Câu lạc bộ Luật học Themis
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Đối với sinh viên được học luật không chỉ là ước mơ mà đó còn là trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội. Làm sao để pháp luật đi vào đời sống, để mọi người đều biết và tuân theo, bên cạnh đó còn tìm ra những chỗ pháp luật thiếu sót, bất cập để nghiên cứu theo hướng hoàn thiện. Để đạt được ước mơ đó, người học luật phải trải qua quá trình học tập ở giảng đường, nghiên cứu khoa học, diễn án và đi thực tế tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức bổ trợ tư pháp.
Thông thường chương trình học ngành Luật sẽ kéo dài 4 năm:
1. Ở năm học đầu tiên, các bạn tân sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức xã hội cơ bản và kiến thức nền của ngành Luật thông qua các môn học đại cương như Xã hội học, Luật Hiến pháp, Lịch sử nhà nước và pháp luật, Logic học kết hợp với một kỳ học quân sự.
2. Năm học thứ hai, các bạn sẽ được giảng viên hướng dẫn các Luật, Bộ Luật chính yếu điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật căn bản trong xã hội như Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật lao động, Luật hôn nhân gia đình, Pháp Luật về thuế…
3. Năm học thứ ba có thể nói là tương đối nặng nề khi các bạn bước vào học các môn học chuyên ngành, tùy theo nhu cầu và nguyện vọng khi đăng ký của bạn mà nhà trường sẽ sắp xếp các môn học chuyên ngành với khối lượng tương ứng như Luật Thương mại, Luật Thương mại quốc tế, Luật ngân hàng, Luật.
4. Năm học cuối thông thường là năm học để các bạn hoàn thành các môn học chuyên ngành còn lại hoặc là thời gian để các bạn học cải thiện đối với những môn học có điểm thấp. Ngoài ra bạn cũng sẽ trải qua một kỳ thực tập ngành Luật – cơ hội để bạn tiếp xúc với môi trường hành nghề Luật thực tế. Nên nhớ hãy tìm cho mình một nơi thực tập phù hợp để có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Bổ sung kiến thức khác:
Không chỉ luôn cố gắng trau dồi kiến thức chuyên ngành, trong thời đại này việc chỉ giỏi một thứ sẽ rất khó để bạn có thể kiếm được công việc ưng ý. Do đó, hiện nay đối với hầu hết các trường Đại học, người ta đều đòi hỏi bạn khi ra trường phải có trong tay tấm bằng ngoại ngữ và tin học văn phòng. Chính vì vậy, bên cạnh việc chăm chỉ học tập chuyên ngành bạn còn nên dành thời gian để bồi dưỡng thêm các kiến thức về ngoại ngữ, tin học hay thậm chí là các kỹ năng mềm cần thiết. Tin chắc rằng, nếu thành thạo được những kiến thức trên, việc tìm được một công việc ưng ý với mức lương đáng ngưỡng mộ là điều bạn hoàn toàn có thể làm được.
Xác định rõ mục tiêu bản thân:
Đương nhiên, một khi đã muốn đỗ đại học thì ai cũng đều có mục tiêu sẽ cầm được tấm bằng trên tay, tuy nhiên việc sử dụng tấm bằng đó như thế nào thì liệu bạn đã nghĩ tới. Hãy biết bản thân muốn làm gì, đang làm gì và phải làm gì để những công sức mình bỏ ra không uổng phí. Ngành Luật là ngành học không thiếu cơ hội việc làm nếu bạn thực sự chăm chỉ và tận dụng tốt những điều mình được học. Vậy nên hãy cố gắng xác định được mục tiêu cho bản thân để có thể định hướng sớm con đường mình phải đi trong tương lai, tránh “lầm đường lạc lối” nhé!
Sự quan tâm của chính phủ đối với sinh viên luật:
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ các chương trình đào tạo cử nhân luật đều được rà soát, điều chỉnh đáp ứng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật, trong đó mỗi nhóm kiến thức chuyên môn ngành luật phải có riêng, tối thiểu một giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ có chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy; Chương trình phấn đấu 80% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 5% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chuyên môn của ngành luật đạt tối thiểu 35%. Đến năm 2030, phấn đấu 100% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 10% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần bắt buộc, cốt lõi thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tối thiểu 40%. [1]
Lời khuyên dành cho các bạn chính là ngay từ thời gian đầu nên tạo cho mình một tư tưởng học tập siêng năng, nắm chắc kiến thức từ những môn cơ sở để có thể dễ dàng hơn khi bước vào các môn học chuyên ngành. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp được các bạn tân sinh viên có được những chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới và tìm được ước mơ bản thân muốn theo đuổi.
[1] Quyết định số 1056/QĐ-TTg năm 2023 về tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật.