Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274), tháng 9/2014.

logo NCLP

Đặc điểm của hoạt động xét xử của Tòa án

Hoạt động xét xử của Tòa án là hình thức áp dụng pháp luật quan trọng. Tính chất “áp dụng pháp luật” của hoạt động xét xử được biểu hiện ở những điểm sau đây:

Hoạt động xét xử là hoạt động quyền lực

Xét xử là hoạt động phán quyết của cơ quan thay mặt Nhà nước nhằm khôi phục trật tự nếu nó bị xâm phạm, hoặc nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân, của tập thể, của quốc gia và xã hội. Vì vậy, đây là một hoạt động quyền lực nhà nước đặc thù, nó không đơn thuần chỉ là dàn xếp, hòa giải, mặc dù về thực chất, dàn xếp và hòa giải cũng có mục đích như vậy và do đó, có mối liên quan khăng khít với hoạt động xét xử.

Hoạt động xét xử là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước nhằm xem xét, đánh giá và ra phán quyết về tính hợp pháp và tính đúng đắn của hành vi pháp luật hay quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp và mâu thuẫn giữa các bên có lợi ích khác nhau trong các tranh chấp hay mâu thuẫn đó.

Hoạt động trung gian hòa giải và dàn xếp đặc trưng cho lĩnh vực quan hệ hợp đồng khi vấn đề lợi ích có đụng chạm nhưng chưa đến mức nghiêm trọng đến các bên khác hoặc đến lợi ích chung của xã hội và cộng đồng. Do đó, hoạt động này tập trung trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, gia đình, và các phạm vi hành chính, hình sự nhỏ. Những sự dàn xếp, hòa giải như vậy có mục đích thúc đẩy sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh, lao động, khi những mâu thuẫn nhỏ còn có khả năng lắng đọng xuống và nhường chỗ cho hoạt động xã hội lành mạnh và tiến bộ.

Yếu tố “nhân danh quyền lực nhà nước” trong hoạt động xét xử có nghĩa rằng, đây không phải là hoạt động của cá nhân công dân, cũng không phải là hoạt động xã hội hay nghiệp đoàn. Và do đó, khi cần thiết, phán quyết của cơ quan nhân danh Nhà nước được bảo đảm thi hành bởi sự cưỡng chế hợp pháp của Nhà nước; “xem xét, đánh giá và ra phán quyết” là những yếu tố đặc trưng của hoạt động xét xử và do đó, có thể gọi hoạt động tư pháp là hoạt động xét xử. Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Trong tranh chấp hay xung đột mà Tòa án xem xét và phán quyết phải có từ hai chủ thể trở lên có vị trí độc lập đối với nhau về lợi ích, chứ không thể chỉ là sự dàn xếp cho những người khác nhau về địa vị, nhưng không có gì tranh chấp với nhau. Do đó, có thể gọi sự tranh chấp của các chủ thể khác nhau về lợi ích này là sự tranh tụng (nên còn được gọi là “tố tụng” – tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, v.v..)

Trên đây là những nội dung của hoạt động xét xử. Bất kỳ một hoạt động nào có hàm chứa những nội dung trên thì đều có thể được coi là hoạt động xét xử, dù nó thuộc lĩnh vực nào: hiến pháp, hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế, thương mại, đất đai, lao động v.v..

Vai trò và vị trí trung tâm của hoạt động xét xử được giải thích trước hết bởi tính pháp lý của nó trong toàn bộ các phương thức khác nhau mà xã hội và Nhà nước dùng để giải quyết các tranh chấp và mâu thuẫn lợi ích.

Thủ tục xét xử của Tòa án, như những yếu tố nêu trên, cho thấy rằng, đó là thủ tục công khai, dễ hiểu, dân chủ: sự độc lập của người xét xử (không là đại diện của bất kỳ bên nào hay của ai có liên quan về lợi ích). Thủ tục ở đây công khai, ai cũng biết và ai cũng phải làm theo như vậy. Thủ tục đó bảo đảm để các bên phản ánh hết ý kiến của mình với Tòa án một cách trực tiếp. Thủ tục đó bảo đảm sự giám sát của Viện kiểm sát, của các luật sư, của nhân dân. Toàn bộ những yếu tố đó làm cho Tòa án và hoạt động xét xử là một giá trị không gì có thể thay thế được.

Ở nước ta, từ trước đến nay, vai trò của Tòa án đối với việc áp dụng, bảo vệ pháp luật luôn luôn được đề cao, tuy ở những giai đoạn khác nhau vai trò đó có những mức độ biểu hiện khác nhau. Bằng chứng là Tòa án là một trong số các cơ quan được thành lập sớm nhất (Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 về Tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán). Trong thời gian đầu, vai trò của các Tòa án không chỉ được giới hạn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật mà các Tòa án còn được quyền quy định các quy phạm có tính phổ biến và bắt buộc. Trong tình hình pháp luật của nước ta lúc đó còn rất thiếu, các thẩm phán Tòa án tiến hành xét xử không chỉ theo pháp luật mà còn “theo tinh thần của luật”, theo niềm tin nội tâm và ý thức pháp luật cách mạng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của Nhà nước ta, các Tòa án đã đóng góp phần quan trọng vào việc tạo nên những quy phạm mới, dần dần được tập hợp trong các “bản tổng kết hàng năm” hoặc các “bản tổng kết chuyên đề xét xử” các vụ án, các loại án. Đó có thể nói là “tiền thân” của các quy phạm và chế định pháp luật và của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các đạo luật quan trọng khác của Nhà nước ta ngày nay.

Trong toàn bộ hệ thống áp dụng pháp luật và xét trong mối liên hệ với hệ thống pháp luật, cần phải kể đến vai trò của Tòa án tối cao.

Tòa án tối cao ở nước ta chỉ có thẩm quyền gợi ý các Tòa án các cách giải quyết vấn đề. Đó là các vấn đề về định tội danh, quyết định hình phạt, bồi thường thiệt hại, áp dụng các thủ tục tố tụng v.v.. Chẳng hạn, Tòa án tối cao thường chỉ ra những thiếu sót phổ biến của các Tòa án, những phương pháp giải quyết tốt và điển hình v.v.. để các Tòa án rút ra kinh nghiệm chung.

Các giải thích của Tòa án tối cao cũng thường hướng dẫn biện pháp xử lý cho phù hợp với chính sách pháp luật chung của cả nước.

Có thể nói rằng, việc áp dụng pháp luật được phản ánh trong các hướng dẫn khác nhau đó của Tòa án tối cao là sự phản ánh của pháp luật trong cuộc sống và đồng thời là cả các yêu cầu của cuộc sống, của thực tiễn pháp lý đối với pháp luật.

Hoạt động xét xử là quá trình áp dụng pháp luật sáng tạo

Hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án bao gồm những bước sau đây:

– Nghiên cứu, tìm hiểu nội dung điều luật

– Phát hiện những mâu thuẫn trong các nội dung của những quy định đang được áp dụng với các quy định pháp luật hiện hành khác (xung đột luật)

– Tìm giải pháp nhằm hợp lý hóa những quy định trái hoặc khác nhau trong khuôn khổ có thể lựa chọn được, nhất là khi vận dụng các khái niệm đánh giá (mức độ tùy nghi)

– Sử dụng nguyên tắc tương tự khi phát hiện các “lỗ hổng” của pháp luật

– Đề xuất những nội dung điều chỉnh mới với cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi quy phạm pháp luật.

Như vậy, xét xử là cả một quá trình hoạt động sáng tạo của Tòa án hay Tòa án chỉ còn là một “Bộ luật biết nói”?

Khi nói đến vị trí và vai trò của Tòa án trong hệ thống pháp luật của một Nhà nước không thể không đề cập đến vấn đề thẩm quyền của Tòa án trong những trường hợp phát hiện thấy điều luật đang áp dụng có nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật (không hợp pháp).

Trong những trường hợp đó, kinh nghiệm của các nước trên thế giới nói chung đã cung cấp cho ta hai khả năng giải quyết vấn đề. Nói đúng hơn, đó là hai mức độ thẩm quyền của Tòa án trong mối tương quan về thẩm quyền với các cơ quan lập pháp.

