Thông tin chiến tranh tại Việt Nam là “nội chiến” trong ca khúc “Gia tài của mẹ” được các Tiktokers sử dụng gây tranh cãi gần đây là không chính xác, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Mạng xã hội Tiktok mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng, hàng loạt các nội dung dưới dạng video ngắn trở thành các “trend” thịnh hành, thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên nền tảng này. Tuy nhiên một số nhà sáng tạo nội dung Tiktok đã có hành vi sử dụng các bài hát làm nhạc nền khi không thực sự hiểu rõ về nguồn gốc cũng như nội dung của ca khúc.
Điển hình là trào lưu trang điểm biến hoá với phong cách cổ điển sử dụng bài hát “Gia tài của mẹ” do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965 và được thể hiện bởi nữ danh ca Khánh Ly. Đáng chú ý, ca khúc có câu hát “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”, ám chỉ cuộc chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 1945-1965. Tuy nhiên thực tế đã khẳng định, không hề có bất cứ một thứ nào gọi là “nội chiến” hay “chiến tranh ủy nhiệm” ở Việt Nam. Chính đế quốc Mỹ đã khơi mào và chi phối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thông qua chính quyền Sài Gòn (do Mỹ dựng lên). Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ thậm chí đã chính thức tham chiến trực tiếp với các chiến lược như Chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965), Chiến tranh cục bộ (1965 – 1966) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973). Mỹ đã sử dụng trên 8 triệu tấn bom đạn, gần 80 triệu lít chất độc hóa học cùng những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ (trừ bom hạt nhân) và một lực lượng đông đảo quân viễn chinh trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Hành vi đăng tải video sử dụng bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam
Chiến tranh tại Việt Nam hoàn toàn là cuộc kháng chiến chính nghĩa, thông tin “nội chiến” là không chính xác, xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam. Do đó hành vi đăng tải video sử dụng bài hát này trên không gian mạng đã vi phạm pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Theo đó, việc lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, bao gồm:
- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp vi phạm các quy định trên, người đăng tải bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, khoản 4, điểm b, c, d khoản 5 Điều 13 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2021. Cụ thể:
(i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
(ii) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân.
(iii) Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Tóm lại, việc đăng tải các video, hình ảnh có nội dung xuyên tạc lịch sử, chống phá Nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm. Do đó các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng Tiktok và các mạng xã hội khác cần đặc biệt lưu ý kiểm soát các nội dung đăng tải để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng.