Câu lạc bộ Luật học Themis
Khoa Luật – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Đặt vấn đề
Như chúng ta đã biết, để phát huy được vai trò của mình thì pháp luật cần phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, qua thực tiễn xây dựng, ban hành và thực hiện pháp luật trong thời gian vừa qua đã cho thấy tình trạng quy phạm pháp luật chứa đựng quy định có nhiều nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc gây khó khăn cho hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, nhu cầu giải thích pháp luật là rất lớn, đồng thời, hoạt động giải thích pháp luật đòi hỏi cần phải diễn ra thường xuyên, kịp thời. Giải thích pháp luật được hiểu là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích của các quy định của pháp luật. Đây là một hoạt động tất yếu, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật một cách chính xác và thống nhất. Hoạt động giải thích pháp luật ở nước ta do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đảm nhiệm, tuy vậy, hoạt động trên chưa thực sự có hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu giải thích pháp luật của xã hội. Để giải quyết kịp thời nhu cầu giải thích pháp luật mà thực tiễn đặt ra, những chủ thể khác (cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp) buộc phải thực hiện các hoạt động giải thích pháp luật. Rất gần đây, TANDTC được trao thẩm quyền ban hành án lệ, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn khá hạn chế. Hơn nữa, hiện nay việc giải thích pháp luật chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến việc giải thích pháp luật không thống nhất, chồng chéo và ít có hiệu quả.
Giải thích pháp luật đối với một số tội danh trong BLHS năm 2015
Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được tách thành những 09 tội danh cụ thể tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội đã hướng dẫn căn cứ xác định tội danh trong trường hợp tội phạm xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà ngày sau đó mới phát hiện. Tuy nhiên, hướng dẫn này chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nên cần được xem xét sửa đổi.
Về áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999, năm 2015 đối với hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trước ngày 01/01/2018.
Với việc thông qua Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) thì mọi trường hợp phạm tội từ ngày 01/01/2018 đều được áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để xem xét giải quyết. Đối với các trường hợp phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau đó mới bị phát hiện thì áp dụng Điều 7 BLHS năm 2015, tùy từng trường hợp cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ BLHS năm 1999 hoặc BLHS năm 2015 để xác định tội phạm, định khung hình phạt, quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp xử lý hình sự khác đối với người phạm tội.
Điều 7 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã có những điều luật quy định về tội phạm mới, hình phạt nặng hơn, xóa bỏ tội phạm, quy định về hình phạt nhẹ hơn… Những bổ sung, thay đổi này có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn điều luật của BLHS áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2018), mà sau ngày đó mới bị phát hiện.
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 là một trong số các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 thay thế BLHS năm 1999 đã bỏ tội danh này và quy định một số tội danh khác tương ứng với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; cụ thể là các tội sau: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).
So với quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999, thì quy định tại các điều 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 BLHS năm 2015 về những tội phạm cụ thể đã nêu trên có một số điểm đáng chú ý sau đây:
Một là, mặc dù cách mô tả về hành vi phạm tội trong các điều luật của BLHS năm 2015 nêu trên bỏ cụm từ “cố ý làm trái quy định…” và thay bằng là cụm từ “vi phạm quy định…” nhưng dấu hiệu về thái độ tâm lý của người phạm tội trong các tội phạm này so với tội phạm được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 không thay đổi. Nghĩa là người phạm tội đều biết hành vi của mình là trái pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Hai là, các điều 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 BLHS năm 2015 xóa bỏ một số hành vi phạm tội (quy định về xóa bỏ tội phạm) thể hiện bằng việc chỉ các điều luật về các hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế trong lĩnh vực cụ thể gây hậu quả nghiêm trọng mới bị coi là tội phạm. Điều này cũng có nghĩa là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 BLHS năm 1999 mà BLHS năm 2015 không quy định tại các điều luật về tội phạm cụ thể, thì không còn bị coi là tội phạm nữa.
Ba là, các điều 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 BLHS năm 2015 có bổ sung hành vi phạm tội mới (quy định về tội phạm mới), thể hiện ở các các điểm sau:
– Bỏ “gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu của tội phạm đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định (vi phạm quy định) của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Điều này có nghĩa là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định (vi phạm quy định) của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, thì không bị coi là tội phạm theo Điều 165 BLHS năm 1999, nhưng bị coi là tội phạm theo các điều 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 BLHS năm 2015.
– Bổ sung “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là dấu hiệu của tội phạm đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng, được thể hiện tại khoản 1 Điều 220 và khoản 1 Điều 221 BLHS năm 2015. Điều này có nghĩa là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị coi là tội phạm theo khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999, nhưng bị coi là tội phạm theo khoản 1 Điều 220 và khoản 1 Điều 221 BLHS năm 2015.
– Bỏ dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong cấu thành cơ bản của tội phạm tại Điều 219 và khoản 1 Điều 222 BLHS năm 2015. Điều này có nghĩa là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng người thực hiện hành vi không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì không phạm tội theo Điều 165 BLHS năm 1999, nhưng có thể là hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 219 và khoản 1 Điều 222 BLHS năm 2015.
Bốn là, quy định về hình phạt nặng hơn tại điểm c khoản 2 Điều 222 và điểm d khoản 2 Điều 230 BLHS năm 2015. Cụ thể như sau:
Theo BLHS năm 1999, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về đấu thầu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị áp dụng khoản 1 Điều 165 về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Còn theo BLHS năm 2015 thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 222 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, có hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
Theo BLHS năm 1999 thì người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý vi phạm quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn chỉ bị áp dụng khoản 1 Điều 165 về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Còn theo BLHS năm 2015 thì người thực hiện hành vi phạm tội tương ứng đó sẽ bị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 230 về Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
Từ những so sánh trên, có thể thấy với những hành vi phạm tội tương ứng thì quy định tại điểm c khoản 2 Điều 222 BLHS năm 2015 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và điểm d khoản 2 Điều 230 BLHS năm 2015 về Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hình phạt nặng hơn so với hình phạt tại khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999 về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, thì nếu điều luật của BLHS năm 2015 xóa bỏ một tội phạm thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2015). Như vậy, đối với hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 BLHS năm 1999 mà không được quy định tại một điều luật cụ thể của BLHS năm 2015, thực hiện trước ngày 01/01/2018 mà sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện thì không thể được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Nếu hành vi đó bị phát hiện trước ngày 01/01/2018, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì đối với người thực hiện hành vi đó phải được đình chỉ điều tra (nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra), đình chỉ vụ án hoặc được tuyên miễn trách nhiệm hình sự (nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố, xét xử).
Theo khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015, nếu điều luật của BLHS năm 2015 quy định một tội phạm mới, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2018). Nói cách khác, các điều 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 BLHS năm 2015 có bổ sung hành vi phạm tội mới (quy định về tội phạm mới) so với hành vi phạm tội tại Điều 165 BLHS năm 1999 thì không được áp dụng đối với hành vi tương ứng được thực hiện trước ngày 01/01/2018.
Cũng theo khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015, nếu điều luật của BLHS năm 2015 quy định một hình phạt nặng hơn so với hình phạt của hành vi phạm tội tương ứng tại Điều 165 BLHS năm 1999, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/01/2018). Theo đó, hình phạt được quy định đối với hành vi phạm tội tại điểm c khoản 2 Điều 222 BLHS năm 2015 và điểm d khoản 2 Điều 230 BLHS năm 2015 không được áp dụng đối với hành vi phạm tội tương ứng xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện hoặc mới được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong trường hợp hành vi phạm tội tương ứng nêu trên xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn phải áp dụng khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Vướng mắc trong áp dụng pháp luật và đề xuất, kiến nghị
Để thi hành BLHS năm 2015 cùng với một số đạo luật khác, ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 41/2017).
Nghiên cứu Nghị quyết số 41/2017, tác giả thấy một số điểm chưa phù hợp với Điều 7 BLHS năm 2015 như sau:
– Theo điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 BLHS năm 1999 xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng BLHS năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 BLHS năm 1999 mà áp dụng BLHS năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
– Về nguyên tắc, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện thì có thể áp dụng BLHS năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nếu hình phạt tại các điều của BLHS năm 2015 bằng với hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội tương ứng tại Điều 165 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện và qua đối chiếu xác định được điều luật của BLHS năm 2015 quy định hình phạt nặng hơn so với BLHS năm 1999 về cùng một hành vi phạm tội tương ứng thì căn cứ khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015, không được áp dụng BLHS năm 2015 mà vẫn phải áp dụng BLHS năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Như đã phân tích, so với hình phạt đối với hành vi phạm tội tại khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999, thì hình phạt đối với hành vi phạm tội tương ứng tại điểm c khoản 2 Điều 222 BLHS năm 2015 và điểm d khoản 2 Điều 230 BLHS năm 2015 là hình phạt nặng hơn. Trường hợp một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gây hậu quả nghiêm trọng và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được thực hiện trước ngày 01/01/2018 mà sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện, nếu căn cứ điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 thì phải áp dụng điểm c khoản 2 Điều 222 BLHS năm 2015 và điểm d khoản 2 Điều 230 BLHS năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc áp dụng điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 như trên sẽ gây bất lợi cho người phạm tội và trái với khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 liên quan đến việc hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015 đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 BLHS năm 1999 cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp hoặc cần có văn bản của cơ quan có thẩm quyền làm mất hiệu lực (không áp dụng) hướng dẫn này. Trước khi có những sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế hướng dẫn nêu trên tại Nghị quyết số 41/2017, thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải căn cứ khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 để không áp dụng các điều luật về tội phạm của BLHS năm 2015 đối với các trường hợp hành vi phạm tội thực hiện trước ngày 01/01/2018 mà sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện, nếu so sánh giữa BLHS năm 2015 và BLHS năm 1999 về cùng một hành vi phạm tội tương ứng thì điều luật của BLHS năm 2015 quy định hình phạt nặng hơn so với BLHS năm 1999./.