Trong tập quán quốc tế, từ lâu đã tồn tại các nguyên tắc phân định quyền tài phán của các quốc gia trong các lĩnh vực hình sự, dân sự và kinh tế.
Trong lĩnh vực luật hình sự, khi nhà làm luật quy định hiệu lực áp dụng văn bản pháp luật này trên lãnh thổ hay ngoài lãnh thổ quốc gia, các nguyên tắc xác lập quyền tài phán của các quốc gia trong luật quốc tế đồng thời là các nguyên tắc xác lập hiệu lực của luật hình sự của quốc gia về không gian.
1. Nguyên tắc lãnh thổ
Lãnh thổ quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia đó.
Một trong những chức năng chính của nhà nước là duy trì trật tự bên trong lãnh thổ và mỗi quốc gia có chủ quyền để tự quyết các vấn đề trong phạm vi lãnh thổ của mình, trong đó có quyền xét xử hình sự. Nguyên tắc lãnh thổ được thừa nhận như là nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất trong việc xác lập thẩm quyền xét xử về hình sự.
Trong lịch sử, ở thời kỳ cổ đại, nguyên tắc lãnh thổ không phải là nguyên tắc cơ bản trong việc xác lập thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 13, việc Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của pháp luật bị giới hạn bởi lãnh thổ của quốc gia đã ban hành luật đó, đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc hình thành nguyên tắc lãnh thổ. Tuy nhiên, đến thế kỷ 17 – thế kỷ đánh dấu sự gia tăng của nhà nước hiện đại và hoàn toàn tự chủ, là kết quả của các Hiệp ước hòa bình Westphalia được ký năm 1648, vai trò quan trọng của nguyên tắc lãnh thổ trong công pháp quốc tế đã dần thay thế nguyên tắc quốc tịch. Trên cơ sở đó, học thuyết theo đó một người chuyển đến vùng lãnh thổ khác sẽ không mang theo pháp luật của mình, mà họ phải tuân theo pháp luật ở vùng lãnh thổ họ đang sinh sống, đã được ủng hộ.
[?] vấn đề gây tranh luận ở đây chủ yếu tập trung vào việc xác định thế nào là hành vi phạm tội xảy ra trong lãnh thổ của quốc gia, nhất là trong trường hợp một phần của hành vi phạm tội xảy ra ở lãnh thổ nước này, phần còn lại của hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ quốc gia khác, hoặc hành vi phạm tội xảy ra ở quốc gia này nhưng hậu quả hoặc sự ảnh hưởng của tội phạm xảy ra ở lãnh thổ quốc gia khác.
+ Nguyên tắc lãnh thổ chủ quan coi hành vi phạm tội ở một quốc gia là trường hợp toàn bộ hoặc một phần hành vi phạm tội xảy ra ở bên trong lãnh thổ đó, kể cả khi tội phạm được hoàn thành hoặc kết thúc ở nước ngoài;
+ Nguyên tắc lãnh thổ khách quan coi hành vi phạm tội ở một quốc gia là trường hợp hậu quả hoặc thiệt hại của tội phạm xảy ra bên trong lãnh thổ quốc gia, nhưng những yếu tố khác của tội phạm diễn ra hoàn toàn bên ngoài lãnh thổ quốc gia đó.
Ví dụ: A ở quốc gia X dùng súng bắn qua biên giới giết chết một người ở quốc gia Y. Theo nguyên tắc lãnh thổ chủ quan, hành vi phạm tội này thực hiện ở quốc gia X nên quốc gia X có quyền xét xử; theo nguyên tắc lãnh thổ khách quan, hành vi phạm tội này thực hiện ở quốc gia Y (vì hậu quả của tội phạm xảy ra ở lãnh thổ nước Y) nên quốc gia Y có quyền xét xử.
2. Nguyên tắc mang cờ
Nguyên tắc mang cờ (flag principle) là nguyên tắc chi phối thẩm quyền xét xử về hình sự của quốc gia đối với những hành vi phạm tội được thực hiện trên tàu thủy hoặc tàu bay mang cờ của quốc gia đó.
