Luật sư Việt Nam » Nghiên cứu – Trao đổi
(LSVN) – Quần chúng nhân dân có vai trò trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thông qua những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả, đúng như lời Bác Hồ nhận định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[1]. Thực tế cho thấy, quần chúng nhân dân ngoài khả năng phòng, chống đấu tranh với tội phạm còn phát hiện, quản lý, giáo dục các loại tội phạm, bởi những đối tượng hư hỏng, có biểu hiện vi phạm pháp luật hay sau khi mãn án tù, mãn hạn giáo dục tập trung đều sinh sống, cư trú trong cộng đồng xã hội, trong khu dân cư. Khi người dân có ý thức tự giác, có tinh thần chủ động trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ) thì sẽ khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Một số vấn đề về tội phạm và phòng chống tội phạm
Tội phạm là một phạm trù lịch sử mang thuộc tính giai cấp. Trong bất kỳ xã hội có giai cấp nào, tội phạm luôn thể hiện bản chất chống đối lại các lợi ích của Nhà nước cũng như của xã hội. Do đó, việc phòng ngừa, đấu tranh lại hiện tượng xã hội tiêu cực này luôn được các Nhà nước quan tâm. Ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tình hình tội phạm ở nước ta trong những năm vừa qua là tương đối phức tạp với số vụ phạm tội và số người phạm tội bị đưa ra xét xử không ngừng tăng cao. Đáng lưu ý hơn là theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về tội phạm học thì con số tội phạm bị đưa ra xét xử chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, mà còn nhiều hơn vậy là số tội phạm đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện (tội phạm ẩn). Với sự phức tạp như vậy, tội phạm đã gây ra thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và xã hội cả về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định của xã hội, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng đến việc phòng, chống tội phạm, coi phòng ngừa tội phạm còn quan trọng hơn chống tội phạm. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Xét xử là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”[2]. Do đó, vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm ngày càng quan trọng. Theo khái niệm trong Từ điển Luật học thì “Phòng ngừa tội phạm là ngăn ngừa tội phạm và loại trừ các nguyên nhân phát sinh tội phạm bằng toàn bộ những biện pháp liên quan với nhau do cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội tiến hành”[3]. Việc phòng ngừa tội phạm mang lại hiệu quả cao hơn khi nó ngăn chặn, đầy lùi việc tội phạm xảy ra, tức là ngăn ngừa tội phạm từ nguồn phát sinh. Đạt được điều này sẽ dẫn đến việc tội phạm “không còn đất sống”, làm giảm đáng kể chi phí, nhân lực của Nhà nước cho hệ thống đấu tranh chống tội phạm.
Các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống đấu tranh với tội phạm
Việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện trong hầu hết các văn bản về đấu tranh, phòng, chống tội phạm như:
– Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP Về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã xác định “Xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào cách mạng của toàn dân, nâng cao trách nhiệm vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội” và “Tiếp tục phát động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội”[4].
– Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã chỉ rõ “Huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân vào công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố và tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhất là ở các thành phố, thị xã lớn, tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Tổ chức cam kết, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… bảo đảm an toàn về an ninh, trật tự”[5].
– Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đã quy định “Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự là việc huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự.”[6].
Ngoài ra, việc sử dụng tổng hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân trong toàn hệ thống chính trị là chủ thể đồng thời cũng là phương thức phòng ngừa tội phạm mang lại hiệu quả rất cao. Trong các hoạt động nghiệp vụ của mình, lực lượng chuyên trách trong đấu tranh chống tội phạm là lực lượng Công an nhân dân đã được Luật Công an nhân dân 2014 quy định được tiến hành 07 biện pháp công tác cơ bản. Trong nhận thức, không coi biện pháp nào là quan trọng nhất; tuy nhiên trong các biện pháp đó thì biện pháp vận động quần chúng có vai trò, vị trí rất quan trọng, là biện pháp cơ bản, chiến lược, làm nền tảng cho việc thực hiện các biện pháp khác. Biện pháp vận động quần chúng trong công tác Công an là cách thức Công an nhân dân sử dụng các lực lượng, phương tiện, phương pháp để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, động viên thuyết phục, tổ chức quần chúng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, vận động quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tội phạm có vai trò quan trọng, thể hiện việc phát huy tính dân chủ xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Như vậy, các văn bản trên của Đảng và Nhà nước đã xác định rõ tầm quan trọng, vai trò của quần chúng nhân dân trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung và trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói riêng. Việc xác định vai trò của việc vận động quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tội phạm được thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, việc vận động quần chúng trên lĩnh vực phòng ngừa tội phạm là cơ sở để xã hội hóa hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng ngừa tội phạm là yêu cầu mang tính cấp bách để phát triển và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được coi là phương châm quan trọng của Đảng ta về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tội phạm thể hiện ở việc, trong tương lai, với sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của các loại hình tội phạm, thì hệ thống các cơ quan chuyên trách về đấu tranh, chống tội phạm như Công an, Kiểm sát, Tòa án không thể đảm đương được việc xử lý đầy đủ và nhanh chóng các vụ vi phạm pháp luật hoặc tội phạm xảy ra. Mà trong tình hình mới, việc tăng cường tính chủ động, sáng tạo và nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tội phạm, để tội phạm không thể xảy ra hoặc nếu có xảy ra bị quần chúng phát hiện nhanh chóng và hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền nên sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý.
Thứ hai, tổ chức, vận động quần chúng trong phòng ngừa tội phạm là một biện pháp để nâng cao trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành hệ thống pháp luật của nhà nước đặc biệt là chấp hành pháp luật hình sự, không thực hiện hành vi phạm tội. Thông qua giáo dục ý thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của quần chúng chấp hành pháp luật hình sựsẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận phòng ngừa xã hội giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật hình sự ở từng địa bàn và trên phạm vi toàn xã hội.
Thứ ba, quần chúng nhân dân là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm cũng như phòng ngừa tội phạm. Sức mạnh đoàn kết, trí tuệ tập thể của quần chúng nhân dân là sức mạnh vĩ đại để đấu tranh, trấn áp mọi thế lực thù địch, mọi hành vi phạm tội. Mặc khác, đấu tranh phòng, chống các thế lực thù dịch, tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh Tổ quốc là nguyện vọng bức thiết của mọi người dân, ở mọi lúc, mọi nơi, do đó sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc từ trước đến nay luôn được sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng.
Thứ tư, quần chúng nhân dân là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, tham gia quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội tại cộng đồng. Thực tiễn cho thấy hoạt động tự quản, tự phòng của quần chúng là một hoạt động có hiệu quả, giá trị cao, tạo ra thế chủ động phòng ngừa xã hội sâu rộng, góp phần hình thành nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và trên nền tảng đó để triển khai thuận lợi các mặt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm.
Thứ năm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan nhà nước, tồ chức xã hội và toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt. Muốn giành thắng lợi trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân phải huy động được sức mạnh đoàn kết của đông đảo quần chúng và cả hệ thống chính trị vào trong các hoạt động này. Để phát huy được vai trò của quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, các chủ thể, mà nòng cốt lực lượng vũ trang, cần phải làm tốt công tác tổ chức, vận động quần chúng nhân dân.
Một số vấn đề đặt ra đối với quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm
Trong tình hình mới, với sự gia tăng ngày càng nhanh chóng của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là các tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm tham nhũng, tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về ma túy, môi trường… Trong bối cành Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới. Với vai trò quan trọng của hoạt động vận động quần chúng trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay. Theo chúng tôi, để nâng cao vai trò của quần chúng trong đấu tranh, chống tội phạm cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
Một là, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm cho các tổ chức quần chúng để họ tham gia hỗ trợ các hoạt động của địa phương là nền tảng cho sự thành công trong việc thực hiện xã hội hóa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Cần cung cấp thông tin cho nhân dân về những vấn đề cần thiết của việc phòng chống tội phạm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm của các địa phương…
Hai là, thiết lập và đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, xử lý những thông tin báo tố giác các hành vi phạm tội và các vi phạm pháp luật khác.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư, ý thức của người dân đã được nâng lên trong việc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng, tố giác, đấu tranh và tham gia truy bắt các loại tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội. Các địa bàn, tụ điểm phức tạp cơ bản đã được chuyển hóa; lực lượng an ninh cơ sở thường xuyên được củng cố và được chăm lo về vật chất, tinh thần; các khiếu nại, tố cáo của quần chúng được giải quyết kịp thời. Công tác khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến được quan tâm thường xuyên.
Để làm tốt điều này các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Cơ quan công an và Viện kiểm sát cần thực hiện tốt quan hệ phối hợp, duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ với liên ngành, thông qua đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hướng giải quyết đối với tố giác, tin báo phức tạp. Chủ động phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra họp bàn phân loại xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan cung cấp tình hình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đa dạng hóa về hình thức và nguồn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để chủ động tiếp nhận và đối chiếu nguồn tin, Viện kiểm sát không được coi việc nắm bắt thông qua Cơ quan điều tra là phương thức duy nhất. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát với cơ quan Thanh tra, cơ quan Thuế, cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Quản lý thị trường, qua phương tiện thông tin đại chúng… để nắm bắt tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Những giải pháp này góp phần tích cực vào việc quần chúng nhân dân có nhiều phương thức để tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước trong tố giác tội phạm. Đây là biện pháp hiệu quả để đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Ba là, xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các khu vực dân cư. Thông qua hình thức này để xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm, gắn liền giữa trách nhiệm của người dân trong phòng, chống các vi phạm pháp luật cũng như tội phạm ở nơi cư trú, sinh sống, làm việc; đồng thời, thông qua cộng đồng dân cư xây dựng, thực hiện các quy ước, cam kết về bảo vệ an ninh, trật tự; đưa vấn đề phòng chống tội phạm vào trong các hương ước truyền thống của các cộng đồng dân cư, để xây dựng nếp sống, thói quen cho mỗi thành viên của cộng đồng về bảo vệ an ninh, trật tự
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, quản lý người nước ngoài, xuất nhập cảnh, về an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thông tin. Đặc biệt coi trọng công tác cải cách hành chính, đã mạnh dạn, tích cực cải cách phương pháp làm việc một cách quyết liệt để giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của nhân dân theo phương châm “Việc gì có lợi cho nhân dân thì khó mấy cũng hết sức làm”, chống phiền hà, tiêu cực; rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết; bố trí cán bộ có nhiệt tình, năng lực làm công tác tiếp dân…
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, thi hành án hình sự; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án). Quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng, đào tạo, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm.
Sáu là, việc xây dựng và thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, chú trọng. Hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, việc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng được đề cao.
[1] Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thi đua lực lượng CAND tháng 10-1966 [2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. [3] Từ điển Luật học, NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, Hà Nội, 1999. [4] Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP, ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới [5] Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. [6] Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội |
NGÔ NGỌC DIỄM – VŨ MAI QUỲNH
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội