Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu rộng đến nền kinh tế với nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh phong phú, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đang là một thách thức của Nhà nước và toàn xã hội. Bài viết nghiên cứu tình hình thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm và đề ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
1. Pháp luật về an toàn thực phẩm và tình hình an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay
Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp luật quy định về ATTP, văn bản đặt nền móng đầu tiên quy định về quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP là Pháp lệnh An toàn thực phẩm năm 2003. Pháp lệnh nêu rõ, “kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện” (Điều 4). Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định tương đối đầy đủ về QLNN trong lĩnh vực ATTP, cụ thể: Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với ATTP; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; trách nhiệm QLNN về ATTP.
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP), Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, vấn đề ATTP còn được đề cập trong các nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động, chiến lược quốc gia. Đặc biệt, “Tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP” đã được Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định với mức phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy vào hậu quả của hành vi phạm tội gây ra. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vẫn tiếp tục ghi nhận “Tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP” tại Điều 317. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 có bước đột phá hơn khi quy định việc xử lý hình sự đối với tội này cho phép xử lý ngay khi diễn ra hành vi phạm tội mà không cần phải đợi đến khi xảy ra hậu quả của việc phạm tội với mức phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tù giam.
Quy định pháp luật hiện hành phân công rõ trách nhiệm quản lý ATTP cho 03 bộ, ngành quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm: Bộ Y tế quản lý 06 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 08 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng. Nhìn chung, các văn bản pháp luật về ATTP đã có những quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý khá vững chắc cho công tác QLNN trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc vận dụng những quy định chung vào thực tiễn hoạt động SXKD, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bước đầu hình thành nền kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hiệu quả bảo đảm ATTP chưa cao, tình trạng “thực phẩm bẩn” vẫn diễn ra hàng ngày và ngày càng khó kiểm soát hơn.
Theo báo cáo, năm 2023, toàn Ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và nông – lâm – thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7.100 vụ với hơn 7.000 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 31 tỷ đồng… Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý, đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp). Trước đó, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, có 18 người tử vong [1].
Theo Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, trên toàn quốc đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 03 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 03 người tử vong (giảm 04 ca so với cùng kỳ năm 2023) [2].
Nhìn chung, các vụ ngộ độc thực phẩm thường có quy mô lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người và xảy ra do nguồn thực phẩm từ các quán ăn, căn tin trường học, nhà xưởng, thức ăn đường phố, thức ăn đóng gói sẵn được bán qua mạng. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, cơ sở SXKD thực phẩm sử dụng chất cấm như phẩm màu công nghiệp, chất tăng trưởng, hóa chất nguy hại khác để chế biến thực phẩm và bán ra thị trường, cung cấp cho các hàng quán nhỏ lẻ đến các chợ, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản…[3]. Qua kiểm nghiệm, các loại chất cấm này khi sử dụng vào cơ thể con người có thể gây ngộ độc cấp tính; gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng như gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp, gây tổn thương phổi, cơ quan hô hấp, thậm chí tích tụ lâu ngày là tiền đề gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho con người như: Ung thư, suy thận, suy gan… Điển hình như, nhiều cơ sở SXKD đã đưa ra thị trường nhiều thực phẩm độc hại: Sản xuất giá đỗ ủ từ chất cấm tăng trưởng 6-Benzylaminopurine [4]; cá khoai không rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có ướp chất phoóc môn (formaldehyde); thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate (một loại hoạt chất bị cấm kinh doanh, lưu hành, sử dụng dưới mọi hình thức); gia súc, gia cầm được nuôi bằng Salbutamol – một trong ba chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi hay tẩm thuốc nhuộm vải để giữ độ tươi ngon [5]; dùng hóa chất tẩy trắng măng; sữa đậu nành từ hóa chất; rau củ tẩm hóa chất…
2. Một số bất cập, hạn chế trong thực thi quy định pháp luật về an toàn thực phẩm
Cơ chế thị trường của nền kinh tế và đặc biệt là sự bùng nổ của internet, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và thương mại điện tử đã tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp SXKD thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm với sự đa dạng hình thức kinh doanh như: Bán hàng online, quảng cáo xuyên biên giới… khiến hàng hóa dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng hơn trước đây. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người kinh doanh lợi dụng thuận lợi này để đưa sản phẩm không an toàn, thậm chí là độc hại ra thị trường khiến công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP càng khó khăn hơn. Quá trình quản lý, áp dụng các quy định của pháp luật về ATTP đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể:
Thứ nhất, một số quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp với tình tình thực tiễn, đặc biệt là đối với phương thức kinh doanh thực phẩm trên mạng internet, thương mại điện tử.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các cơ sở SXKD sản phẩm, trong đó có thực phẩm được mua bán trên các sàn giao dịch điện tử, website, mạng xã hội… rất phong phú và đa dạng. Việc đăng ký bán hàng theo hình thức này thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để bảo đảm điều kiện kinh doanh thực phẩm của các cơ sở này vẫn còn là “khoảng trống” pháp lý, quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể.
Thứ hai, số lượng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực ATTP nhiều và phụ thuộc vào từng bộ, ngành quản lý còn tình trạng chưa thống nhất về quy định giữa các ngành nên gây khó khăn trong quá trình tra cứu và áp dụng. Đồng thời, trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước về an toàn thực phẩm còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm QLNN về ATTP thuộc về: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các cấp. Như vậy, để xử lý một vụ vi phạm quy định về ATTP tại một địa phương, trách nhiệm thuộc về các cơ quan: Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y và Kiểm nghiệm chất lượng nông sản), Sở Công Thương (Thanh tra Quản lý thị trường), Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan Kiểm định chất lượng) và Cơ quan Cảnh sát về môi trường.
Thứ ba, chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATTP chưa đủ tính răn đe.
Có thể thấy, theo quy định pháp luật hiện hành, đa số các vi phạm ATTP chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính dù có những vụ việc thực phẩm không chỉ không bảo đảm vệ sinh mà còn chứa các hóa chất, độc tố gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người và ảnh hưởng với quy mô rộng. Nếu xét về bản chất, hành vi này có thể xem xét là hành vi giết người do “cố ý” hoặc “vô ý” gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của người khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn.
Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP còn hạn chế, chủ yếu nặng về mặt thủ tục, giấy tờ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật dẫn đến sự phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm chưa kịp thời, chưa thực chất, còn mang tính định tính cao.
Cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm mang tính thủ công (sản phẩm “nhà làm”), hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm đường phố hay kinh doanh online phát triển mạnh, có số lượng hoạt động rất lớn và thường xuyên biến động tại các địa phương và trên cả nước. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ thì những đối tượng kinh doanh này không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Do vậy, cơ quan QLNN cũng khó kiểm soát được hoạt động của các cơ sở này.
Yêu cầu công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP là rất lớn, việc xử lý sai phạm cần làm rõ theo hướng kiểm nghiệm mẫu thực phẩm có đạt hay không, có tồn dư chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng hay không… Thông thường, đoàn thanh tra ATTP thực hiện bằng hình thức test nhanh nhưng chỉ thể hiện được một số chỉ tiêu cơ bản, còn lại các chỉ tiêu khác phải gửi về Trung tâm kiểm nghiệm mới có kết quả. Tuy nhiên, số lượng Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, nông, lâm, thủy sản tại các địa phương trên cả nước chưa phục vụ kịp thời công tác xử lý vi phạm. Hiện nay, cả nước chỉ có 49 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ QLNN về ATTP, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại nhiều tỉnh, thành khác chưa có trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên môn [6]. Do đó, việc xử lý vi phạm ATTP phải chờ việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến thời hạn giải quyết các vụ việc, hiệu quả chưa cao.
Qua thực tiễn, khi áp dụng quy định pháp luật về hoạt động thanh tra vào lĩnh vực ATTP lại gặp nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục. Có thể thấy, công tác thanh tra về ATTP cần được thực hiện thường xuyên, đột xuất nhằm kiểm tra và “bắt quả tang” tại chỗ đối với các cơ sở vi phạm, làm căn cứ xử lý vi phạm kịp thời. Do vậy, việc thanh tra theo kế hoạch, định kỳ sẽ không đạt hiệu quả cao trong đấu tranh ngăn ngừa thực phẩm bẩn, việc phải gửi quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước khi đến thanh tra sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở có vi phạm có sự chuẩn bị, xóa dấu vết vi phạm dẫn đến việc thanh tra khó phát hiện sai phạm.
Thứ năm, chưa có cơ chế phát huy mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của người dân vào trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm ATTP.
Trên thực tế, có nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện nhờ các thông tin phản ánh, tố cáo từ người tiêu dùng được phát tán trên mạng xã hội qua các video quay lại cảnh sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm quy định về ATTP.
Thứ sáu, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn gốc thực phẩm, các cơ sở SXKD thực phẩm chưa hoàn thiện.
Hiện nay, các bộ, ngành chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý cũng như xử lý vi phạm ATTP và quản lý các cơ sở SXKD thực phẩm nên gây khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình bảo đảm ATTP ở địa phương cũng như cả nước, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh online.
Thứ bảy, thiếu nguồn nhân lực cho công tác quản lý về ATTP, đặc biệt là ở địa phương.
Ở tuyến huyện, Ngành Nông nghiệp và Ngành Công Thương không có bộ phận chuyên trách quản lý về ATTP, nhiều địa phương giao cho Phòng Kinh tế quản lý ATTP của lĩnh vực nông nghiệp nên chưa bố trí người chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý về ATTP mà chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, lực lượng mỏng nên việc tham mưu, quản lý còn nhiều hạn chế. Còn ở tuyến tỉnh, công tác QLNN về ATTP giao cho các phòng thuộc Sở Công Thương kiêm nhiệm, trong đó, Phòng Quản lý Công nghiệp là đầu mối về quản lý ATTP và thực hiện QLNN về ATTP trong lĩnh vực SXKD thực phẩm, đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở và các phòng chuyên môn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về ATTP nhưng không có bộ phận chuyên trách về ATTP dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra về ATTP.
Đối với hoạt động thanh tra, phần lớn công chức, viên chức được giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành tại cơ sở đều kiêm nhiệm, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Đặc biệt, quy trình thanh tra còn phức tạp, đòi hỏi tính chặt chẽ, vì vậy, người được giao nhiệm vụ chưa có chuyên môn sâu có tâm lý e dè, sợ mắc sai lầm nên thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm hành chính về ATTP.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay
Với những hạn chế, vướng mắc trong việc thực thi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan, tác giả đề xuất một số, giải pháp như sau:
Một là, cần bổ sung quy định pháp luật ATTP về các cơ sở kinh doanh thực phẩm qua internet, thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý phục vụ công tác QLNN, đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay.
Hai là, cần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan QLNN về ATTP, nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, cụ thể là giao cho Ngành Y tế, ở Trung ương là Bộ Y tế và địa phương là Sở Y tế. Theo đó, việc ngăn chặn và xử lý vi phạm về ATTP ở địa phương cũng do Sở Y tế và lực lượng Cảnh sát môi trường chịu trách nhiệm chính. Các cơ quan thuộc các sở, ban, ngành khác có trách nhiệm cử cán bộ để hỗ trợ, phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, báo cáo, tuyên truyền, giáo dục.
Ba là, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý vi phạm ATTP theo hướng tăng nặng chế tài, cơ chế xử lý vi phạm cần nghiêm khắc và mang tính răn đe cao hơn. Cụ thể: Đối với xử lý hành chính, hình thức phạt tiền cần tăng mức tiền phạt cho mỗi hành vi vi phạm của cá nhân và tổ chức, cả mức tối thiểu và tối đa; đồng thời, tăng cường áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả trong nhiều trường hợp vi phạm. Đối với các hành vi “vô ý” hoặc “cố ý” sử dụng chất cấm vào trong SXKD thực phẩm cần được áp dụng thống nhất vào khung hình phạt hình sự chứ không xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính răn đe, tương xứng với tác hại của hành vi gây ra cho cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, cần áp dụng đồng bộ việc công bố công khai danh sách những hộ gia đình, cơ sở SXKD hàng hóa có hành vi sử dụng chất cấm đã bị xử phạt hình sự trên các kênh truyền thông chính thống của địa phương, khu vực và cả nước trong một thời hạn nhất định. Điều này sẽ tác động lớn đến nhận thức, đạo đức kinh doanh của cá nhân, tổ chức, khắc phục tình trạng coi thường sức khỏe, tính mạng của con người vì mục tiêu lợi nhuận.