Trường hợp thứ nhất, Tòa án chỉ ghi nhận tính không hợp pháp (với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Nhà nước, với luật pháp, các hiệp ước và thông lệ quốc tế), rồi sau đó kiến nghị về ý kiến của mình lên cơ quan lập pháp. Trong trường hợp này, cơ quan lập pháp có thể không chấp thuận ý kiến của Tòa án.

Trường hợp thứ hai, sau khi phát hiện điều luật bất hợp hiến và bất hợp pháp, Tòa án có quyền chính thức coi điều luật đó là bất hợp pháp, đề nghị với cơ quan lập pháp có giải pháp sửa đổi hoặc bổ sung luật, hoặc đình chỉ hiệu lực của điều luật để xem xét lại, đề xuất phương án thay thế.

Vai trò của thực tiễn xét xử trong việc sử dụng cường độ áp dụng quy định của pháp luật

Chính sách pháp luật trong thực tiễn là sự nối tiếp và sự cụ thể hóa chính sách được thể hiện trong pháp luật. Tuy cơ quan thực tiễn không có quyền làm ra những quy phạm có hiệu lực phổ biến đã được thể chế hóa bằng pháp luật, nhưng sự biểu hiện của pháp luật trong thực tiễn bao giờ cũng đa dạng hơn, phong phú hơn so với khi nó đang được chứa đựng trong các quy phạm và chế định của pháp luật. Điều đó được biểu hiện thông qua bốn khả năng mà Tòa án – cơ quan áp dụng pháp luật được phép có: khả năng sử dụng những “cường độ” khác nhau khi áp dụng quy định của pháp luật; khả năng vận dụng các quy phạm đánh giá; khả năng áp dụng tùy nghi các quy định của pháp luật và khả năng giải thích pháp luật[1].

Vai trò của hoạt động xét xử khi sử dụng các quy định có tính chất đánh giá của pháp luật

Chẳng hạn, trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, có thể xem xét vấn đề về mối tương quan giữa yếu tố thuộc về hành vi tội phạm và yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội. Nếu nhấn mạnh yếu tố thứ nhất, coi trọng hành vi là chính, thì nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” sẽ được thực hiện tuyệt đối, nhưng không phải khi nào cũng cho ta một giải quyết đúng. Chẳng hạn, nếu không tính đến khả năng nhận thức của người phạm tội, như “bị chi phối, đe dọa, cưỡng bức; trình độ nghiệp vụ non kém, hoặc là: kẻ cầm đầu, kẻ xúi giục, kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn v.v.. Nhưng nếu chú trọng đến yếu tố nhân thân thì không tránh khỏi việc nhận xét và đánh giá chủ quan, dẫn đến phủ nhận tác dụng phòng ngừa chung của pháp luật. Chính vì vậy, người làm luật đã có một giải pháp thích hợp với cả hai yếu tố kể trên bằng cách sử dụng hai chế định: cấu thành tội phạm và quyết định hình phạt. Khi quy định cấu thành tội phạm, yếu tố hành vi đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố nhân thân chỉ được nhắc đến dưới dạng chung nhất. Cấu thành tội phạm là căn cứ cần và đủ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, song chưa đủ để xác định một hình thức xử lý về trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong chế định quyết định hình phạt của luật hình sự còn phải tính đến yếu tố nhân thân, vì mục đích của hình phạt là để tác động đến ý thức người phạm tội và do đó, Tòa án không chỉ “cân nhắc” đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng khác (Điều 45 Bộ luật Hình sự). Luật cũng quy định là, trong trường hợp, khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định, hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn (Điều 47). Cần chú ý: Luật dùng từ ngữ “có thể”, chứ không phải dùng từ ngữ có tính chất bắt buộc. Như vậy là, cả trong việc đánh giá và cân nhắc các yếu tố thuộc về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và cả khi sử dụng các yếu tố và tình tiết đó để quyết định hình phạt, Luật giao cho Tòa án được quyền cân nhắc tự giải quyết.

