Câu lạc bộ Luật học Themis
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, sự phát triển của công nghệ chính là “chìa khóa” cho sự thay đổi, đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Đặt hệ quy chiếu đó vào ngành luật, một trong những thắc mắc lớn nhất được nhiều bạn sinh viên quan tâm chính là máy móc, robot… có thể thay thế con trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng máy móc có thể thay thế con người trong việc tư vấn pháp luật hay không? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những thách thức cũng như triển vọng của ngành luật trong kỷ nguyên số.

1. Quan niệm về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 được Giáo sư KLaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra lần đầu tiên tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 tại Davos, Thụy Sĩ gắn với những thay đổi về tốc độ, phạm vi và ảnh hưởng của các công nghệ mới so với cách mạng số hóa từ những năm 1960. Thực tế, KLaus Schwab không phải là người đầu tiên nói về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà trước đó năm 2011, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đã khởi động chương trình công nghiệp 4.0. Đây là chương trình mang tầm cỡ chiến lược quốc gia nhằm mục đích tận dụng công nghệ số để tăng cường mức độ số hoá, tăng cường sự kết nối phức hợp giữa sản phẩm, chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh, qua đó duy trì sự lãnh đạo của Cộng hoà Liên bang Đức trong sự phát triển công nghệ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo trong lịch sử loài người và hiện đang ở giai đoạn bắt đầu, nó được dẫn dắt bởi các công nghệ mới thuộc cả lĩnh vực số, vật lý và sinh học, trong đó trung tâm là các công nghệ chuyển đổi số, qua đó hứa hẹn đem lại những tác động vô cùng to lớn và toàn diện đối với cách thức con người làm việc, kinh doanh.

Ở Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề mới được nghiên cứu trong giới học thuật và gần đây nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, trở thành một vấn đề được ghi nhận trong chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và cụ thể hoá trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về “tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong đó khẳng định thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng có với nhịp độ ngày càng nhanh và quy mô ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ hệ thống kết nối: số hoá – vật lý – sinh học với sự đột phá của internet vạn vật (IoT) và tri tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi căn bảo nền sản xuất, làm thay đổi thương mại, y tế, giáo dục. Ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với chủ trương là đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh.

2. Những thách thức chủ yếu đối với ngành luật

2.1. Rèn luyện kỹ năng

Rèn luyện khả năng chuyên môn cao: đặc thù của ngành luật là yêu cầu về tư duy logic, giải quyết vấn đề, cân đối giữa yếu tố đạo đức con người và hành lang pháp lý. Mỗi người học Luật cần có kiến thức pháp lý vững vàng và khả năng áp dụng trong từng trường hợp cụ thể kết hợp với rèn luyện đạo đức để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.

Thích ứng với những thay đổi: mỗi người học Luật cần phải tiếp cận đến những công nghệ pháp lý, học để sử dụng và quản lý chúng để làm chủ nghề nghiệp trong kỷ nguyên của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Áp dụng công nghệ: để đưa ra ý tưởng mới cho ngành khoa học pháp lý. Mỗi người học Luật cần tìm ra biện pháp hiệu quả nhất cũng như nhanh gọn nhất để giải quyết tranh chấp, tránh thiệt hại nhiều nhất có thể.

2.2. Những thách thức đối với ngành luật

Thay đổi về không gian: pháp luật có giới hạn về không gian, thông thường giới hạn đó gắn với phạm vi lãnh thổ mỗi quốc gia. Thứ hai, định vị của một người trong không gian hoặc vị trí của một bất động sản luôn được coi là căn cứ để xác định nơi – và từ đó pháp luật được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, các quyền tài sản, quyền nhân thân (như quyền thừa kế, quyền bầu cử, đăng ký giao dịch bảo đảm…). Không gian là cơ sở để xác định hệ thống pháp luật áp dụng và xác định toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến các quyền và nghĩa vụ pháp lý đó.

Giới hạn không gian của pháp luật sẽ bị thay đổi với các tác động của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và các rô bốt thông minh. Với cách mạng công nghiệp 4.0 các hoạt động truyền thông, quảng cáo; các hành vi, hoạt động thương mại, các giao dịch dân sự, thậm chí các tội phạm có thể được thực hiện một cách “phi biên giới”. Lúc này chủ thể thực hiện các hành vi không bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nữa.

Thay đổi về thời gian: Thời gian là đại lượng được sử dụng làm tiêu chí cho các hành vi pháp luật. hầu như trong khắp các lĩnh vực pháp luật đều sử dụng đến đại lượng thời gian. Đó là các quy định về thời hiệu, thời hạn, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian hưởng bảo hiểm xã hội…Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của công nghệ tự động hoá, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, việc sử dụng rô bốt – như là một lực lượng lao động mới có thể dẫn đến những biến đổi về đại lượng thời gian trong pháp luật. Ví dụ, cách tính thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động vốn chỉ phù hợp với con người sinh học, nhưng với rô bốt thì rất khó có thể áp dụng được. Một email, một quyết định xử lý công việc nếu được đảm nhận bởi rô bốt hay trí tuệ nhân tạo thì có thể thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào nên khoảng thời gian làm việc hay thời gian nghỉ ngơi cũng có thể thay đổi.

