Bạn T.H gửi câu hỏi về cho Công ty luật TNHH ThinkSmart: “Hiện nay hộ kinh doanh phát triển tương đối lớn mạnh, vậy tại sao nhiều hộ kinh doanh lại không muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp?”.
Hiện nay, việc nhiều hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn nhưng không muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp là do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên việc trở thành doanh nghiệp sẽ đem lại những lợi ích có thể vượt trội so với những khó khăn ban đầu. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế được đặt ra cấp thiết tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Sau đây, Công ty luật TNHH ThinkSmart sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
1. Khái niệm về hộ kinh doanh và doanh nghiệp
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào định nghĩa về “hộ kinh doanh”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Như vậy, có thể hiểu hộ kinh doanh là một tổ chức kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ và chỉ được đăng ký kinh doanh dưới quy mô mười người lao động.
Căn cứ khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, khái niệm “doanh nghiệp” được định nghĩa: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh. Dưới đây là những phân tích về từng loại hình doanh nghiệp giúp tổ chức, cá nhân lựa chọn khi làm thủ tục thành lập.
2. Tại sao hộ kinh doanh không chuyển sang mô hình doanh nghiệp
Hiện nay có rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã có số vốn nhất định, mức doanh thu lớn lên đến hàng trăm tỷ và có tệp khách hàng ổn định, tuy nhiên họ không muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
– Tâm lý ngại sự chuyển đổi
– Thuế hộ kinh doanh và thuế doanh nghiệp khác nhau
– Áp dụng quản lý điện tử
– Ngại “lớn” vì sợ thanh tra, tránh các nghĩa vụ pháp lý
– Chế độ kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp phức tạp hơn
Về bản chất, việc chuyển đổi trực tiếp mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, trước đây chưa có điều luật nào của pháp luật quy định thủ tục chuyển đổi trực tiếp. Nhưng theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh cá thể được phép chuyển đổi thành doanh nghiệp, cụ thể: “1. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.”. Như vậy, khi chủ hộ kinh doanh muốn mở rộng phát triển mô hình sản xuất kinh doanh thì hoàn toàn có quyền được chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp bằng cách phải giải thể hộ kinh doanh và thành lập doanh nghiệp mới.
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:
“2. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại các Điều 21, 22, 23 và 24 Nghị định này tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp, trong đó không bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22, điểm c khoản 4 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định này. Trường hợp doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.”
Như vậy, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bạn dự định đặt trụ sở chính.
Nếu bạn còn thắc mắc và cần được giải đáp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0911796555. Trân trọng./.
>> Doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên được không?