Nhóm nghiên cứu: Câu lạc bộ Luật học Themis
Khoa Luật – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Hard Determinism đã định nghĩa rằng “hành động của con người và hệ quả của những tác động bên ngoài, thế nên con người không hề có thứ được gọi là tự do ý chí thuần khiết”. Hard Determinism cho rằng “con người là một sự vật thể hiện cực rõ luật nhân quả, với nhân là kinh nghiệm còn quả là hành động”. Bài viết của CLB Themis luận bàn về một trong những yếu tố của tự do ý chí.
Đặt vấn đề: Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu được quy định trong Luật hình sự đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể. Hiện nay, các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với mỗi tội phạm lại có các dấu hiệu cấu thành khác nhau, tạo nên đặc điểm phân biệt các tội phạm này với tội phạm khác. Nhưng tựu trung lại chúng đều có 4 yếu tố trong một tội phạm là: Khách thể của tội phạm; mặt khách quan; mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Theo đó, tội phạm là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Vì vậy, Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan. Bài viết bàn luận về Mặt chủ quan của tội phạm biểu hiện thông qua ba yếu tố: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội và một số vấn đề cần đặt ra cho lập pháp hình sự.
1. Quan niệm về dấu hiệu lỗi trong Luật hình sự
1.1. Tự do ý chí là cơ sở của lỗi trong Luật hình sự
Cơ sở lý luận của lỗi trong Pháp luật hình sự là một vấn đề trọng tâm. Khi nghiên cứu về lỗi, họ đều thừa nhận cơ sở của lỗi trong Luật hình sự chính là tự do ý chí. Như Bernher A cho rằng “cơ sở của việc buộc tội về hình sự là ý chí hoặc tự do của con người, được thể hiện trong sự hành động tùy tiện của cá nhân và phù hợp với động cơ, quyết tâm và ý định bên trong của người đó”, hay Phơbách thì cho rằng “tự do ý chí chính là điều kiện của sự buộc tội do lỗi” [1]
Hành vi của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa biểu hiện cụ thể bên ngoài Thế giới khách quan và những nội dung tâm lý bên trong (ý chí) của chủ thể thực hiện hành vi chi phối hành vi đó. Tội phạm được biểu hiện bởi hành vi, do đó nó cũng là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ được coi là tội phạm, nếu hành vi đó được thực hiện trong một thái độ tâm lý nhất định của con người đối với hành vi đó và hậu quả của hành vi đó gây ra hoặc đối với khả năng phát sinh hậu quả từ hành vi đó.
Con người tồn tại trong Thế giới bị chi phối bởi những qui luật khách quan và hoạt động của con người bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Theo đó, tự do ý chí của con người không phải là sự suy nghĩ tuyệt đối độc lập, mà nó bị chi phối bởi các qui luật tự nhiên, tự do ý chí là năng lực quyết định của một người khi nhận thức được nó. Hêghen nói: “Tự do là nhận thức được cái tất yếu, tất yếu sẽ mù quáng khi con người chưa nhận thức được nó”. [2]
Do vậy, tự do ý chí là lựa chọn và hành động theo ý muốn và niềm tin của mình mà không bị hạn chế hoặc ép buộc bởi những yếu tố ngoại vi. Nó bao gồm quyền tự do tư duy, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hành vi, và quyền tự do thực hiện quyết định cá nhân trong phạm vi luật pháp và đạo đức xã hội.
1.2. Khái niệm lỗi
Lỗi là một dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, tội phạm phải là hành vi có lỗi. Một người chỉ phải chịu TNHS về hành vi của mình nếu họ có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó, nếu họ không có lỗi thì không có tội phạm xảy ra và đương nhiên không phải chịu TNHS.
Nguyên tắc có lỗi của hành vi mà coi là tội phạm được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa tự do ý chí, tự do lựa chọn xử sự với trách nhiệm của chủ thể. Hành vi của con người được hình thành và thực hiện một cách có quy luật, là kết quả của sự tác động của các điều kiện tự nhiên, xã hội đến con người. Nhu cầu cá nhân phù hợp với lợi ích của xã hội. Tự do là cơ sở của trách nhiệm và trách nhiệm chỉ có thể đặt ra đối với một người khi họ có tự do. Đây chính là cơ sở pháp lý để pháp luật hình sự Việt Nam khẳng định một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi người thực hiện hành vi phải có lỗi.
