Tóm tắt: Người lao động là chủ thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, họ trực tiếp tham gia sản xuất, tạo ra hàng hoá phục vụ đời sống con người. Trong quan hệ lao động, người lao động luôn là bên yếu thế hơn do phải chịu sự quản lý, chi phối của người sử dụng lao động. Chính vì vậy bảo vệ người lao động, chống lại sự lạm quyền của người sử dụng lao động là vấn đề ngày càng được quan tâm. Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến quyền lợi của người lao động. Bài viết trình bày một số nội dung về chế độ thử việc, tiền lương, điều kiện lao động và những hành vi người sử dụng lao động không được làm với người lao động. Bên cạnh đó bài viết hướng dẫn cho người lao động cách thức giải quyết khi quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Chế độ thử việc
Thử việc là giai đoạn đầu tiên để bắt đầu hầu hết các công việc. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc (khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động 2019, sau đây là BLLĐ).
Về thời gian thử việc:
Điều 25 BLLĐ quy định thời gian thử việc do các bên thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc 1 lần và thời gian thử việc đối đa như sau:
– 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;
– 60 ngày đối với trình độ từ cao đẳng trở lên;
– 30 ngày đối với trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;.
– 6 ngày đối với các công việc khác.
Lưu ý: Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ.
Về lương thử việc: do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó ( Điều 26 BLLĐ)
Ví dụ: lương chính thức 10 triệu thì lương thử việc ít nhất là 8.5 triệu.
Về kết thúc thời gian thử việc:
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc (khoản 1 Điều 27 BLLĐ).
Lưu ý: Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường (khoản 2 Điều 27 BLLĐ).
Tiền lương của người lao động
Về mức lương tối thiểu:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 90 BLLĐ, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được thực hiện theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP với mức như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
Đối với tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, Điều 98 BLLĐ quy định người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường và được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Về thời gian trả lương:
Theo quy định tại Điều 97 BLLĐ, thời gian người sử dụng lao động trả lương cho người lao động được xác định như sau:
– Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
– Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Lý do bất khả kháng ở đây được hiểu là xảy ra một sự kiện bất khả kháng. Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho người lao động chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả tiền lãi tương ứng với số tiền lương chậm trả theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Điều kiện lao động
Điều kiện lao động được hiểu là tổng thể các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kinh tế, kỹ thuật được biểu hiện thông qua các công cụ và phương tiện lao động, đối tượng lao động, quá trình công nghệ, môi trường lao động và sự sắp xếp, bố trí chúng trong không gian và thời gian, sự tác động qua lại của chúng trong mối quan hệ với người lao động tại chỗ làm việc, tạo nên một điều kiện nhất định cho con người trong quá trình lao động. Tình trạng tâm sinh lý của con người trong khi lao động tại chỗ làm việc cũng được coi như một yếu tố gắn liền với điều kiện lao động.
Như vậy điều kiện lao động bao gồm các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,…
Điều kiện an toàn, vệ sinh lao động
Theo khoản 1 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động có các quyền về an toàn, vệ sinh lao động như sau:
– Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
– Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
– Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Về thời giờ làm việc bình thường:
Theo quy định tại Điều 105 BLLĐ, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau (Điều 106 BLLĐ).
Về làm thêm giờ:
Bên cạnh thời giờ làm việc bình thường, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây (Điều 107 BLLĐ, Điều 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP):
– Phải được sự đồng ý của người lao động;
– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
+ Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
+ Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
+ Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
+ Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
+ Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp đặc biệt như vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, hoả hoạn,… (Điều 108 BLLĐ).
+ Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
+ Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.
Khi tổ chức làm thêm giờ từ 200 đến 300 giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Về thời giờ nghỉ ngơi:
Theo quy định tại Điều 109 BLLĐ, người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
Ngoài thời gian nghỉ trên, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác (Điều 110 BLLĐ).
Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp (Điều 111 BLLĐ).
Nghỉ lễ, tết:
Ngoài ra, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
– Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
– Tết Âm lịch: 05 ngày;
– Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
– Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
– Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
– Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh (Điều 112 BLLĐ).
Nghỉ hằng năm:
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì còn được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
– 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
– 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 BLLĐ.
Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm (Điều 113 BLLĐ).
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày (Điều 114 BLLĐ).
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:
Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
– Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
– Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn (Điều 115 BLLĐ).
Những hành vi người sử dụng lao động không được làm đối với người lao động
Bên cạnh quyền lợi của người lao động, BLLĐ còn quy định nhiều hành vi người sử dụng lao động không được thực hiện đối với người lao động. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng hành vi, mắc độ vi phạm cụ thể. Một số hành vi người sử dụng lao động không được làm tiêu biểu như:
Thứ nhất, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động (khoản 1 Điều 17 BLLĐ). Trường hợp vi phạm thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Thứ hai, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động nộp tiền hoặc tài sản khác để được ký kết hợp đồng lao động (khoản 2 Điều 17 BLLĐ). Trường hợp vi phạm thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Thứ ba, người sử dụng lao động không được phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động (khoản 2 Điều 127 BLLĐ). Trường hợp vi phạm người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại tiền hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Thứ tư, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
– Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
– Đang bị tạm giữ, tạm giam;
– Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 (trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc) và khoản 2 Điều 125 BLLĐ (tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động);
– Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ năm, người sử dụng lao động không được trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nếu vi phạm người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính từ 50 đến 75 triệu đồng (khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP). Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm thì người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người lao động cần làm gì khi quyền lợi bị xâm phạm?
Khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị người sử dụng lao động xâm phạm, người lao động có thể lựa chọn một trong các phương thức sau:
Khiếu nại về lao động
Về trình tự khiếu nại:
Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định trình tự khiếu nại về lao động như sau:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người sử dụng lao động hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án hoặc thực hiện khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính (khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
Về hình thức khiếu nại:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại được thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định.
Về thời hiệu khiếu nại:
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động bị khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu trên vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Đối với khiếu nại lần hai, thời hiệu khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP (không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn là không quá 45 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý) mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày (khoản 1 Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Hoà giải tranh chấp lao động
Theo quy định tại Điều 188 BLLĐ, trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:
Bước 1: Người lao động gửi đơn hoặc trực tiếp yêu cầu hoà giải viên lao động giải quyết tranh chấp hoặc thông qua đầu mối tiếp nhận yêu cầu là cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân (khoản 3 Điều 181 BLLĐ).
Bước 2: Hoà giải viên lao động tiếp nhận yêu cầu và tổ chức phiên họp hoà giải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
Bước 3: Hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành hoặc không thành
Hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành trong trường hợp hai bên tranh chấp thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hoà giải.
Trường hợp các bên không tự thoả thuận được và không chấp nhận phương án hoà giải hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
Biên bản hòa giải thành hoặc không thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.
Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Giải quyết tranh chấp lao động thông qua Hội đồng trọng tài, Tòa án
Theo khoản 1 Điều 188 BLLĐ, Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Điều 189. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
5. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Nguyễn Văn Lâm & Đỗ Thị Hà
Trung tâm tư vấn luật online
Công ty luật TNHH ThinkSmart