Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trong pháp luật dân sự hiện hành

Tóm tắt: Qua thời gian áp dụng trong thực tiễn, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, việc đánh giá lại quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về vấn đề này là cần thiết để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm vai trò quan trọng của quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân trong giải quyết các vụ án dân sự.

Abstract: Over time of practical application, the regulation of liability for non-contractual damages under the Civil Code of 2015 has revealed certain limitations. Therefore, a re-evaluation of the provisions of the 2015 Civil Code on this issue is necessary to make appropriate adjustments, ensuring the important role of regulations on the capacity to be responsible for compensation for personal damage in settling civil case.

1. Quy định về năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng của cá nhân

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó, người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình gây ra mà giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và người bị thiệt hại không giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XX của Bộ luật Dân sự năm 2015 (từ Điều 584 đến Điều 608). Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào trong xã hội nhưng không phải chủ thể nào cũng có khả năng thực hiện việc bồi thường. Việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường còn phụ thuộc vào năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng chủ thể.

Thông thường, năng lực được hiểu là khả năng đủ để thực hiện tốt một công việc hay những điều kiện đủ để làm một công việc[1]. Trong pháp luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự bao gồm quyền nhân thân không gắn liền với tài sản và quyền nhân thân gắn liền với tài sản; quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản; quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó[2]. Còn năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cá nhân[3]. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân thuộc phạm vi pháp luật dân sự nên về bản chất vẫn được xác định theo năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù, Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể nhưng dựa vào nội dung của điều luật, có thể hiểu: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân là khả năng của cá nhân đó bằng hành vi của mình bù đắp những tổn thất, mất mát về vật chất và quy định nhằm khắc phục những hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra.

Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại phải tự bồi thường. Đây là các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, là người đã thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, phải bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình và không phụ thuộc vào tình trạng tài sản của bản thân người này.

Người dưới mười tám tuổi là những người chưa thành niên do chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên việc xác định năng lực bồi thường thiệt hại của các đối tượng này được xem xét trong nhiều trường hợp khác nhau: (i) Đối với người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Như vậy, việc lấy tài sản của người con trong trường hợp này là khắc phục phần còn thiếu về tài sản, không phải là nghĩa vụ bổ sung. (ii) Nếu người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. (iii) Người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì các chủ thể này phải bồi thường. Nếu các chủ thể trên không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường[4].

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trong pháp luật dân sự hiện hành

2. Một số bất cập của quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Qua thời gian áp dụng trên thực tế, có thể thấy, nội dung của Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 có một số vấn đề chưa thực sự rõ ràng dẫn đến thiếu thống nhất khi áp dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, chưa có sự thống nhất trong quy định của khoản 1 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 1 quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Như vậy, hiểu một cách thông thường, bất kể ai chỉ cần từ đủ mười tám tuổi trở lên mà gây thiệt hại thì phải tự bồi thường, kể cả người từ đủ mười tám tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc người từ đủ mười tám tuổi nhưng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Quy định này chưa thống nhất với khoản 3. Khoản 3 quy định: Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Có thể hiểu rằng, khoản 3 là các trường hợp loại trừ của khoản 1, tuy nhiên trong cùng một điều luật nhưng hai khoản này lại không có sự liên kết với nhau dẫn đến việc hiểu khoản 1 có thể khác đi với mong muốn xây dựng pháp luật ban đầu. Vì các quy định trong cùng một vấn đề cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Thứ hai, về mặt nguyên tắc, một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần phải có quyết định tuyên bố của Tòa án. Nói cách khác, trước khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án thì về mặt pháp lý, những người này vẫn là người bình thường, nếu từ đủ 18 tuổi thì vẫn coi là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Trên thực tế, không phải gia đình nào cũng thực hiện thủ tục này cho người thân của mình nên khi có người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại nhưng chưa có quyết định tuyên bố của Tòa án thì bản thân họ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, những người này thường không có khả năng gánh chịu trách nhiệm dân sự để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, nếu người thân không có thiện chí để thực hiện thay thì làm cách nào để xử lý các trường hợp như vậy nhằm bảo đảm quyền được bồi thường của bên bị thiệt hại, nếu Tòa án thực hiện thêm thủ tục tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, hành vi nhằm tạo thêm căn cứ xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thì có đúng hay không khi quyết định có hiệu lực sau thời điểm sự việc gây thiệt hại đã xảy ra?

Thứ ba, theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cha, mẹ (nếu còn cha, mẹ). Còn người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì thuộc về chính họ. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người giám hộ.

Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, con chưa thành niên thuộc các trường hợp sau có thể trở thành người được giám hộ:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.

Như vậy, không phải mọi trường hợp người được giám hộ là con chưa thành niên mà có người giám hộ đều mất cha, mẹ. Thực tế, nhiều trường hợp cha, mẹ vì không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái (như công tác xa, đi nước ngoài…) mà tìm kiếm người giám hộ cho con mình, vì thế con chưa thành niên sẽ đồng thời có người giám hộ và cha mẹ. Khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của con chưa thành niên (nhất là các trường hợp dưới mười lăm tuổi) đồng thời có người giám hộ lẫn cha, mẹ (cha, mẹ đều không bị bất kỳ hạn chế gì), thì người giám hộ hay cha, mẹ sẽ là người có trách nhiệm bồi thường. Khi có phát sinh tranh chấp thì phải xử lý như thế nào?

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân nói riêng đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một cách cụ thể hơn so với Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng xét trên nhiều phương diện khác nhau, cách thức quy định hiện tại còn gây ra những mâu thuẫn nhất định. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn các quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cần thiết.

Một là, khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên được sửa đổi, bổ sung là: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường, trừ các trường hợp tại khoản 3 Điều này và luật có quy định khác”.

Việc sửa đổi này phù hợp với các quy định khác của Bộ luật Dân sự cũng như tạo ra sự gắn kết về mặt nội dung trong cùng một điều luật. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các nhà làm luật có thể dự trù các trường hợp khác trong tương lai để có hướng dẫn pháp luật phù hợp hơn.

Hai là, tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ngày 06/9/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP) và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Nội dung của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP đã phần nào giải quyết được các vướng mắc hiện hữu, nổi bật liên quan đến quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Liên quan đến quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Nghị quyết này chỉ đề cập đến vấn đề xác định tuổi của người gây thiệt hại. Vấn đề này được áp dụng tương tự pháp luật tố tụng hình sự trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội là người dưới mười tám tuổi. Nói cách khác, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP chưa giải đáp cụ thể những vướng mắc liên quan đến nội dung về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, những hạn chế mà tác giả đưa ra vẫn đang còn tồn tại và cần thiết tiếp tục có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung này:

Trước hết, để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị thiệt hại, cũng như xác định trách nhiệm cho người thân của người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại nhưng lại chưa có quyết định của Tòa án, trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận thì nên bổ sung quy định theo hướng cho phép người bị thiệt hại được quyền yêu cầu tuyên bố người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và quyết định của Tòa án vẫn có giá trị pháp lý làm chứng cứ trong việc giải quyết vụ án, nói cách khác là cho quyết định của Tòa án mang tính thừa nhận rằng tại thời điểm người gây thiệt hại, họ đã mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi về mặt pháp lý và người thân (cha mẹ, người giám hộ) phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Quy định này nhằm trách nhiệm hóa vai trò của người thân của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng như giúp cho quy định tại khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể được vận dụng một cách hiệu quả nhất.

Tiếp theo, bổ sung quy định điều chỉnh trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà còn cha, mẹ đồng thời đang được giám hộ. Để tạo tính thống nhất, tránh gây mâu thuẫn giữa khoản 2 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, cần bổ sung quy định cụ thể trong trường hợp này theo hướng xác định thứ tự người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trước hết là sự thỏa thuận giữa cha, mẹ của người chưa thành niên với người giám hộ; nếu giữa cha, mẹ và người giám hộ không thỏa thuận được thì trách nhiệm bồi thường trước hết phải thuộc về người giám hộ, bởi lẽ, ngay tại thời điểm người chưa thành niên gây thiệt hại, người giám hộ là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chăm sóc người chưa thành niên, do đó, người giám hộ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng tài sản của người chưa thành niên được thực hiện theo trình tự tại khoản 2 Điều này. Trong trường hợp người giám hộ chứng minh mình không có lỗi thì nghĩa vụ trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về cha, mẹ của người chưa thành niên.

ThS. Phạm Quang Tiến – Học viện Tư pháp
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật


[1]. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin.
[2]. Điều 16, Điều 17 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015.