Câu lạc bộ Luật học Themis
Khoa Luật – Đại học Văn hóa Hà Nội
Đặt vấn đề: Chế định đồng phạm là đề tài đã có nhiều công trình khoa học, bài viết nghiên cứu, phân tích trong cộng đồng luật học. Vấn đề mà các nhà nghiên cứu, các cơ quan tố tụng vướng mắc nhất khi đánh giá vai trò đồng phạm không phải là về cơ sở lý luận, về khái niệm hay về những nội dung cơ bản của đồng phạm, mà chủ yếu là việc áp dụng chế định đồng phạm trong thực tiễn, trong đó nổi lên hai vấn đề: Thế nào là “tiếp nhận ý chí” và việc “cá thể hóa trách nhiệm hình sự” trong tiếp nhận ý chí. Khi làm rõ được khái niệm “tiếp nhận ý chí” thì sẽ phân biệt được với trường hợp đồng phạm có sự bàn bạc trước, từ đó phân hóa được trách nhiệm của những người đồng phạm. Để làm rõ từng nội dung này và mối liên hệ giữa chúng với nhau, nhóm nghiên cứu Themis có thể phân tích như sau:
1. Những dấu hiệu đặc trưng của sự “tiếp nhận ý chí”
Trước hết, về khái niệm “tiếp nhận ý chí”: Theo từ điển tiếng Việt, tiếp nhận là “Đón nhận từ người khác, nơi khác chuyển giao cho”; còn ý chí là “Điều mà tâm ý của mình đã định” hoặc là “Cái lòng muốn mạnh mẽ, nhất định phải thực hiện cho bằng được”. Như vậy, có thể hiểu “tiếp nhận ý chí” là sự đón nhận tâm ý, mong muốn của người khác để cùng thực hiện một việc nào đó. Hoặc có thể nói: “Tiếp nhận ý chí” là sự chủ động thực hiện điều mong muốn của người khác. Tuy nhiên, “ý chí” lại là cái vô hình, không nhìn thấy vì nó là suy nghĩ, mong muốn trong đầu của một người. Nó chỉ biểu hiện ra ngoài bằng hành động, cử chỉ, lời nói, thái độ cụ thể của con người. Vì vậy, để chứng minh thế nào là sự biểu hiện ý chí ra bên ngoài của một chủ thể và thế nào là sự “tiếp nhận ý chí” của chủ thể còn lại là vấn đề rất phức tạp (trong phạm vi bài viết này, để thuận tiện cho việc nghiên cứu và phân biệt giữa các chủ thể với nhau, chúng tôi quy ước tên gọi của “người được tiếp nhận ý chí” là “chủ thể chính”; còn “người tiếp nhận ý chí” là “chủ thể đồng phạm”).
Trong chế định đồng phạm, tiếp nhận ý chí là sự tự hiểu ý của một người trước hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ của người khác mà không có sự bàn bạc, trao đổi trước. Sự tự hiểu ý này được biểu hiện ra bằng một hoặc một chuỗi hành động vi phạm pháp luật hình sự, nhằm để thực hiện mong muốn của chủ thể chính. Tuy nhiên, việc chứng minh sự “tiếp nhận ý chí” không hề đơn giản, bởi sự tiếp nhận diễn ra trong thời gian rất ngắn và nhanh, do đó phải rất thận trọng khi đánh giá vì liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó. Có thể nhận biết sự “tiếp nhận ý chí” qua những dấu hiệu đặc trưng như sau:
Về thời gian
Thông thường, việc tiếp nhận ý chí diễn ra tại thời điểm tội phạm đang được thực hiện. Ví dụ: T đang khám người M để trấn tiền thì Q (là bạn của T) đi bộ tới chủ động cùng T khám người M, lấy tiền và cả hai đánh M bỏ chạy. Như vậy, mặc dù không có sự bàn bạc trước nhưng tại thời điểm T đang khám người bị hại thì Q đi tới tham gia vào việc trấn tiền cùng T, sau đó cùng T đánh M nên Q đồng phạm với T về tội cướp tài sản.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp việc tiếp nhận ý chí được diễn ra trước khi tội phạm thực hiện, nhưng thời điểm này cũng là trước liền kề với thời gian xảy ra tội phạm. Ví dụ: A và B đang cãi nhau. C là con của B vừa đi làm về thấy vậy nên cũng xông vào chửi A. Sau đó, B lao vào đánh A. C thấy vậy cũng lao vào đánh A. Hậu quả A thương tích 26%, nên B và C bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
Về địa điểm
Việc tiếp nhận ý chí được thực hiện tại ngay địa điểm xảy ra tội phạm (hiện trường). Trường hợp các đồng phạm trao đổi trước với nhau tại một địa điểm khác, sau đó mới đi đến địa điểm xảy ra tội phạm thì lúc này không còn sự tiếp nhận ý chí nữa mà là trường hợp đã có sự bàn bạc, thống nhất trước của đồng phạm thông thường. Như vậy, khẳng định một đặc điểm riêng biệt của sự “tiếp nhận ý chí” là: Nếu không phải được thực hiện tại hiện trường xảy ra tội phạm, thì sẽ không có sự tiếp nhận ý chí.
Không có sự bàn bạc trước
Đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt đồng phạm trong trường hợp “tiếp nhận ý chí” với trường hợp đồng phạm có sự bàn bạc trước. Không có sự bàn bạc trước là trường hợp giữa những người đồng phạm hoàn toàn không trao đổi, thống nhất gì trước hoặc trong khi tội phạm xảy ra. Việc trao đổi, bàn bạc trong đồng phạm ở đây được hiểu là trao đổi, bàn bạc qua hình thức: Lời nói trực tiếp; bằng tin nhắn, văn bản, thư điện tử… Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp chủ thể chính nói trực tiếp với chủ thể đồng phạm (hoặc hô to lên mà không hướng đến cụ thể người nào đối với trường hợp có nhiều người đồng phạm), nhưng chủ thể đồng phạm không trả lời mà có hành động thực hiện luôn theo lời chủ thể chính thì không coi là có sự bàn bạc trước. Bởi việc bàn bạc là phải được trao đổi, thống nhất giữa hai hay nhiều bên, nếu ý kiến được đưa ra chỉ từ một phía thì không phải là sự bàn bạc mà là sự “tiếp nhận ý chí”. Có thể nói, do không có sự bàn bạc trước nên việc tiếp nhận ý chí chủ yếu thông qua sự “tự hiểu ý” giữa các chủ thể với nhau, như: Qua hành động, thái độ, lời nói, cử chỉ…
Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn S đứng cãi nhau với Lê Ngọc G tại cổng trường. Sau đó, bạn của S là Vũ Tiến Tr, Phạm Văn Q và Bùi Mạnh D đi từ trong trường học ra đứng cạnh S nhưng không nói gì. Thấy có đông người bạn của mình đến, S hung hăng lao vào tát, đấm G vào mặt nhưng bị G gạt ra và đánh lại. Bực tức vì một mình không đánh được G, S đã hô lên “Anh em ơi, đánh chết thằng này cho tao”. Khi nghe thấy S hô như vậy thì Tr, Q và D đã lao vào cùng S dùng chân, tay đánh G. Hậu quả G bị thương tích 25% nên S và các đồng phạm bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích. Như vậy, mặc dù không bàn bạc gì trước và S cũng không nói cụ thể với ai, nhưng Tr, Q, D đã “tiếp nhận ý chí” của S qua lời S hô hào, nên đã đồng phạm với S và phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích.
Tính biểu hiện ý chí ra bên ngoài
Để người khác tiếp nhận ý chí của mình thì buộc phải biểu hiện ý chí của mình ra bên ngoài, nếu không biểu hiện ra bên ngoài thì người khác không thể biết mà làm theo. Trong đồng phạm, nếu không chứng minh được chủ thể chính biểu hiện ý chí của mình ra bên ngoài cụ thể là gì, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ được, nên đây là dấu hiệu rất quan trọng cần phải chứng minh.
Sự biểu hiện ý chí trong đồng phạm có hai hình thức là “hành động” và “không hành động”. Cụ thể như sau:
– Biểu hiện bằng hành động: Là trường hợp chủ thể chính có lời nói, cử chỉ, thái độ, ánh mắt, ám hiệu… để chủ thể đồng phạm hiểu được ý muốn của họ. Việc chứng minh sự tiếp nhận ý chí trong trường hợp này tương đối thuận lợi vì chủ thể chính đã thể hiện ý chí của mình bằng một hành động cụ thể.