GS.TSKH. Lê Cảm đã nhận đinh:
Lỗi trong luật hình sự là một chế định trung tâm và có thể coi là vô cùng phức tạp. Vì đã từ lâu và cho đến tận bây giờ xung quanh các vấn đề về chế định này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong khoa học luật hình sự cũng như trong thực tiễn áp dụng luật hình sự. Chính vì vậy, dưới góc độ nhận thức khoa học, việc nghiên cứu chế định lỗi để từ đó áp dụng đúng pháp luật hình sự và đưa ra những kiến giải lập pháp không chỉ có ý nghĩa lý luận – thực tiễn mà còn có ý nghĩa xã hội – pháp lý quan trọng. [3]
Trong khoa học pháp lý hình sự khái niệm lỗi được nhìn nhận dưới hai góc độ đó là khía cạnh tâm lý và khía cạnh xã hội. Như vậy, lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
1.3. Các hình thức lỗi
Như đã phân tích ở trên, lỗi bao gồm hai yếu tố: lý trí và ý chí. Căn cứ vào đặc điểm về lý trí và ý chí trong nội dung của lỗi, luật hình sự Việt Nam chia lỗi thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý bao gồm hai hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý cũng gồm hai hình thức là lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩn thả.
Lỗi cố ý trực tiếp
Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Điều 10 BLHS năm 2015).
Về lý trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó.
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là sự nhận thức được, biết được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện về mặt thực tế và ý nghĩa xã hội của hành vi đó. Việc nhận thức đó bao gồm việc nhận thức những tình tiết thực tế tạo nên tính gây thiệt hại của hành vi như: mặt thực tế của hành vi, đối tượng tác động của tội phạm, công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội,… và ý nghĩa xã hội của hành vi đó (tính chất của các lợi ích, giá trị xã hội bị xâm hại, sự phủ định đối với xã hội). Hay nói cách khác là người thực hiện hành vi biết mình đang làm gì (mặt thực tế) và biết được hành vi đó sẽ gây nguy hiểm cho xã hội (ý nghĩa xã hội của hành vi).
Ví dụ: người trộm cắp tài sản nhận thức được rằng người đó đang chiếm đoạt tài sản của người khác (mặt thực tế) và việc chiếm đoạt đó làm mất quyền sở hữu của người khác đối với tài sản đó vì vậy nguy hiểm đối với xã hội (ý nghĩa xã hội của hành vi).
Thông thường, người phạm tội khi thực hiện tội phạm mà nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thì cũng nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật. Tuy nhiên, nhận thức tính trái pháp luật của hành vi không thuộc nội hàm của yếu tố lý trí của lỗi cố ý. Trên thực tế, có thể có trường hợp một người tuy nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội mà không nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi đó.
Ví dụ: không phải mọi người đều hiểu về tính chất phạm tội của hành vi không tố giác tội phạm, hành vi không cứu người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,… trong những trường hợp này, người không nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi phạm tội vẫn được coi là thực hiện tội phạm do cố ý.
Ở các tội có cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc nên người cố ý trực tiếp phạm tội không những nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình mà ngay khi thực hiện hành vi cũng đã thấy trước được hậu quả của nó. Ví dụ: tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất được thực hiện với lỗi cố ý, do đó khi xem xét lỗi cố ý trực tiếp của người phạm tội cần xem xét họ có biết mình đang làm một việc nguy hiểm và hành vi đó có khả năng gây chết người (nhận thức đối với hậu quả).
Nếu người thực hiện hành vi thấy trước hậu quả tất yếu xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi thì lỗi của họ là lỗi cố ý trực tiếp, vì họ biết hậu quả là tất yếu mà vẫn thực hiện hành vi thì chứng minh được là họ mong muốn hậu quả xảy ra.
Còn nếu chỉ thấy trước khả năng hậu quả có thể xảy ra thì cần xem xét thêm góc độ ý chí.
Về ý chí: hành vi cố ý trực tiếp mong muốn hậu quả phát sinh.
Mong muốn là sự hướng đến một kết quả nhất định mà nó đã được đặt ra trong ý thức và mục đích của chủ thể. Sự mong muốn hậu quả phát sinh không đồng nghĩa với việc đạt được mục đích của hành vi phạm tội, sự mong muốn hậu quả phát sinh đó có thể có các trường hợp sau:
+ Khi hậu quả là mục đích cuối cùng của hành vi phạm tội: trong trường hợp này mục đích và hậu quả là một. Ví dụ: trộm cắp tài sản,…
+ Khi hậu quả là điều kiện để đạt được mục đích cuối cùng của hành vi phạm tội. Ví dụ: giết người thuê (giết người để nhận được tiền,…)
+ Khi người phạm tội thấy trước hậu quả là tất yếu xảy ra mà vẫn quyết định thực hiện hành vi thì hậu quả là mong muốn đối với người đó. Ví dụ: khóa trái tất cả các cửa của nhà kho để đốt nhà kho nhằm hủy hoại tài sản nhưng lại phát hiện có người ngủ trong nhà kho nhưng vẫn châm lửa đốt,…
Ở các tội có cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc cho nên việc kiểm tra ý chí của người phạm tội đối với hậu quả đã thấy trước là điều cần thiết để có thể khẳng định được có cố ý trực tiếp hay không.
Ở các tội có cấu thành tội phạm hình thức, hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc cho nên việc xác định ý chí đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được đặt ra. Muốn xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp chỉ cần xác định người đó đã nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan là dấu hiệu “bên trong” của tội phạm, do đó, muốn nhận biết được người phạm tội có mong muốn hay không mong muốn hậu quả phát sinh (ý chí) thì phải dựa vào biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm (rõ nhất là hành vi) vì biểu hiện ra bên ngoài thông thường thống nhất với ý chí bên trong.
Lỗi cố ý gián tiếp
Cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy nhiên không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (khoản 2 Điều 10 BLHS năm 2015).
Như vậy, dấu hiệu của lỗi cố ý gián tiếp như sau:
Về lý trí: người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và thấy trước được hậu quả của hành vi đó (thấy trước khả năng thực tế hậu quả xảy ra).
Nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và hậu quả là sự nhận thức được, biết được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện về mặt thực tế và ý nghĩa xã hội của hành vi đó, biết được hậu quả do mình gây ra. Cụ thể:
+ Đối với hành vi: người phạm tội nhận thức được hành vi mà người đó thực hiện là nguy hiểm cho xã hội. Nghĩa là hành vi đó đi ngược lại các đòi hỏi của xã hội, phủ nhận các giá trị của xã hội, có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ.
+ Đối với hậu quả: người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi đó (thấy trước khả năng thực tế hậu quả xảy ra). Trong trường hợp này người phạm tội không nhìn thấy được tính tất yếu sẽ phát sinh hậu quả của hành vi của mình mà chỉ thấy được khả năng phát sinh mà thôi. Nếu người phạm tội thấy trước tính tất yếu phát sinh hậu quả của hành vi thì lỗi của họ là cố ý trực tiếp.
Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm mục đích khác. Chính để đạt được mục đích này mà người phạm tội tuy không mong muốn nhưng đã có ý thức để mặc đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình mà họ đã thấy trước. Đối với người có lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra hay không đều không có ý nghĩa gì, không xảy ra cũng được và nếu xảy ra cũng chấp nhận.
Ví dụ: A đẩy B ngã xuống hồ nước, nếu B không biết bơi hoặc không được cứu giúp thì sẽ chết đuối.
Ngoài việc phân chia lỗi cố ý thành cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, trong lý luận luật hình sự và thực tiễn còn có thể phân chia lỗi cố ý theo các căn cứ sau:
– Căn cứ vào thời điểm hình thành sự cố ý được phân chia thành cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất.
+ Cố ý dự mưu là trường hợp người phạm tội đã có sự suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: do có mâu thuẫn với B nên A đã lên kế hoạch giết B.
+ Cố ý đột xuất là trường hợp người phạm tội vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó, chưa kịp có sự cân nhắc kỹ. Ví dụ: A đi ngang qua nhà B thấy B để xe máy bên ngoài sân nên đã nảy sinh ý định và thực hiện ngay hành vi trộm cắp tài sản.
– Căn cứ vào mức độ cụ thể của sự hình dung về hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, lỗi cố ý có thể chia thành: cố ý xác định và cố ý không xác định.
Cố ý xác định là trường hợp người phạm tội hình dung được một cách rõ ràng và cụ thể hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của họ sẽ gây ra. Ví dụ: A biết nhà B vừa trúng vé số 1,5 tỷ đồng nên lẻn vào để trộm số tiền này.
Cố ý không xác định là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa hình dung được một cách cụ thể hậu quả đó. Ví dụ: M lấy trộm túi sách của N nhưng không biết trong đó có gì (có gì thì lấy đó).
Lỗi vô ý vì quá tự tin
Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện được và đã gây ra hậu quả nguy hại đó (Điều 11 BLHS).
Ví dụ: vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông…
Từ định nghĩa này có thể rút ra những dấu hiệu của lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin như sau:
Về lý trí: người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở chỗ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra.
Như vậy, ở điểm này: lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi cố ý có sự giống nhau là đều thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, sự thấy trước này giữa vô ý vì quá tự tin và cố ý cũng có điểm khác nhau. Cụ thể: trong trường hợp lỗi cố ý, người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra một cách thực tế, còn trong trường hợp vô ý vì quá tự tin, người phạm tôi thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra mang tính chất chung chung, trừu tượng: người phạm tội thấy trước hành vi của mình nói chung, hoặc trong những tình huống tương tự có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng trong trường hợp cụ thể này sẽ không xảy ra hoặc nếu có thì có thể ngăn ngừa được.
Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hành vi của mình gây ra hậu quả của xã hội.
Sự không mong muốn này có điểm khác so với sự không mong muốn trong trường hợp cố ý gián tiếp. Ở lỗi vô ý vì quá tự tin người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra gắn với việc ngăn ngừa hậu quả xảy ra, còn ở lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hay nói cách khác, người vô ý vì quá tự tin đã loại bỏ khả năng gây hậu quả, không chấp nhận hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra là ngoài dự tính của họ; còn người cố ý gián tiếp thì lại chấp nhận hậu quả xảy ra.
Ở lỗi vô ý vì quá tự tin người phạm tội đã cân nhắc, tính toán và đã cho rằng hậu quả có thể không xảy ra hoặc nếu có thì có thể ngăn ngừa được. Đây cũng là một điểm phân biệt với lỗi cố ý gián tiếp: trong lỗi cố ý gián tiếp không có việc tính đến như vậy, không có việc cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra. Người phạm tội tin tưởng rằng với những tình tiết cụ thể, trong trường hợp cụ thể, tại thời điểm cụ thể kết hợp với khả năng của bản thân (sức mạnh, sự khéo léo, kinh nghiệm, sự hiểu biết,…) đã loại trừ hậu quả xảy ra. Tuy nhiên sự tin tưởng này được xây dựng trên những tình tiết không có cơ sở, không đầy đủ, không đúng thực tế (chẳng hạn: sự đánh giá chỉ mang tính một chiều mà không tính đến các nhân tố khác) và đánh giá khả năng của bản thân.
Hay nói cách khác, người thực hiện hành vi phải có điều kiện về chủ quan và điều kiện khách quan để tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra. Nếu điều kiện chủ quan có cơ sở để người thực hiện hành vi tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra nhưng điều kiện khách quan lại không cho phép tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra thì không thể kết luận là lỗi vô ý vì quá tự tin. Ví dụ: A dùng súng định bắn vào B – một tên cướp giật đang chạy trốn trên đường phố đông người (cách A 50m) nhưng đã trúng nhầm vào người đi đường (A cho rằng với kỹ thuật bắn súng của mình thì không thể bắn nhầm nhưng điều kiện khách qua không cho phép tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra vì đường phố đông người);…
Lỗi vô ý phạm tội vì cẩu thả
Vô ý phạm tội vì cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước (hậu quả này). (Điều 11 BLHS năm 2015).
Ví dụ: một người tỉa cây trên ban công làm rơi kéo gây chết người đi đường.
Đối với lỗi vô ý cẩu thả do người thực hiện hành vi không biết mình đang làm một việc nguy hiểm nên cũng không thể nhận biết hậu quả do hành vi của mình gây ra. Do đó, khi nghiên cứu lỗi vô ý do cẩu thả, chúng ta không nghiên cứu theo hai góc độ lý trí và ý chí như những dạng lỗi khác mà sẽ nghiên cứu theo các dấu hiệu đặc trưng của nó. Những dấu hiệu của lỗi vô ý phạm tội do cẩu thả như sau:
– Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra.
Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt lỗi vô ý vì cẩu thả với các hình thức lỗi khác. Ở hình thức lỗi khác, người phạm tội đều thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, tuy mức độ thấy trước khác nhau. Trong trường hợp lỗi vô ý vì cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Trong trường hợp này, người phạm tội chỉ nhận thức được tính thực tế của hành vi (biết mình đang làm gì) mà không nhận thức được tính xã hội của hành vi (không biết đang làm một việc nguy hiểm, không thấy trước hậu quả do hành vi mình gây ra) do cẩu thả.
– Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt trường hợp lỗi vô ý vì cẩu thả với trường hợp không có lỗi.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý vì cẩu thả dựa trên cơ sở là người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi cảu mình. Do đó, lỗi vô ý cẩu thả được xác định dựa trên cả hai điều kiện sau:
+ Điều kiện thứ nhất: Người phạm tội phải thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Đây là nghĩa vụ của người thực hiện một hành vi, phải cân nhắc những khả năng tác động của hành vi mình đối với xã hội, có nghĩa vụ đánh giá những tác động tiêu cực đối với xã hội do hành vi của mình trước khi thực hiện nó.
Điều kiện này xuất phát từ các yêu cầu về sự thận trọng cần thiết nhằm trách gây ra những thiệt hại cho xã hội trong các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp trong các qui tắc của đời sống, pháp luật,… ví dụ: khi thả một vật từ trên cao xuống thì người thực hiện hành vi phải có nghĩa vụ quan sát để đảm bảo an toàn,…
Nghĩa vụ này sẽ ràng buộc trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội, khi thực hiện hành vi phải có sự cân nhắc, suy tính và chọn lựa trước khi thực hiện, không được xử sự một cách tùy tiện, không có sự suy tính; thực hiện quyền của mình nhưng cũng không được gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
+ Điều kiện thứ hai: Người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều kiện này xác định rằng một người cụ thể với các đặc điểm cá nhân và nghề nghiệp của mình, cũng như hoàn cảnh thực hiện tội phạm có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Khả năng thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội đối với mỗi người là khác nhau và được xác định dựa vào: mức độ chuyên môn, kinh nghiệm, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm lý,… của mỗi người. Nếu một người có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả khi thực hiện hành vi nhưng điều kiện thực tế lại không cho phép họ thấy trước hậu quả thì không thể xác định họ có lỗi và buộc họ phải chịu TNHS.
Ví dụ: A đưa tiền giả cho B nhờ B mua giùm một món đồ, nhưng tiền giả quá tinh vi mà mắt thường không thể nhận biết được vì vậy B không biết đó là tiền giả nên đã mang ra lưu hành. Do đó, trong trường hợp này B không có lỗi vì không có khả năng nhận biết đây là tiền giả.
Như vậy, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm với lỗi vô ý vì cẩu thả khi có đủ hai điều kiện: người đó không chỉ phải thấy trước mà còn có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.
Ví dụ: A đã vô ý vứt tàn thuốc lá gần trạm xăng làm lửa bốc cháy gây hỏa hoạn, do cẩu thả nên A đã không nhận thức được ý nghĩ xã hội của hành vi nhưng A có nghĩa vụ phải biết mình đang làm một việc nguy hiểm và hoàn toàn có khả năng nhận thức được điều đó nếu không cẩu thả.
Trường hợp lỗi hỗn hợp
Trường hợp hỗn hợp lỗi là trường hợp trong cấu thành tội phạm có hai loại lỗi (cố ý và vô ý) được quy định đối với những tình tiết khách quan khác nhau của mặt khách quan.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra mà chúng được quy định trong cấu thành tội phạm. Do vậy, trong cấu thành tội phạm cơ bản không thể có những loại lỗi khác nhau đối với những tình tiết khách quan khác nhau. Tuy nhiên, trong luật hình sự có một số cấu thành tội phạm tăng nặng mà trong mặt khách quan được nhà làm luật quy định thêm dấu hiệu hậu quả làm tăng lên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tương ứng với các tội phạm đó thái độ tâm lý đối với hậu quả này có thể không trùng hợp với thái độ tâm lý đối với các tình tiết khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản. Trong những trường hợp này có thể tồn tại trường hợp hỗn hợp lỗi.
Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ có thể xảy ra đối với tội phạm có cố ý khi người phạm tội thực hiện đã gây ra hậu quả nghiêm trọng mà theo quy định của pháp luật phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn và thái độ đối với hậu quả đó là vô ý.
Ví dụ: trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Khoản 3 Điều 94 BLHS), thái độ tâm lý của người phạm tội đối với việc gây thương tích là cố ý, còn thái độ đối với cái chết của nạn nhân là do việc gây thương tích đó gây ra chỉ là vô ý.
Các trường hợp không có lỗi
Sự kiện bất ngờ:
“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Sự kiện bất ngờ là trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi gây thiệt hại không có lỗi và do đó không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.
So sánh sự kiện bất ngờ với lỗi vô ý vì cẩu thả có điểm giống nhau và khác nhau như sau:
– Giống nhau: chủ thể thực hiện đều không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra.
– Khác nhau: Ở trường hợp vô ý vì cẩu thả, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước và có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, họ đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình là do không có sự chú ý và cẩn trọng cần thiết. Còn ở sự kiện bất ngờ, chủ thể không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình hoặc tuy có nghĩa vụ phải thấy trước nhưng không có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả đó. Do vậy, người gây thiệt hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cần phân biệt sự kiện bất ngờ với trường hợp bất khả kháng. Trường hợp không thể khắc phục được là trường hợp một người nhìn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra, nhưng không có cách nào để ngăn ngừa hậu quả đó và do vậy hậu quả đã xảy ra trên thực tế.
2. Dấu hiệu động cơ và mục đích phạm tội
2.1. Dấu hiệu động cơ phạm tội
Động cơ phạm tội được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý.
Động cơ phạm tội chỉ có ở trong những trường hợp phạm tội cố ý bởi vì người phạm tội vô ý hoàn toàn không mong muốn thực hiện tội phạm, họ hoặc không biết hành vi của mình là hành vi phạm tội hoặc tin hành vi của mình không trở thành hành vi phạm tội. Người phạm tội vô ý có thể có động cơ hành động chứ không có động cơ phạm tội.
Động cơ phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, song nói chung không làm thay đổi căn bản tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
– Trong Luật hình sự Việt Nam, động cơ phạm tội có ý nghĩa:
+ Trong một số trường hợp, động cơ được quy định là dấu hiệu hiệu định tội như động cơ phòng vệ ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS).
+ Động cơ phạm tội có thể được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ví dụ: Động cơ đe hèn là dấu hiệu định khung tăng nặng được phản ánh trong CTTP tăng nặng của tội giết người (khoản 1 Điều 123 BLHS).
+ Động cơ phạm tội còn có thể được xem là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS. Ví dụ: phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS), phạm tội vì động cơ đe hèn (điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS).
2.2. Dấu hiệu mục đích phạm tội
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện tội phạm.
Mục đích phạm tội cần được phân biệt với hậu quả của tội phạm. Mục đích phạm tội là một khái niệm thuộc về chủ quan, còn hậu quả nguy hiểm là một phạm trù khách quan, là sự kiện của hiện thực khách quan. Hậu quả thực tế xảy ra có thể phù hợp hoặc không phù hợp với mục đích – là kết quả trong ý thức mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện tội phạm.
Mục đích phạm tội chỉ có đối với những tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì chỉ trong trường hợp này người phạm tội mới có sự mong muốn gây ra tội phạm để đạt những mục đích nhất định. Ở trường hợp phạm tội khác, người phạm tội cũng có mục đích nhưng đó chỉ là mục đích của hành vi vì người phạm tội không mong muốn thực hiện tội phạm, họ hoặc không biết hành vi của mình có thể trở thành tội phạm hoặc biết nhưng không mong muốn nó trở thành tội phạm.
– Trong Luật hình sự, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mọi tội phạm và nó có ý nghĩa pháp lý hình sự:
+ Trong một số trường hợp, mục đích được quy định là dấu hiệu định tội như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều có mục đích phạm tội là mục đích chống chính quyền nhân dân.
+ Trong một số trường hợp, mục đích được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt. Ví dụ: mục đích “để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác” là dấu hiệu định khung tăng nặng của tội giết người (điểm g, khoản 1 Điều 123 BLHS).
+ Mục đích trong trường hợp không được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt còn có thể có ý nghĩa trong việc xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ lỗi,… do đó có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
2.3. Sai lầm và ảnh hưởng sai lầm đối với trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Khái niệm về sai lầm trong pháp luật hình sự
Trên thực tế, không phải lúc nào người phạm tội cũng nhận thức được một cách đúng đắn, chính xác về tính chất pháp lý hoặc thực tế của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả hoặc những tình tiết khách quan khác của tội phạm. Trong những trường hợp này khoa hoc luật hình sự gọi là sai lầm.
Trong trường hợp sai lầm, thái độ tâm lý của một người đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra bị ảnh hưởng, do đó nghiên cứu sai lầm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định lỗi và giới hạn trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Sai lầm là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất pháp lý hoặc tính chất thực tế của hành vi mà người đó thực hiện.
Dựa vào tính chất của sự hiểu lầm, sai lầm được chia thành sai lầm về pháp luật và sai lầm thực tế.
a. Sai lầm về pháp luật
Sai lầm về pháp luật là sự hiểu nhầm của chủ thể về tính chất pháp lý của hành vi mà người đó thực hiện.
Sai lầm về pháp luật có những trường hợp sau:
Người thực hiện hành vi hiểu lầm rằng hành vi của mình là tội phạm nhưng thực tế luật không quy định hành vi đó là tội phạm;
Người thực hiện hành vi hiểu lầm rằng hành vi của mình không phải là tội phạm nhưng thực tế luật quy định hành vi đó là tội phạm;
Người thực hiện hành vi hiểu lầm về hậu quả pháp lý của hành vi mà mình đã thực hiện: về tội danh, về loại và mức hình phạt có thể áp dụng do việc thực hiện tội phạm đó.
b. Sai lầm về thực tế
Khi thực hiện hành vi của mình, người thực hiện hành vi có thể xác định trước những đối tượng tác động của hành vi, quan hệ xã hội dự định xâm hại, công cụ, phương tiện sẽ sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội,… nhưng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội mà một trong nhưng dấu hiệu nêu trên họ đã bị nhầm lẫn được gọi là sai lầm thực tế.
Sai lầm thực tế là sự hiểu lầm của chủ thể về những tình tiết thực tế của hành vi của mình.
Có thể có những trường hợp sai lầm thực tế sau:
* Sai lầm về khách thể: là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất của quan hê xã hội mà hành vi của họ xâm hại tới.
Đây là trường hợp chủ thể dự định xâm phạm một loại quan hệ xã hội nhưng không thể xâm phạm được hoặc nhầm lẫn sang một quan hệ xã hội khác.
Ví dụ: Định chiếm đoạt vũ khí quân dụng (xâm phạm chế độ quản lý vũ khí dân dụng) nhưng thực tế lại chiếm đoạt khẩu súng giả, trong trường hợp này người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm đoạt vũ khí quân dụng” (Điều 304 BLHS).
Trong trường hợp sai lầm về khách thể, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội có khách thể mà họ có ý định thực hiện hoặc tội có khách thể bị xâm hại thực tế nếu họ có lỗi vô ý.
* Sai lầm về đối tượng: là sai lầm của chủ thể về đối tượng tác động khi thực hiện tội phạm.
Cần phân biệt sai lầm về đối tượng với sai lầm về khách thể. Trong trường hợp sai lầm về đối tượng, người phạm tội không có sai lầm về khách thể dự định xâm hại mà tác động vào một đối tượng khác với đối tượng dự định tác động. Sai lầm về đối tượng không ảnh hưởng gì đến trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Ví dụ: Định tội trộm cắp của A nhưng thực tế lại trộm cắp nhầm tài sản của B. Trong trường hợp này, người phạm tội không có sai lầm về khách thể mà chỉ có sự sai lầm về đối tượng.
* Sai lầm về quan hệ nhân quả: là sai lầm của chủ thể trong việc đánh giá sự phát triển của hành vi đã thực hiện của mình.
Đây là trường hợp khi thực hiện hành vi, chủ thể cho rằng hành vi của mình là nguyên nhân gây ra hậu quả nhưng thực tế hậu quả lại xảy ra do một nguyên nhân khác. Trong trường hợp này, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý mà họ muốn thực hiện và còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý mà họ đã gây ra do sai lầm (nếu họ có lỗi vô ý).
Ví dụ: A dùng súng bắn B, tưởng B đã chết nên A bỏ B vào bao tải, buộc thêm vật nặng vào để dìm xác B xuống sông, nhưng sau đó khám nghiệm tử thi xác định B chết do bị ngạt nước.
* Sai lầm về công cụ, phương tiện: là sai lầm của chủ thể về tính chất của công cụ, phương tiện sử dụng khi thực hiện hành vi.
Ví dụ: Định dùng thuốc độc để giết người, nhưng thực tế thuốc độc do để lâu ngày nên đã mất tính độc vì thế đã không gây ra hậu quả chết người. Trong những trường hợp này, người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý mà họ định thực hiện.
Sai lầm về công cụ, phương tiên cũng có thể xảy ra trong trường hợp người phạm tội không có ý định gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Ví dụ: Người y tá do vội vàng đã phát nhầm thuốc cho bênh nhân dẫn đến bệnh nhân chết do uống nhầm thuốc. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý khi thỏa mãn các dấu hiệu của lỗi vô ý.
3. Một số vấn đề cần đặt ra
3.1. Xây dựng khái niệm về lỗi trong Luật hình sự
Do đó, tác giả kiến nghị xây dựng khái niệm lỗi như sau:
Điều…: Khái niệm lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
3.2. Hoàn thiện dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm cụ thể ở phần các tội phạm
Thứ nhất, tác giả cho rằng cần phải có nguyên tắc trong việc xác định dấu hiệu lỗi trong CTTP để thống nhất việc xác định dấu hiệu lỗi trong CTTP nhằm thống nhất việc xác định dấu hiệu lỗi trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Chẳng hạn như: đối với các tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý thì cần phải quy định rõ dấu hiệu lỗi vô ý trong CTTP (Ví dụ: “Người nào vô ý…”), còn đối với các tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý thì có thể quy định rõ dấu hiệu lỗi hoặc không (trường hợp này nếu dấu hiệu lỗi không được quy định trong CTTP thì mặc định lỗi của tội phạm này phải là lội cố ý), và đối với các tội phạm có thể được thực hiện với cả hai hình thức lỗi thì cũng phải quy định rõ trong CTTP (ví dụ: “Người nào cố ý hoặc vô ý”).
Thứ hai, một số tội phạm hiện nay được quy định trong BLHS chưa có sự thống nhất giữa tên tội phạm và nội dung pháp lý của tội phạm đó về dấu hiệu lỗi. Chẳng hạn như Tội đua xe trái phép (Điều 265 BLHS), tội danh phải phản ánh nội dung khách quan và chủ quan của tội phạm được mô tả trong CTTP. Việc đặt tên tội (tội danh) phải xuất phát từ nội dung của tội phạm mà chúng ta muốn và sẽ mô tả trong CTTP. Giữa đặt tên tội và mô tả tội phải thống nhất và phù hợp với nhau. Nếu tội danh của tội cụ thể được xác định là đúng vì cần phải xếp tội này thuộc tội cố ý để phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội thì giữ nguyên tội danh và điều chỉnh lại sự mô tả trong CTTP theo hướng bỏ dấu hiệu hậu quả và quy định dấu hiệu này là một dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc giữa nguyên dấu hiệu hậu quả trong CTTP nhưng phải diễn đạt theo cách khác để thể hiện là tội cố ý nhưng chỉ coi là CTTP trong trường hợp đã vô ý gây hậu quả.
Thứ ba, mâu thuẫn của việc hình thành hai CTTP cho cùng một tội, một CTTP vật chất (có dấu hiệu hậu quả) và một CTTP hình thức (có dấu hiệu về đặc điểm nhân thân xấu). Trong đó, tội được CTTP vật chất phản ánh là tội vô ý và tội được CTTP hình thức phản ánh là tội cố ý. Như vậy, một tội phạm có thể là tội cố ý và có thể là tội vô ý, tùy vào việc xem tội phạm đó thuộc CTTP nào – CTTP vật chất hay CTTP hình thức. Ví dụ: Tội đua xe trái phép – Điều 265 BLHS, nếu xem tội này là tội có CTTP vật chất (đòi hỏi gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác) thì tội này là tội cố ý. Trái lại, nếu xem tội này là tội có CTTP hình thức (không đòi hỏi gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác mà chỉ đòi hỏi chủ thể đã bị xử phạt hành chính, hoặc bị kết án,…) thì tội là tội vô ý. Như vậy, một tội phạm vừa có tính chất là tội cố ý và vừa có tính chất là tội vô ý. Điều này dẫn diến việc giải quyết trách nhiệm hình sự có sự khác nhau ở cùng một tội vì nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự có sự phân biệt giữa tội cố ý và tội vô ý. Ngoài ra, sự mâu thuẫn này cũng là nguyên nhân làm cho việc đặt tội danh không chính xác.
Thứ tư, làm rõ dấu hiệu lỗi trong các tình tiết định khung tăng nặng, đặc biệt là trường hợp hỗn hợp lỗi. Ví dụ: tình tiết “làm nạn nhân chết” tại Điều 168 BLHS, trong thực tiễn áp dụng khi người phạm tội trong quá trình cướp tài sản đã vô ý làm nạn nhân chết, còn nếu người phạm tội đã cố ý tước đoạt tính mạn của nạn nhân thì sẽ bị truy cứu TNHS về tội giết người (Điều 123 BLHS). Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra các quan điểm khác nhau, như tình tiết “gây thương tích cho nạn nhân từ 31% đến 60%” thì có thể được áp dụng cả lỗi cố ý và lỗi vô ý, nhưng tình tiết “làm nạn nhân chết” thì chỉ áp dụng khi lỗi vô ý là chưa thống nhất trong kỹ thuật lập pháp. Bởi nếu quan điểm cho rằng bản thân hành vi dùng vũ lực chứa đựng được khả năng gây ra thương tích cho nạn nhân nên dù có lỗi cố ý hay vô ý thì chi áp dụng tình tiết định khung tăng nặng mà không xử lý thêm về tội phạm khác (như tội cố ý gây thương tích); thì bản thân hành vi dùng vũ lực cũng chứa đựng được khả năng gây ra cái chết cho nạn nhân.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, pháp luật hình sự chưa có quy định về khái niệm động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Do đó, tác giả thiết nghĩ cần quy định về khái niệm hai dấu hiệu này để xác định chính xác về chúng và cũng để phân biệt được chính hai dấu hiệu này với nhau.
3.3. Xây dựng khái niệm động cơ, mục đích phạm tội
Điều…: Khái niệm động cơ phạm tội, mục đích phạm tội
Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý;
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện tội phạm.
3.4. Hoàn thiện dấu hiệu động cơ và mục đích phạm tội trong cấu thành tội phạm
Thứ nhất, nhà làm luật cần thống nhất trong cách diễn đạt dấu hiệu động cơ phạm tội, mục đích phạm tội. Dấu hiệu động cơ, mục đích phạm tội khi được quy định trong các tội phạm vẫn còn được sử dụng bằng nhiều thuật ngữ khác nhau. Đối với động cơ phạm tội thì có trường hợp quy định là “vì động cơ …” có tội lại là quy định “vì vụ lợi…”. Đối với mục đích phạm tội thì có tội quy định “nhằm mục đích…”, có tội ghi là “để…”, có tội ghi là “nhằm…”, có tội quy định là “vì mục đích…”.
Thứ hai, rà soát lại các tội phạm trong BLHS có quy định dấu hiệu động cơ phạm tội, mục đích phạm tội trong CTTP (CTTP cơ bản), xác định những trường hợp quy định những dấu hiệu này trong CTTP là không cần thiết, khi bỏ chúng khỏi CTTP thì không làm ảnh hưởng đến bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; hoặc những trường hợp khi quy định các dấu hiệu này trong CTTP sẽ làm cho cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn rất lớn trong quá trình chứng minh tội phạm vì thực tiễn cho thấy có những trường hợp nêu trên thì không cần thiết quy định dấu hiệu động cơ phạm tội, mục đích phạm tội trong CTTP.
Thứ ba, làm rõ dấu hiệu mục đích phạm tội trong một số trường hợp nhằm phân biệt giữa mục đích phạm tội với dấu hiệu hành vi. Chẳng hạn, trong các tội xâm phạm sở hữu, cần phân biệt rõ mục đích chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt.
[1] Lê Văn Cảm (2005), Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.420. [2] Cao Thị Oanh (2002), “Vấn đề mặt chủ quan của đồng phạm”, Luật học, tr195. [3] Lê Văn Cảm (2005), Sách chuyên khảo sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.532.