Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024

Đặt vấn đề: Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Tiếp theo đó, Luật phòng cháy, chữa cháy được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau 10 năm thực hiện Luật PCCC sửa đổi, bổ sung, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy nhưng công tác thực tế vẫn còn những vướng mắc nhất định. Để khắc phục những hạn chế vướng mắc, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ 2024 với 8 Chương, 55 Điều. Dưới đây là tổng hợp 6 điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

Từ khóa: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

1. Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

1.1. Quan niệm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một hệ thống các biện pháp, quy trình và thiết bị được áp dụng để ngăn ngừa cháy nổ và hỗ trợ trong việc chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Mục tiêu của phòng cháy chữa cháy là bảo vệ cuộc sống và tài sản khỏi nguy cơ từ hỏa hoạn. Các yếu tố cơ bản của một hệ thống phòng cháy chữa cháy bao gồm:

Ngăn cháy (phòng cháy): Bao gồm việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy, hệ thống sprinkler, cửa chống cháy, hệ thống cảnh báo cháy, v.v. để ngăn cháy lan ra và cung cấp thời gian cho sự sơ tán an toàn.

Chữa cháy: Bao gồm việc sử dụng các thiết bị chữa cháy như bình cứu hỏa, vòi phun nước, cột cứu hỏa, v.v. để dập tắt đám cháy khi có sự cố xảy ra.

Hệ thống cảnh báo: Bao gồm cảm biến khói, cảm biến nhiệt, hệ thống báo động cháy để phát hiện kịp thời sự cố cháy nổ.

Kế hoạch sơ tán: Bao gồm việc lập kế hoạch sơ tán dân số khi có sự cố cháy nổ để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Như vậy: Phòng cháy chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho cộng đồng và tài sản, và được quy định cụ thể trong các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy của mỗi quốc gia.- Cứu nạn và cứu hộ: Cứu nạn và cứu hộ” là hai khái niệm quan trọng trong việc cứu giúp những người đang gặp nguy hiểm hoặc khẩn cấp.

Cứu nạn: Đây là hoạt động giúp đỡ những người đang gặp nguy hiểm, cần sự cứu giúp để thoát khỏi tình huống nguy cấp. Cứu nạn thường được thực hiện trong các tình huống như đắm tàu, mất tích trên núi, hoặc gặp sự cố khi tham gia các hoạt động phi thường.

Cứu hộ: Cứu hộ thường liên quan đến việc cứu giúp những người bị mắc kẹt, lạc trong môi trường hoặc tình huống khẩn cấp như thiên tai, thảm họa tự nhiên, hoặc các tình huống khẩn cấp khác.

Như vậy: Cứu hộ và cứu nạn là hai hoạt động quan trọng trong việc bảo vệ và giúp đỡ cộng đồng trong các tình huống khẩn cấp. Đây thường là công việc của các đội cứu hộ chuyên nghiệp hoặc tổ chức cứu trợ quốc tế.

Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là các đơn vị hoặc tổ chức có trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong các tình huống khẩn cấp. Công việc của họ bao gồm việc đề xuất biện pháp phòng tránh cháy nổ, tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, và hỗ trợ cứu trợ sau các sự kiện khẩn cấp như cháy nhà, tai nạn giao thông, hoặc thiên tai. Đây là các đơn vị quan trọng đối với việc bảo vệ cộng đồng và tài sản khỏi nguy cơ cháy nổ và các tình huống khẩn cấp khác.

Như vậy: Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn là tập hợp các giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm mục đích loại trừ, hạn chế tới mức tối thiểu các nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn. Đồng thời bao gồm các biện pháp cứu trợ nhằm giúp đỡ và bảo vệ những người bị rơi vào tình huống nguy hiểm, bao gồm cứu hộ trong các vụ hỏa hoạn, tai nạn giao thông, sự cố công nghiệp, các biện pháp cứu giúp và hỗ trợ những người đang đối diện với nguy cơ mất an toàn, bao gồm cứu hộ trên biển, cứu hộ núi, cứu trợ trong các thảm họa tự nhiên.

1.2. Trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Mỗi tổ chức, cá nhân cần ý thức được tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ phó mặc trách nhiệm cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy của từng đối tượng như sau:

Đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy cho người dân, hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn quản lý, xử lý đám cháy nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả ngay khi nhận được tin báo cháy.

Đối với các cơ quan, tổ chức: Người quản lý phải có trách nhiệm đứng ra phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho cán bộ công nhân viên trong cơ quan, tổ chức, duy trì hoạt động của đội phòng cháy chữa cháy nội bộ theo quy định pháp luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy phòng cháy chữa cháy, luôn đảm bảo ngân sách đủ đáp ứng cho công tác phòng cháy chữa cháy được vận hành hiệu quả nhất.

Đối với các hộ gia đình: Mỗi hộ dân cần nắm được phòng cháy chữa cháy là gì, có ý thức chủ động hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ, trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy chuyên dụng trong nhà và bên ngoài.

1.3. Ý nghĩa của công tác phòng cháy chữa cháy cứu nạn, cứu hộ

* Chủ động nắm bắt tình huống khi xảy ra cháy

Có sự hiểu biết về các phương pháp phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp bạn có thể chủ động nắm bắt được tình hình, cách phòng tránh cháy nổ. Trong tình hình xảy ra hỏa hoạn có thể bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như người thân.

Có sự hiểu biết về các phương pháp phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp bạn có thể chủ động nắm bắt được tình hình, cách phòng tránh cháy nổ. Trong tình hình xảy ra hỏa hoạn có thể bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như người thân.

* Phòng chống cháy nổ trong cơ quan xí nghiệp là gắn kết cộng đồng

Không chỉ hạn chế rủi ro không mong muốn, phòng cháy chữa cháy còn mang ý nghĩa tích cực đó là để con người trong tập thể, cộng đồng gắn kết với nhau. Qua các buổi tập huấn không chỉ nâng cao kiến thức cần thiết về phòng chống cháy nổ mà còn giúp mọi người trong tập thể trở nên gần gũi, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tăng tình đoàn kết cộng đồng

* Hạn chế thiệt hại về người và của

Ý nghĩa của phòng cháy chữa cháy là giúp ngăn chặn các vụ cháy nổ xảy ra. Mọi người có thể hiểu rõ những nguyên nhân nào dẫn đến cháy, cách nào hạn chế thấp nhất lửa lan rộng, dập lửa đúng cách để không bùng phát trở lại. Bằng cách tìm hiểu kỹ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy có thể tránh được những trường hợp xấu xảy ra, trong tình huống nguy cấp có thể giảm thiết hạn về người và tài sản của cá nhân, công ty, cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, có kiến thức, sự am hiểu thông tin về phòng cháy, chữa cháy giúp ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng cơ hội cháy nổ để vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người khác.

* Cứu hộ cứu nạn

Hoạt động này tập trung vào việc cứu hộ và cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, lụt lội, động đất, và các tình huống khẩn cấp khác. Đội cứu hộ cứu nạn thường được đào tạo để cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp.

Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024

2. Quy định của pháp luật

2.1. Luật phòng cháy và chữa cháy

Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 04/10/2001). Tiếp theo Luật số 40/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2014). Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ 2024 với 8 Chương, 55 Điều. Dưới đây là tổng hợp 6 điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

2.2. Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy

i). Nghị định 78/2011/NĐ-CP quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/10/2011);

ii). Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2018);

iii) Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/01/2021);

iv). Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/12/2021);

v). Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).

2.3. Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy

i). Thông tư liên tịch 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/12/2002);

ii). Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT- BCA-BQP quy định chi tiết một số điều của Nghị định 78/2011/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/10/2014);

iii) Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 06/01/2016);

iv). Thông tư 148/2020/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 57/2015/TT-BCA (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/02/2021);

v). Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 136/2020/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/02/2021);

vi).Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2021);

vii). Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3/2021).

Hiện nay, Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn. Điều 54. Hiệu lực thi hành quy định:
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 của Luật này.
3. Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
4. Việc trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình quy định tại khoản 5 Điều 20 và điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này được thực hiện chậm nhất từ ngày 01 tháng 7 năm 2027.

Và Điều 55. Quy định chuyển tiếp, như sau:
1. Hồ sơ giải quyết các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa giải quyết xong thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.
2. Dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.
3. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong chứng nhận đó.
4. Cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho đến thời hạn theo lộ trình do Chính phủ quy định.
5. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành đã có quy định về giải pháp xử lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành và phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
6. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trên địa bàn quản lý; quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
b) Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất để trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp và lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định tại điểm b khoản này để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục theo các giải pháp kỹ thuật đã lựa chọn, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sau khi hoàn thành việc khắc phục và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động;
d) Đối với cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản này thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở;
đ) Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nội dung quy định tại khoản này.
7. Cơ sở, phương tiện giao thông, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15

3. Một số điểm mới của luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

3.1. Những tiếp thu

* Về quy hoạch PCCC và CNCH

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ căn cứ chủ trương của Đảng, kết hợp tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch hạ tầng PCCC trong dự thảo Luật để quy định nội dung, yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch hạ tầng PCCC và mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phù hợp với pháp luật về quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ trong việc bảo đảm các điều kiện về PCCC và CNCH.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH; huấn luyện, diễn tập PCCC, CNCH; có chính sách về đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ PCCC, CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động PCCC & CNCH; chính sách huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia PCCC, CNCH; các chính sách cụ thể về xã hội hóa PCCC, CNCH.

