn xác trong tư duy pháp lý: luật gia phải đánh giá được: i) liệu pháp luật lựa chọn có bao phủ được các sự kiện? li) liệu các quy tắc pháp luật có đủ rõ ràng; iii) liệu sự lựa chọn quy phạm đã thực sự khớp với sự kiện…

Các luật sư cũng thường được khuyên phải đánh giá xem giải pháp pháp lý đưa ra liệu có khả thi – cho các bên liên quan hành động. Với các luật sư tư vấn, điều quan trọng không chỉ là giải pháp mong muốn cho bên khách hàng của mình, mà còn có thể cân nhắc lợi ích của hai bên, theo tinh thần “win- win”:

“Suy nghĩ như một luật sư còn có nghĩa là bạn có thể lập luận về bất cứ khía cạnh nào của vấn đề. Nhiều bạn phản đối lối dạy đó, cho rằng chúng tôi đang tước đi của các bạn các nguyên tắc và niềm tin cá nhân, biển bạn thành một khẩu súng bắn thuê. Ngược lại, học cách lập luận về những khía cạnh khác nhau của một vấn đề là học rằng cả hai bên tranh luận đều có những lập luận riêng, và học cách lắng nghe các lập luận đó. Đấy là cốt lõi của sự khoan dung – một giá trị mang tính khai phóng – và còn là điều kiện tiên quyết để có trật tự trong một xã hội đã lựa chọn dùng lời nói thay vì dùng súng đạn khi dính líu đến mâu thuẫn, xung đột. Niềm hy vọng tốt đẹp nhất của chúng ta là có được sự suy xét duy lý, là có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề không phải bằng cách xóa bỏ hết mâu thuẫn, mà bằng cách chuyển hóa nó một cách hữu hiệu và hợp tác với nhau khi nào có thể.

Liệu tư duy rộng mở như vậy là đã thoát ly khỏi việc diễn dịch câu chữ – và tiếp cận gần đến những nền tảng đánh giá rộng hơn – ngoài văn bản pháp luật?

2. Tư duy áp dụng pháp luật: dựa trên pháp luật, sự kiện và hơn thế nữa

Áp dụng pháp luật là quá trình phân tích sự kiện thực tế và tìm ra vấn đề pháp lý và rút ra giải pháp từ đối chiếu các quy định pháp luật. Nhưng dường như áp dụng pháp luật không chỉ là quá trình cứng nhắc thực hiện các thao tác đó: trên cả đánh giá sự kiện pháp lý – còn là việc đánh giá tình thế của các chủ thể liên quan đặt trong xu thế phát triển xã hội; trên cả việc đánh giá câu chữ pháp luật – còn tìm hiểu về tinh thần pháp luật; về công lý.

Quay trở lại vụ việc về tranh chấp trong hợp đồng mua bán nhà đất:

Cách đánh giá vụ việc dưới góc nhìn của luật gia – nhà nghiên cứu:

– Sự kiện thực tiễn: tranh chấp việc mua bán nhà đất giữa thông Thanh và bà Nương. Sự kiện thực tế đã được tòa án công nhận (đều xác nhận việc mua nhà đất là có thực).

– Sự kiện pháp lý: tranh chấp quyền tài sản (quyền tài sản đối với nhà đất);

– Các quy định pháp luật liên quan: quy định về quyền chuyển nhượng nhà đất; giá trị của hợp đồng mua bán nhà đất viết tay; thỏa thuận mua bán nhà đất khi chưa có sổ đỏ. Nhưng đánh giá của luật gia trong bài đã đi xa hơn các quy định pháp luật thực định:

a. Về Quyền tài sản

Tác giả cho rằng: Sự hình thành quyền tài sản không chỉ dựa trên hình thức thừa nhận của nhà nước: sổ đỏ. Sự hình thành Quyền tài sản cần hiểu từ bản chất thực tiễn: “Quyền tài sản, từ thủa hồng hoang cho tới nay, đều hình thành qua vài con đường, hoặc do cưỡng đoạt, hoặc do khẩn khai, tôn tạo, hoặc do thừa kế hay mua sắm mà có. Điều ấy cũng đúng với nhà đất, quyền tài sản đối với nhà đất đã được xác lập bởi nhiều phương cách khác nhau”.

Và vì vậy dẫn đến việc phân biệt giữa: bản chất tạo lập quyền tài sản với hình thức tạo lập quyền tài sản đó: “Chước bạ thời xưa hay sổ đỏ thời nay chỉ là sự ghi chép, chứ không thể sinh ra quyền tài sản. Cũng như vậy, sổ đỏ không tạo ra quyền tài sản, mà chỉ là sự quản lý của nhà nước về tài sản đó. Và bổn phận của nhà nước là bảo vệ quyền tài sản (thực chất) của người dân – chứ không phải ban phát quyền tài sản cho người dân.

