NGÀNH LUẬT VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI

Câu lạc bộ Luật học Themis
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển trên toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chính nhu cầu phát triển khách quan của xã hội đã đẩy mạnh quá trình chuyên môn hóa, sự phân công lao động xã hội cực kỳ rõ nét, mỗi nhóm ngành nghề đều đóng một vai trò nhất định, thể hiện vị trí của riêng mình. Và ngành Luật cũng không nằm ngoài quy luật, xu thế khách quan này. Bài viết dưới đây sẽ nêu lên tầm quan trọng cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai cũng như một số phẩm chất và kỹ năng cần có của một sinh viên Luật để đáp ứng trong thời đại mới.

1. Tầm quan trọng của ngành Luật trong thời kỳ hội nhập kinh tế và cơ hội nghề nghiệp

Nền kinh tế của nước ta đang vươn mình phát triển để hội nhập được với nền kinh tế của thế giới. Các công ty, doanh nghiệp trong nước hoặc những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài cũng không ngừng mở rộng và phát triển. Quá trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế đang diễn ra với những bước phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế, hành lang pháp lý và những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được quan tâm và đảm bảo chặt chẽ ở tất cả các khâu. Theo đó, ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng đang và sẽ trở thành công cụ bảo hộ ưu việt nhất góp phần bảo vệ sự an toàn, duy trì sự ổn định và mang đến hiệu quả cao nhất có thể trong quá trình hoạt động của các đơn vị kinh doanh. Việc nắm bắt và trang bị tất cả những kiến thức cần thiết về luật pháp trong và ngoài nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào liên quan đến các hoạt động kinh tế. Vì lẽ đó, ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng được xem là một ngành quan trọng, không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ngày nay, cử nhân luật ra trường có cơ hội việc làm rất đa dạng và hấp dẫn, không chỉ còn bó hẹp trong các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp,… Họ có thể làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong một vài năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần tới khoảng 18.000 nhân sự ngành luật, trong đó có 3000 chấp hành viên, 2000 công chứng viên, 300 thẩm tra viên và chuyên viên thừa phát lại. Luật kinh tế là một trong những lĩnh vực thiếu nhân lực trầm trọng nhất trong ngành này. Nhu cầu tuyển dụng dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới bởi nhu cầu của con người ngày càng cao và bởi vì chính vai trò vô cùng quan trọng của Luật kinh tế trong xã hội hiện đại.

2. Cơ hội và thách thức cho ngành Luật hiện nay

2.1 Cơ hội cho ngành Luật hiện nay

Thực tế từ trước đến nay, khi nói đến nghề luật, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến luật sư. Tuy nhiên, nghề này còn có nhiều công việc hơn thế. Đặc biệt là trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các vị trí việc làm ngành luật ngày càng được đa dạng hóa. Một số vị trí việc làm cho cử nhân ngành luật phổ biến bao gồm:

Làm việc tại các doanh nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật sẽ thích hợp làm những công việc ở các doanh nghiệp với tư cách là chuyên viên pháp lý phụ trách những công việc liên quan đến đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng; đề xuất giải pháp xử lý tình huống pháp lý trong kinh doanh.

Làm việc tại các cơ quan nhà nước: Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có thể làm việc ở tòa án các cấp, các cơ quan của Quốc hội, Viện kiểm sát, công an, các bộ ngành của chính phủ, Ủy ban nhân dân, sở, phòng, ban ở địa phương…

Làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và tư vấn pháp luật: Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có thể tham gia giảng dạy tại các trường có đào tạo khối ngành luật, hoặc tham gia làm việc tại các viện nghiên cứu và các trung tâm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý như: văn phòng luật sư, công ty luật.

2.2 Thách thức của ngành Luật hiện nay

Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với sự phát triển ngành nghề trong xã hội, mở ra thời kỳ Luật pháp được số hóa. Vì thế, ngành Luật cần tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới công nghệ kỹ thuật, các phạm vi điều chỉnh luật của Việt Nam và thế giới.

Một trong những thách thức quan trọng nhất đối với sinh viên ngành Luật hiện nay là áp lực cạnh tranh trong ngành và áp lực bị đào thải, nên yêu cầu sinh viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng và phải tự trang bị các kỹ năng mềm cần thiết đảm bảo khả năng tư vấn tốt nhất cho khách hàng, nắm bắt và xử lý tốt các tình huống liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Xu thế đào tạo hiện nay của các trường đại học nói chung và trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nói riêng, hầu hết các chương trình đào tạo, sinh viên đều được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện, làm việc trong môi trường năng động. Nhưng đối với sinh viên ngành Luật phải nắm thật vững và rõ chuyên ngành, đồng thời luôn trau dồi về kiến thức kinh tế xã hội, không ngừng học hỏi, quan sát thực tế cuộc sống, tư duy độc lập, phân tích phán đoán đề xuất và giải quyết vấn đề pháp lý hiệu quả, …

Trong thời đại 4.0, việc học luật không còn đơn thuần là học luật trên giảng đường mà học luật qua các dự án, các hoạt động thực tiễn trong giải quyết tố tụng, hòa giải, xét xử, … Không những vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các tri thức pháp luật được số hóa, mở ra cơ hội cho sinh viên luật khắp mọi nơi cập nhật nhanh chóng. Nếu định hướng nghề nghiệp liên quan đến ngành Luật, các bạn cần biết đây là ngành học yêu cầu sự logic, tư duy và giải quyết mâu thuẫn, cân đối giữa yếu tố đạo đức con người và hành lang pháp lý. Khi bạn trở thành sinh viên, thừa hưởng những thành quả từ nền công nghiệp 4.0, thách thức đầu tiên là khả năng thích ứng của bạn trước biến đổi công nghệ mạnh mẽ.

Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, chương trình đào tạo về Luật học sẽ gắn với yêu cầu của thị trường, tăng khả năng thích nghi với những biến động của xã hội. Để thích ứng được, không những sinh viên Luật phải đáp ứng đòi hỏi về chuyên môn mà còn phải làm chủ công nghệ để không bị bỏ lại. Do đó, sinh viên ngành Luật cần sẵn sàng đối diện trước sức ép lớn về kết quả, làm chủ kĩ thuật hiện đại và thay đổi hoàn toàn về tư duy học tập.

Huy TAND Toi cao moi 1 JPG

3. Những phẩm chất và kỹ năng cần có của sinh viên ngành Luật

3.1. Công bằng, trung thực, khách quan

Đây là một phẩm chất quan trọng và cốt yếu của nghề luật sư. Là người hiểu pháp luật và mang đến sự khách quan, công bằng cho mọi người, người học luật phải dựa trên luật pháp, dựa trên chứng cứ, dựa trên sự thật để phán xét một cách khách quan; cũng như phải dựa vào thực tế để thi hành pháp luật.

3.2. Có tinh thần trách nhiệm cao

Nghề luật là một công việc đòi hỏi độ chính xác cao, và tuyệt đối không được để xảy ra sai sót vì sẽ để lại hậu quả lớn. Chính vì vậy trong quá trình làm việc, người hành nghề luật cần phải có tinh thần trách nhiệm cao.

3.3. Có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy nhạy bén trong công việc

Với số lượng công việc lớn, cũng như lượng hồ sơ, giấy tờ công việc nhiều đòi hỏi người hành nghề luật, luật sư cần phải tổng hợp và tư duy logic sự việc một cách khoa học. Đây là công việc đòi hỏi phải có sự nhạy bén, nhạy cảm trước mọi vấn đề, cũng như có kiến thức về các lĩnh vực đời sống. Có như vậy thì người hành nghề luật mới có thể hiểu và phân tích nhanh các vấn đề quan trọng, trọng tâm.

Nếu là một luật sư, việc của một luật sư chính là dựa vào các nguồn tài liệu thu thập được từ khách hàng kết hợp với tài liệu, các loại giấy tờ, điều luật và hiến pháp. Tất cả dùng để xem xét, phân tích, soạn thảo, quản lý và xử lý ra những bản hoàn chỉnh cho việc tranh luận, giúp đỡ cho thân chủ của mình. Do đó, một luật sư giỏi là phải có các kỹ năng đánh giá, lấy thông tin, nhìn nhận tổng quan để chọn lọc và phân tích ra những thông tin, tài liệu có giá trị nhất giúp cho việc tư vấn hoặc xử lý công việc theo mong muốn của khách hàng.

3.4. Có khả năng giao tiếp tốt, ăn nói lưu loát, diễn đạt mạch lạc, thuyết phục

Đây là nghề tạo sự tin tưởng, chính vì thế lời nói phải có tính thuyết phục cao, vì vậy đòi hỏi tư duy, kiến thức của mình phải thể hiện qua lời nói một cách lưu loát và mạch lạc nhất, có như vậy mới tạo được niềm tin cho người đối diện. Lời nó thể hiện được trình độ về công việc của mình.

Yêu cầu thiết yếu đối với người hành nghề luật là không nói ngọng, không nói lắp, có kỹ năng giao tiếp bằng văn bản tốt và lắng nghe tốt. Để tranh luận, tư vấn hoặc thuyết phục khách hàng cũng như khai thác thông tin chính xác thì kỹ năng giao tiếp, nói trước công chúng tốt là điều cần thiết. Kỹ năng giao tiếp có thể cải thiện được nếu bạn mạnh dạn tham gia các hoạt động, CLB, hội nhóm, tham gia phát biểu và đọc nhiều tài liệu, sách báo để tăng nguồn kiến thức, có nhiều ngôn từ để sử dụng trong biện luận…

3.5. Có lập trường vững vàng

Người học luật và hành nghề luật phải có lập trường vô cùng vững vàng trước những tác động bên ngoài. Chẳng hạn như những cám dỗ, mua chuộc, hay những thỏa thuận trái với pháp luật sẽ tác động tiêu cực bản thân mỗi người. Chính vì vậy đòi hỏi mỗi người phải luôn vững vàng về lập trường và không bị tác động tiêu cực bên ngoài.

3.6. Kỹ năng nắm bắt tâm lý

Bạn phải biết cách đọc vị đối phương để khai thác đầy đủ nhất các loại thông tin chính xác từ khách hàng, phải hiểu được các loại tính cách, đọc được biểu hiện, đánh giá các phản ứng của khách hàng hay bất kì ai tiếp xúc với họ. Đó chính là sự tinh tế giúp quá trình phân tích dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Việc nắm bắt tâm lý, biểu hiện và hành vi có thể đạt được qua việc đọc sách kỹ năng nhiều, quan sát, những trải nghiệm cá nhân, kinh nghiệm làm việc, tham gia vào các khóa đào tạo chuyên sâu…

3.7. Đàm phán tốt và lắng nghe tốt

Kỹ năng cần có ở một người hành nghề luật nói chung và luật sư là người phải biết cách đàm phán với mọi đối tượng dù là khách hàng, thân chủ hay đối thủ của khách hàng. Điều này giúp làm giảm thiểu tối đa nhất có thể mức hình phạt của khách hàng trong trường hợp họ có tội. Việc biết lắng nghe kiên nhẫn là điều cần thiết không chỉ với luật sư. Nó giúp bạn nhận và thiết lập được nhiều thông tin cần thiết hơn thay vì tranh luận ngay lập tức. Việc lắng nghe còn giúp tăng sự tin tưởng ở khách hàng đối với luật sư.

3.8. Có khả năng thuyết phục

Là một người hành nghề luật thì phải luôn biết cách nói chuyện một cách thuyết phục mọi người. Sức mạnh của thuyết phục chính là giúp xoay chuyển cũng như thay đổi được định kiến có sẵn và thay đổi ý kiến của tòa án theo hướng có lợi cho khách hàng của mình. Và thuyết phục khách hàng tin tưởng bản thân người luật sư đang biện hộ cho mình.

Định hướng nghề nghiệp của mỗi người là ngành Luật hay bất kỳ ngành nghề nào thì chúng ta cũng cần phải chuẩn bị thật tốt về việc chọn ngành, chọn nghề của bản thân. Nỗ lực học tập, nắm vững kiến thức cơ bản, đầu tư thời gian học ngoại ngữ, tin học…là những việc làm tối cần thiết để có thể học tập và làm việc hiệu quả trong xu thế toàn cầu hóa và thời đại số. Trong tương lai không xa, các bạn sẽ được thừa hưởng và tận dụng những thành quả tuyệt vời của khoa học – công nghệ, không có lí do để ngừng cố gắng học tập, nỗ lực phấn đấu từ bây giờ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *