Vụ việc hai nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội – Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng) và Quang Linh Vlogs (Phạm Quang Linh) – bị khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Đây không chỉ là vụ án hình sự thông thường mà còn là bài học lớn về trách nhiệm pháp lý của những người có sức ảnh hưởng khi tham gia quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Luật sư Ngô Ngọc Diễm: “Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng và có thể bị xử lý ở khung hình phạt rất cao”.
Trong phân tích pháp lý liên quan đến vụ việc này, Tiến sĩ – Luật sư Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật ThinkSmart) nhấn mạnh rằng: hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm được quy định cụ thể tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều luật này không chỉ xử lý đối với hành vi sản xuất hàng giả nói chung, mà còn đặc biệt nghiêm khắc với nhóm mặt hàng là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, vốn là các nhu yếu phẩm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Theo Điều 193, người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thực phẩm có thể bị xử phạt tù từ 2 năm đến 5 năm ở khung cơ bản. Tuy nhiên, nếu hành vi đó có các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thì khung hình phạt có thể nâng lên đến tù chung thân. Đó là mức xử lý cao nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ an toàn tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng.
Trong vụ việc của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, sản phẩm kẹo rau củ Kera được xác định là hàng giả, được sản xuất sai quy định, không đảm bảo chất lượng và quảng cáo sai sự thật về công dụng. Đặc biệt, số lượng phân phối lớn – 135.325 hộp chỉ trong hơn 3 tháng – cùng với sự hậu thuẫn của các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đã làm tăng đáng kể mức độ nguy hiểm của hành vi. Theo Luật sư Diễm, đây là dấu hiệu phạm tội có tổ chức, có yếu tố thu lợi lớn, và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến một lượng lớn người tiêu dùng.
Cũng theo Luật sư Diễm, ngoài hành vi sản xuất hàng giả, việc thổi phồng công dụng sản phẩm, tạo lòng tin sai lệch trong cộng đồng còn có thể cấu thành tội danh “Lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự. Đây là tội danh áp dụng đối với các hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối trong mua bán – như cân đong đo đếm không đúng, hoặc đưa thông tin sai lệch về chất lượng, công dụng sản phẩm để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Trường hợp có tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền), cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Trong vụ án này, theo kết quả điều tra ban đầu, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã biết sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn cố tình quảng bá sai lệch nhằm tạo lòng tin từ người tiêu dùng thông qua sức ảnh hưởng cá nhân, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thu lợi với số lượng lớn. Trong vụ án liên quan, theo kết quả điều tra ban đầu, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs được xác định đã biết rõ sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi quảng bá sai sự thật. Họ lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân trên mạng xã hội để tạo dựng lòng tin nơi người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm và thu lợi với số lượng lớn. Theo phân tích của chuyên gia pháp lý, hành vi của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và các đồng phạm có dấu hiệu của hành vi phạm tội hình sự, với hậu quả nghiêm trọng, cấu thành đầy đủ các yếu tố về lỗi, hành vi, hậu quả và mục đích vụ lợi.
Cảnh báo đến giới KOLs và Influencers.
Qua vụ việc, Luật sư Diễm cũng đưa ra cảnh báo: ngày càng nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội tham gia vào hoạt động quảng bá sản phẩm mà không kiểm tra kỹ về nguồn gốc, chất lượng, pháp lý sản phẩm. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt, mà chính bản thân KOLs cũng có thể bị xử lý hình sự, chứ không đơn thuần chỉ là phạt hành chính hay “ảnh hưởng hình ảnh”.
Kết luận
Vụ việc Hằng Du Mục – Quang Linh Vlogs là minh chứng rõ ràng cho việc người nổi tiếng không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Bài học đặt ra không chỉ dành cho các KOLs, Influencers mà còn cho cả các doanh nghiệp trong việc minh bạch hóa sản phẩm, xây dựng niềm tin bằng chất lượng thực – không phải bằng chiêu trò truyền thông.
Minh Đức
Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong