Bạn đọc K.K gửi câu hỏi về cho Công ty luật TNHH ThinkSmart: “Mình đang tìm hiểu về doanh nghiệp tư nhân, Luật sư cho mình hỏi doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên được không?”
Doanh nghiệp tư nhân là một hình thức kinh doanh phổ biến và quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Với nhiều đặc điểm nổi bật, loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo, tạo việc làm và phát triển kinh tế tại các địa phương. Sau đây, Công ty Luật TNHH ThinkSmart sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân được định nghĩa là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh những dấu hiệu chung để nhận biết một doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn có những nét đặc thù mà thông qua đó có thể phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể, tại các khoản 2,3,4 Điều 188 Luật Doanh Nghiệp năm 2020:
– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ. Đây được coi là điểm phân biệt đầu tiên và cũng là rõ nét nhất của doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân bỏ vốn đầu tư (có thể là vốn đầu tư ban đầu hoặc vốn đầu tư bổ sung trong quá trình hoạt động) để thành lập và làm chủ, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán tổng số vốn đầu tư là bao nhiêu phần trăm tiền mặt, hiện vật…
Do doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ nên chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định về hoạt động kinh doanh, về tổ chức quản lí của doanh nghiệp tư nhân, quyết định về việc sử dụng lợi nhuận sau khi doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Như vậy chủ doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ quyền năng đối với doanh nghiệp với chủ thể khác.
Các doanh nghiệp có thể có một chủ sở hữu là: doanh nghiệp tư nhân, công ty nhà nước, công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, ngay trong nhóm này, doanh nghiệp tư nhân cũng mang những nét khác biệt. Đó là: Nếu như ở các hình thức doanh nghiệp một chủ khác, chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức thì đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu chỉ có thể là một cá nhân duy nhất. Đồng nghĩa với việc tổ chức, hộ gia đình hay một nhóm người không được phép lựa chọn doanh nghiệp tư nhân để tiến hành đăng ký doanh nghiệp. Từ đặc trưng này mà ta cũng thấy trong mô hình doanh nghiệp này không xuất hiện sự góp vốn giống như ở các công ty khác, nguồn vốn của chủ doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất. Vì vậy, vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ ra để tiến hành hoạt động kinh doanh chỉ có thể gọi là đầu tư chứ không thể gọi là góp vốn.
– Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp: Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Bên cạnh đó, liên quan đến đặc điểm về chủ thể của doanh nghiệp tư nhân, theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì mọi cá nhân không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên xuất phát từ chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân nên pháp luật quy định: Mỗi cá nhân chỉ được thành lập một DNTN duy nhất để đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm tài sản của chủ DNTN đối với nhà nước và các bên thứ ba.
– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Nếu như chủ doanh nghiệp vẫn muốn kêu gọi vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân khác để phát triển kinh doanh thì có thể lựa chọn giải pháp thay đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Doanh nghiệp tư nhân không bao giờ phát sinh chế độ trách nhiệm hữu hạn vì không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
– Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định pháp nhân là tổ chức phải có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản nên không có tư cách pháp nhân.
Do đó, kết luận rằng doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không đáp ứng đủ ba điều kiện: Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với chủ sở hữu; Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động của doanh nghiệp mình; Doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập khi tham gia quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng Tài. Nghiên cứu các loại hình doanh nghiệp cùng chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, có thể thấy: Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân bởi lẽ nó không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được công nhận là một pháp nhân theo quy định tại điều 74 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản nên tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản còn lại của chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch rõ ràng và nếu có cũng chỉ tồn tại một cách tạm thời trong quá trình kinh doanh, vì chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền thay đổi vốn đầu tư bất cứ lức nào. Như vậy vì doanh nghiệp tư nhân không có khối tài sản độc lập tách biệt với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân nên doanh nghiệp tư nhân đã không thỏa mãn tiêu chuẩn quan trọng này vì vậy không có tư cách pháp nhân.
2. Một doanh nghiệp tư nhân có thể thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên được không?
Một doanh nghiệp tư nhân không thể thành lập công ty TNHH một thành viên. Vì doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân. Và theo Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh Nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, pháp luật không cấm chủ doanh nghiệp tư nhân góp vốn vào công ty TNHH, theo đó chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ bị hạn chế không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh./.