Theo quy định của luật hàng hải và hàng không quốc tế, tàu thủy và tàu bay đăng ký tại quốc gia nào sẽ mang cờ và có quốc tịch của quốc gia đó. Khi một hành vi phạm tội được thực hiện trên các tàu thủy và tàu bay thì thẩm quyền xét xử thuộc về quốc gia mà tàu thủy hoặc tàu bay đó mang cờ.
[?] vẫn tồn tại hai vấn đề còn tranh luận liên quan đến nguyên tắc mang cờ.
Thứ nhất, vấn đề liên quan đến phạm vi áp dụng nguyên tắc mang cờ khi hành vi phạm tội thực hiện trên một con tàu mang cờ của một quốc gia đang ở trong lãnh hải của quốc gia khác hoặc khi một máy bay đang bay qua lãnh thổ quốc gia khác. Trong tình huống này, theo các chuyên gia nghiên cứu về thẩm quyền xét xử hình sự ở ngoài lãnh thổ quốc gia của Cộng đồng châu Âu, nguyên tắc mang cờ vẫn được áp dụng: Nếu một hành vi phạm tội thực hiện trên máy bay của Mỹ đang bay trên lãnh thổ của Anh thì cả Anh và Mỹ đều có quyền xét xử, trong đó Mỹ xác lập thẩm quyền xét xử theo nguyên tắc mang cờ, Anh xác lập thẩm quyền xét xử theo nguyên tắc lãnh thổ.
Thứ hai, vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội trên tàu bay hoặc tàu thủy mang cờ của quốc gia được coi là thực hiện trong lãnh thổ hay ngoài lãnh thổ quốc gia? Ngày nay, Bộ luật Hình sự một số quốc gia cũng coi hành vi phạm tội thực hiện trên tàu bay hoặc tàu thủy mang cờ của quốc gia là tội phạm thực hiện trong lãnh thổ quốc gia đó. Những người theo quan điểm này thừa nhận thẩm quyền xét xử của quốc gia đối với hành vi phạm tội thực hiện trên tàu bay hoặc tàu thủy mang cờ quốc gia, nhưng họ coi như phạm tội ở trong lãnh thổ hoặc lãnh thổ mở rộng của quốc gia.
Ngược lại, có quan điểm cho rằng hành vi phạm tội trên tàu bay hoặc tàu thủy mang cờ của quốc gia được coi là thực hiện ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Điều đó được thể hiện trong quá trình soạn thảo Công ước về Chống tra tấn.
3. Nguyên tắc quốc tịch chủ động
Theo nguyên tắc quốc tịch chủ động (Active nationality principle), một quốc gia có thẩm quyền xét xử đối với những hành vi phạm tội do công dân của mình thực hiện, kể cả khi họ phạm tội ở ngoài lãnh thổ quốc gia.
Nguyên tắc này xác lập thẩm quyền xét xử dựa trên cơ sở quốc tịch của người phạm tội. Sự tồn tại của nguyên tắc này xuất phát từ mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Khi một người mang quốc tịch một quốc gia họ có nghĩa vụ trung thành với quốc gia đó, bao gồm cả nghĩa vụ tuân theo pháp luật, dù họ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Ngược lại, nhà nước có nghĩa vụ bảo hộ công dân của mình, nhất là khi họ đang ở nước ngoài.
Vì vậy, khi một người mang quốc tịch một quốc gia, phạm tội ở quốc gia khác, quốc gia mà người phạm tội mang quốc tịch có những lý do chính đáng và lợi ích liên quan để xác lập thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội đó, được coi như một biện pháp bảo hộ đối với công dân của họ khi phạm tội ở nước ngoài, nhất là trong trường hợp pháp luật của quốc gia nơi tội phạm được thực hiện quy định hình phạt nặng hơn pháp luật của quốc gia mà người phạm tội mang quốc tịch.
Ngày nay, nguyên tắc quốc tịch chủ động được thừa nhận rộng rãi làm nền tảng cho thẩm quyền xét xử của quốc gia đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ quốc gia. Mỹ đã từng hỗ trợ cho Hy Lạp và Ý để truy tố người phạm tội mang quốc tịch của các quốc gia này phạm tội trên lãnh thổ Mỹ.