Vai trò của hoạt động xét xử khi sử dụng khả năng áp dụng tùy nghi các quy định của pháp luật

Chúng ta đều biết rằng, pháp luật chỉ ghi nhận và điều chỉnh những hoàn cảnh và hành vi đặc trưng nhất và điển hình nhất trong đời sống thực tế, coi đó là những quy tắc mẫu mực hợp lý nhất. Đó là cũng là yêu cầu về tính ổn định của pháp luật. Chính vì vậy, các quy phạm của pháp luật không thể phản ánh được hết tất cả các mặt của đời sống xã hội rất sinh động và đa dạng. Tính khái quát và phổ biến của quy phạm pháp luật, và yêu cầu áp dụng nó một cách cụ thể – đó là hai mặt của một sự thống nhất biện chứng, đòi hỏi sự sáng tạo và thể hiện vai trò quan trọng của hoạt động áp dụng luật, của hoạt động thực tiễn. Vai trò đó thể hiện ở việc giải quyết vấn đề, làm thế nào để mục đích của người làm luật được thực hiện đầy đủ và đúng đắn trong mọi điều kiện. Những tiền đề của sự giải quyết vấn đề đó trước hết phải được tạo ra từ hoạt động xây dựng pháp luật. Mặt khác, cũng như pháp luật nói chung, các tiền đề đó là do các điều kiện khách quan quyết định nhưng một phần nào đó là yếu tố chủ quan như kinh nghiệm làm luật, trình độ của đội ngũ cán bộ làm luật v.v..

Pháp luật, dù có hoàn thiện đến mấy, cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Và do đó, không thể cho rằng, kể từ khi bỏ nguyên tắc tương tự và quy định cụ thể các tội phạm, người áp dụng pháp luật chỉ còn đóng vai trò là một “Bộ luật biết nói”.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là quy định của pháp luật luôn luôn chỉ là quy định đông cứng mà không có ý nghĩa đối với hoàn cảnh và thời gian cụ thể. Nhiều quy định của pháp luật, ngay từ đầu, đã chủ tâm tạo ra những khả năng để vận dụng và hiểu tùy theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể.

Trong pháp luật hình sự, có nhiều quy phạm có tính chất đánh giá. Chẳng hạn, ta thường gặp các quy định như “xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây thiệt hại lớn”, “với số lượng” hoặc “có giá trị đặc biệt”, “có động lực đê hèn”, “thủ đoạn gian ác” v.v.. Những quy phạm đánh giá đó phản ánh một sự thật khách quan là: trong sự phát triển không ngừng của các quan hệ xã hội, không thể xác định trước được một số phạm trù mang tính biến đổi lớn về chất cũng như về lượng. Trong khi đó, quy phạm pháp luật phải vừa là những quy phạm có tính ổn định cao, lại vừa là một công cụ có chức năng phục vụ kịp thời yêu cầu của sự phát triển xã hội. Các phạm trù, khái niệm như khái niệm “lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, của tập thể” mà ta thường gặp trong các quy định của luật hình sự, cũng có thể thay đổi theo tiến trình phát triển của lịch sử. Các giá trị và việc đánh giá mức độ thiệt hại trong tương lai chắc chắn không giống như hiện nay, cũng như hôm nay khác với thời kỳ trước.

Phương hướng tăng cường vai trò của thực tiễn xét xử, phát triển án lệ trong chiến lược đổi mới hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định rõ: “TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Thể chế hóa quan điểm chiến lược của Đảng, Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong cả nước” (Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013).

Quan điểm trên đây xuất phát từ chỗ, với tính chất là thiết chế quyền lực nhà nước, TAND “có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Điều 102 Hiến pháp năm 2013). Cũng với tính chất đó, Tòa án không được quyền từ chối xét xử vì lý do “chưa có luật” hay “luật chưa rõ ràng”. Trong khi đó, phải thấy một sự thật là hệ thống pháp luật thực định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành vẫn tiềm ẩn những khả năng “điều chỉnh” thiếu cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng trong những tình huống nhất định. Từ đó, vai trò thực tế của Tòa án trong việc khắc phục những khiếm khuyết cố hữu của hệ thống pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật là hiển nhiên.

Xuất phát từ yêu cầu về quyền tiếp cận công lý của người dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN, Tòa án – khi áp dụng pháp luật về nguyên tắc, các thẩm phán không thể bị bó tay trước mỗi quan hệ, tranh chấp mà pháp luật chưa tiên liệu hoặc quy định chưa rõ. Trong khi quan hệ, tranh chấp mới phát sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, chủ trương áp dụng án lệ sẽ bổ khuyết kịp thời những lỗ hổng pháp luật này để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn.

Cho đến nay, ở Việt Nam án lệ không phải là nguồn pháp luật được xác định chính thức, do đó nó không mang tính ràng buộc chính thức đối với Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, những hướng dẫn giải thích có tính án lệ vẫn có vai trò hỗ trợ cho việc áp dụng luật một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn lãnh thổ. Xuất phát từ quy định tại Khoản 3 Điều 104 của Hiến pháp năm 2013, cần coi nhiệm vụ của TAND tối cao “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” là yêu cầu mà phương thức thực hiện yêu cầu đó là phát triển án lệ.

Án lệ có khả năng điều chỉnh cụ thể, khả năng bảo đảm tính công bằng, vì vậy án lệ dễ được chấp nhận nếu lấy đó làm căn cứ pháp lý để giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể.

Để bản án, quyết định có thể trở thành án lệ thì bản án, quyết định cần đáp ứng những tiêu chí nhất định. Theo đó, một bản án để có thể trở thành án lệ phải có các điều kiện như:

– Nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án được coi là án lệ phải liên quan đến một vấn đề pháp lý cụ thể đang có tranh chấp. Trong trường hợp các vụ án hay tranh chấp được giải quyết tại tòa án nếu các vấn đề pháp lý đã rõ, thì Thẩm phán áp dụng luật đã có. Nhưng khi trong vụ án cụ thể liên quan đến các vấn đề mới hoặc một nghi vấn do pháp luật thực định không rõ ràng, thiếu cụ thể, tức là khi mà thực chất vấn đề pháp luật chưa được giải quyết trước đó và chưa hề có lời giải đáp trong thực tiễn, thì vai trò của TAND tối cao là đưa ra lời giải đối với vấn đề pháp luật đặt ra trong vụ án. Việc tìm ra quy chuẩn cho hành vi ở đây chính là sự “kiến tạo pháp luật”. Nói khác đi, phán quyết của TAND tối cao trong vụ việc cụ thể này đã tạo ra một án lệ cho các vụ việc trong tương lai.

– Trong bản án hoặc quyết định phải thể hiện được thái độ, quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về các vấn đề pháp luật được đặt ra. Nếu trong bản án không có quan điểm, đường lối giải quyết thì đó chưa được xem là án lệ. Bản án của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần thể hiện quan điểm của mình rõ ràng, dứt khoát đối với vấn đề pháp lý mới nảy sinh trong vụ án. Với cấu trúc và nội dung đó, quyết định được coi là án lệ và phải có giá trị áp dụng bắt buộc, tương đương với một quy phạm pháp luật hoàn chỉnh.  

Sử dụng án lệ phản ánh bản chất và đặc trưng của pháp luật là tính công bằng, khả năng bảo đảm lợi ích chính đáng của các chủ thể quan hệ pháp luật. Tư tưởng về sự công bằng và công lý là đặc trưng nền tảng của pháp luật và thiên chức của hoạt động xét xử là đưa những tư tưởng đó vào cuộc sống thông qua hoạt động áp dụng pháp luật.

Để bảo đảm cho chức năng đó của hoạt động xét xử của Tòa án được thực hiện, thì như đã phân tích ở các phần trên, Tòa án phải được quyền giải thích các quy phạm đang áp dụng theo hướng phù hợp với bối cảnh của các quan hệ pháp lý nảy sinh, được quyền “có ý kiến” đối với những quy phạm pháp luật thực định hiện hành, nhằm bảo đảm cho các quan hệ xã hội hiện hữu trở nên ổn định hơn, bảo vệ tối đa sự công bằng và công lý. Nội dung yêu cầu trên đây có thể được bảo đảm thực hiện trong quá trình cải cách tư pháp và hoàn thiện địa vị pháp lý của TAND. Đó là việc bảo đảm nguyên tắc độc lập của các hoạt động tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán./.

GS,TSKH. ĐÀO TRÍ ÚC

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội

ThS. NGUYỄN THU TRANG

Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân


[1] GS.TSKH Đào Trí Úc, Luật hình sự Việt Nam, quyển 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.205

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *