Nhóm nghiên cứu Luật học Themis
Kỷ niệm Ngày Luật sư Việt Nam

Đặt vấn đề

Nghề Luật sư ở Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển và những đóng góp của Luật sư cho sự đảm bảo công bằng xã hội, bảo đảm pháp chế XHCN. Hiện nay, giới trẻ học luật luôn chọn cho mình hướng đi coi luật sư là một nghề được ưa chuộng. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 17.317 Luật sư [1]. Ở nước Mỹ là nơi có nghề luật sư phát triển nhất thế giới. Điều đó không chỉ thể hiện ở số lượng luật sư Mỹ vào loại đông nhất (hơn 1,3 triệu luật sư trên dân số 331,9 triệu (2021) [2] mà còn thể hiện ở chất lượng cũng như vị thế, vai trò của luật sư trong xã hội Mỹ. Luật sư Mỹ được coi là thuộc tầng lớp “tinh hoa” (elite) trong xã hội bởi họ phải vượt qua một quá trình tuyển chọn gắt gao, đầy cạnh tranh để được vào học trường luật – một chương trình đào tạo bậc sau đại học 3-4 năm đầy thử thách, và nhiều luật sư trở thành chính khách, các nhà lãnh đạo, giữ chức vụ cao trong các cơ quan chính quyền liên bang và tiểu bang như tổng thống, nghị sĩ Quốc hội, các cơ quan hành pháp…

1. Về nghề Luật sư

Nghề Luật sư – một nghề xuất hiện từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Theo Josh Taylor, ở Hy Lạp cổ đại, “orators” (những nhà hùng biện) thường biện hộ trong những vụ việc của những người bạn của họ, bởi vì tại thời kỳ đó, những người cai trị yêu cầu rằng một cá nhân phải biện hộ cho vụ việc của chính mình hoặc có thể nhờ một công dân bình thường hoặc một người bạn của mình biện hộ cho mình nhân danh mình và không được nhận phí. Tuy nhiên, quy định về không thu phí như vậy là bất khả thi (Josh Taylor nhận định). Ông khẳng định rằng, sau đó ở La Mã cổ đại, Hoàng đế Claudius pháp lý hóa nghề luật và thậm chí cho các Luật sư (thầy cãi) thu phí với một hạn mức nhất định [3].

Nghề Luật sư ở Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển và những đóng góp của Luật sư cho sự đảm bảo công bằng xã hội, bảo đảm pháp chế XHCN. Ngày 14/1/2013 Thủ tướng đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày truyền thống nghề Luật sư. Bên cạnh đó, nghề luật sư phải đối diện với những tồn tại trong thực tiễn hành nghề. Những điều chỉnh về pháp luật với những qui định đúng đắn góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đội ngũ luật sư, nâng cao trình độ, chất lượng luật sư.

Bên cạnh việc tham gia hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu và tham gia tố tụng trong các vụ án chỉ định, Luật sư còn tham gia đóng góp các ý kiến trong công tác xây dựng pháp luật, tác nghiệp cùng các cơ quan truyền thông để làm sáng tỏ các vấn đề xã hội, luật pháp, dân sinh…

Luật sư là người có hoạt động khoa học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật, luôn lấy việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Trước khi là một Luật sư thì chính bản thân (mỗi luật sư tương lai) phải rèn luyện được tính độc lập, trung thực, khách quan, nhiệt tình trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, không dồn trách nhiệm cho đồng nghiệp, cho người khác. Có người nói: “Đã là Luật sư cần phải có cái túi đựng giấy tờ và cái túi đựng sự nhẫn nại”.

Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó mới tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi “Có một luật sư đứng cạnh còn đáng giá hơn cả trăm nhân chứng”.

Luật sư cần hành nghề bằng cái đức, cái tâm của mình, phải hiểu được thiên chức cao quí của nghề, người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Phẩm giá đó thiết nghĩ đến từ sự cương trực, vốn là biểu tượng của công lý trong xã hội, dù áp lực khó khăn vẫn không chùn bước. Phải dũng cảm và có bản lĩnh để vượt qua trở ngại, thử thách gặp phải trong quá trình hành nghề. Đó là một yêu cầu tự thân vận động nhằm chuẩn bị tâm thế cho mình khi đối đầu với những tình huống xung đột xảy ra trong quá trình tìm lẽ phải. Nghề Luật sư đem lại sự công bằng cho mọi người niềm tin vào pháp luật của người bảo vệ công lý, ở đó Luật sư là những người dũng cảm, có bản lĩnh hiệp sỹ mới thực hiện sứ mệnh cao cả của mình trên trận tuyến bảo vệ công lý. Do đó, Luật sư cần có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất, uy tín nghề nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư trong thời kỳ mới.

Cong ty luat ThinkSmart 1

2. Nghề Luật sư ở Mỹ

Luật sư Mỹ có mặt khắp nơi trên thế giới, tư vấn trong các hợp đồng thương mại quốc tế, tranh tụng tại nhiều tòa án quốc tế và tổ chức trọng tài quốc tế. Luật sư được tôn trọng vì họ là những người có tư duy lô gíc, khả năng phân tích, lập luận sắc bén, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ công lý. Tư duy pháp lý của luật sư Mỹ là tư duy trong bối cảnh một hệ thống pháp luật theo truyền thống luật án lệ (common law hay case law) với mô hình tố tụng tranh tụng. Trong điều kiện Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp, từng bước phát triển án lệ và tiếp thu các yếu tố hợp lý của tố tụng tranh tụng, việc tìm hiểu tư duy pháp lý của luật sư Mỹ là cần thiết, nhằm gợi mở cho việc đổi mới đào tạo luật và nghề luật ở Việt Nam phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Có nhiều nguyên nhân giải thích vấn đề đội ngũ luật sư đông đảo và lương bổng cao nhất ở Mỹ. Thứ nhất, nước Mỹ là một nước ưa kiện tụng nhất trên thế giới nên số số lượng luật sư ở Mỹ rất lớn. Người dân có thể kiện bất kỳ về vấn đề gì họ thấy cần có sự can thiệp của pháp luật. Thứ hai, cho dù họ không kiện ai đi chăng nữa thì rất nhiều giao dịch trong xã hội cần thông qua luật sư nếu muốn chắc ăn. Bạn cần đến luật sư từ việc rất nhỏ như vi phạm giao thông, khai thuế, cho đến ly dị, thừa kế, các loại giao dịch theo hợp đồng… Dĩ nhiên là chi phí thuê luật sư rất cao. Ví dụ bạn chay xe quá tốc độ cho phép bị cảnh sát bắt và bạn muốn nhờ luật sư thì chi phí tùy theo mức độ nặng nhẹ và tiểu bang mà bạn vi phạm có giá dao dộng ít nhất từ $300 trở lên.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA), chỉ hơn 50% số luật sư hài lòng với nghề nghiệp. Trong số các luật sư có 6 – 9 năm kinh nghiệm, chỉ có 4/10 luật sư cho biết họ hài lòng với sự nghiệp của mình, với những luật sư hành nghề từ 10 năm trở lên, tỷ lệ này là 6/10. Trong số gần 800 người được hỏi, 80% nói rằng họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình, 81% nhận xét đây là nghề đòi hỏi nhiều trí tuệ.

Những con số trên cho thấy luật sư chỉ hài lòng với nghề nghiệp khi đã có tuổi, đơn giản vì khi sự nghiệp phát triển, họ cần phải có nhiều trách nhiệm hơn để giữ vững uy tín cũng như lấy đó làm đảm bảo cho việc chuyển nghề khác sau một vài năm. Tuy nhiên, chỉ có 42% luật sư hành nghề từ 10 năm trở lên khuyến nghị giới trẻ chọn nghề luật, với luật sư hành nghề dưới 3 năm, tỷ lệ này là 57%.

Rất nhiều luật sư đánh giá thấp công tác đào tạo sinh viên ngành luật tại Mỹ, 54% luật sư được hỏi đồng ý với nhận định công tác đào tạo tại các trường luật rất nghèo nàn. sinh viên luật không được thông tin đầy đủ về nhu cầu của nghề.

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về đạo đức nghề luật sư. Trong những năm gần đây, phí tranh tụng tăng lên, ngày càng có nhiều biểu hiện không công bằng giữa các luật sư với nhau, nguyên nhân theo các chuyên gia là do bắt nguồn từ việc cạnh tranh để giành khách hàng. Điều đó dẫn đến việc các luật sư quan tâm đến tiền nhiều hơn công việc chính của họ là giải quyết vấn đề cho khách hàng. “Họ đặt mục tiêu giành thắng lợi bằng mọi giá, dẫn đến việc cư xử “thiếu lễ độ” với nhau và đẩy tiến trình tranh tụng thêm hao tốn tiền của”.

Đào tạo luật sư ở Mỹ

Không phải như ở Việt Nam, nghề luật đòi hỏi phải có bằng cấp, tức là bạn phải tốt nghiệp đại học. Cụ thể hơn, các trường đại học Mỹ không cấp bằng Cử nhân Luật. Các trường luật danh tiếng hằng năm nhận rất nhiều hồ sơ của các ứng viên đã là Tiến sĩ ở một ngành nào đấy và muốn đổi nghề làm luật sư. Hội đồng xét tuyển sẽ căn cứ vào điểm số (điểm trung bình toàn khoá học, điểm của từng môn học) mà bạn đã từng học, thư giới thiệu, bài viết giới thiệu bản thân,… và một kì thi tuyển đầu vào (tuỳ từng trường). Mặc dù điểm số bài thi đầu vào không phải là thước đo hoàn toàn chính xác khả năng lý luận cần thiết của một luật sư nhưng các trường thường đặt trọng số tương đối lớn đối với bài thi này.

Phương pháp dạy – học ở trường luật của Mỹ rất khác so với phương pháp của các trường ở Pháp và ở Anh. Sinh viên phải đọc tài liệu trước khi đến lớp (theo yêu cầu của Giáo sư). Tài liệu bao gồm: các bản án, văn bản pháp luật, học thuyết pháp lý (đoạn trích), một số bài viết kinh tế và xã hội học. Trong hầu hết các giờ học, người ta sử dụng phương pháp hùng biện, theo đó sinh viên làm việc theo nhóm dưới sự chỉ đạo của các giáo sư, trình bày về những gì họ đã đọc, những vấn đề mà họ nhận thức được, giáo sư sẽ đặt câu hỏi cho các học viên, để làm cho họ phát hiện được mối quan hệ giữa vấn đề đang nghiên cứu và những vấn đề có liên quan.

Thời gian học luật thường là 3 năm tập trung, khối lượng bài vở của luật cực kỳ nhiều. Sinh viên phải đọc luật, án lệ, và viết các bài bình luận … Ngoài ra, sinh viên luật năm nhất phải học qua lớp dạy kỹ năng viết để có thể viết bài cho một tạp chí pháp luật đúng cách (đó cũng là cả một quá trình học tập và làm quen). Khối lượng bài vở lớn nhưng các hoạt động ngoại khóa của các trường đào tạo luật ở Mỹ vẫn chiếm một mức độ ưu tiên không nhỏ để viết để chuẩn bị cho việc hành nghề trong tương lai. Họ phải tích cực tham gia phiên toà diễn tập, hoặc làm biên tập cho tạp chí pháp luật của sinh viên, tư vấn luật miễn phí cho cộng đồng… Một số trường (như trường luật Harvard) bắt buộc sinh viên phải làm 40 giờ tư vấn miễn phí cho cộng đồng như là một điều kiện để tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng để hành nghề luật sư.

Tuy nhiên, được cấp bằng luật sư không phải mặc nhiên là có thể hành nghề được. Những người được cấp bằng luật sư còn phải trải qua một kỳ thi để được tiếp nhận vào luật sư đoàn. Tất cả các bang đều quy định tất cả luật sư tiềm năng (cho dù có bằng luật sư hay không như yêu cầu của một số bang ở Mỹ) đều phải thi đậu vào một luật sư đoàn nào đó thì mới được hành nghề luật sư.

Ngoài ra, ở Mỹ có xu hướng kết hợp giữa đào tạo lý thuyết với đào tạo nghề trong chương trình đại học luật. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp trường luật chỉ cần qua thời gian tập sự ngắn là có thể làm việc được. Cách đào tạo này rất khác so với cách đào tạo ở các nước châu Âu (thường đưa đào tạo luật vào chương trình đại học cơ bản và sinh viên tốt nghiệp không đủ khả năng hành nghề ngay và những người muốn hành nghề phải trải qua một khoá đào tạo nghề).

Điều kiện để trở thành luật sư ở Mỹ

Ở Mỹ không có sự phân biệt giữa luật sư tư vấn và luật sư bào chữa. Thông thường họ được gọi là lawyer, còn khi đi bào chữa được gọi là attorney. Luật sư hoạt động dưới sự kiểm soát của Toà án tối cao cấp Tiểu bang nơi họ hành nghề. Khác với những người dạy học ở các trường luật và luật gia doanh nghiệp không chịu sự kiểm soát của toà án, nhưng hầu như luôn luôn là thành viên của Đoàn luật sư của Tiểu bang nào đó, không nhất thiết là Tiểu bang nơi họ hành nghề.

Điều kiện trở thành luật sư ở các Tiểu bang không giống nhau. Một người được thừa nhận là luật sư ở các Tiểu bang thì chỉ được hành nghề ở Tiểu bang đó, và trước toà án Liên bang. Mọi luật sư đều có thể được đăng ký vào danh sách luật sư (và phải trả một khoản thuế không lớn lắm). Hiện nay, ở nhiều Tiểu bang, muốn hành nghề luật sư phải chấp nhận qua kỳ kiểm tra được tổ chức dưới sự kiểm soát của toà án. Ở ¾ số Tiểu bang ở nước Mỹ, có bằng đại học là điều kiện cần nhưng chưa đủ để trở thành luật sư. Đa số các luật sư Mỹ hành nghề với danh nghĩa cá nhân (70%) hoặc liên kết với duy nhất một đồng nghiệp khác (15%). Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, luật sư thường làm việc trong một Văn phòng luật bao gồm khoảng từ 10 đến 200 luật sư. Một số ít luật sư theo chuyên ngành luật sư tranh tụng, tham gia hoạt động tố tụng trước phiên toà (hỏi cung và phản cung) trong các vụ án dân sự và hình sự. Một số khác theo chuyên ngành tương tự như luật sư công của Pháp. Còn lại đa số luật sư hoạt động ngoài lĩnh vực tranh tụng, thực hiện vai trò tương tự như công chứng viên, nhà tư vấn pháp luật, nhà tư vấn về thuế. Rất nhiều luật sư được tuyển dụng tại các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân. Tuy nhiên, để trở thành luật sư thì không dễ. Hầu hết các tiểu bang đều yêu cầu phải có bằng luật sư như là một điều kiện tiên quyết (một số tiểu bang không yêu cầu có bằng luật là California, Maine, New York, Vermont, Virginia, Washington and Wyoming và họ có thể tự học khi làm thực tập ở văn phòng luật nào đấy).

Ở nước ta, luật sư vẫn được xếp vào một nghề “bổ trợ tư pháp”, chưa phải là một chủ thể tư pháp. Vẫn chưa được tôn trọng vị thế, vai trò, thậm chí vẫn còn những cản ngại nhất định cho hoạt động tác nghiệp của luật sư trong từng vụ án cụ thể, đặc biệt là trong giai đoạn tố tụng điều tra. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vị thế của Luật sư ngày càng được khảng định, đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước tổ chức, cá nhân. Đặc biệt nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã có được những vị thế trong xã hội./.


[1] https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tieu-chuan-de-tro-thanh-luat-su-la-gi-dieu-kien-de-hanh-nghe-luat-su-tu-truoc-toi-nay-co-thay-doi-g-1017.html

[2] https://www.google.com.vn/search, truy cập lúc 15h30 ngày 9/10/2023.

[3] https://luatsuhanoi.vn/vai-tro-cua-luat-su-gop-phan-thuc-day-cai-cach-tu-phap.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *