Quy định về góp vốn Hợp tác xã

Bạn đọc P.M gửi câu hỏi về cho Công ty luật TNHH ThinkSmart: “Luật sư cho tôi hỏi điểm mới về quy định góp vốn theo quy định Luật Hợp tác xã (HTX)?”

Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế – xã hội quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng. Với những đổi mới về việc góp vốn điều lệ của Luật Hợp tác xã năm 2023 số 17/2023/QH15 có hiệu lực từ 01/07/2024 hứa hẹn HTX sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, nâng cao hiệu quả kinh tế. Công ty luật TNHH ThinkSmart sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về quy định góp vốn của HTX.

1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là gì?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023 số 17/2023/QH15 hợp tác xã được định nghĩa “Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.”

Cũng theo khoản 8 Điều 4 Luật này: “Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 03 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.”

Như vậy, HTX là tổ chức kinh tế tập thể tối thiểu là 5 thành viên và không giới hạn thành viên nên số lượng thành viên rất lớn và đông đảo. Với mục tiêu tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của HTX vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng xã hội. Thành viên của HTX gồm 3 loại: thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Quy định về góp vốn Hợp tác xã

2. Quy định về góp vốn Hợp tác xã

Theo Nghị định 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 hướng dẫn Luật Hợp tác xã và khoản 12 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định: Phần vốn góp là giá trị tài sản góp vốn mà một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giá trị tài sản mà thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào tổ hợp tác theo quy định tại hợp đồng hợp tác.

Tài sản góp vốn được quy định chặt chẽ tại Điều 73 của Luật này, theo đó, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải, tài sản khác thì cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn góp vốn bằng chính tài sản đó hoặc thỏa thuận cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng quyền khác đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự.

Pháp luật có quy định cụ thể về vốn góp tối thiểu và tối đa, căn cứ Điều 74 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định về góp vốn điều lệ HTX như sau: các thành viên được góp vốn theo thỏa thuận và theo quy định của Luật này và Điều lệ. Phần vốn góp của thành viên chính thức tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Như vậy Luật Hợp tác xã năm 2023 đã có nhiều sự đổi mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012 khi mỗi thành viên của một HTX chỉ được góp tối đa 20% trên tổng vốn điều lệ, một HTX thành viên chỉ được góp không quá 30% trên tổng vốn điều lệ của một liên hiệp HTX. Quy định góp vốn mới này như một cách thu hút đầu tư từ thành viên, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư ngoại tệ và từng bước hội nhập quốc tế.

3. Tại sao lại quy định góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã

Điều này quy định bởi:

– Nếu góp vốn quá nhiều thì thành viên trong HTX sẽ rút vốn rất dễ dàng vì dựa trên tinh thần tự nguyện. Ngoài ra HTX, liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể, do các thành viên tự nguyện góp vốn, góp sức để đáp ứng các nhu cầu chung của thành viên, nếu một thành viên góp nhiều vốn, khi thành viên đó chấm dứt tư cách thành viên, rút vốn ra sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của HTX, liên hiệp HTX. Thành viên HTX được rút vốn trực tiếp nên khi góp nhiều vốn vào HTX mà đến lúc nào đó thành viên muốn rút vốn thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vốn điều lệ của HTX sẽ bị giảm nhiều, hoạt động của HTX sẽ bị ảnh hưởng còn doanh nghiệp thì không được rút vốn trực tiếp mà chỉ được rút vốn gián tiếp qua chuyển nhượng, yêu cầu công ty mua lại,… và việc rút vốn này cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến vốn điều lệ của công ty vì cơ bản nó chỉ chuyển từ người này đến người khác.

– Những thành viên góp nhiều vốn thường chi phối các thành viên khác. Do vậy hạn chế tỷ lệ vốn góp vào HTX, liên hiệp HTX để đảm bảo tính bình đẳng trong việc ra quyết định của các thành viên, không bị các thành viên góp vốn nhiều chi phối.

– Thành viên góp vốn nhiều hơn các thành viên khác sẽ tạo ra sự phân biệt giàu nghèo trong HTX./.