Với các lập luận, trên tác giả có thể đi đến suy luận rằng: dù hình thức của quyền tài sản chưa hợp pháp (chưa có có số đó) nhưng quyền tài sản của người dân là có thực và Nhà nước cần bảo về quyền tài sản đúng thực chất của nó (1).

b. Về hình thức của thỏa thuận chuyển nhượng tài sản

Về mặt pháp lý: Hình thức thỏa thuận chuyển quyền tài sản là nhà đất được pháp luật quy định là hợp đồng hội tụ đủ các điều kiện (được công chứng, xác nhận của chính quyền; được thực hiện sau khi có sổ đỏ. v.v…)

Về mặt thực tiễn: hình thức chuyển nhượng quyền tài sản – trên thực tiễn – phải phù hợp với bản chất của hành động: ghi nhận sự thỏa thuận ý chí giữa các bên (chứ không phải ý chí của Nhà nước).

“Tự thủa xa xưa, người nước ta vẫn mua bán nhà đất bằng văn tự viết tay. Các khế ước đoạn mãi thường rất ngắn gọn, theo một thể thức đơn giản, nhấn mạnh tới việc mua đứt bán đoạn, thế mới gọi là đoạn mãi”. Và hình thức của thỏa thuận chuyển nhượng tài sản cũng phải được đánh giá trong bối cảnh thực tiễn: Liệu có cách làm khác hơn không? “Đối với nhà đất đang chờ sổ đỏ, các bên chẳng còn cách nào khác là phải mua bán bằng giấy viết tay, bởi người bán mới hoàn tất kê khai, song chưa được cấp sổ đỏ, vì thế không thể công chứng hợp đồng và tiến hành đúng các thủ tục mà Bộ luật Dân sự nước ta quy định”.

Như vậy từ lập luận trên có thể suy luận rằng: thỏa thuận chuyển nhượng quyền tài sản cần phản ánh đúng bản chất của việc chuyển nhượng (tự do ý chí giữa hai bên), và phù hợp với điều kiện bối cảnh hiện tại (không thể có cách làm khác). Đó là sự thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, là việc thỏa thuận diễn ra khi không thể khác phục điều kiện khách quan (chưa có xác nhận nhà nước khi chưa hoàn tất sổ đỏ). Như vậy có thể suy luận tiếp rằng: do phản ảnh đúng bản chất của thoản thuận chuyển nhượng; và do không thể có cách làm khác trong bối cảnh thực tế nên trong vụ việc này, cẩn hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa các bên là đúng đắn, được bảo vệ (dẫu không thỏa mãn đúng dấu hiệu hình thức như luật định) (2).

Như vậy từ (1)(2) có thể kết luận rằng: thỏa thuận chuyển nhượng nhà đất là đúng đắn về bản chất, phản ánh đúng quyền tài sản của các bên.

c. Về lẽ công bằng, công lý

Việc đánh giá sự kiện pháp lý và giải thích pháp luật cần dựa trên nền tảng rộng: tinh thần pháp luật, công lý.

Một giải pháp pháp lý đúng đắn không chỉ là giải pháp trả lời được câu hỏi của các quy phạm pháp luật hiện hành; mà là giải pháp tôn trọng quyền lợi ích của các bên đương sự, tôn trọng quyền con người nói chung, giải pháp đem lại sự đúng đắn, công lý cho xã hội. Bởi vậy việc áp dụng pháp luật còn dựa trên nền tảng rộng: bảo vệ quyền dân sự chính đáng của công dân:

“Tuyên vô hiệu một hợp đồng nghĩa là can thiệp vào quyền tự do định đoạt tài sản, tự do khế ước của các bên; một sự can thiệp như vậy rất nên được cân nhắc cẩn trọng. Nếu nhà đất chờ sổ đỏ không phải là hàng cấm, người bán người mua không bị nhầm lẫn và bày tỏ ý chí của mình một cách tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng bức.. thì khế ước đã bước đầu được xác lập một cách có hiệu lực. Kể cả khi khế ước không được xác lập đúng thể thức, thì khế ước đó không mặc nhiên vô hiệu, người ta phải chiều theo ý chí tự do khế ước mà hối thúc các bên hoàn tất những thể thức dở dang theo luật định”.

Và giải pháp đó cũng cần được nhìn trên bình diện rộng: phù hợp với chức năng bổn phận của pháp luật, của nhà nước: bảo vệ quyền dân sự chính đáng của từng công dân liên quan, bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ công lý, khuyến khích sự cạnh tranh và phát triển xã hội (3):

“Song tôn chỉ của tòa án trước hết là hướng tới công lí, chứ không hướng tới sự phục tùng kiểu như mệnh lệnh hành chính. Bởi vậy, tìm cách hợp lí nhất bảo vệ quyền dân sự chính đáng của người dân có lẽ là hướng can thiệp đáng hoan nghênh nhất trong thời buổi hiện nay.

“Cũng giống như mua xe chưa đăng kí, từ cái xe đó, người ta thủ đắc luôn quyền đem giấy tờ ra để đăng kí chước bạ với cảnh sát giao thông. Thì cũng vậy, người mua nhà đất đang chờ sổ đỏ cũng phải có cái quyền nại ra cơ quan chước bạ để ghi tên mình vào sổ và được cấp sổ đỏ cho vật quyền có được do khế ước. Nếu sổ đỏ, vì lí do nào đó đã được cấp cho chủ cũ sau khi việc mua bán nhà đất diễn ra, thì chủ mới vẫn có cái quyền nại ra cơ quan công lực để hoàn tất nốt những thể thức đăng kí thay đổi chước bạ. Mọi lí thuyết về quyền tài sản đang hình thành hay sự phân tách giữa nghĩa vụ và thể thức nghe ra có vẻ cao siêu, nhưng áp dụng vào trường hợp thực tế rất mạch lạc: qua khế ước người ta đã mua được quyền tài sản, tòa án chỉ hối thúc các bên hoàn tất mọi thể thức để quyền tài sản đó xác lập một cách trọn vẹn mà thôi.

Quả là cuộc cải cách ở Việt Nam chỉ có thể được đầy xa hơn nữa, nếu người nước ta yêu mến sở hữu tư nhân và hết lòng bảo hộ cái giá trị giản đơn, song thiêng liêng đó. Nó giản đơn, vì một chút của riêng tư làm người ai chẳng muốn; nó thiêng liêng vì quyền tài sản tư là động lực ganh đua của mọi giống người, ơn khốc liệt đó mà mọi nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia sử dụng có hiệu quả, xã hội được văn minh. Thay đổi cách nhìn nhận về sở hữu, gia tăng bảo hộ quyền tài sản tư nhân của người dân là một định hướng mà người nước ta nên quan tâm”

Từ (1), (2)(3) có thể thấy ẩn sau đó là kết luận của luật gia về vụ việc: cần thừa nhận và bảo vệ thỏa thuận chuyển nhượng tài sản của các đương sự trong vụ việc này. Kết luận này có thể trái ngược với kết luận của tòa án trong thực tiễn – và phản ánh ít nhiều tính “lý tưởng” – nghĩa là một ước vọng theo chiều hướng hoàn hảo, dầu chưa là hiện thực.

Nhưng cũng chính khía cạnh “lý tưởng” này đã được một luật sư ở Mỹ thừa nhận như là một thành tố trong tư duy pháp lý của luật sư

“Suy nghĩ như một luật sư nghĩa là các bạn kết hợp hiện thực với lý tưởng. Nghĩa là các bạn tin vào khả năng có được trật tự và công lý, tin vào niềm khao khát có được trật tự và công lý, và tin rằng luật pháp có thể giúp chúng ta đạt được hai thứ đó. Nhưng suy nghĩ như một luật sư lại cũng có nghĩa là hiểu được toàn bộ cái dài rộng của đạo đức con người, hiểu rằng những nguyên tắc to lớn sẽ vẫn chỉ là nguyên tắc trên giấy tờ trừ phi chúng được thực thi vì những động cơ nhân bản. Tuy nhiên, suy cho cùng, khái niệm luật pháp và những lý tưởng mà nó thúc đẩy chính là những gì luật sư đại diện. Là một người sống theo lý tưởng khó hơn nhiều so với khi bạn có đầy đủ lý do để làm một kẻ ghét đời [cynic – trong triết học nghĩa là “khuyển nhỏ”, tức là người hoài nghi, yếm thế, hay nghi ngờ và chỉ trích cay độc]” [9]

Tóm lại, việc chọn lựa các lập luận cần dựa trên định hướng nền tảng: công lý (kết hợp hiện thực với lý tưởng). Và từ đây hình thành cái gọi là bản lĩnh, lương tri, hay đôi khi đơn giản hơn: đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta hiểu vì sao trong mỗi quyết định pháp luật đưa ra bởi các luật sư, thẩm phán… đều có thể cho người ta nhìn thấy có hay không ít nhiều bóng dáng của công lý, công bằng, và cũng ít nhiều phản ánh bản lĩnh, lương tri của người áp dụng luật.

Cách lập luận dựa trên nền rộng (công lý, các nguyên tắc pháp hát như an toàn pháp lý, quyền con người v.v..) không quá xa lạ trong thực tiễn áp dụng pháp luật trên thế giới. Có thể so sánh với một số trường hợp nước ngoài.

Ở đây chúng tôi xin lấy ví dụ một án lệ khá cổ xưa ở Cộng hòa Pháp (được tuyên bởi tòa dân sự vào năm 1883): Bản án “Những đám cưới ở xã Montrouge”. Nội dung vụ việc có thể tóm tắt như sau: tại xã Montrouge, hàng loạt đám cưới đã được đăng ký bởi một ủy viên Hội đồng hàng xã – ông ủy viên này được xã trưởng ủy quyền tổ chức đăng ký kết hôn cho các cặp đôi tổ chức hôn lễ tại địa bàn. Tuy nhiên sự ủy quyền này là không hợp pháp – theo quy định của pháp luật – nhưng ông Ủy viên hội đồng vẫn thực thi công việc của mình cho đến khi có người phát hiện và khởi kiện. Câu hỏi đặt ra cho tòa án là: liệu thừa nhận hay không thừa nhận tính hợp pháp của các đám cưới trước đây – đã được đăng ký bởi một công chức,
không đúng thẩm quyền?

Tòa Phá án (phân tòa dân sự) [10] của Cộng hòa Pháp đã tuyên bố (ngày 7/8/1883) rằng tất cả các đám cưới đã được đăng ký bởi ủy viên hội đồng xã đó vẫn có giá trị, được coi là hợp phán đã dựa vào lý thuyết: “fonctionnaire de faits” – để lập phán quyết của mình. Mục đích của lý thuyết này nhằm giảm thiểu các thiệt hại thực tế do sự vi phạm thẩm quyền gây ra. Có thể tóm tắt lý thuyết này như sau:

Về mặt luật pháp, tất cả những quyết định, hành vi thực hiện bởi một công chức không có thẩm quyền thì đều phải xem là vô hiệu. Tuy nhiên hậu quả của việc xử vô hiệu sẽ là đặc biệt nghiêm trọng nếu các công việc đã được đảm trách từ rất lâu bởi một công chức sai thẩm quyền. Lúc này người áp dụng pháp luật phải dựa trên nguyên tắc an toàn pháp lý để ra quyết định. Thẩm phán Cộng hòa Pháp đã nhiều lần tuyên rằng: “các công chức đã được bổ nhiệm hay trao quyền trải luật – nhưng kết quả công việc của họ cần được xem xét như trong trường hợp việc bổ hiệm/ trao quyền này chưa từng bị hủy bỏ/ lên án bởi cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy kết quả là các quyết định, hành vi thực hiện bởi các quan chức này vẫn giữ nguyên hiệu lực. Tuy nhiên lý thuyết này cũng cần có những điều kiện áp dụng: ví dụ: các bên liên quan trong việc ra quyết định (của viên chức sai thẩm quyền) hoàn toàn không biết về sự sai quyền đó – và tin tưởng vào việc ra quyết – đinh của viên chức; chỉ áp dụng nguyên tắc này với điều kiện để đảm | bảo sự vận hành liên tục của hoạt động hành chính hay dịch vụ công.

Dù lập luận hay lý thuyết đưa ra có tên gọi gì nữa, nhưng vụ án Những đám cưới ở xã Montrouge” (và mở màn cho hàng loạt vụ việc (tương tự về sau) cũng cho thấy một cách áp dụng pháp luật “mở”: áp dụng pháp luật không chỉ dựa trên câu chữ luật – mà cần đặt các điều | loạt đó trong bối cảnh chung: chức năng của pháp luật, bổn phận của nhà nước trong bảo vệ quyền công dân, nguyên tắc an toàn pháp lý.

Việc áp dụng luật theo hướng mở như vậy chắc chỉ có thể thực hiện được trong bối cảnh nền tư pháp độc lập, thẩm phán có quyền giải thích pháp luật, án lệ được thừa nhận, và các nguyên tắc pháp H (lẽ công bằng, quyền con người) tồn tại và áp dụng như thành tổ đương nhiên của nhà nước pháp quyền.

Đương nhiên ở Việt Nam, việc diễn dịch luật của thẩm phán (và cả luật sư) chưa thể vượt ra khỏi khuôn khổ các quy định pháp luật cụ thể – do quyền giải thích pháp luật chưa trao cho thẩm phán và án lệ chưa được thừa nhận chính thức hay rộng rãi. Nhưng với định mới đang bàn cãi nhiều trong Dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đối – về nghĩa vụ tòa án không thể từ chối xét xử ngay cả khi luật không quy định [11] – hy vọng sẽ mở đường cho những diễn dịch pháp luật “mở” như thế. Một mặt, nhiệm vụ trên có thể làm nặng gánh cho thẩm phán – nhưng vai trò của thẩm phán cũng vì vậy được nâng cao: thẩm phán chính thức có quyền giải thích pháp luật. Luật pháp bởi vậy sẽ được đem lại sức sống mới. Luật pháp không phải chỉ là tác phẩm riêng của nghị viện; pháp quyền là kết quả chung của các nhánh hoạt động khác – trong đó có tư pháp – để đi đến tiêu cuối: bảo vệ lẽ công bằng, công lý.

Và trên phương diện tư duy pháp lý, tương lai đó cho phép sự rộng mở, trách nhiệm và bản lĩnh trong áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền.

Cuối cùng, xin trích lại phát biểu của bà Anne Marie: “Suy nghĩ như một luật sư, tức là suy nghĩ như một con người – một con người khoan dung, tinh tế, thực dụng, có khả năng phản biện, và dấn thân”. [12]

Đó là chia sẻ trong tư duy pháp lý của của luật sư – nhưng chúng tôi cũng xin mượn ý để kết lại cho các đối tượng áp dụng pháp luật khác – đặc biệt là thẩm phán – chủ thể mà mục tiêu áp dụng pháp luật không chỉ là bảo vệ lợi ích các bên liên quan, mà còn bao hàm cả mục tiêu bảo vệ công lý, phát triển xã hội.


[1] PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội)

[2] Bài viết trên blog của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, tham khảo tại http://pham-duynghia.blogspot.com

[3] Nguyễn Ngọc Bích, Tư duy pháp lý của luật sư, Nxb. Trẻ, 2015, tr.20.

[4] Nguyễn Ngọc Bích, Tư duy pháp lý của luật sư, Nxb. Trẻ, 2015, tr.404.

[5] Phần viết này dựa trên bài giảng của Hãng luật IC: Indochine Counsel Training Program for lawyers Unit 2A.

[6] Jacqueline MORAND-DEVLLER, “Droit administratif” Cours, 11e edition, Montchrestien, 2009, trang 784-786

[7] Điều 12, Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:
“1. Rà soát hiệu lực của văn bản được rà soát, bao gồm xác định rõ các trường hợp văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Văn bản được xác định hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản được rà soát;
b) Văn bản được rà soát đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
c) Văn bản được rà soát bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền;
d) Văn bản được rà soát không còn đối tượng điều chỉnh;
đ) Văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hết hiệu lực thi hành thì văn bản được rà soát là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó cũng hết hiệu lực.
2. Rà soát phần căn cứ ban hành của văn bản được rà soát
a) Xác định các văn bản thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản là căn cứ ban hành của văn bản được rà soát;
b) Xác định các văn bản khác mới được ban hành có quy định liên quan đến quy định của văn bản được rà soát.
3. Rà soát về thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát
Xem xét sự phù hợp về thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát với quy định của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát, bao gồm thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung.
4. Rà soát phần nội dung của văn bản được rà soát
Xem xét, xác định những nội dung của văn bản được rà soát có quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát. Trường hợp các văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; nếu các văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát do một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản được ban hành sau”.

[8] “Suy nghĩ như một luật sư”, Bài nói chuyện của Bà Anne-Marie Slaughter (sinh năm 1958) là một học giả, nhà phân tích về chính sách đối ngoại, Giám đốc ban Hoạch định Chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến năm 2011 dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà còn là một luật sư quốc tế, từng dạy ở Đại học Princeton, Chicago và Harvard, cựu chủ tịch Hiệp hội Công pháp Quốc tế Mỹ. Tham khảo tại: http://luatkhoa.org/2014/11/suy- nghi-nhu-mot-luat-su/.

[9] Suy nghĩ như một luật sư. Sđd.

[10] Có thể hiểu như Tòa án nhân dân tối cao ở Việt Nam – trong lĩnh vực xét xử các vụ việc dân sự.

[11] Khoản 2 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dẫn sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng: trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Bộ luật này hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết. Tham khảo tại: http://baochi-nhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Du-thao-Bo-luat-Dan-su/217494.vgp

[12] Suy nghĩ như một luật sư, Sđd