Một số điểm mới của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2025

Căn cứ Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 28/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2025.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân.


Tổng kết 08 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã góp phần quan trọng trong quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của tổ chức, của Nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cụ thể như sau:

Một là, quy định về hình phạt tử hình: Các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.
Theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”,… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ”…
Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình: Trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.
Về thời hiệu thi hành án tử hình: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60, theo đó khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên, đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như: tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt.

Hai là, một số quy định khác của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng:
(1) Một số quy định còn quá nghiêm khắc; mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt chưa phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, dẫn đến các hành vi dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa thể hiện được tính chất khoan hồng, nhân đạo. Chưa có cơ chế để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW;…
(2) Thực tiễn thi hành cho thấy một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được quy định là tội phạm: hành vi “xả nước thải sản xuất ra môi trường với lưu lượng rất lớn nhưng lượng nước thải này không có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quy định tại Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường”… Đồng thời, nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa góp phần giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội…

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước; cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

BLHS
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

BỐ CỤC VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT

1. Bố cục

Bố cục dự thảo Bộ luật gồm 03 phần, 26 chương, 433 điều; so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 06 điều, bỏ 18 điều.

2. Một số điểm mới của dự thảo Bộ luật

2.1. Đề xuất hình phạt mới tù chung thân không xét giảm án

Theo đó, tù chung thân không xét giảm án được hiểu “là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình”. Án phạt này được đề xuất áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tuyên tử hình. Thời hiệu thi hành bằng thời hiệu của án tù chung thân và tử hình, tức 20 năm.

Hình phạt tù chung thân không xét giảm án sẽ không áp dụng với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Người bị kết án tù chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.

2.2. Dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 05 tội danh

+ Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự).
+ Tội “Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114 Bộ luật Hình sự).
+ Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194 Bộ luật Hình sự).
+ Tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250 Bộ luật Hình sự).
+ Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421 Bộ luật Hình sự).

Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Như vậy, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

2.3. Sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình

– Bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 02 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Quy định này vừa đảm bảo tính nhân đạo, vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết một số vướng mắc bất cập về thời hạn nêu trên.

– Bổ sung quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự về trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án tử hình. Theo đó, sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án; bổ sung quy định về thủ tục tố tụng khi người bị kết án được chuyển sang hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.

2.4. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn

(1) Bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

(2) Nâng các mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt để nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây: Nâng mức định khung cơ bản đối với một số tội có định lượng tài sản thấp như: Tội trộm cắp tài sản, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (2.000.000 đồng), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (4.000.000 đồng); mức định khung cơ bản của Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc là 5.000.000 đồng,… bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại; nâng mức định khung là số lượng người bị hại tại Điều 348 (Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, xuất cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép), Điều 349 (Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép), Điều 350 (Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép).

(3) Hạ thấp các mức định lượng trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung hình phạt đối với một số tội, một số hành vi để đảm bảo tính răn đe, không bỏ lọt tội phạm, góp phần xử lý những loại tội phạm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi này trong thực tiễn: hạ thấp mức định lượng làm căn cứ định tội, định khung, định khoản trong nhóm các tội phạm về môi trường, đặc biệt là các loại hành vi chôn, lấp, xả chất thải ra môi trường; xác định Ketamine là loại chất ma túy cụ thể trong các khung hình phạt của các tội phạm về ma túy, qua đó hạ mức định lượng để định khung đối với hành vi liên quan đến chất này trong các tội về ma túy; bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy… để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

(4) Nâng mức hình phạt đối với một số tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, ma túy nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai.

(5) Bổ sung thêm một số hình phạt chính và hình phạt bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm:
– Bổ sung hình phạt chính là tù chung thân không xét giảm án;
– Bổ sung hai hình phạt bổ sung gồm: cấm nhập cảnh, giám sát điện tử.

(6) Bổ sung một số quy định để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn: bổ sung quy định về thời hiệu thi hành bản án trục xuất; bổ sung quy định về tạm định chỉ chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt; bổ sung tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự; bổ sung quy định về hình phạt trục xuất tại các điều luật cụ thể; bổ sung quy định về thời hạn cấm cư trú được tính kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù hoặc từ ngày được tha tù trước thời hạn có điều kiện; chỉnh lý các quy định để đảm bảo kỹ thuật lập pháp: thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong Bộ luật Hình sự; trình bày phạm vi của khung hình phạt thống nhất, logic, không giao thoa, không quá rộng; trình bày để phân biệt rõ về yếu tố lỗi, phân loại tội phạm trong các tội do pháp nhân thương mại thực hiện; chỉnh lý quy định để phân hóa rõ hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính và hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung; chỉnh lý để quy định xác định khối lượng các chất ma túy tại các khoản trong các điều luật về ma túy nhằm đảm bảo tính khoa học, thống nhất…

2.5. Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chuẩn bị phạm tội

(1) Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 bổ sung thêm 2 tội danh gồm: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253) và Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254) đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

(2) Bổ sung thêm 27 tội danh vào nhóm tội danh được quy định tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều: 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 150, 151, 157, 170, 171, 193, 194, 208, 248, 251, 304, 305, 306, 309, 311, 341, 348, 349, 359 và 361 thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, tại khoản 1, Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 đã quy định lại cụ thể như sau: Người nào biết rõ tội phạm quy định tại khoản 2, Điều 14 của Bộ luật này đang chuẩn bị, tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2.6. Đề xuất thêm hình phạt bổ sung: cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.

Đối với mỗi hành vi phạm tội, bị cáo chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị một hoặc một số hình phạt bổ sung. Theo điều 31, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục cá nhân, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

2.7. Về phân loại tội phạm

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 15-30 năm tù, tù chung thân, chung thân không xét giảm án hoặc tử hình (điểm d khoản 1, Điều 9). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ chịu mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 15-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 cũng bổ sung một số điều mới và thay đổi tên gọi một số điều được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như: Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mô hình kinh doanh mới); Điều 45a (Cấm nhập cảnh); Điều 45b (Giám sát điện tử); Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước); Điều 235 (Tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường ); Điều 235a (Tội xả trái phép chất thải thông thường ra môi trường); Điều 256a (Tội sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 356 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ); Điều 357 (Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ)…


Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Công ty luật TNHH ThinkSmart thông qua website: https://thinksmartlaw.vn/