TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHỞI KIỆN GIẢI QUYẾT LY HÔN

1. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn (ly hôn đơn phương) là việc một trong hai bên vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật khi không có sự đồng thuận của người còn lại.

Dịch vụ Luật sư Ly hôn (Thuận tình Ly hôn, Đơn phương Ly hôn)

2. Căn cứ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

  • Vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành.
  • Có hành vi bạo lực gia đình.
  • Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
  • Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, không đạt được mục đích của hôn nhân.

(Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ – HĐTP)

  • Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên mất tích yêu cầu ly hôn.

            (Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

3. Trường hợp hạn chế quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

            Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

  1. Trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn

Bước 1: Tại TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng, nộp hồ sơ khởi kiện xin ly hôn gồm:

  • Đơn ly hôn (Mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao);
  • Căn cước công dân/Giấy tờ tùy thân khác của vợ, chồng;
  • Giấy đăng ký kết hôn (bản gốc);
  • Giấy khai sinh của con (nếu có con chung);
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung;
  • Giấy tờ tài liệu khác có liên quan.

Bước 2: Tòa án nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện

  • Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện phải nhận đơn khởi kiện và ghi vào sổ nhận đơn và cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
  • Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và phải ra thông báo bằng văn bản cho đương sự về một trong các quyết định sau đây:
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

(Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn

  • Sau khi nhận đơn yêu cầu ly hôn, Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện.
  • Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.

(Khoản 1, 2 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

Bước 4: Tòa thông báo thụ lý và phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

  • Ngày thụ lý vụ án sẽ được tính từ ngày mà người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí hoặc từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đối với người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

(Khoản 1 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

(Khoản 2 Điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

 

Bước 5: Chuẩn bị xét xử

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải cho các bên:

  • Nếu hòa giải thành, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Sau 7 ngày, các bên không thay đổi ý kiến, Tòa ra quyết định công nhận sự hòa giải thành. Trường hợp này Tòa án sẽ đình chỉ vụ án theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành.

Bước 6: Xét xử và ra bản án/quyết định về yêu cầu ly hôn

  • Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ lập biên bản và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định đưa vụ án ra xét xử được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong 3 ngày làm việc.
  • Tòa án sẽ gửi giấy triệu tập cho các bên, thông báo thời gian, địa điểm tổ chức phiên tòa sơ thẩm.
  • Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa xem xét bằng chứng, lời khai của các bên, tiến hành xét xử và ra bản án/quyết định đối với yêu cầu ly hôn.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Công ty luật TNHH ThinkSmart thông qua điện thoại: 0358404448 hoặc website: https://thinksmartlaw.vn/

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn. Quý khách cần tư vấn về trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn. Vui lòng liên hệ với Luật sư qua hotline 0911.796.555 để được hỗ trợ tốt nhất. Trân trọng!