Bốn là, quy định về điều kiện, quy chuẩn của cơ sở SXKD thực phẩm cần bắt buộc lắp đặt camera quan sát để dễ dàng trích xuất dữ liệu trong các đợt kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước về ATTP, hạn chế và khắc phục tình trạng các cơ sở xem nhẹ, vi phạm và xóa dấu vết khi có đoàn thanh tra đến; đồng thời, pháp luật cần có quy định riêng, đặc thù phù hợp về công tác thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực ATTP. Tăng cường đầu tư nguồn lực thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm cho cả 03 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Công Thương ở các địa phương trên cả nước để đáp ứng nhu cầu phục vụ QLNN trong lĩnh vực này.
Năm là, huy động sức mạnh của cộng đồng, tăng cường phản biện xã hội để phát hiện các vụ việc vi phạm ATTP, cần có một thiết chế riêng quy định trình tự, thủ tục để người dân có thể thực hiện quyền phản ánh, khiếu nại, tố cáo một cách an toàn, có cơ sở pháp lý. Theo đó, cần thay đổi tư duy pháp luật trong việc xây dựng và phát triển các kênh phản ánh, tố cáo trực tuyến để tăng tính phản biện xã hội trong tình hình mới, nâng cao nhận thức bảo đảm ATTP là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội. Bên cạnh truyền thông, báo chí chính thống cần có sự tham gia lên tiếng của người dân bởi lẽ, các vấn đề về ATTP diễn ra phổ biến trong đời sống hàng ngày, người dân có nhiều cơ hội để tham gia giám sát hoạt động SXKD của cá nhân, tổ chức. Do đó, rất cần sự chung tay của mỗi cá nhân và cộng đồng cùng các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm.
Sáu là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý, xử lý vi phạm ATTP và quản lý các cơ sở SXKD thực phẩm, đẩy mạnh việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP.
Bảy là, củng cố tổ chức, bộ máy thực hiện công tác ATTP, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác QLNN về ATTP, đặc biệt là công tác thanh tra. Mỗi địa phương cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông về ATTP hiệu quả hơn. Theo đó, phổ biến, giáo dục sâu rộng ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP đối với cá nhân, tổ chức SXKD trên địa bàn, tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, nhất là đối với các địa phương gần biên giới. Đồng thời, có những hướng dẫn dễ hiểu, dễ nhớ, có tính chính xác cao để giúp người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn sản phẩm an toàn đối với phương thức mua hàng truyền thống và thương mại điện tử; tăng cường công tác giám sát để phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng biết, không sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần tiếp tục xây dựng mô hình điểm, đánh giá kết quả, hiệu quả và nhân rộng những mô hình điểm điển hình về ATTP./.
ThS. Nguyễn Thị Na
Trường Cao đẳng Luật miền Nam
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
[1]. Dương Liễu, “2.100 người ngộ độc, 28 người chết mỗi năm, báo động thực phẩm bẩn”, https://tuoitre.vn/2-100-nguoi-ngo-doc-28-nguoi-chet-moi-nam-bao-dong-thuc-pham-ban-2024010318042087.htm, truy cập ngày 09/5/2024.
[2]. (Vietnam+), “Toàn quốc xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, có 3 người tử vong trong quý I”, https://www.vietnamplus.vn/toan-quoc-xay-ra-16-vu-ngo-doc-thuc-pham-co-3-nguoi-tu-vong-trong-quy-i-post938149.vnp, truy cập ngày 10/6/2024.
[3]. Theo VOV2, “Thực phẩm bẩn trà trộn siêu thị: Bao giờ người tiêu dùng mới hết lo”, https://vietnamnet.vn/thuc-pham-ban-tra-tron-sieu-thi-bao-gio-nguoi-tieu-dung-moi-het-lo-2063850.html, truy cập ngày 10/6/2024.
[4]. Vũ Vân Anh, “Phát hiện 2 cơ sở sản xuất giá đỗ dùng chất cấm dễ gây ngộ độc”, https://baophapluat.vn/phat-hien-2-co-so-san-xuat-gia-do-dung-chat-cam-de-gay-ngo-doc-post500645.html, truy cập ngày 10/6/2024.
[5]. Thiên Hương, “Nhận biết thịt gia súc, gia cầm chứa chất cấm”, https://danviet.vn/nhan-biet-thit-gia-suc-gia-cam-chua-chat-cam-7777676560.htm , truy cập ngày 10/6/2024.
[6]. “Danh sách các cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương, https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t17859/danh-sach-cac-co-so-duoc-chi-dinh-kiem-nghiem-phuc-vu-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham.html, truy cập ngày 09/5/2024.