4. Nguyên tắc quốc tịch thụ động
Nguyên tắc bảo vệ (protective principle) cho phép các quốc gia có thể xác lập thẩm quyền xét xử đối với những người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ quốc gia, trực tiếp gây thiệt hại cho quốc gia đó.
Nguyên tắc quốc tịch thụ động có nguồn gốc từ thời Trung cổ với quan niệm đối tượng chủ yếu của luật hình sự là bảo vệ sự thái bình của triều đại (King’s peace) – bao gồm bảo vệ lợi ích của cộng đồng và cá nhân – trong đó pháp luật quốc gia của nạn nhân có sự đánh giá tốt nhất về cách thức nạn nhân được bảo vệ. Đến thế kỷ 19, các nhà tội phạm học Đức đã đề xuất khái niệm được gọi là “realsystem” (tạm dịch: hệ thống thực tế) – một sự kết nối giữa nguyên tắc quốc tịch thụ động và nguyên tắc bảo vệ trong việc xác lập quyền tài phán. Bởi vì “realsystem” nhấn mạnh việc bảo vệ quốc gia bị thiệt hại, bao gồm bảo vệ nạn nhân là công dân quốc gia đó và các lợi ích và chủ quyền của quốc gia.
Khi mới ra đời, nguyên tắc quốc tịch thụ động đã bị phải đối, chủ yếu bởi hai lý do sau: Thứ nhất, nguyên tắc này được xây dựng dựa trên tính tự cao tự đại (egoism) của các quốc gia và nó có thể trở thành nguyên nhân làm tăng mâu thuẫn về thẩm quyền giữa các quốc gia đối với hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ. Thứ hai, nguyên tắc quốc tịch thụ động đã không bảo vệ được quyền của người phạm tội, bởi vì người phạm tội không thể biết trước được pháp luật của quốc gia mà anh ta sẽ bị truy tố khi anh ta thường không biết được quốc tịch của nạn nhân, nhất là ở những quốc gia mà vấn đề “tội phạm kép” không được áp dụng.
Để có thể áp dụng được nguyên tắc quốc tịch thụ động, cần có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, nhất là khi người phạm tội không hiện diện ở quốc gia mà nạn nhân mang quốc tịch. Hiệu quả của việc áp dụng nguyên tắc quốc tịch thụ động chỉ có thể đạt được khi các quốc gia có sự hợp tác với nhau và sự hợp tác này chỉ có được khi các quốc gia có sự đồng bộ trong quy định của pháp luật về việc áp dụng nguyên tắc quốc tịch thụ động.
5. Nguyên tắc bảo vệ
Nguyên tắc bảo vệ (protective principle) cho phép các quốc gia có thể xác lập thẩm quyền xét xử đối với những người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ quốc gia, trực tiếp gây thiệt hại cho quốc gia đó.
Sự xuất hiện và tồn tại của nguyên tắc bảo vệ được lý giải trên cơ sở chủ quyền và quyền tự vệ của quốc gia.
Trong lịch sử, nguyên tắc bảo vệ đã được thừa nhận ở thành bang (city – state) miền Bắc nước Ý từ thế kỷ 13. Đến đầu thế kỷ 19, tại các quốc gia châu Âu lục địa, nguyên tắc bảo vệ đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự của Pháp (năm 1808) đối với các tội phạm chống lại an ninh quốc gia, làm giả giấy tờ của nhà nước, làm giả tiền và các giấy tờ có giá bằng tiền và sau đó được quy định trong luật hình sự tại Hà Lan và Đức. Ở Anh và Mỹ, nguyên tắc bảo vệ dần được thừa nhận và áp dụng trong các án lệ từ giữa thế kỷ thứ 20. Ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây, tầm ảnh hưởng của nguyên tắc bảo vệ thậm chí còn sâu rộng hơn, trong đó nó cũng áp dụng cho hành vi của người nước ngoài chống lại trật tự kinh tế và xã hội của quốc gia. Ngày nay, với sự phổ biến của các quy định của luật hình sự dựa trên nguyên tắc bảo vệ, tính hợp pháp của thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội của người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ quốc gia xâm hại lợi ích quốc gia không còn bị nghi ngờ.
