Ngày 05/8/2021, Báo VnExpress đưa tin về sự việc một chủ nhà hàng tại Hong Kong bị bắt vì bán đồ ăn không giống quảng cáo với nội dung như sau:

“Theo Cơ quan Hải quan và Bộ phận thuế tiêu thụ đặc biệt của Hong Kong, người phụ nữ 47 tuổi, điều hành một nhà hàng và quán trà ở quận Tai Po, bị buộc tội Cung cấp thực phẩm với mô tả thương mại sai lệch. Hình phạt tối đa cho hành vi này lên tới 5 năm tù và 500.000 HKD, tương đương hơn 64.000 USD.

Mỗi suất ăn sáng bằng bào ngư tại quán ăn này có giá không đến 40 HKD, do đó các thực khách đã nghi ngờ các món ăn không chứa bào ngư thật và họ quyết định gửi tố cáo tới cơ quan điều tra.

Một nhân viên hải quan, đóng giả là một khách hàng, đã mua hai suất ăn sáng gồm bào ngư dăm bông macaroni và bào ngư kèm trứng tráng dăm bông.

Các mẫu đĩa sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm của chính phủ. Nhà chức trách cho biết sau khi kiểm tra, họ đã xác nhận rằng thành phần bào ngư trong hai món ăn không phải bào ngư, mà là mực. “Điều này vi phạm Pháp lệnh Mô tả Thương mại”.”

Sau khi bài báo được đăng tải nhiều độc giả đã thắc mắc liệu pháp luật Việt Nam có điều chỉnh hành vi này hay không và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này được quy định như thế nào.

Trao đổi với chuyên gia pháp lý thuộc Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội: Đây thực chất là hành vi quảng cáo không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm được điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo năm 2012. Theo đó, quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là hành vi bị cấm trong quảng cáo (khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012). Hành vi này khiến cho khách hàng hiểu không đúng về sản phẩm dẫn tới quyết định mua hàng không chính xác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật: pháp luật Việt Nam quy định tuỳ theo hành vi, mức độ vi phạm mà người quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trách nhiệm hành chính

Căn cứ khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ các trường hợp sau:

(i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc (khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

(ii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh (điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

(iii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản (khoản 1 Điều 60 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

(iv) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo giống cây trồng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh giống (số lượng, chất lượng, giá bán), nội dung ghi trên nhãn, nhãn hiệu (điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Trách nhiệm hình sự

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì người có hành vi quảng cáo không đúng sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hình phạt cụ thể như sau:

“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

  1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trách nhiệm dân sự

Bên cạnh xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi quảng cáo không đúng sự thật nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc chủ thể khác có liên quan thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 11 Luật Quảng cáo năm 2012. Việc bồi thường thực hiện theo quy định tại chương XX Bộ luật dân sự năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt vì quảng cáo không đúng sự thật

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có hành vi quảng cáo không đúng sự thật đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Mới đây, ngày 19/5/2021, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín, trụ sở tại Lô A3 và A4 đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, thành phố Huế, với số tiền 120 triệu đồng về hành vi quảng cáo sai sự thật, quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. và điểm a, khoản 5, Điều 51 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP.

Năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín cũng đã từng quảng cáo sai sự thật về công trình xây dựng tại số 67 Vạn Xuân, phường Kim Long thành phố Huế và bị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xử phạt số tiền 100 triệu đồng (theo báo điện tử VTV).

Trên website của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng công khai việc xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm công nghệ Nhật Bản (địa chỉ: số 15, ngõ 259 phố Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) 60 triệu đồng về hành vi vi phạm: quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GMDIET PLATINUM gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh theo Quyết định số 26/QĐ-XPVPHC ngày 16 tháng 6 năm 2021 của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Quảng cáo không đúng sự thật là hành vi vi phạm đạo đức, chuẩn mực trong kinh doanh và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Thiết nghĩ các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh không nền vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, vi phạm pháp luật quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm, dịch vụ của mình mà nên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiến tới phát triển bền vững.

Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *