1. Khái niệm thử việc, các hình thức thử việc
Thử việc là giai đoạn người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc, chưa phải nhân viên chính thức. Thời gian thử việc thường kéo dài từ vài tháng đến một năm, tùy quy định doanh nghiệp. Mục đích là để công ty đánh giá hiệu suất làm việc, quyết định tuyển dụng chính thức và để người lao động tìm hiểu môi trường làm việc, công việc.
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“Điều 24. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.”
Như vậy, nội dung thử việc có thể được thỏa thuận như một điều khoản trong hợp đồng lao động hoặc là một hợp đồng thử việc độc lập. Hợp đồng thử việc bao gồm thời gian thử việc và các nội dung khác là: (1) Công việc và địa điểm làm việc; (2) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; (3) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (4) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
2. Đối tượng được hưởng các loại tiền bảo hiểm
Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; điểm c, khoản 1, Điều 43 Luật Việc Làm năm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.
Theo quy định của điểm a, khoản 1, Điều 12 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định về Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT.
3. Việc thỏa thuận các loại tiền bảo hiểm khi thử việc
Căn cứ vào các quy định nêu trên, chỉ hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là bắt buộc phải có nội dung về tiền bảo hiểm cho người lao động; còn hợp đồng thử việc thì không bắt buộc nội dung này. Cụ thể:
(1) Thỏa thuận ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động. Khi đó, các nội dung của hợp đồng lao động mà hai bên giao kết phải bảo đảm theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nội dung quy định về “BHXH, BHYT và BHTN”.
Đồng thời, tại khoản 3, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng”. Do đó, trường hợp hai bên thỏa thuận ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động thì thời hạn hợp đồng lao động phải từ đủ 1 tháng trở lên, khi đó người lao động sẽ thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và tham gia BHYT, BHTN nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014.
Trường hợp người lao động không đủ điều kiện (không thuộc diện/đối tượng) tham gia các khoản bảo hiểm bắt buộc theo các quy định nêu trên thì người sử dụng lao động phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019.
(2) Thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Khi đó, các nội dung của hợp đồng thử việc mà hai bên giao kết phải bảo đảm theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 trong đó không có nội dung quy định về “BHXH, BHYT và BHTN”./.