Thay đổi về chủ thể pháp luật: Rô bốt thông minh sẽ không chỉ có trong các phim viễn tưởng nữa mà khả năng hiện thực đã rất rõ ràng trong việc thay thế con người ở nhiều công đoạn sản xuất, thậm chí cả một số hành vi xã hội. Những rô bốt hiện đại có khả năng tự cảm nhận, tự phản ứng, điều chỉnh hành vi tương thích với sự thay đổi của môi trường bên ngoài, tương tác, tự học hỏi và thậm chí có thể tự đưa ra quyết định. Ở mức độ cao, các rô bốt có thể tồn tại độc lập so với người làm ra nó; rô bốt có những hành vi có thể phát sinh hệ quả xã hội độc lập và không còn gắn với chủ thể sáng tạo ra rô bốt.

Thay đổi về hành vi pháp lý: Từ cuộc Cách mạng nghiệp 4.0 có thể làm xuất hiện những hành vi pháp lý mới như giao dịch tiền ảo; an ninh mạng; những hành vi gián điệp hay đánh cắp dữ liệu trên Internet; các hành vi spam, lan truyền virut, tấn công an ninh mạng hoặc rủi ro từ đánh cắp bản quyền, vi phạm luật sở hữu trí tuệ…Ngoài ra, có một xu hướng mới đó là sự kết hợp của các công nghệ in 3D, có thể in các cơ quan cơ thể người khi sử dụng nguồn “mực sinh học” là một dung dịch dinh dưỡng chứa các tế bào gốc – sẽ có khả năng tạo ra những con người “cấy ghép” mà việc định danh cũng như xác định các quan hệ nhân thân, tài sản kéo theo sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Hành vi pháp lý thay đổi và chủ thể mới của vi phạm cũng sẽ xuất hiện.

Để đối phó với các hành vi vi phạm mới trên phải cần đến những công cụ pháp lý vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia; song song với đó, quy mô, tính chất của công cụ điều tra, thủ tục tố tụng hay nền tảng pháp lý cũng phải phù hợp tương ứng với trình độ phát triển của nền tảng công nghệ 4.0 mới xử lý được các hoạt động như vậy. Các quan niệm truyền thống về chế tài pháp lý, vi phạm pháp luật, quy trình tố tụng… cũng cần được định nghĩa lại ở phạm vi, quy mô mới. Cao hơn cả là mô hình hợp tác phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cần được cải tiến hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

Ngoài ra, bất cứ lĩnh vực nào đang chịu tác động của cuộc cách mạng 4.0, là khả năng thích ứng của con người trước những biến đổi công nghệ mạnh mẽ. Sự choáng ngợp trước những thay đổi lớn về công nghệ và hướng đi, tư duy cũ sẽ là cú sốc đối với mỗi sinh viên học Luật hay thậm chí là cả những người đang hành nghề Luật. Những sinh viên học Luật vẫn đang tiếp thu cách dạy truyền thống về Luật trong những trường đại học sẽ khó tiếp cận được với những công nghệ này nếu không có sự tự học, tự rèn luyện của mình. Còn với những người đang hành nghề Luật, phần lớn họ thuộc thế hệ Xennials hoặc thế hệ Y (sinh năm từ 1994 – 1975). Họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lối tư duy cũ và phần lớn là khó tiếp cận với công nghệ hơn. Đây sẽ là những trở ngại lớn đối với ngành Luật khi nhân lực không dễ dàng tiếp cận và quản lý công nghệ liên quan đến pháp lý.

3. Những triển vọng cho ngành Luật trong kỷ nguyên số

Nhu cầu nhân sự ngành Luật, đặc biệt ở Việt Nam, là rất lớn và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tiếp theo. Ngày nay, cử nhân Luật có cơ hội việc làm rất đa dạng, không chỉ bó hẹp trong các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, sở Tư pháp,… mà còn làm việc cho các công ty pháp lý. Đặc biệt, cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng đang hấp dẫn những cử nhân Luật. Không chỉ vậy, đối với những người học Luật Quốc tế, họ còn có cơ hội làm việc cho các đại sứ quán hay các tổ chức phi chính phủ… để đóng góp cho cộng đồng.

Ngoài việc làm cho nhà nước, công ty tư nhân, doanh nghiệp, văn phòng pháp chế,… nhân sự ngành Luật còn có thể mở rộng hướng đi mới cho mình trong đó có kết hợp sử dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa các hoạt động pháp lý. Người học Luật có thể học thêm về công nghệ máy tính, người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) để tự mình tạo ra những nền tảng hỗ trợ pháp lý nhằm giúp cho các thủ tục pháp lý được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Việc những công nghệ cao được áp dụng nhiều vào ngành Luật liệu có thay thế được vai trò của những người làm luật? Câu trả lời là không. Nhưng những công nghệ này chắc chắn sẽ làm thay thế được những công việc liên quan đến pháp lý. Như vậy, nhân lực ngành Luật cần có những kỹ năng để điều khiển công nghệ này, đồng thời cần phải có kỹ năng pháp lý cao hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn những “người máy” này để không bị thay thế.

Hãy nhớ rằng: Cơ hội chỉ đến với những người đã sẵng sàng (Opportunity only comes to those who are ready)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *