Công ty có phải trả nợ cho Chi nhánh không?

Bạn T.K gửi câu hỏi về cho Công ty luật TNHH ThinkSmart: “Chi nhánh của công ty nợ nần, mất mát thì ai là người chịu trách nhiệm? Công ty có phải trả nợ cho Chi nhánh không?”

Một chi nhánh của công ty không chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh mà còn là biểu tượng cho sự phát triển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp. Với vai trò quan trọng trong việc tiếp cận địa phương, mở rộng thị trường, chi nhánh góp phần tăng cơ hội hợp tác, nâng cao dịch vụ khách hàng và củng cố thương hiệu của công ty trên thương trường. Sau đây, Công ty luật TNHH ThinkSmart sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.

1. Chi nhánh là gì?

Tại Khoản 1 Điều 44 Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.

Một tổ chức có tư pháp pháp nhân phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 số 91/2015/QH13. Mặt khác căn cứ theo khoản 1 Điều 84 Bộ luật Dân sự thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải pháp nhân.

Công ty có phải trả nợ cho Chi nhánh không?

Như vậy, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, được thành lập hợp pháp và có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của công ty. Người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của công ty trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Bản chất chi nhánh công ty được thành lập nhằm thay mặt doanh nghiệp thực hiện một hoặc một vài chức năng của doanh nghiệp tại các địa phương doanh nghiệp không đặt trụ sở chính.

2. Chi nhánh của công ty nợ nần, công ty có phải đứng ra trả nợ không?

Theo quy định khoản 1 Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chi nhánh không có tư cách pháp nhân, trong một số trường hợp có thể nhân danh trụ sở chính thực hiện các quan hệ pháp luật chứ không nhân danh chính bản thân chi nhánh đó. Do vậy, mọi giao dịch do chi nhánh đó thực hiện với các đối tác khác được hiểu là thực hiện theo ủy quyền của doanh nghiệp. Chi nhánh cũng không có tài sản độc lập vậy nên khi xảy ra tranh chấp, phát sinh nợ nần thì chi nhánh không thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình với các khoản vay của chính mình. Doanh nghiệp sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và các đối tác.

Do chi nhánh không có tư cách pháp nhân nên khi chi nhánh lâm vào tình trạng nợ nần, mất mát thì các chủ nợ có thể khởi kiện công ty mẹ để đòi nợ. Tức nếu chi nhánh không trả được nợ thì công ty có trách nhiệm thanh toán theo quy định tại điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ vẫn phát sinh đối với chi nhánh của công ty và công ty sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chi nhánh đó hết khả năng trả nợ./.