Nguyễn Thị Minh Nhật
Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội
Đặt vấn đề
Câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội nói về việc một cô gái trẻ đi ra đường trong thời gian giãn cách bị chặn lại. Cô này liền cho biết mình vừa ra ngoài mua bao cao su ở hiệu thuốc về sử dụng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cho rằng, việc mua bao cao su là đồ dùng không thiết yếu, nên yêu cầu cô gái trẻ dừng xe. Cô này giải thích, việc mua bao cao su là việc làm cấp thiết và thiết yếu và khẳng định: “Không dùng mà đẻ con ra thì sao?”. Mặt khác, phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang nhắc nhở người dân mua bánh mỳ không phải là thiết yếu. Câu chuyện mang tính chất vui vẻ nhưng đặt ra vấn đề pháp lý và điều người dân quan tâm: Thế nào là nhu cầu “thiết yếu” và chỉ được ra đường khi phục vụ “nhu cầu thiết yếu”?
Từ khóa: nhu cầu, thiết yếu, con người, dịch bệnh, truyền nhiễm
Trao đổi với chuyên viên Nguyễn Thị Minh Nhật, Công ty luật ThinkSmart thế nào là “thiết yếu và nhu cầu thiết yếu”, chuyên viên có quan điểm như sau:
Theo Từ điển Tiếng Việt “thiết yếu” là tính từ mô tả về nhu cầu cần thiết nhất, mặt hàng thiết yếu cần thiết nhất phục vụ cho con người trong một hoàn cảnh nhất định.
Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.
Mặt khác, theo khoản 3 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”
Từ phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm mới về nhu cầu thiết yếu là nhu cầu cần thiết của mỗi con người phục vụ cho những yêu cầu tối thiểu của đời sống trong một hoàn cảnh nhất định. Còn mặt hàng thiết yếu là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đời sống con người trong một hoàn cảnh cụ thể như đã nêu ở trên.
Một số quy định của Nhà nước về công việc thiết yếu, mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho con người
Trong tình hình bệnh dịch truyền nhiễm kéo dài và có tính chất ngày càng một nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của con người thì theo Công văn 2601/VPCP-KGVX năm 2020, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết được đề cập theo Chỉ thị 16 là:
– Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
– Các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
– Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở:
– Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.
Ngay trong hướng dẫn này cũng có những khái niệm rộng và có phần mang tính mở như: hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác… Các khái niệm này mang tính mở và dự trù nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền vận dụng để giải quyết đối với các hàng hóa, dịch vụ và tình huống mới có thể phát sinh tring thực tế mà tại thời điểm ra chỉ thị chưa phát hiện và liệt kê hết. Chỉ thị 16 không liệt kê hay đưa ra khái niệm về hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác đồng thời không liệt kê toàn bộ các tình huống, trường hợp được coi là trường hợp cần thiết để được phép ra đường. Thế nên, việc bị phạt hay không bị phạt trong một số tình huống cụ thể lại tuỳ thuộc vào cảm tính và nhận định của người ra quyết định xử phạt.
Một thực tế cho thấy, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân trong đợt giãn cách, TP.HCM đã công bố danh sách 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu với đầy đủ thông tin từ địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng… Thông qua danh sách này, người dân dễ dàng tìm mua. Tuy nhiên, nhiều người dân và cả một số cơ quan chức năng địa phương thời gian qua đã hiểu rằng chỉ có những cửa hàng được đưa vào danh sách nói trên mới được mở cửa kinh doanh trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách. Ví dụ: Chị Nguyễn Diễm (ngụ tại quận Tân Phú) là quản lý bán hàng của một cửa hàng thực phẩm tại quận 2 cho biết đã phải dừng lại ở ba chốt kiểm tra trên đường đi làm. Dù đã đưa giấy giới thiệu và xác nhận nhân sự của công ty nhưng nhân viên tại các chốt cho hay cần phải có giấy tờ chứng minh công ty nằm trong danh sách được kinh doanh theo chỉ thị 16 thì mới được đi làm. Chị Diễm cho biết công ty và cửa hàng không nằm trong danh sách của TP.HCM công bố nhưng kinh doanh thực phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của khách hàng gần 10 năm nay, bây giờ bắt chứng minh công ty được phép kinh doanh theo danh sách của thành phố thì không biết liên hệ với bên nào để xin cấp xác nhận[1].
Từ những khái niệm và quy định của Công văn 2601 của Chính phủ quy định về “thiết yếu” và “mặt hàng thiết yếu”, chúng tôi cho rằng cần hiểu chúng với tính chất đặt trong một hoàn cảnh cụ thể. Nhu cầu thiết yếu không chỉ và không nên được hiểu theo cách thức liệt kệ bao gồm lương thực, thực phẩm và dược phẩm. Đối với tầng lớp thanh niên hoặc nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt việc ra đường mua bao cao su là “thiết yếu” nếu quan niệm rằng là “không thiết yếu” sẽ có thể dẫn đến hiện tượng lây lan bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hoặc có con ngoài ý muốn hậu quả để lại rất nặng nề. Còn trường hợp mua bánh mỳ là “không thiết yếu” cũng không đúng với lý luận bởi vì nhu cầu “ăn”, ở, mặc” là thiết yếu đối với mỗi con người. Mặt khác, bánh mì hay những loại đồ ăn khác về bản chất chính là thức ăn và có giá trị sử dụng như lương thực, thực phẩm. Phải chăng, cơ quan có thẩm quyền nên chăng đưa ra khái niệm rõ ràng về “nhu cầu thiết yếu”, “hàng hóa thiết yếu và quy định giới hạn sự “thiết yếu” trong một hoàn cảnh cụ thể để dễ cho việc áp dụng và hạn chế sự tùy tiện của người áp dụng các quy định này để vi phạm quyền con người.
[1] https://tuoitre.vn/hoi-dap-ve-covid-19-phai-chung-minh-trong-danh-sach-diem-ban-hang-thiet-yeu-moi-duoc-di-ban-hang-20210711135427584.htm, truy cập lúc 23h30 ngày 19/7/2021
Những vấn đề cần đặt ra đối với việc áp dụng thuật ngữ “thiết yếu, mặt hàng thiết yếu”
Thứ nhất, cần phải giải thích và hiểu rằng “thiết yếu” là nhu cầu cần thiết của con người để đảm bảo cuộc trong hoàn cảnh nhất định mà nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi con người thì hoàn toàn khác nhau trong một khoảng không gian và thời gian xác định. Tuy nhiên với một bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid thì nhu cầu “thiết yếu” phải được vận dung, sử dụng khi đó là hoàn cảnh cấp bách nhất cho mỗi con người đối với một nhu cầu nào đó “không thể không dừng” được.
Thứ hai, người dân đang cần những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn hoặc ít nhất một danh sách những mặt hàng được cho là thiết yếu, cần thiết. Bản thân người dân cũng xác định nhu cầu của mình để quyết định ra khỏi nhà hay không theo tinh thần thật sự cần thiết đến mức “không thể thiếu trong cuộc sống” thì mới ra đường và tất nhiên phải thực hiện 5K.
Thứ ba, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải mềm dẻo, linh hoạt chứ không nên cứng nhắc theo kiểu mệnh lệnh, tuỳ vào từng trường hợp để xử lý trên tinh thần tôn trọng quyền con người nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Chuyên viên pháp lý của Công ty luật ThinkSmart.