Kỹ năng thu thập chứng cứ của Luật sư trong tố tụng hình sự

LSVN

Luật sư Việt Nam » Kinh nghiệm – Thực tiễn

(LSVN) – “Pháp luật đã thừa nhận việc Luật sư có quyền tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ, tuy nhiên thực tiễn áp dụng có thể thấy việc thu thập chứng cứ độc lập của Luật sư vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, vướng mắc, hạn chế quyền lực nhất định.

Đặt vấn đề

Thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh, là tiền đề và cơ sở để diễn ra các hoạt động tố tụng tiếp theo. Và nếu như giai đoạn thu thập chứng không được diễn ra thì sẽ không có việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự. Theo Điều 86, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Pháp luật cũng đã quy định Luật sư có quyền tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ, và trong quá trình thu thập sẽ gặp những thuận lợi cũng như khó khăn riêng nên đòi hỏi một Luật sư cần trau dồi các kỹ năng để có thể linh hoạt, chủ động trong hoạt động thu thâp chứng cứ. Bài viết này nhằm bàn về các kỹ năng của Luật sư trong hoạt động thu thập chứng cứ trong Tố tụng Hình sự.

Pháp luật quy định về quyền thu thập chứng cứ của Luật sư trong tố tụng hình sự

Để việc thu thập chứng cứ được thuận lợi, Luật sư với tư cách là người bào chữa và đại diện cho người mà mình bào chữa theo quy định của pháp luật cần có những kỹ năng trong việc thu thập chứng cứ một cách chủ động và linh hoạt, bởi khi càng tìm ra nhiều chứng cứ thì khả năng gỡ tội, giảm nhẹ tội hoặc bảo vệ cho người mà mình bào chữa càng cao.

Tại khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định quyền của người bào chữa, bao gồm: Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.

Các nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 87 của BLTTHS 2015, bao gồm: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết quả giám định; định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các vật liệu, đồ vật khác;…

Theo Điều 88 BLTTHS năm 2015, để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 BLTTHS năm 2015. Theo quy định của pháp luật, những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu, đồ vật do cơ quan điều tra thu thập. Vì vậy, Luật sư có kế hoạch chủ động tự điều tra, thu thập chứng cứ là rất quan trọng. Những tài liệu, đồ vật này sẽ được coi là chứng cứ trong vụ án nếu nó phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2015.

Thiet ke khong ten 51

Kỹ năng của Luật sư trong việc thu thập chứng cứ trong thực tế

Kỹ năng thu thập chứng cứ sẽ là tiền đề, cơ sở cho giai đoạn tiếp theo đó, vì thế vai trò quan trọng, chủ chốt của một Luật sư cần quan tâm đến kỹ năng thu thập chứng cứ. Bởi tất cả những chứng cứ mà Luật sư thu thập sẽ phục vụ cho quá trình bào chữa, bảo vệ những quyền lợi của người mà mình bào chữa.

Hơn thế nữa, pháp luật đã thừa nhận việc Luật sư có quyền tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ, tuy nhiên thực tiễn áp dụng có thể thấy việc thu thập chứng cứ độc lập của Luật sư vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, vướng mắc, hạn chế quyền lực nhất định. Tại khoản 4 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”, việc thu thập chứng cứ của Luật sư vẫn phải chịu sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của cơ quan điều tra. Những thông tin, đồ vật, tài liệu,… do Luật sư thu thập có phải là chứng cứ hay không và việc quyết định có sử dụng hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều này đã vô tình tạo ra kẽ hở trong hoạt động hành pháp, dẫn đến đến sự thiếu khách quan, trong nhiều trường hợp Luật sư đã thu thập được những chứng cứ mới, có giá trị quan trọng trong vụ án, chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ nhưng lại bị vô hiệu hóa làm sai lệch dẫn đến giá trị chứng minh không còn. Nếu muốn lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Luật sư chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được điều tra viên đồng ý.

Họat động Luật sư thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nhiều ý kiến đánh giá quy định này chỉ mang tính hình thức bởi trong thực tiễn, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân không hợp tác với Luật sư trong việc cung cấp các tài liệu, đồ vật thì Luật sư lại phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện việc thu thập chứng cứ tại cơ quan, tổ chức đó. Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư dường như lại trở thành vô nghĩa.

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên là bởi Luật sư chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện và cần phải có các văn bản hướng dẫn chi tiết để các quy định này được thực hiện một cách nghiêm túc.

Những vấn đề cần lưu ý khi Luật sư thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự

Thứ nhất, Trong quá trình thực hiện thu thập chứng cứ, Luật sư cần chú ý đến việc thu thập các tài liệu về nhân thân của bị can, các tài liệu phản ánh thành tích, công trạng của bị can và nhân thân của bị can như: Giấy chứng nhận người cao tuổi, nghề nghiệp, các bằng khen, giấy khen, các tài liệu xác nhận là con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… Tuy nhiên, Luật sư cần chọn lọc những tài liệu có ý nghĩa bởi không phải mọi tài liệu đều có giá trị làm chứng cứ trước toà.

Ví dụ, Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo thì cần phải căn cứ vào những quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có thể tìm ra những chứng cứ bảo vệ lợi ích của bị cáo hay ít nhiều có ý nghĩa trong việc phản ánh nhân thân, hoàn cảnh phạm tội, khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội thì Luật sư cũng không nên bỏ qua mà nên khuyến khích gia đình thân chủ thu thập.

Thứ hai, nếu gặp những khó khăn, cản trở nhất định, người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Cùng với việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại, thì đây là biện pháp rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, là cơ sở cho việc nâng cao vị thế của người bào chữa trong Tố tụng Hình sự.

Thứ ba, hiện nay, pháp luật Tố tụng Hình sự không quy định giám định ngoài tố tụng tuy nhiên, các tài liệu giám định ngoài tố tụng cũng có ý nghĩa nhất định trong hoạt động chứng minh, tạo cơ sở cho các đề xuất của luật sự về sự cần thiết trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung hoặc tạo sức ép lên các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Vì vậy, Luật sư cần tư vấn cho thân chủ về vai trò của các tài liệu này và vận động thân chủ thu thập hoặc giao nộp các tài liệu này.

Thứ tư, ngay sau khi thu thập được những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, Luật sư cần cung cấp ngay cho cơ quan điều tra. Bởi những chứng cứ mà Luật sư cung cấp cho cơ quan điều tra có thể có ý nghĩa làm thay đổi toàn bộ tình tiết vụ án (chứng minh người bị tạm giữ, bị can vô tội, tìm ra được hung thủ, tìm ra được bằng chứng cho một tội danh khác,…) hoặc là căn cứ để cơ quan điều tra có thể đưa ra những quyết định có lợi cho thân chủ của mình như quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang các biện pháp ngăn chặn khác, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Tóm lại, trong hoạt động hành nghề, Luật sư không nên bị động, chỉ dựa vào các tài liệu, chứng cứ sao chụp được cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp để phục vụ cho việc nghiên cứu, đánh giá của mình, mà cần phải tận dụng những quyền mà pháp luật cho phép để thu thập, phát hiện những yếu tố, chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc bảo chữa cho thân chủ. Tuy nhiên, Luật sư cũng cần lưu ý không nên quá chú trọng, lấn sâu vào việc tìm kiếm chứng cứ phục vụ cho bào chữa mà xem nhẹ các tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp, bởi trong hồ sơ của cơ quan điều tra có thể chứa đựng nhiều thông tin có lợi cho việc bào chữa.

NGÔ NGỌC TRÀ – THIỀU THỊ THÁI HÀ 

Công ty Luật TNHH ThinkSmart

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *