Cơ sở pháp lý:
Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 (“BLLĐ”) quy định, khi cho người lao động nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như sau:
(1) Có sự thay đổi cơ cấu thực tế trong doanh nghiệp;
(2) Tuân thủ quy trình thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu.
1. Thế nào là thay đổi cơ cấu doanh nghiệp?
Trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ, lý do “thay đổi cơ cấu” được pháp luật lao động xác định bao gồm các trường hợp sau:
● Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
● Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
● Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
2. Trình tự và thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động
Theo quy định của BLLĐ, việc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động được thực hiện theo trình tự cụ thể nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.
Bước 1. Ban hành quyết định thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động
Doanh nghiệp phải ban hành quyết định về việc thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động. Quyết định này cần nêu rõ lý do, sự cần thiết và phạm vi thay đổi. Thẩm quyền ban hành quyết định được xác định theo điều lệ, quy chế hoạt động của Doanh nghiệp.
Bước 2. Lập phương án sử dụng lao động
Nếu việc thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động ảnh hưởng đến nhiều người lao động, doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động, bao gồm:
● Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục làm việc, được đào tạo lại, chuyển sang làm việc không trọn thời gian hoặc nghỉ hưu.
● Danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng.
● Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện phương án.
● Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
doanh nghiệp cần trao đổi với tổ chức đại diện người lao động và thông báo công khai phương án trong thời hạn 15 ngày từ ngày được thông qua.
Bước 3. Thông báo cho cơ quan chức năng và người lao động
Theo quy định tại Điều 42 BLLĐ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người lao động ít nhất 30 ngày trước thời điểm chấm dứt hợp đồng. Trong thời gian này, cơ quan chức năng có quyền xem xét và phản hồi về quyết định của doanh nghiệp.
Bước 4. Thông báo và ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Sau khi thông báo và hết thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp có thể ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Quyết định này cần được lập bằng văn bản, nêu rõ lý do chấm dứt do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động và được gửi trực tiếp đến người lao động.
Bước 5. Giải quyết chế độ cho người lao động
Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các quyền lợi liên quan trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, bao gồm:
● Trợ cấp mất việc làm: áp dụng đối với người lao động làm việc liên tục từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp 1 tháng tiền lương, tối thiểu là 2 tháng. Thời gian làm việc được tính bằng tổng thời gian thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc được nhận trợ cấp trước đó. Tiền lương để tính trợ cấp là bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
● Thủ tục bảo hiểm: doanh nghiệp cần hoàn thành việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại các giấy tờ liên quan của người lao động (nếu có).
Việc chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu cần đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục nêu trên. Trong trường hợp doanh nghiệp không tiến hành đầy đủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp làm việc, thương lượng để giải quyết các chế độ; hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc bị sa thải thì người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền mà không cần qua thủ tục hòa giải.
Như vậy, quy trình chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các bước nêu trên nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Công ty luật TNHH ThinkSmart thông qua website: https://thinksmartlaw.vn/