– Biểu hiện bằng không hành động: Là sự để mặc cho chủ thể đồng phạm tự thực hiện hành vi tội phạm theo mong muốn của chủ thể chính. Đây là trường hợp rất phức tạp mà các cơ quan tố tụng thường vướng mắc khi giải quyết, bởi để chứng minh được việc “để mặc” đồng nghĩa với việc “mong muốn người khác thực hiện theo ý của mình” là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, chúng vẫn có những đặc điểm riêng để nhận biết, phân biệt với những trường hợp khác. Chúng ta có thể xác định việc “để mặc” trong trường hợp này qua những dấu hiệu sau:
+ Chủ thể đồng phạm là người quen, bạn bè, người thân của chủ thể chính và có mong muốn “giúp đỡ”, “bảo vệ” hoặc “bênh vực” chủ thể chính, nên mặc dù không có sự “nhờ vả” nhưng chủ thể đồng phạm đã có hành động vi phạm pháp luật hình sự.
+ Chủ thể chính biết sự có mặt (hiện diện) của chủ thể đồng phạm tại hiện trường, trong thời điểm xảy ra sự việc và biết được chủ thể đồng phạm đang có hành vi vi phạm pháp luật để bênh vực, bảo vệ mình nên có ý thức để mặc cho người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc chủ thể chính có thể tham gia cùng chủ thể đồng phạm thực hiện tội phạm (mặc dù không bàn bạc, trao đổi trước).
+ Chủ thể chính có thể mong muốn hoặc không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả do chủ thể đồng phạm đã gây ra nếu hậu quả đó phù hợp với mong muốn của họ. Việc buộc chủ thể chính phải chịu trách nhiệm về hậu quả do chủ thể đồng phạm gây ra là đúng quy định với pháp luật hình sự và phù hợp với thực tiễn, bởi mặc dù hậu quả là do chủ thể đồng phạm gây nên nhưng nguyên nhân đều bắt nguồn từ chủ thể chính mà ra. Bên cạnh đó, hậu quả này lại phù hợp với mong muốn của chủ thể chính thì càng rõ trách nhiệm phải chịu về hậu quả đó.
Ví dụ: Thấy N và M đang cãi nhau, P (là bạn của N) đi qua nên cùng N chửi mắng M. Sau đó, cả P và N (không trao đổi, bàn bạc gì) cùng lao vào đánh M. Hậu quả, P gây thương tích 27% cho M, còn N gây thương tích cho M 2%. Trong vụ án này, mặc dù N chỉ gây thương tích cho M 2% và không bàn bạc trước với P về việc đánh M, nhưng N vẫn phải chịu trách nhiệm về tổng tỷ lệ thương tích của M là 29%, bởi việc P đánh M là đúng theo mong muốn của N, nên hậu quả như nào thì N phải chịu trách nhiệm như thế.
Tuy nhiên, cần phân biệt “hành động” và “không hành động” trong đồng phạm khác với “hành động” và “không hành động” trong hành vi khách quan của cấu thành tội phạm. Trong đồng phạm, “hành động” và “không hành động” là hành vi trao đổi thông tin, tín hiệu giữa những người đồng phạm với nhau; còn “hành động” và “không hành động” trong cấu thành tội phạm là hành vi thực hiện tội phạm cụ thể. Nói cách khác, cùng là “hành động” (hoặc không hành động), nhưng trong đồng phạm thì đó là hành động biểu hiện của sự thống nhất về ý chí; còn trong cấu thành tội phạm thì đó là hành động biểu hiện của một hành vi phạm tội cụ thể.
Tính nhanh chóng
Do việc tiếp nhận ý chí xảy ra tại nơi thực hiện tội phạm và là thời điểm đang diễn ra tội phạm (hoặc trước thời điểm diễn ra nhưng liền kề) nên sự tiếp nhận ý chí được diễn ra một cách chớp nhoáng, không có thời gian để bàn bạc hay suy nghĩ. Tính nhanh chóng là nguyên nhân dẫn đến việc buộc những người đồng phạm phải “tiếp nhận ý chí” để cùng thực hiện hành vi tội phạm, bởi họ không có thời gian hoặc không thể bàn bạc được do sự việc diễn ra quá nhanh.
Khái niệm Tiếp nhận ý chí
Từ những phân tích trên, chúng tôi đưa ra khái niệm “tiếp nhận ý chí” trong đồng phạm như sau: “Tiếp nhận ý chí là sự thống nhất về tư tưởng, suy nghĩ giữa những chủ thể tội phạm với nhau mà không có sự bàn bạc, trao đổi trước để nhằm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo mong muốn của chủ thể chính”.
2. Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp tiếp nhận ý chí
Khi có đủ căn cứ để xác định có sự đồng phạm thuộc trường hợp tiếp nhận ý chí, thì các chủ thể đều phải chịu trách nhiệm như các trường hợp đồng phạm thông thường. Tức là các chủ thể đều phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả đã gây ra, trừ trường hợp vượt quá theo quy định tại khoản 4, Điều 17 BLHS năm 2015: “4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.
Nhìn chung, việc chứng minh thế nào là sự “vượt quá” trong đồng phạm thường rất khó, đặc biệt lại trong trường hợp tiếp nhận ý chí, vì đây là trường hợp không có sự bàn bạc trước. Khi không có sự bàn bạc trước thì khó biết mong muốn của chủ thể chính như nào để mà xác định chủ thể đồng phạm có vượt quá hay không. Nghiên cứu các vụ án trên thực tế hiện nay cho thấy: “Hành vi vượt quá” trong đồng phạm là trường hợp có đủ căn cứ để đánh giá hậu quả đã xảy ra rõ ràng là khác biệt với mong muốn của chủ thể chính do hành vi “quá đà” của chủ thể đồng phạm gây ra. Nói cách khác, cần phải chứng minh có hai sự kiện: Một là có sự kiện vượt quá do chủ thể đồng phạm gây ra và hai là sự kiện vượt quá này phải nằm ngoài ý muốn của chủ thể chính.
Ví dụ: A và B là bạn của nhau, mỗi người đi một xe máy đang trên đường đến trường học thì xe của A va chạm với xe máy của C ngã ra đường. Do bực tức, A lao vào đánh C. Thấy bạn đánh nhau, B cũng dựng xe và lao vào cùng A đánh C. Sau đó, mặc dù A đã dừng lại và bảo B thôi không đánh C nữa, nhưng B vẫn tiếp tục lao vào dùng gạch đập nhiều phát vào đầu C gây chấn thương sọ não. Như vậy, đối với thương tích chấn thương sọ não mà B gây ra cho C rõ ràng là vượt quá mong muốn của A, vì đây là hành vi sau khi A đã có lời can ngăn B, nên A sẽ không phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp vượt quá về hậu quả với trường hợp vượt quá về phương pháp, thủ đoạn. Trong thực tiễn, để thực hiện một tội phạm, thì tùy từng đối tượng sẽ có hành vi, phương pháp, thủ đoạn, tính quyết liệt, sự tinh vi… khác nhau, nhưng đều dẫn đến một mục đích, mong muốn chung. Vì vậy, nếu chủ thể đồng phạm có sự vượt quá về hành vi, về phương pháp, thủ đoạn, cách thức thực hiện tội phạm thì chủ thể chính vẫn phải chịu trách nhiệm cùng. Cụ thể: Vẫn trong ví dụ trên, nếu trường hợp A không can ngăn B mà cứ để mặc cho B dùng gạch đập vào đầu C thì A vẫn phải chịu trách nhiệm cùng B về hậu quả chấn thương sọ não và tình tiết dùng hung khí nguy hiểm (viên gạch). Bởi mặc dù A không tham gia vào việc gây thương tích cho C nữa, nhưng vẫn đây là chuỗi sự kiện diễn ra liên tục, chưa chấm dứt nên không có cơ sở để cho rằng hậu quả của sự vượt quá do B thực hiện có nằm ngoài ý muốn của A không.
Nhìn chung, khi xác định đã có sự đồng phạm, thì tất cả những người đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả do những người đồng phạm khác gây ra, trong đó bao gồm cả việc đồng phạm về dùng hung khí, về phương thức, thủ đoạn… (trừ trường hợp có sự vượt quá)./.