Mục đích quan trọng nhất của nguyên tắc bảo vệ là nhằm bảo vệ các lợi ích sống còn của quốc gia hoặc khi các quốc gia khác không coi các lợi ích đó được bảo vệ trong luật hình sự của họ. Vì vậy, các lợi ích được bảo vệ khi áp dụng nguyên tắc này phải là “lợi ích cơ bản” (essential interests) của quốc gia.
Nhìn chung, dù việc áp dụng nguyên tắc bảo vệ ở mỗi quốc gia có sự khác nhau nhưng đặc điểm chung của việc xác lập thẩm quyền theo nguyên tắc này là vấn đề tội phạm kép không bị áp dụng và chỉ áp dụng đối với một số tội phạm xác định.
6. Nguyên tắc phổ cập
Nguyên tắc phổ cập cho phép bất kỳ quốc gia nào xác lập quyền tài phán đối với những tội phạm thực hiện bởi người nước ngoài, bên ngoài lãnh thổ quốc gia, chống lại công dân một quốc gia khác.
Nguyên tắc phổ cập chỉ được áp dụng đối với một số tội phạm nhất định, có tính nguy hiểm cao, gây thiệt hại cho hòa bình và an ninh nhân loại như cướp biển, buôn bán nô lệ, tra tấn, tội phạm chiến tranh, diệt chủng và các tội phạm khác chống lại loài người.
Nguyên tắc phổ cập không phải là một hiện tượng mới trong luật quốc tế. Nó được cho là đã hình thành từ thế kỷ 6, khi Bộ luật Justinianic (Codex Justinianus) của La Mã quy định thẩm quyền xét xử cho cả tòa án nơi tội phạm được thực hiện và tòa án nơi người phạm tội bị bắt giữ. Tương tự, thời Trung cổ, tại các thành bang ở miền Bắc nước Ý, những người phạm tội nhất định có thể bị truy tố ở bất kỳ thành bang nào, nơi họ có thể bị phát hiện.
Hơn nữa, nhà nước không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia theo nghĩa hẹp mà còn phải bảo vệ lợi ích của cả nhân loại (hòa bình và an ninh toàn cầu). Theo nghĩa này, một số tội phạm được cho là thuộc nghĩa vụ bảo vệ lợi ích chung của nhân loại của tất cả các quốc gia. Vì vậy, mọi quốc gia có chung lợi ích trong việc xét xử, mặc dù không có sự kết nối rõ ràng với quốc gia cụ thể nào. Đây được coi là lý do chủ yếu của nguyên tắc phổ cập.
Thẩm quyền phổ cập được thừa nhận là một nguyên tắc xác lập quyền tài phán của các quốc gia trong tập quán quốc tế hơn là trong các điều ước quốc tế. Cho đến nay, Tòa án Công lý Quốc tế vẫn chưa bình luận gì về tính hợp pháp của thẩm quyền phổ cập và quy định của các điều ước quốc tế cũng không đảm bảo có mặc định cho phép áp dụng thẩm quyền phổ cập hay không.
Hiện nay, trong một số điều ước quốc tế về chống tội phạm xuyên quốc gia như ma túy, khủng bố, xâm phạm an toàn hàng không… các quốc gia thỏa thuận điều khoản quy định: các quốc gia thành viên sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội đã nêu trong điều ước, trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang hiện diện trên lãnh thổ của mình và quốc gia này không dẫn độ người phạm tội đó. Trong luật quốc tế, nó được biết đến với khái niệm “tương tự như thẩm quyền phổ cập”.
Sáu nguyên tắc trên được tập quán quốc tế ngày nay thừa nhận là căn cứ phân định quyền tài phán giữa các quốc gia trong luật quốc tế và mỗi quốc gia coi đây là cơ sở để xác định hiệu lực về không gian của luật hình sự. Trong đó:
1 – Nguyên tắc lãnh thổ là căn cứ để luật hình sự quy định hiệu lực đối với tội phạm thực hiện trong lãnh thổ quốc gia;
2 – Nguyên tắc mang cờ, nguyên tắc quốc tịch chủ động và bị động, nguyên tắc bảo vệ và nguyên tắc phổ cập là căn cứ để luật hình sự quy định hiệu lực đối với tội phạm được thực hiện ngoài lãnh thổ quốc gia.