* Về hoạt động phòng cháy

Tại (Chương II), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với vị trí, vai trò của các chủ thể trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch tại khoản 1 Điều 13 để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch; xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC…

Đề cập về hoạt động chữa cháy (Chương III), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 26 để làm rõ trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khi thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an và phục vụ công tác chữa cháy; làm rõ việc bố trí các trụ nước chữa cháy trên mạng lưới cấp nước tập trung hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hay tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cấp nước.

Liên quan đến hoạt động cứu nạn, cứu hộ (Chương IV), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hoạt động CNCH tại Chương IV của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác CNCH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH nhằm tăng tính minh bạch của Luật, bảo đảm phân định rõ với hoạt động phòng thủ dân sự, hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật hiện hành; cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy; quy định về quan hệ phối hợp trong hoạt động CNCH…

Về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Chương V), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát quy định của pháp luật hiện hành để sắp xếp, bố trí lực lượng PCCC và CNCH hợp lý theo yêu cầu nhiệm vụ, không làm phát sinh tổ chức bộ máy, không chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng, các chủ thể trong quản lý hoạt động PCCC và CNCH…

3.2. Một số điểm mới

Thứ nhất, Bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

So với quy định tại Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (Luật PCCC 2001) thì Điều 14 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 (Luật PCCC và CNCH 2024) đã bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cụ thể:
– Xúc phạm, đe dọa lực lượng PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ;
– Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.
– Lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
– Làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Thứ hai, Bổ sung điều kiện cơ bảo đảm bảo an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh

Nhằm quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở sử dụng kết hợp với sản xuất, kinh doanh, Luật PCCC và CNCH 2024 đã bổ sung quy định về điều kiện bảo đảm bảo an toàn phòng cháy đối với loại hình này.

Theo Điều 21 Luật PCCC và CNCH 2024, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau:
(i) Các điều kiện an toàn về phòng cháy theo Điều 20 Luật PCCC và CNCH 2024
(ii) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;
(iii) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

Thứ ba, Quy định cụ thể về phòng cháy chữa cháy khi sử dụng điện

Nội dung phòng cháy trong sử dụng điện đã được quy định tại Điều 24 Luật PCCC 2001, tuy nhiên vẫn còn mang tính khái quát, chưa rõ ràng. Do đó, Điều 24 Luật PCCC và CNCH 2024 đã sửa đổi, bổ sung cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện.

Theo đó, Điều 24 Luật PCCC và CNCH 2024 yêu cầu cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện phải lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện.

Ngoài ra, thường xuyên thực hiện việc kiểm tra và kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện không bảo đảm an toàn về phòng cháy; ngăn ngừa nguy cơ gây cháy, nổ do điện trong suốt quá trình sử dụng điện.

Trước đây, Luật PCCC 2001 hiện hành chỉ quy định về phòng cháy trong việc sử dụng điện, thiết bị và dụng cụ điện với nội dung: Nhà máy điện, lưới điện; Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện và thiết bị điện; Thiết bị, dụng cụ điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ; Cơ quan, tổ chức và cá nhân cung ứng điện..

Thứ tư, Bổ sung quy định về cứu nạn, cứu hộ

Hiện nay, các hoạt động liên quan đến công tác CNCH đối với sự cố, tai nạn mới chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ, trong khi hoạt động CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong luật.

Do đó, Luật PCCC và CNCH 2024 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các hoạt động CNCH đối với những sự số, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày tại Chương IV.

Các quy định về cứu nạn, cứu hộ bao gồm: phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng PCCC và CNCH; tổ chức cứu nạn cứu hộ; quyền và trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, thực tập phương án CNCH của cơ quan công an, trách nhiệm cứu nạn cứu hộ,…

Các quy định này bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể những nhiệm vụ mà lực lượng chức năng được thực hiện.

Thứ năm, Bãi bỏ một số quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù

So với Luật PCCC 2001, Luật PCCC và CNCH 2024 đã bãi bỏ một số quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp, bao gồm:
– Phòng cháy đối với rừng.
– Phòng cháy đối với đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
– Phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hoá khác có nguy hiểm về cháy, nổ.
– Phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và công trình khai thác khoáng sản khác.
– Phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng.
– Phòng cháy đối với cảng, nhà ga, bến xe

Thứ sáu, Bổ sung quy định hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC và CNCH

– Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy là một chính sách mới của nhà nước trong Luật PCCC và CNCH 2024.
– Theo quy định tại Điều 52 Luật PCCC và CNCH 2024 đã bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC CNCH.
– Ưu tiên kết hợp, ứng dụng kết quả đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào đầu tư sản xuất, phát triển công nghệ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ./.