Ngô Ngọc Diễm
Khoa Luật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nôi
Nguyễn Quỳnh Hoa
Sinh viên, Trường Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt: Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Để đối phó với những thách thức này, trong đó có chính sách pháp luật hình sự cần phải linh hoạt để thích ứng với các hành vi phạm pháp mới, đa dạng và phức tạp. Bài viết tập trung tìm hiểu về chính sách pháp luật hình sự của Việt Nam hiện nay dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó, đưa ra những khuyến nghị cho việc hoạch định chính sách pháp luật hình sự hướng đến mục tiêu tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự (BLHS) trong tương lai.
Từ khoá: Chính sách hình sự; gợi mở; thách thức; cách mạng công nghiệp 4.0.
Abstract: Vietnam is facing a huge challenge from the industrial revolution 4.0. To cope with these challenges, including criminal law policy, it is necessary to be flexible to adapt to new, diverse and complex acts and crimes. The article focuses on finding out about the current criminal law policy of Vietnam under the influence of the industrial revolution 4.0, from which to propose solutions for criminal law policy towards the goal of continuing improve the Penal Code in the future.
Keyword: criminal policy; suggestions; challenges; Fourth Industrial Revolution.
1. Đặt vấn đề
Chính sách pháp luật là một nội dung quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ khi chúng ta giành được độc lập và thống nhất đất nước. Chính sách pháp luật được tạo ra để đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan nhằm xây dựng một xã hội công bằng, ổn định và hòa bình, nơi mà các cá nhân, các doanh nghiệp có thể hoạt động theo một cách hợp pháp và đảm bảo rằng các hoạt động của họ được điều hành bởi các quy định và quy tắc của chính sách pháp luật. Theo đó, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách pháp luật cũng chịu nhiều tác động, như chính sách pháp luật về quản lý và bảo vệ dữ liệu cần được đưa ra để bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người dùng; cần đảm bảo quyền độc quyền trí tuệ của người sáng tạo, đồng thời đảm bảo quyền truy cập công bằng đến các công nghệ mới, ngoại lệ đối với quyền tác giả [1]; đảm bảo quyền của người lao động và đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế; đảm bảo an ninh mạng và đồng thời đảm bảo quyền riêng tư của người dùng; và chính sách pháp luật cần đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ về thuế và đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đối với chính sách pháp luật hình sự cũng không thể tách rời quy luật của vận động của cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới đang mở ra những thuận lợi cho các tội phạm mạng và tạo ra những thách thức mới cho công tác bảo vệ an ninh mạng. Chính sách pháp luật cần đảm bảo trách nhiệm pháp lý của các cá nhân và tổ chức liên quan đến các vấn đề an ninh mạng, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư và tự do truy cập internet của người dân; đảm bảo tính hợp pháp của các hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân và đồng thời đảm bảo quyền riêng tư của người dân. Một thách thức lớn nữa, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain đặt ra trách nhiệm hình sự hay không, nếu có đặt ra thì “ai” mới là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tiếp theo, là chính sách hình sự phải đảm bảo quyền nạn nhân là đối tượng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tội phạm, cũng như đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hệ thống tư pháp hình sự.
2. Quan niệm về chính sách hình sự trong bối cảnh kinh tế số
Với mỗi một quốc gia khi xây dựng các quy định của pháp luật đều cần dựa trên một định hướng nhất định trong đó thể hiện quan điểm của Nhà nước đối với một hoặc nhiều quan hệ xã hội cần được điều chỉnh, bảo vệ [2]. Theo đó, chính sách hình sự là loại chính sách pháp luật chuyên ngành – một bộ phận của chính sách pháp luật, xác định các định hướng, chủ trương trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm [3]. Các yếu tố cơ bản của chính sách hình sự bao gồm:
Pháp luật: Các quy định pháp luật được xây dựng để đảm bảo rằng hành vi phạm tội sẽ bị xử lý theo đúng quy trình pháp lý. Với chính sách hình sự, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc quy định các hành vi phạm tội và các biện pháp xử lý tội phạm.
Phòng ngừa tội phạm: Chính sách hình sự cũng bao gồm các biện pháp phòng ngừa tội phạm nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tội phạm. Các biện pháp này có thể bao gồm giáo dục, tuyên truyền, cải thiện điều kiện sống và tăng cường an ninh.
Hình phạt đối với tội phạm: Chính sách hình sự cũng quy định các hình thức phạt cho các tội phạm và các biện pháp phục hồi nhằm đảm bảo sự tuân thủ của các quy định pháp luật và giảm thiểu nguy cơ tái phạm.
Hỗ trợ cho nạn nhân: Chính sách hình sự cũng bao gồm các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân do sự tác động của tội phạm nhằm giúp họ hồi phục sau khi bị tội phạm gây ra những thiệt hại và đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ bằng pháp luật hình sự [4].
Từ những đặc điểm này, có thể hiểu: Chính sách hình sự trong nền kinh tế số là tập hợp các quy định, các biện pháp và các hành động của một quốc gia nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và sự tuân thủ của các quy định pháp luật trong xã hội. Chính sách hình sự bao gồm các yếu tố cơ bản như pháp luật, phòng ngừa tội phạm, hình phạt và hỗ trợ cho nạn nhân của tội phạm bằng pháp luật hình sự.
3. Xu hướng của chính sách hình sự của Việt Nam trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0
3.1. Xu hướng tội phạm hóa
Một trong những thách thức chính của cách mạng 4.0 là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, điều này có thể đem lại nhiều cơ hội cho các tội phạm để thực hiện các hành vi phạm pháp như tội phạm kỹ thuật số, gian lận trực tuyến, tội phạm tài chính và thương mại điện tử. Tuy nhiên, cần có tính thống nhất của việc quy định của các luật chuyên ngành với Luật hình sự về việc phải truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi bị cấm [5] theo luật phòng chống. Tương tự như vậy, nội luật hóa điều ước quốc tế cũng phải được xem xét trong mối tương quan cùng với sự phát triển của xã hội. Công nghệ mới cũng cung cấp nhiều công cụ và giải pháp cho các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và truy tìm các tội phạm.
Tiếp theo là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế và xã hội. Công nghệ mới được áp dụng và sử dụng rộng rãi có thể làm thay đổi cách thức làm việc và mô hình kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội cho tội phạm thực hiện các hành vi phạm pháp trong các lĩnh vực mới thông qua “phương thức và thủ đoạn mới”. Ngược lại, các cơ quan chức năng cũng phải luôn sẵn sàng thích ứng sử dụng công nghệ mới để giám sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm.
Ngoài ra, sự phát triển của các loại tiền điện tử và blockchain cũng tạo ra nhiều thách thức mới trong việc phát hiện và truy tìm các tội phạm tài chính. Tuy nhiên, các công nghệ này cũng có thể cung cấp các giải pháp mới để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực tài chính. Các cơ quan chức năng sẽ cần phát triển các giải pháp mới để ngăn chặn và truy tìm các tội phạm, trong khi các công nghệ mới cũng sẽ cung cấp biện pháp và giải pháp cho việc tội phạm hóa hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm
3.2. Xu hướng nhân đạo hóa
Trong thời đại 4.0, xu hướng nhân đạo hóa của chính sách hình sự được coi là rất quan trọng. Nhân đạo hóa trong chính sách hình sự có nghĩa là đặt con người và quyền lợi của họ lên hàng đầu trong quá trình thực hiện chính sách hình sự. Điều này thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người và đảm bảo tính công bằng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm.
Các xu hướng nhân đạo hóa của chính sách hình sự trong thời đại 4.0 có thể được mô tả như sau: Sử dụng công nghệ để tăng tính chính xác và minh bạch trong việc thu thập và xử lý thông tin liên quan đến tội phạm; Sử dụng các phương pháp thay thế hình phạt tù, như cải tạo, giáo dục, tù nhân tự do điều kiện, để đảm bảo tính nhân đạo trong quá trình trừng phạt tội phạm; Tăng cường việc giám sát và kiểm soát tình trạng án oan, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo và người bị tố cáo; Đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm và xây dựng một thế giới an toàn, công bằng và nhân đạo; Phát huy giáo dục về pháp luật và tạo cơ hội cho các tội phạm tìm lại cuộc sống mới và hòa nhập với xã hội [6]. Xu hướng nhân đạo hóa của chính sách hình sự trong thời đại 4.0 là điều cần thiết để đảm bảo tính công bằng và tôn trọng quyền lợi của con người trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm.
3.3. Xu hướng quốc tế hóa
Xu hướng quốc tế hóa về chính sách hình sự trong thời kỳ 4.0 là một xu hướng đang diễn ra rất mạnh mẽ. Thế giới ngày càng trở nên liên kết và toàn cầu hóa, vì vậy các quốc gia cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm. Những xu hướng quốc tế hóa này có thể được mô tả như sau:
Các quốc gia cần phải hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, và tăng cường sự quản lý phạm vi quốc gia.
Sử dụng công nghệ để tăng cường hợp tác và quản lý: sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện việc chia sẻ thông tin và tăng cường quản lý tội phạm trên toàn cầu; tăng cường quản lý và giám sát các tổ chức tội phạm toàn cầu, đặc biệt là các tổ chức tội phạm có quy mô lớn hoạt động trên nhiều quốc gia, có tính chất liên vùng, liên lãnh thổ; chú trọng trong công tác giáo dục và phổ biến tuyên truyền chính sách hình sự, pháp luật và các biện pháp phòng ngừa tội phạm cho các cơ quan chức năng và công dân; khuyến khích, đổi mới và sáng tạo trong chính sách hình sự đáp ứng các thách thức mới, bao gồm các vấn đề liên quan đến an ninh mạng và các tội phạm liên quan đến công nghệ.
Xu hướng quốc tế hóa về chính sách hình sự trong thời kỳ 4.0, giúp cho các quốc gia để đảm bảo an ninh, trật tự và công bằng trên toàn thế giới. Các quốc gia cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm và tăng cường sự đổi mới và sáng tạo trong chính sách hình sự để đáp ứng, đối phó với các tội phạm toàn cầu như tội phạm mạng, tội phạm liên quan đến thương mại điện tử và tội phạm liên quan đến ma túy, môi trường, tham nhũng… Một trong những hình thức hợp tác quốc tế hiện nay là thông qua các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương. Những thỏa thuận này có thể bao gồm các nội dung về chia sẻ thông tin, hỗ trợ pháp lý, hợp tác giữa các cơ quan chức năng, và tăng cường quản lý biên giới, phối hợp đào tạo các vấn đề liên quan đến kỹ thuật pháp luật, kỹ năng điều tra, và kỹ năng sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm.
4. Chính sách hình sự của Việt Nam và những vấn đề cần đặt ra
4.1. Chính sách pháp luật hình sự của Việt Nam
Trên cơ sở những nguyên tắc, tư tưởng cơ bản của Đảng và Nhà nuớc về những chủ trương đổi mới và hoàn thiện chính sách hình sự thông qua việc sửa đổi, bổ sung BLHS tùy thuộc vào từng giai đoạn của tình hình đất nước. Hiện nay, ngoài Bộ luật tố tụng hình sự [7], Luật thi hành án hình sự [8] và các văn bản pháp luật khác về phòng ngừa tội phạm cũng là nội dung của chính sách hình sự Việt Nam, thì BLHS năm 2015 là văn bản quan trọng nhất, chủ yếu nhất thể hiện quan điểm về chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước về tội phạm và hình phạt. BLHS năm 2015 có bố cục hợp lý, chặt chẽ gồm 02 phần (Phần chung và phần các tội phạm) bao gồm 26 Chương với 426 Điều. Giữ vững tinh thần của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 thể hiện rõ tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới (CM-CN 4.0).
BLHS đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách hình sự xử lý tội phạm theo hướng đề cao tính phòng ngừa và tính hướng thiện; bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, vì vậy nhiệm vụ của BLHS là bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước gắn liền với bảo vệ quyền con người (Điều 1); mở rộng chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là chủ thể của trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định (theo Thông luật Common law); sửa đổi bổ sung quy định về hiệu lực của BLHS (Điều 5), cá nhân và pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng tội phạm kỹ thuật số, quan niệm xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đồng thời, xử lý nghiêm khắc hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân…Bên cạnh xu hướng tội phạm hóa, nhà làm luật đã bổ sung một chương riêng (chương IV) quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì 04 trường hợp đã được quy định trong BLHS năm 1999, đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn (Điều 28); bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng (Điều 61)…
Đối với xu hướng nhân đạo hóa, chính sách hình sự cũng cho thấy, BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội danh, duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong số 314 tội danh trong BLHS. BLHS đã “giảm hình phạt tù” là một định hướng của chính sách pháp luật hình sự, cùng với yêu cầu “mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”. Như vậy, so với những cách làm trên thế giới thì chủ trương giảm hình phạt tù và tăng các hình phạt thay thế hình phạt tù của Việt Nam là một chủ trương phù hợp với xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự. Cũng như quy định miễn trách nhiệm hình sự quy định khoản 3 Điều 29, là một căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nhằm giảm tải gánh nặng của hệ thống tư pháp và chuyển hướng vào việc khuyến khích vai trò chủ động của các bên trong mối quan hệ pháp lý hình sự…
Trong Phần quy định các tội phạm, BLHS năm 2015 có những quy định mới nhằm ứng phó với thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Một số điều luật được xây dựng với cấu thành tội phạm mới: tội khủng bố được quy định lại, nhằm phù hợp với những dấu hiệu mới được cộng đồng quốc tế xác định theo Nghị quyết số 1137 (2001) ngày 12/11/2001 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án mọi phương diện, mọi phương thức và hoạt động của chủ nghĩa khủng bố. BLHS năm 2015 đã xác định theo nghĩa rộng hơn so với trước đây, với hai loại cấu thành: tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) với tính cách là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố (Điều 299) và tội tài trợ khủng bố (Điều 300) với tính cách là những biểu hiện của tội xâm phạm an toàn công cộng. Ngoài ra, phạm vi của một số hành vi phạm tội tham nhũng sang lĩnh vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp (khoản 5 Điều 353 – tội Tham ô, khoản 6 Điều 364 – tội Đưa hối lộ, khoản 7 Điều 365 – tội Môi giới hối lộ) cũng như phạm vi đối tượng của hành vi tham nhũng gồm cả công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công) khoản 6 Điều 364 – tội Đưa hối lộ. Những quy định mới này nhằm bảo đảm phù hợp với thực trạng của tình hình và biểu hiện của tội phạm tham nhũng hiện nay, cũng như bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 2003 về tội phạm hóa các biểu hiện tham nhũng trong khu vực tư, các hành vi mua chuộc các quan chức cơ quan công quyền quốc gia cũng như người có chức vụ trong tổ chức quốc tế [9]. Ngoài ra, những tội phạm về kỹ thuật số, tội phạm công nghệ cao, BLHS xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định từ Điều 285 đến Điều 294 của BLHS năm 2015…
Trước thách thức của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện và có những bước tiến bộ rõ rệt để hoàn thiện chính sách hình sự nhằm phục vụ công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố cần đặt ra, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự trong hiện tại và tương lai.
4.2. Một số vấn đề cần đặt ra
i) Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “chính sách hình sự đặc biệt”. Thực tế trong thời gian qua, thực tiễn hoạt động xét xử đã làm cho các chế định về quyết định hình phạt đã trở lên “sống động”. Có rất nhiều vụ án, người phạm tội ở giai đoạn, điều tra, truy tố, thậm chí đến giai đoạn xét xử sơ thẩm vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm họ nhận thức được rõ ràng tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi cho xã hội, người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả để được nhận chính sách hình sự đặc biệt [10].
ii) Việc áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, IoT, đã tạo ra những thách thức mới trong việc xử lý tội phạm liên quan đến công nghệ như đã đặt ra ở phần xu hướng phát triển của tội phạm. Lập pháp cần xây dựng quy định trách nhiệm pháp lý cho chủ thể khởi tạo trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT có được coi là chủ thể của tội phạm [11] hay chỉ được coi là công cụ phương tiện của người phạm tội. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải đào tạo cán bộ cho cơ quan chức năng về các công nghệ mới và xây dựng các biện pháp pháp lý để đối phó với tội phạm công nghệ, chẳng hạn như vấn đề tiền ảo ở Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý [12]. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ và thách thức từ tội phạm kỹ thuật số, BLHS cần điều chỉnh lại các cấu thành tội phạm liên quan đến tội phạm kỹ thuật số, công nghệ cao, bao gồm các hành vi lừa đảo, tấn công mạng, phá hoại, phá vỡ an ninh mạng, gián điệp, tội danh liên quan đến dữ liệu và thông tin, để đáp ứng với nhu cầu phòng ngừa và xử lý tội phạm kỹ thuật số.
iii) Cần tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia, bởi vì các vấn đề liên quan đến tội phạm toàn cầu ngày càng phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện các thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, và tăng cường trách nhiệm quản lý quốc gia. Hơn nữa, đối với phạm vi áp dụng, BLHS Việt Nam cần phải mở rộng phạm vi áp dụng, bao gồm trách nhiệm hình sự của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân trong quá trình sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến và mạng xã hội.
iv) Tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật, chính sách pháp luật hình sự và các biện pháp phòng ngừa tội phạm cho cán bộ thuộc các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “công chức làm hỏng chính sách” [13]. Đặc biệt cần tuyên truyền nhận thức pháp luật sâu sắc cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (nhiều bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” khi đưa ra xét xử mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật). Theo đó, cần đề cao sự giáo dục, hiểu rõ tính minh bạch và tính công bằng, cũng như minh bạch và công bằng trong quá trình xử lý tội phạm. Mặt khác cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính người bị tố cáo, của người phạm tội. Hơn nữa, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho người thực thi pháp luật cũng là một yêu cầu quan trọng, cũng như đào tạo và nâng cao năng lực cho cảnh sát, công tố viên, luật sư và các chuyên gia khác về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin và kỹ thuật số để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thấu tình đạt lý.
v) Xây những chính sách hình sự mới nhằm đối phó với các tội phạm mới phát sinh, như tội phạm mạng, tội phạm liên quan đến thương mại điện tử và tội phạm liên quan đến ma túy và buôn bán người, môi trường và những thủ đoạn mới của nhóm tội phạm về kinh tế, tham nhũng….
Chính sách hình sự mới phải minh bạch, không tách khỏi biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân do sự tác động của tội phạm nhằm giúp họ hồi phục sau khi bị tội phạm gây ra những thiệt hại. Chẳng hạn như tình huống vụ án “chuyến bay giải cứu” vấn đề bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân (người được giải cứu) không được đặt ra trong xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chính những nạn nhân này thuộc nhóm người yếu thế cần phải được đảm bảo quyền lợi của họ bằng pháp luật hình sự.
TRÍCH DẪN
[1] Ngô Ngọc Diễm và Nguyễn Thị Ngọc Anh: Pháp luật các nước về ngoại lệ đối với quyền tác giả dành cho thư viện và những thách thức mới. https://lsvn.vn/phap-luat-cac-nuoc-ve-ngoai-le-doi-voi-quyen-tac-gia-danh-cho-thu-vien-va-nhung-thach-thuc-moi-1689257969.html. [2] Võ Khánh Vinh, Chính sách pháp luât: Khái niệm và các dấu hiệu, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 2/2015. [3] Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1: Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 2000, tr. 9. [4] Xem: Tuyên ngôn về các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, 1985 (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 40/34 ngày 29/11/1985) [5] GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (Trường Đại học Luật Hà Nội), Đề tài khoa học: Nghiên cứu tính thống nhất giữa BLHS trong việc quy định các tội phạm với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Tr.68, Hà Nội/2016. [6] https://Tapchitoaan.vn/ve-cai-tao-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-bi-ap-dung-hinh-phat-tu8584.html, truy cập lúc 10h ngày 24/7/2023 [7] Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng Hình sự, Hà Nội. [8] Quốc hội (2019), Luật Thi hành án Hình sự, Hà Nội. [9] Đào Trí Úc (2017), Chính sách hình sự thể hiện trong Bộ luật HÌnh sự năm 2015, Tạp chí Khoa học Pháp Lý, Hà Nội, tr.3 [10] Xem vụ án MobiFone mua AVG: “chính sách hình sự đặc biệt” được đề cập trong cuộc họp báo Chính phủ. Trong bản Kết luận điều tra vụ án ra ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” với 12 trong 14 bị can do đánh giá là những người thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác, nộp tiền để khắc phục hoàn toàn hậu quả gây ra… ; Xem thêm vụ án “chuyến bay giải cứu” để hiểu hơn về chính sách hình sự đặc biệt. [11] Xem: PGS.TS. Trịnh Tiến Việt, Các mô hình trách nhiệm hình sự đối với thực thể trí tuệ nhân tạo: Từ khoa học viễn tưởng đến viễn cảnh đặt ra trong chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học – Luật học (VNU), số 4/2019 [12] Xem: TS. Ngô Ngọc Diễm, ThS Trần Thị Diên, Công nhận tiền ảo, những vấn đề pháp lý cần đặt ra. Tạp chí Luật sưsô 12/12/2013, tr.21.
[13] Chính phủ phát động và tổ chức chuyến bay hồi hương theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của đại dịch Covid. Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm 5 bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải. Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần bám trụ để, sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần khoảng 2.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân[4] từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà do tình trạng những nhiều vòi tiền của các công chức thuộc 5 Bộ trong việc cấp phép cho chuyển bay vận chuyển. Vụ việc đã được điều tra, truy tố, xét xử cuối tháng 7 năm 2013.TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Khánh Vinh, Chính sách pháp luât: Khái niệm và các dấu hiệu, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 2/2015.
2. Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1: Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 2000, tr. 9.
3. Tuyên ngôn về các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, 1985 (được đại hội đồng liên hợp quốc thông qua theo nghị quyết 40/34 ngày 29/11/1985)
4. PGS.TS Lê Cảm, Những vấn đề lý luận về chính sách hình sự trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội 2006.
5. PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Chủ biên) Chính sách hình sự Việt Nam trước thách thức cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb Tư pháp, Hà nội 2020, tr.48.
6. TS. Phạm Văn Lợi, Khái quát về quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, Hà Nội 2006.
7. https://uet.vnu.edu.vn/nganh-tri-tue-nhan-tao-dan-dau-xu-huong-thoi-dai-co-hoi-vang-cho-gioi-tre-phat-trien-tuong-lai. Truy cập ngày 24/7/2023
8. Blockchain Market Size, Growth | Global Forecast Report [2029].https://www.fortunebusinessinsights.com/industry-reports/blockchain-market-100072 (accessed May 19, 2023).
9. IoT devices installed base worldwide 2015-2025, Statista. https://www.statista.com/statistics/471264/iot-number-of-connected-devices-worldwide/ (accessed May 19, 2023).
10. TS. Ngô Ngọc Diễm & Chu Huyền My, Cơ sở pháp lý điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phần mềm ChatGPT, Tạp chí Luật sư số 3/2023,tr.30.
11. TS. Ngô Ngọc Diễm, ThS Trần Thị Diên, Công nhận tiền ảo, những vấn đề pháp lý cần đặt ra. Tạp chí Luật sư sô 12/12/2013, tr.21
12. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng Hình sự, Hà Nội.
13. Quốc hội (2019), Luật Thi hành án Hình sự, Hà Nội.
14. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự, Hà Nội.
15. Nguyễn Ngọc Hòa (Trường Đại học Luật hà Nội), Đề tài khoa học: Nghiên cứu tính thống nhất giữa BLHS trong việc quy định các tội phạm với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Tr.68, Hà Nội năm 2016.
16. ThS. Hoàng Minh Sơn, Các giải pháp cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hà Nội 2006.
17. https://Tapchitoaan.vn/ve-cai-tao-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-bi-ap-dung-hinh-phat-tu8584.html, truy cập lúc 10h ngày 24/7/2023.
18. Trường Đại học Luật Hà Nội (2021), Giáo trình Luật hình sự (phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
19. Lê Văn Cảm (2005), Sách chuyên khảo Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.679.
20. Võ Khánh Vinh, Các mục tiêu, các ưu tiên và các nguyên tắc của chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 12/2015.
21. TS. Phạm Văn Lợi (2006), Một số vấn đề về chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội.
22. TS. Phạm Văn Lợi, Chính sách hình sự trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2007, tr.24.